1. Đón tiếp quý thân nhân tu sĩ

2. Cha Tổng Phục Vụ Piô M. Nguyễn Quang Đán gặp gỡ quý thân nhân tu sĩ

3. Cha Têphanô M. Phạm Cao Đích TCVI, chia sẻ về “Nhìn lại một chặng đường của Hội Dòng”

4. Dâng Thánh Lễ Tạ Ơn

5. Bữa cơm thân mật

Để tăng thêm mối tương quan giữa Hội Dòng và Gia đình các tu sĩ, để các gia đình hiểu thêm về Hội Dòng, về Linh đạo, về Đường hướng đào tạo, về sứ mệnh truyền giáo; để các bậc cha mẹ hiểu hơn về con cái mình trong đời tu trì,... nên Hội Dòng đã có Buổi Họp mặt thật là ý nghĩa giữa Hội Dòng và Gia đình, thân nhân các tu sĩ.

Và cứ khoảng hai năm một lần, Dòng Đồng Công lại tổ chức một Buổi Họp mặt. Năm nay cũng vậy, Buổi Họp mặt đã diễn ra nhằm ngày 24/08/2014, tại Nhà mẹ Dòng Đức Mẹ Đồng Công, số 521 Tô Ngọc Vân, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Buổi họp bắt đầu từ 8h00’ và kết thúc lúc 13h00’.Đây là một truyền thống tốt đẹp của Hội Dòng.

1. Chuẩn bị

Vì đây là chương trình lớn của Hội Dòng nên mọi việc phải có sự chuẩn bị chu đáo. Trước ngày họp mặt khoảng sáu tháng, Bề trên Dòng đã thông báo cho các tu sĩ của mình về Buổi Họp mặt này.

Chuẩn vị xa: Trước hết, Văn phòng Nhà mẹ Dòng kiểm tra lại tất cả các địa chỉ liên hệ giữa nhà dòng và gia đình.  Kế đến, Nhà Dòng đã gửi tới mỗi gia đình tu sĩ một thiệp mời và một phong bì, tem thư hồi đáp. Trong thiệp, Hội Dòng có lời mời đến các gia đình và thân nhân các tu sĩ đến tham dự buổi họp mặt tại ngày đã định. Đối tượng được mời đầu tiên là cha, mẹ; kế đến là anh chị em ruột thịt; và cuối cùng là các thành viên khác tùy gia đình sắp đặt. Mỗi gia đình có thể đăng kí từ 1 tới 4 người và hồi đáp về Nhà Dòng bằng thiệp. Tuy là đã gửi thiệp mời nhưng Bề trên Dòng vẫn cho phép các tu sĩ liên hệ với gia đình qua các phương tiện khác để biết rõ số người tham dự, tiện cho việc tổ chức.

Chuẩn bị gần: Các Ban lớn trong Dòng đã có cuộc họp với các Bề trên và hoạch định chương trình tổ chức và đón tiếp. Mỗi Ban lãnh một nhiệm vụ khác nhau: Ban Trang trí lo trang hoàng phòng họp mặt và tất cả những nơi có liên quan; Ban Văn nghệ chuẩn bị quà mừng và các tiết mục văn nghệ; Ban Tiếp tân lên kế hoạch và chia người cụ thể vào các vị trí cần tiếp đón; Ban Ẩm thực lên hóa đơn và chia người sẵn sàng làm việc; Ban Ca nhạc, Ban Lễ nghi, Ban Cung thánh,... tất cả đều có chương trình để cho buổi họp mặt có hiệu quả cao nhất.

Mặc dầu còn cả tuần lễ nữa mới tới ngày họp mặt, nhưng các ban đã bắt tay vào công việc của mình, cụ thể là Ban Trang trí và Văn Nghệ. Ban Văn nghệ đã soạn ra các loại quà mừng, nào là đóng gói quà, nào là tập dợt các bài hát; Ban Trang trí cũng vất vả không kém: nào là trang trí khán đài hội trường, nào là đóng khung gắn các hình ảnh,... Tất cả đều bận rộn, phục vụ cho ngày trọng đại đó.

2. Hân hoan chào đón

Khi các chú chim con lười biếng, ngủ nướng trên các cành cây thì các tu sĩ Đồng Công đã trỗi dậy, họ vào nguyện đường và dâng lên Thiên Chúa qua tay Đức Mẹ những lời ca, tiếng hát, những tiếng nguyện cầu thiết tha, xin Chúa thương ban ơn và cầu chúc cho tất cả công việc trong ngày sống của họ; cách riêng là Buổi Họp mặt hôm nay.

Tiếng các chú chim rộn ràng ca hát hòa trộn với tiếng ồn ào náo nhiệt của phố xá,... khiến Ông Mặt Trời đã bừng tỉnh, và kìa, Ông đã nhô lên khỏi dãy tre xa xa. Và lúc ấy, tại Dòng Đồng Công, các tu sĩ đã bắt đầu đón tiếp các thân nhân của mình. Tại Phòng Khách, một băng rôn lớn có ghi khẩu hiệu: “ Hân hoan chào mừng Quý thân nhân tu sĩ Đồng Công”.

Ngay từ lúc nửa đêm tới sáng, một số ông bà cố ở những nơi xa đã tới Nhà Dòng. Sáng sớm, từng đoàn xe máy, xe ô tô các loại từ  các ngả đường tiến về Dòng Đồng Công. Các tu sĩ, linh mục Dòng, quần áo chỉnh tề, lịch sự chào đón quý khách. Thầy thì hướng dẫn gửi xe vào bãi, thầy thì phát bảng đeo cho các thân nhân, thầy thì hướng dẫn quý thân nhân về Hội trường. trong Hội trường, MC Phúc Lộc cũng bận rộn – mic-rô không rời tay, thầy lo hướng dẫn hết đợt thân nhân này tời đợt thân nhân khác đang  hối hả tiến về. Cha Bề trên Tổng quyền Pi-ô. M. Nguyễn Quang Đán và cha Phó Bề trên Tổng quyền Stê-pha-nô. M. Phạm Cao Đích với dáng điệu quen thuộc cũng tất bật  cùng với đón chào các quý khách từ mọi miền đất nước. Chẳng mấy chốc, cả mấy trăm ghế được xếp sẵn trong Hội trường đã chật ních. Với với số ghế ban đầu khoảng 800, sau đó xếp thêm nữa và cuối cùng tất cả khoảng 870 ghế được xếp kín.

Chương trình tổng thể của Buổi Họp mặt là:

- 7h00’ -  Đón tiếp quý thân nhân

+ Lời chào mừng của cha TCV I, Trưởng ban tổ chức.

-  8h00’ - Gặp gỡ và chia sẻ (cha TPV) – thưởng thức nhạc cảnh.

(1)  Nhạc phẩm: Ave Maria (quý thầy Nhà Tập – playback)

(2)  Nhạc cảnh: Gánh hàng rong (quý thầy Tiền tập – playback)

(3)  Mẹ La Vang (thầy Khiêm Tốn và quý thầy – ban nhạc CMC).

-   9h00’ - Giải lao

-   9h00’ – Dòng Đồng Công – Nhìn lại một chặng đường (cha TCV 1) – Trao đổi và góp ý xây dựng Dòng.

+ Quà gia đình

+ Quà may mắn (lưu niệm ngày họp mặt thân nhân tu sĩ Đồng Công).

-   10h30’ – Sửa soạn Thánh lễ

-    10h45 – Thánh lễ Tạ ơn

-    11h00’ – Bữa cơm gia đình

-     Bế mạc.

3.  Diễn tiến Buổi Họp mặt

Thời gian cứ dần trôi, đúng 8h00’, Cha Phó Bề trên Tổng quyền Stê-pha-nô. M. Phạm Cao Đích lên khán đài, cha hân hoan, nhiệt liệt chào mừng quý thân nhân từ khắp mọi miền đất nước, và ngài tuyên bố khai mạc Buổi Họp mặt. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt, tiếng cười nói ồn ào, khiến cả Hội trường thêm nóng lên.

Sau lời chào mừng và khai mạc của cha Phó Bề trên, tiếp đó là lời huấn từ của Cha Bề trên Tổng quyền Pi-ô. M. Nguyễn Quang Đán gửi đến toàn thể thân nhân. Mở lời, Ngài nói: “ Đây không chỉ là Buổi Họp mặt nhưng còn là Buổi Họp lòng”. Ngài nhấn mạnh vấn đề này bởi vì đây là Buổi Họp mặt mang tính chất gia đình. Gia đình thân nhân, gia đình Hội Dòng, tất cả đều nằm trong gia đình Giáo Hội hoàn vũ. Với bài huấn từ dài khoảng 43 phút, Ngài nhấn mạnh hai vấn đề cơ bản:  thứ nhất là Những thách đố của các gia đình trong xã hội hôm nay; thứ hai là Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình.

Vấn đề thứ nhất, Ngài nhắc lại những vấn đề được thảo luận trong Liên HĐGM Á Châu : “Có nhiều thách đố nhưng thách đố  lớn nhất là thách đố trong đời sống gia đình: Nạn ly dị, phá thai, xuống cấp đạo đức, nạn bạo lực trong gđ…..”. Những khó khăn về chính trị và những não trạng của con người thời nay

Não trạng thù nghịch với hạnh phúc GĐ gồm:

-  Não trạng duy vật chất, coi nhẹ tinh thần

-  Não trạng duy cá nhân; rút lui vào phòng riêng để tâm sự với máy vi tính, gặp gỡ các nhân vật ảo….

-  Não trạng thuyết tương đối về luân lý: người ta cho rằng không có luật luân lý khách quan, điều gì tôi cho là tốt là nó tốt, điều gì cho là xấu là nó xấu.

-  Não trạng cào bằng tôn giáo cho đạo nào cũng là tốt.

-  Não trạng nền văn minh oán ghét và nền văn hóa sự chết (Thánh Gioan Phaolô II).

Vấn đề Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình, Ngài nhấn mạnh Rao giảng Tin Mừng cho người không có đạo – Phúc âm hóa chính các Kitô hữu.

-  Vị trí ưu tiên của Tin Mừng: Lời Chúa có địa vị nào trong gia đình của chúng ta… Lời Chúa chỉ được nghe trong nhà thờ chứ chưa vang vọng tới gia đình. Gia đình đã có sách Tin Mừng chưa? Đã chia sẻ cho người khác chưa?

- Liên tục canh tân đời sống Gia đình cho phù hợp với Giáo huấn của Tin Mừng. Gia đình ngày hôm nay đánh mất các giá trị tinh thần: yêu thương quảng đại, hy sinh, tha thứ, chịu đựng…Hãy sống sao để cho người ta biết đời sống mình có gì khác với người không công giáo.

  - Nêu cao tinh thần bác ái sống cho nhau và vì nhau, tránh thói ích kỷ.

* Bí quyết để sống hạnh phúc (theo ĐTC Phanxicô)

- Tập sống cho người khác

- Tận hưởng những giây phút bên nhau trong gia đình, cụ thể là tắt ti vi khi dùng bữa để nghe nhau và nói chuyện với nhau.

- Tôn trọng ngày lễ nghỉ, coi ngày chúa nhật là ngày dành cho gia đình.

Ngài kết luận: Biến Gia đình mình thành Phúc âm hóa và biến Gia đình mình thành phương tiện để Phúc âm hóa các gia đình khác, tóm lại hãy sống đạo và truyền đạo chứ không phải chỉ giữ đạo.

Sau những lời huấn từ của Cha Bề trên là các tiết mục văn nghệ của các thầy trình diễn. Tiết mục đầu tiên rất nhộn nhịp với nhạc phẩm A-ve Ma-ri-a do các thầy Tập sinh trình diễn. Tiết mục này khuấy động Hội trường với những màn nhảy nhót độc đáo và thú vị. Nhạc phẩm thứ hai được mang tên Gánh hàng rong được trình diễn bởi các thầy Tiền tập. Bầu khí Hội trường như chùng xuống bởi tình cha nghĩa mẹ, cả đời cha mẹ đã lo lắng cho con và vì con. Nhạc phẩm cuối cùng đó là bài Mẹ La Vang do thầy Khiêm Tốn và các thầy Khấn sinh Đội 21 trình diễn. Những cơn sóng tâm tình lại rào rạt trong lòng mỗi người; và đâu đó những giọt nước mắt đang muốn trào khỏi bờ mi khi lời bài hát nhắc đến tình Mẹ Trên Trời.

Sau những khắc giải lao quý báu, Cha Phó Bề trên Phạm Cao Đích lại có buổi nói chuyện “Nhìn lại một chặng đường của Hội Dòng”. Từ một Hội Dòng bé nhỏ được sinh ra trên đất Bùi Chu – Bắc Việt năm 1953, do một vị Sáng lập người Việt Nam mà giờ đây đã lan tỏa ra nhiêu miền trên đất nước và nước Mỹ. Với số nhân sự khoảng gần 700 người bao gồm Linh mục, Tu sĩ Khấn trọn, Tu sĩ Khấn tạm, Tập sinh, Tiền tập sinh, và Cộng sự viên. Với lực lượng nhân sự đông đảo ấy, các linh mục, tu sĩ Đồng công đã có mặt ở nhiều địa phận chẳng hạn: Thái Bình, Bùi Chu, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Xuân Lộc, Phú Cường, Tp. Hồ Chí Minh, Long Xuyên, Đà Lạt, Cần Thơ,…Không chỉ tại Việt Nam mà tại đất nước Hoa Kì cũng đã có mặt các tu sĩ, linh mục Đồng Công cách đây gần 40 năm. Tuy Hội Dòng còn bé nhỏ so với các hội dòng khác; tuy vậy, Hội Dòng cũng đã có nhiều những hoạt động thực tiễn trong nhiều lãnh vực như: Truyền giáo, Bác ái, Y tế, Giáo dục,…

Sau những đợt phát quà chung và quà trúng thưởng cho quý thân nhân, đã có một chút thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa. Đúng 10h45, Thánh lễ Tạ ơn đã diễn ra một cách long trọng và linh thiêng tại Nguyện đường Dòng. Cha Bề trên Pi-ô.M. đã chủ tế thánh lễ; cha Hi-la-ri-ô Truyền giảng lễ. Thánh lễ Tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ơn lành Ngài đã ban cho Hội Dòng cũng như ban cho các Gia đình thân nhân của Dòng.

Sau Thánh lễ, 90 bàn cao lương mĩ vị đã được các thầy xếp sẵn trong Hội trường. Cha Phó Bề trên đã chủ tọa và ban phép lành của ăn uống cho quý thân nhân. Những tiếng cười nói, tiếng cụm ly chan chát, những lời chúc chân thành… hòa với tiếng đàn nhạc, ca hát,… tất cả như một bản hòa tấu sôi động khiến cho niềm vui dâng lên gấp nhiều lần.

Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, buổi họp nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Quy luật là như thế; nhưng những dư âm ngọt ngào trong người đi kẻ ở vẫn còn đó; những mối tương quan tốt đẹp giữa Hội Dòng và Gia đình vẫn không thể phai mờ theo thời gian. Trái lại, mối tương quan tốt đẹp ấy mỗi ngày lại có sự phát triển hơn theo năm tháng. Ước gì, những Buổi Họp mặt lần sau sẽ diễn ra với thời gian dài hơn, tổ chức quy củ, hoành tráng hơn… để mối tương quan giữa Nhà Dòng và Gia đình mỗi ngày một thăng hoa và Danh Chúa mỗi ngày được rạng tỏ hơn.