Thư Galata - Phụng Vụ Giờ Kinh Sách
Tuần V Thường Niên


 

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa, 

ĐTC Phanxicô đã cống hiến cho Cộng đồng Dân Chúa nói chung một loạt 14 bài Giáo Lý về Thư Galata, thứ tự như sau: 

3/11- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 14 - Đi theo Thần Linh

 27/10- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 13- Hoa Trái của Thần Linh

20/10- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 12- Tự do được hiện thực nơi yêu thương

 13/10- ĐTC Phanxicô Giáo Lý về Thư Galata - Bài 11: Tự do Kitô giáo, thứ men giải phóng hoàn cầu

 6/10- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata - Bài 10: Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta

 30/9- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata - Bài 9 về Đời Sống Đức Tin

 9/9- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata - Bài 8: Chúng ta là con cái của Thiên Chúa

 1/9- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 7 - Những Người Galata Khờ Dại

 25/8- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 6 Cái nguy hiểm của Lề Luật

 18/8- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 5 Lề Luật như Giám Hộ Viên 

 11/8- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 4 Luật Moisen

 4/8- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 3 Chỉ có một Phúc Âm duy nhất

 30/6 - ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Thư Galata: Bài 2- Thánh Phaolô Vị Tông Đồ Đích Thực

 23/6- ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata - bài 1 Dẫn nhập Tổng quan 

Lý do tại sao trong các Thư của Thánh Phaolô chỉ có Thư Galata này được ĐTC Phanxicô đặc biệt chú ý và hướng dẫn cộng đồng dân Chúa chúng ta hiện nay?

Xin nghe chính ngài trả lời ở đầu bài giáo lý thứ 1 như sau: 

"Hôm nay tôi muốn chia sẻ về một số đề tài được Tông Đồ Phaolô nêu lên trong Thư ngài gửi cho Kitô hữu Galata. Đây là một Bức Thư quan trọng, tôi dám nói là quyết liệt nữa, chẳng những để biết rõ hơn về Vị Tông Đồ này, nhất là về một số đề tài ngài sâu xa nói đến cho thấy vẻ đẹp của Phúc Âm. Trong Thư này, Thánh Phaolô nói đến những chi tiết về tiểu sử của ngài, nhờ đó chúng ta có thể hiểu được việc hoán cải của ngài và việc ngài quyết định dấn thân phục vụ Chúa Giêsu Kitô. Ngài cũng bàn đến một số đề tài quan trọng về đức tin, như quyền tự do, ân sủng và lối sống của Kitô hữu, những gì hết sức thời sự vì chúng đụng chạm tới nhiều khía cạnh của đời sống Giáo Hội ngày nay. Bức thư này rất thời sự. Nó dường như được viết cho thời đại của chúng ta đây."  

Thật vậy, vì những vấn đề chính yếu của bức Thư Galata này, liên quan đến Lề Luật, đến Ân Sủng, đến Thánh Linh, đến Tự Do của thành phần con cái Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương cứu chuộc họ nơi Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài v.v.

mà những vấn đề chính yếu ấy mới trở thành những gì, như ngài nói "chúng đụng chạm tới nhiều khía cạnh của đời sống Giáo Hội ngày nay". Tại sao thế?  

Tại vì, theo ngài, Giáo Hội, qua thành phần lãnh đạo phục vụ dân Chúa, không thể nào cứng ngắc, không uyển chuyển, cứ bám víu lấy luật lệ, cứ duy truyền thống, căn cứ vào chân lý / công lý để lên án và trừng phạt hơn là để giải phóng và chữa lành phạm nhân.

Chính vì thế mà chúng ta mới thấy vị giáo hoàng thương xót Phanxicô đương kim của chúng ta mới nhận định và khẳng định "Bức thư này rất thời sự. Nó dường như được viết cho thời đại của chúng ta đây" 

Chúng ta có thể thấy lời nhận định và khẳng định trên đây của ĐTC Phanxicô về tinh thần đức tin hơn là luật lệ và đường hướng ân sủng theo tác động của Thánh Linh hơn là bảo thủ của Thư Galata ở đoạn 49 trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm của ngài sau đây: 

"Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, đớn đau và lem luốc vì xuống đường vào đời hơn là một Giáo Hội thiếu lành mạnh bởi bị giam hãm và dính chặt với cái an toàn của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội chỉ quan tâm tới vấn đề trở thành tâm điểm để rồi đi đến chỗ bị rơi vào một mạng lưới đầy những thứ ám ảnh và phương thức. Nếu một điều gì đó có lý quấy rầy chúng ta và khiến cho lương tâm của chúng ta cảm thấy áy náy, thì đó là sự kiện là có rất nhiều anh chị em của chúng ta đang sống không có sức mạnh, ánh sáng và niềm ủi an là những gì xuất phát từ tình thân hữu với Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin để nâng đỡ họ, không có ý nghĩa và mục đích trong đời. Niềm hy vọng của tôi đó là chúng ta sẽ được tác động bởi nỗi lo sợ, hơn cái sợ bị lầm đường lạc lối, trong việc cứ khép kín trong các thứ cơ cấu cống hiến cho chúng ta một cảm giác sai lầm về sự an toàn, trong các thứ luật lệ khiến chúng ta có những phán đoán thô lỗ, trong những thứ thói quen khiến cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi đó thì ở ngay cửa nhà của mình, dân chúng đang chết đói và Chúa Giêsu vẫn không ngừng nói với chúng ta rằng: 'Các con hãy cho họ ăn gì đi' (Mk 6:37)".   

Chính vì "những gì hết sức thời sự" của Thư Galata này mà chúng ta cần phải đặc biệt nghiền gẫm hay ôn lại chẳng những 9 bài giáo lý của ĐTC Phanxicô mà còn cả những gì được nhắc lại bởi Phụng vụ Giớ Kinh Sách Tuần V Thường Niên (Nhóm PDCGKPV) nữa. 

Dẫn vào thư Ga-lát 

Đồng thời với hai thư gửi tín hữu Cô-rin-tô (56-57), thư gửi các tín hữu Ga-lát chắc hẳn là bức thư thống thiết nhất và cũng là bức thư có giọng điệu bút chiến hơn cả trong số các thư của thánh Phao-lô. Vừa hay tin anh em Ga-lát, những người mà thánh nhân đã sinh ra trong đức tin (4,19), đang đặt vấn đề không phải chỉ về quyền tông đồ của người, mà cả Tin Mừng người đã loan báo cho họ, thánh Phao-lô đã đọc cho thư ký viết thư này vào lúc cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Chuyện gì đã xảy ra ở Ga-lát ? Do một số Ki-tô hữu gốc Do-thái lôi kéo, các tín hữu Ga-lát đã du nhập vào Hội Thánh việc giữ, nếu không phải là toàn thể Luật Mô-sê, thì ít là một số điều khoản Luật truyền phải làm, đặc biệt là phép cắt bì, có thể vì các tín hữu cho rằng đó cũng là một bảo đảm phụ trội để được ơn cứu độ. Nhưng đối với thánh Phao-lô, như thế là làm cho thập giá của Đức Ki-tô ra vô ích, và huỷ diệt sự tự do của người Ki-tô hữu. Vì thế, người kịch liệt chống lại. Bức thư của người là một bản biện hộ đầy xúc động về ơn cứu độ do Thiên Chúa ban không, về ơn cứu chuộc do Đức Ki-tô thực hiện đã đầy đủ trọn vẹn, về tính cách hoàn toàn mới của cuộc sống Ki-tô hữu được Thánh Thần tác động. Theo thánh Phao-lô, không phải cứ thực hiện một số việc hợp với Lề Luật là con người tội lỗi sẽ được Thiên Chúa thương, như người Pha-ri-sêu vốn nghĩ. Con người tội lỗi hoàn toàn bất lực, không thể tìm được ơn cứu độ. Họ phải đón nhận ơn cứu độ nơi Thiên Chúa không phải như một món nợ Thiên Chúa phải trả, nhưng là như một ân huệ thuần tuý, chỉ nhờ lòng tin vào Chúa Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh mà thôi. Chủ trương của người Pha-ri-sêu và của Ki-tô giáo hoàn toàn tương phản nhau. Không có lối thứ ba.

Trong bức thư nóng bỏng này, tư tưởng dồn dập, xô đẩy nhau, những tiếng than thở xen vào giữa các lập luận. Văn phong cũng vậy, mang nặng tính bút chiến. Vì thế có những công thức gãy gọn có lúc cô đọng đến khó hiểu, đôi khi thậm chí có thể gây hiểu lầm. Khó có thể lập một bố cục thật lớp lang cho thư này, nhưng những chỗ quan trọng trong cách lập luận đủ rõ để có thể nhận ra.

Bức thư này đặc biệt quan trọng đối với ai muốn tìm hiểu lịch sử cứu độ. Thư này còn cho thấy cuộc khủng hoảng trầm trọng đã làm cho Hội Thánh ở giai đoạn đầu phải chao đảo, và cuối cùng khiến Hội Thánh phải đoạn tuyệt với Do-thái giáo. Hoàn cảnh hiện tại cũng không làm cho bức thư này giảm tính đặc biệt thời sự : ngày nay cũng như ngày xưa, cám dỗ duy luật pháp vẫn đe doạ các Hội Thánh Ki-tô giáo, và mỗi người cần phải ý tứ để đừng lầm tưởng rằng có thể tìm được một sự an toàn hay một đảm bảo sẽ được cứu độ ngoài đức tin. 

Chúng ta hãy tìm hiểu ân huệ của Thiên Chúa 

Trích bài diễn giải của thánh Âu-tinh, giám mục, về thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát. 

Thánh Phao-lô tông đồ viết thư cho tín hữu Ga-lát, là để giúp họ hiểu biết rằng ân sủng làm cho họ không còn phải lệ thuộc vào Luật Mô-sê nữa. Quả vậy, trong khi Tin Mừng đã được rao giảng cho người Ga-lát, thì có một số người xuất thân từ giới cắt bì, tuy mệnh danh là Ki-tô hữu, nhưng lại chưa hiểu được hiệu quả tốt lành của ân sủng đã lãnh nhận, nên vẫn cứ muốn ở lại dưới gánh nặng của Lề Luật. Lề Luật ấy, Thiên Chúa, Chúa chúng ta, đã đặt ra không phải cho những người phục vụ sự công chính, nhưng cho những kẻ làm tôi tớ tội lỗi ; điều đó có nghĩa là Thiên Chúa ban một Lề Luật công chính cho những người bất chính nhằm tố giác tội lỗi của họ, chứ không phải để xoá tội lỗi đó đi. Quả vậy, tội lỗi chẳng được xoá đi nếu không nhờ ơn đức tin, một đức tin hành động nhờ đức ái. Trong khi người Ga-lát đã được đặt dưới chế độ ân sủng rồi, thì những người kia lại muốn áp đặt trên họ gánh nặng của Lề Luật, khi khẳng định rằng Tin Mừng chẳng ích lợi gì cho họ, nếu họ không được cắt bì và không chịu tuân giữ những nghi thức khác theo truyền thống của Do-thái giáo.

Vì thế, người Ga-lát bắt đầu nghi ngờ thánh Phao-lô tông đồ, đấng đã rao giảng Tin Mừng cho họ, là người không chịu đi theo đường lối của các Tông Đồ khác ; các vị này đã buộc dân ngoại phải theo luật Do-thái. Thật vậy, thánh Phê-rô tông đồ cũng đã nhượng bộ trước sự chống đối của những người đó, đến nỗi người làm như thể chính mình cũng nghĩ rằng Tin Mừng chẳng ích lợi gì cho dân ngoại, nếu họ không chịu mang gánh nặng của Lề Luật. Thánh Phao-lô tông đồ đã làm cho thánh Phê-rô bỏ cách làm giả bộ đó, như chúng ta đọc thấy trong chính bức thư này. Vấn đề trên đây cũng được đề cập đến trong thư gửi tín hữu Rô-ma. Tuy nhiên, hình như trong thời gian giữa hai bức thư này đã có một điều gì đó xảy ra, giúp chấm dứt cuộc tranh luận và dàn xếp vụ tranh tụng giữa các tín hữu gốc Do-thái với các tín hữu gốc dân ngoại.

Bức thư này, thánh Phao-lô viết cho tín hữu Ga-lát là những người bị lung lạc vì thế giá của những người tín hữu gốc Do-thái đang ép họ tuân giữ Lề Luật. Quả thật, người Ga-lát đã bắt đầu tin những người ấy, như thể thánh Phao-lô tông đồ đã không rao giảng sự thật vì không muốn cho họ chịu cắt bì. Vì vậy, người đã mở đầu bức thư như thế này : Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em lãnh nhận vinh quang của Đức Ki-tô, để theo một Tin Mừng khác.

Với lời mở đầu đó, người vắn tắt nêu lên vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, ngay trong lời chào thăm, khi tự giới thiệu mình là Tông Đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào -điều không thấy người nói ở một bức thư nào khác- thánh Phao-lô cho thấy rõ những người thuyết phục người ta như thế không phải là những người được Thiên Chúa sai đến, nhưng là do loài người ; người cũng cho thấy người không thể bị coi là thua kém các Tông Đồ khác, xét về uy quyền trong việc làm chứng cho Tin Mừng, bởi lẽ người biết mình là Tông Đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào khác, nhưng nhờ Đức Giê-su Ki-tô và nhờ Thiên Chúa là Cha. 

ThuGalata-PhungVuGioKinhSachTuanVThuongNien.mp3