Chúa Nhật VIII thường niên - Năm C
CÁI ĐÀ VÀ CÁI RÁC
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Có lẽ Chúa Giêsu khi xuống thế làm người như mọi người ngoại trừ tội lỗi, cũng có kinh nghiệm về việc biết mình và biết người. Chúa cho những chỉ dẫn quan trọng tự huấn luyện bản thân, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, qua các đề tài: Mù dẫn mù, cái đà và cái rác và quy luật “gieo gì gặt nấy”.

Mù dẫn mù.

Biết mình là điều quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân. Không biết mình, lúc nào cũng gặp những điều bất cập và thái quá. Bất cập là xem thường chính mình, lúc nào cũng nghĩ mình vô tích sự, làm cái gì cũng thua kém ngươi khác, cái gì cũng sợ thất bại, tự thu mình vào trong vỏ ốc, rồi cũng có lúc ngồi đáy giếng và phê phán. Thái quá khi xem mình quá quan trọng, đánh mất đồng nghiệp, tự cao vô lối, nói nhiều chẳng làm được gì, lúc nào cũng xét đoán, chê bai người khác, cuối cùng chẳng đi cùng với ai.

Không biết mình, nên thiếu lòng tự trọng, không làm được gì, chẳng dẫn dắt được ai, Chúa nói mù dẫn mù cả hai sa vào hố. Vậy, lòng tự trọng là biết mình trong những đặc sủng, ơn riêng Chúa ban. Và biết mình không là một ốc đảo, cùng chung sống với người khác, nhờ người khác, với người khác để hoàn thành sứ mạng của mình, đó là ơn đoàn sủng.

Dù sao, con người biết mình, biết người cũng có nhiều giới hạn, cần nhiều thời gian, tự huấn luyện và thực tế dần dà nhận ra mình, biết người nhiều hơn.

Cái đà và cái rác.

Phán đoán và phán xét là hai phạm trù khác nhau. Phán đoán để nhận định vấn đề và đi đến quyết định cho cá nhân mình thêm đúng đắn. Phán xét là quy chụp kết luận của mình trên người khác, đi đến những điều xấu: nói lén, nói xấu, gièm pha, chê bai, ghen ghét…

Có nhiều sự việc thấy nơi người khác như vậy mà không phải như điều mình kết luận. Phải, trái, đúng, sai, là một điều khó, chỉ khi nào hiểu hết tại sao mới nhận ra điều gì là đúng, sai. Chúa dạy: “Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét” (Lc 6, 37).

Lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã. Có nhiều những hành động phục vụ cho cái tôi của mình hơn là lợi ích vì người khác. Xem xét lại chính mình, để thắng cái tôi luôn là bài học khó. Sống theo Thần Khí của Thiên Chúa, dẫn chung ta đến “việc tốt lành, đến bác ái, đến tình huynh đệ”. Sống theo thần trí của thế gian, thúc đẩy chúng ta đến “sự hư vinh, kiêu ngạo, tự mãn, nói xấu”. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng Lễ sáng Thứ Ba (04/09) tại Nguyện Đường Santa Marta.)

Gieo và gặt.

Gieo và gặt như là mệnh đề của thuyết nhân quả, thế nhưng tại sao vẫn còn nhiều người vẫn gieo những sự ác? Thông thường người ta hiểu theo nghĩa đời, vay trả – trả vay. Trên thực tế, không là đơn giản trả vay, mà gặt về hậu quả lên gấp nhiều lần tai ương, khốn quẫn và cả cái chết đời đời, nếu gieo điều ác, điều xấu. Nếu gieo điều lành, sự thiện, yêu thương thì gặt về cũng gấp nhiều lần điều tốt, điều hay, sự lành.

Mỗi người đều là quà tặng của Thiên Chúa cho nhau, vì mỗi người đều có hạt giống của sự tốt lành Thiên Chúa ban. Sống sự tốt lành của Thiên Chúa thì được sống dồi dào và phong phú. Điều xấu là điều ma quỷ đã gieo vào như câu truyện “lúa mỳ và cỏ lùng” (Mt 13, 24 – 30). Cố gắng nhặt cỏ và thay vào đó lúa tốt, để có mùa lúa dồi dào.

Mỗi người được nhận lãnh một hay nhiều đặc ân của Thiên Chúa, người lãnh nhiều bị đòi hỏi nhiều, người lãnh ít bị đòi ít. Mỗi người bằng nỗ lực của mình làm thêm phong phú những gì đã được nhận lãnh, khi đã biết mình; khi đã sống nghiêm khắc với mình, khoan dung với anh chị em; và cố gắng gieo nhiều điều tốt lành trong đời sống, để sự dữ không còn chỗ chen chân.

Nhờ ơn Chúa ban, xin giúp chúng con hoàn thành.

 

10. Nhân quả

(Suy niệm của Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

Người mù dẫn dắt kẻ đui,

Cả hai lăn hố, tối thui thấy gì.

Môn đồ mở mắt thấy chi,

Hãy nên hoàn hảo, thực thi tín thành.

Tìm tòi cái rác, cái mành,

Cái đà to lớn, rõ rành mắt ngươi.

Sao nhìn không thấy trong đời,

Giả hình giả nghĩa, nói lời dối gian.

Xét mình nhận lỗi làm càn,

Chiếc đà trong mắt, tiên vàn lấy ra.

Đừng tìm bắt lỗi người ta,

Trước tiên nhận lỗi, thứ tha giải hòa.

Xem kìa cây tốt trổ hoa,

Trái vàng mọng chín, tựa tòa đài sen.

Biết rằng cây xấu bon chen,

Trổ hoa èo ọt, trái đen héo tàn.

Người lành nhân đức trời ban,

Phát sinh sự thiện, chứa chan ân tình.

Tâm hồn tĩnh lặng an bình,

Trổ sinh nhân đức, tâm linh rạng ngời.

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Cứ xem trái, thì biết cây. Cây tốt sinh trái tốt và cây xấu sinh trái xấu, đó là lẽ thường. Con người tốt sẽ thực hành điều tốt tự trong lòng của họ phát ra. Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào tận đáy tâm hồn mình nơi ẩn dấu những sự tốt lành. Chúng ta thường có khuynh hướng nhìn ra ngoài để tìm sự tốt lành và thánh thiện. Chúng ta hay đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài hơn là nhìn sâu vào nội tâm. Nhiều khi chúng ta bị lầm lẫn.

Cây tốt sinh trái tốt. Đó chính là hoa qủa từ bên trong. Đời sống tốt lành thánh thiện được tỏ lộ qua sự thực hành sống đạo như giúp đỡ tha nhân, thăm viếng người già cả, kẻ tù đầy, người túng thiếu và những người không có nơi nương tựa. Những hành động tốt bày tỏ tấm lòng tốt. Người tốt trở nên gương mẫu và là đèn sáng soi cho những người chung quanh.

Làm sao chúng ta có thể dẫn đường cho người khác, nếu chúng ta bị mù lòa. Cách tốt nhất để giúp anh chị em, không phải chỉ là lời nói mà bằng chính những gương sáng trong đời sống. Triết gia Socrate nói rằng: Trời ban cho chúng ta có hai lỗ tai, hai con mắt, nhưng có một cái miệng và một cái lưỡi. Bởii thế chúng ta nên nghe nhiều hơn nói. Nếu chúng ta không có gì nói tốt về người khác, tốt hơn chúng ta hãy thinh lặng. Chúng ta có miệng lưỡi, những lời chúng ta nói ra, sẽ đánh giá chúng ta là người thế nào.

Làm sao chúng ta có thể nói với người anh em rằng để tôi lấy cái rác trong mắt anh, trong khi chúng ta không chú ý cái đà trong mắt mình. Đây là một trong những điểm yếu nơi mỗi người. Chúng ta thường dành qúa nhiều thời giờ nói về người khác như phê bình, chỉ trích, bới móc, xét đoán và chê bai đủ điều. Trong khi chúng ta không dám nhìn vào lỗi mình hoặc chúng ta nghĩ mình đã hoàn hảo.

Truyện xưa kể rằng khi các tu sĩ sống ẩn dật nơi vùng sa mạc bên Ai Cập, có một thầy đã phạm lỗi nặng. Các bậc phụ lão đòi mang thầy ra xét xử. Các vị mời cha bề trên đến. Ngài ra đi đeo một cái rổ có nhiều lỗ. Cha đổ cát vào và đeo sau lưng. Khi ngài đi dọc đường, cát rơi xuống để lại vết. Các phụ lão hỏi tại sao cha làm thế? Ngai trả lời: Tội của tôi rời sau tôi, mọi nơi tôi đi qua, có dấu vết của lỗi lầm. Hầu như những thời gian qua, tôi đã không nhận thấy tội lỗi của tôi. Nghe thế, các bậc phụ lão đã bỏ cuộc xét xử.

Chúng ta được mời gọi nhìn lại chính tâm hồn và sửa lỗi mình trước khi sửa lỗi anh em. Hãy sống như đèn luôn cháy sáng để soi đường chúng ta đi.