Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C |
NÚI CHÚA BIẾN HÌNH |
Linh mục Thiên Ngọc CRM |
“Đây là Con Ta yêu dấu, các con hãy nghe lời Người” (Lc 9,35) Thưa các bạn thân mến, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay vừa qua, chúng ta đã được nghe biết về cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu chống lại những cám dỗ của ma quỷ, khi Ngài cầu nguyện và chay tịnh 40 ngày nơi hoang địa, trước khi bắt đầu sứ vụ của Đấng Thiên Sai. Nay, Chúa Nhật thứ hai này, Tin Mừng Lc 9,28-36 mời chúng ta theo chân ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan tham dự vào biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Ngọn núi Tabor nơi Chúa tỏ vinh quang thần tính là một ngọn núi ở vùng Galilea Hạ bên Israel, nằm ở đầu phía đông của thung lũng Jezreel, cách Biển hồ Galilêa 17 km về phía tây. Trong vùng thung lũng đồng bằng này, núi Tabor giống như một cái tô lớn úp trên cái bàn. Ngọn núi cao 575 mét. Ngày nay, việc lên đỉnh núi này không đòi hỏi nhiều cố gắng, vì có đường nhựa để xe ôtô cá nhân lên núi, hoặc bằng xe của công ty du lịch Israel. Nhưng trước đây, khoảng 1600 năm, người ta phải đi bộ lên tới đỉnh núi không ít hơn 4.340 bậc. Còn vào trước đó nữa, thời Chúa Giêsu, Ngài cùng ba tông đồ đã đi bộ lên ngọn núi đó, thật khó khăn và nhọc mệt biết chừng nào! Vậy Chúa muốn dạy chúng ta điều gì trong lễ Chúa Biến Hình này, hay nói cách khác làm thế nào để được biến hình với Chúa? Trong Kinh Thánh có ít là ba ngọn núi đặc biệt: núi Sinai, núi Cám Dỗ, núi Sọ. Núi Sinai nơi đầu tiên Chúa ban Thập Giới cho dân Isrrael qua Môisen. Đó là bảng tóm tắt những lề luật và huấn lệnh, làm cho họ trở nên một dân tộc khôn ngoan không đâu sánh bằng, và đem lại sự bang trợ cho dân suốt dòng lịch sử. Núi Cám Dỗ (Mount of Temptation), nơi Chúa Giêsu đã ăn chay cầu nguyện trong 40 ngày trước khi bắt đầu đi rao giảng Nước Trời. Trong thời gian đó, Chúa đã toàn thắng những cơn cám đỗ của Satan, bằng việc gắn bó với Thiên Chúa khi để Lời Chúa hướng dẫn và đối phó. Núi Sọ ở ngoại ô thành Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã chịu thương khó và tử nạn, rồi bước vào vinh quang phục sinh, đem lại ơn cứu độ cho toàn nhân loại. Nhưng, ngọn Tabor Chúa biến hình lại gồm tóm tất cả ý nghĩa của các ngọn núi trên. Nơi đây, Chúa Cha, Đấng xưa kia tại núi Sinai đã ban Mười Điều Răn và dạy Dân được chọn hãy tuân giữ, giờ đã ban Lời Nhập Thể là chính Con yêu dấu đẹp lòng Ngài mọi đàng và truyền dạy hãy vâng nghe lời Người. Bài đọc một (St 15,5-18) cũng cho chúng ta biết, nhờ vâng lời Chúa, rời bỏ quê hương thành Ur đi đến nơi Chúa chỉ, mà Abram đã được chúc phúc. Nhờ bước theo ánh sáng Lời Chúa, con người sẽ được chúc phúc vì trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Nơi đây, Chúa Giêsu và ba tông đồ đã phải chiến đấu và chiến thắng trước những cơn cám dỗ vì nhọc nhằn, đói khát, mỏi mệt trên đường lên núi, như Chúa đã đương đầu tại núi Cám Dỗ, để rồi Chúa mới mạc khải thần tính của Ngài cho các tông đồ. Nhờ khổ chế hy sinh hãm mình, con người có thể từ bỏ con người cũ, tham dự vào cuộc biến hình giống Chúa. Nơi đây, mầu nhiệm núi Sọ được báo trước, rằng qua đau khổ mới đến vinh quang phục sinh, mới đến sự biến hình. Chúa Giêsu vừa là khuôn mẫu cho cuộc biến hình của chúng ta, vừa là Đấng có Lời ban sự sống, Lời thánh hóa chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ngài: “Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Bđ 2, Pl 3,20-21). Nhưng có một ngọn núi Tabor khác, ở khắp mọi nơi, gần gũi với chúng ta hơn. Đó là núi Nhà Chúa hay nhà thờ, nguyện đường. Đền thờ Giêrusalem ở trên Núi Nhà Chúa, Núi Đền, nơi quy tụ dân Do Thái xưa kia, và họ hân hoan sung sướng mỗi khi lên Đền, để tạ ơn, tạ tội, tế lễ và cầu nguyện. Mỗi khi chúng ta bước đến nhà thờ, là mỗi lần chúng ta được Chúa dạy dỗ qua lời Ngài, như đã dạy dân Do Thái xưa trên núi Sinai. Mỗi khi chúng ta bước đến nhà thờ tham dự thánh lễ là chúng ta chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabor: bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ là chúng ta đến núi Cám Dỗ và đồi Canvê, tham dự vào cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Qua việc rước Mình Thánh Chúa, chúng ta được biến đổi, được mặc lấy Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Ngài, được chia sẻ vinh quang thần tính Ngài. Nói đến đây, chúng ta lại nghĩ đến việc tham dự thánh lễ của chúng ta thường thờ ơ lạnh nhạt, chia trí lo ra, thiếu lòng khao khát lắng nghe Lời Chúa, thiếu ao ước được biến hình giống Chúa Kitô khi rước lễ. Xin Chúa tha thứ cho chúng ta về những bất xứng đó. Hiện nay, tuy chỉ là những người tầm thường, đầy khuyết điểm vết nhơ, nhưng chúng ta tin vào ơn Chúa biến đổi mỗi ngày trong việc tham dự lễ tế nơi nhà thờ. Chúa muốn biến đổi chúng ta mỗi ngày để phục hồi hình ảnh “đẹp lòng Chúa Cha” của Ngài nơi chúng ta. Thưa các bạn quý mến, Tham dự thánh lễ nhiều hơn để được Chúa dạy dỗ hướng dẫn và thông phần với Ngài hẳn là việc cần. Mong rằng nhiều người sẽ tham dự thánh lễ thường xuyên hơn, dự bữa tiệc thần linh vĩ đại Thiên Chúa thiết đãi, hầu được sống và sống dồi dào, nhờ được Chúa biến hóa mỗi ngày. Nguyện xin Đức Maria và Thánh Giuse giúp chúng ta Mùa Chay này nhiệt thành tiến đến núi Tabor mới, dùng chay tịnh khổ chế và cầu nguyện, kết hợp với Thánh Thể, hầu cuộc đời chúng ta phản ánh cuộc đời của chính Chúa Kitô. |