Chúa Nhật XIV - Mùa Thường Niên - Năm A |
CHÚA DỊU HIỀN VÀ KHIÊM NHƯỢNG |
Lm Micae Võ Thành Nhân |
Hôm nay, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha một cách hết sức tha thiết, chân tình. Sự tha thiết, chân tình ở đây thể hiện mối dây liên hệ giữa Chúa và Chúa Cha quả thật quá gắn bó, quá thẳm sâu, không ai biết Chúa trừ Chúa Cha và cũng không ai biết Chúa Cha trừ ra Chúa và mọi sự Chúa Cha đã trao phó cho Chúa và giờ phút này Chúa mạc khải cho những ai được biết về Chúa là tùy ở Chúa ( xMt 11, 27 ). Những người mà được Chúa mạc khải cho biết phải là những người bé mọn chứ không phải là những người hiền triết và khôn ngoan. Và những điều mà Chúa sẽ mạc khải cho những người bé mọn được biết về Chúa, đó là những điều này: -Trước hết, để đón nhận chân lý mạc khải của Chúa, chúng ta phải trở nên bé mọn, nghĩa là phải sống đơn sơ, thành thật, khiêm hạ, tin tưởng, cậy trông, phó thác và có lòng ước ao, khát khao được biết Chúa. Chúng ta không được tự cao, tự đại, kiêu ngạo, khoe khoang, khoác lác... ( xMc 10, 15 ). -Chúa mạc khải cho chúng ta biết Chúa là Thiên Chúa và cũng là người thật. Chúa vâng lời Chúa Cha đến trần gian để cứu chúng ta khỏi hư mất đời đời ( xDt 10, 9 ). Chúa và Chúa Cha là một ( xGa 10, 30 ). Những suy nghĩ, lời nói, việc làm của Chúa cũng là những suy nghĩ, lời nói, việc làm của Chúa Cha. Chúa Cha đã trao phó mọi sự cho Chúa. Vì vậy, hãy đến với Chúa để Chúa dẫn chúng ta đến với Chúa Cha là cách chắn chắn nhất ( xMt 11, 28 ). Chúa hân hoan cầu nguyện với Chúa Cha là vì Chúa làm theo đúng ý Chúa Cha " Vì ý Cha muốn như vậy " ( Mt 11, 28 ), và Chúa Cha cũng vui mừng vì Chúa là người con yêu dấu, hiếu thảo, đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, cho nên Chúa Cha bảo chúng ta phải nghe lời của Chúa để chúng ta được sống đời đời ( Mt 3, 16 ). Khi chúng ta đón nhận mạc khải của Chúa và làm đúng ý của Chúa, chúng ta làm cho Chúa và Chúa Cha vui lòng, và chính chúng ta cũng hân hoan vui sướng nữa. Mặt khác, mọi sự Chúa Cha đã trao phó cho Chúa rồi, cho nên giờ phút này Chúa tha thiết mời gọi chúng ta đến với Chúa, trước hết là học ở Chúa sự hiền lành và khiêm nhường để Chúa ban ơn cho chúng ta. Chúa hiền lành, Chúa nhân ái, Chúa độ lượng, Chúa khoan dung, Chúa tha thứ, Chúa chậm giận....,chúng ta học ở Chúa thì chúng ta cũng phải giống Chúa như vậy. Điều này thể hiện trong cuộc sống chung khi chúng ta yêu thương, tha thứ, cảm thông, chia sẻ, cho đi, hòa thuận, không nóng nảy, không giận hờn, không làm hại người khác…: “ Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa “ ( Tv 144, 8 – 9 ) Chúa khiêm nhường, Chúa bỏ địa vị cao sang của Thiên Chúa để xuống trần, sống với chúng ta, và cứu chúng ta ( Pl 2, 6 – 12 ). Chúng ta học ở Chúa sự khiêm nhường khi chúng ta sống đúng địa vị chúng ta là thụ tạo, một thụ tạo bất toàn, tội lỗi, hư vô, không dựa vào khả năng của mình mà chỉ biết dựa vào Chúa mà thôi. Tất cả những điều này được thể hiện trong cuộc sống khi chúng ta sống chân thành, đơn sơ, bé mọn trước thánh nhan Thiên Chúa và mọi người. Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng như vậy, cho nên khi mỗi chúng ta chạy đến tựa nương vào cung lòng của Chúa, chúng ta cảm thấy thật an toàn, không còn sợ gánh nặng cuộc sống, không còn sợ những khó nhọc vất vả của đời thường: “ Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên “ ( Tv 144, 13 – 14 ). Vì từ nơi thẳm sâu cung lòng của Chúa, chúng ta nhận được sự bổ sức đỡ nâng bởi nguồn ơn thánh dồi dào Chúa ban cho chúng ta để rồi ách của Chúa trao cho chúng ta, gánh của Chúa mà chúng ta đón nhận là những thánh giá hàng ngày chúng ta vác theo Chúa ( những thử thách gian nan khốn khó, những điều trái ý cực lòng, những thất bại, bệnh tật đau khổ của kiếp người.... ) và cả việc tuân giữ lề luật của Chúa nữa, chúng ta sẽ vui lòng chấp nhận và sẽ cảm thấy êm ái, nhẹ nhàng, hạnh phúc: “ Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.” { Rm 8, 13 ). Lạy Chúa, chúng con bị giới hạn đủ điều, chữ nghĩa không được thông suốt như những người khác, khả năng nhận thức có giới hạn, thế mà Chúa thương chúng con, Chúa cho chúng con biết Chúa, và thờ phượng Chúa. Sở dĩ chúng con được Chúa cho như vậy là do Chúa dạy chúng con sống hiền lành, khiêm nhường. Những người hiền triết, khôn ngoan nếu có lòng khiêm nhường thì họ cũng được Chúa mạc khải cho biết Chúa để rồi họ trở thành con của Chúa như chúng con mà thôi. Xin Chúa thương cách riêng họ và cho họ sớm trở thành con của Chúa. Đàng khác, trong cuộc sống hàng ngày, khi chúng con sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng, thì xin Chúa thương giúp chúng con với những ngày tháng vất vả, nhọc nhằn, khổ cực, chúng con biết tìm về với Chúa là nơi bình an nhất đời chúng con, và xin cho chúng con mỗi khi chiều về với gánh trĩu nặng thời gian, chúng con cần đến với Chúa từng giây phút để được nghỉ ngơi, dưỡng sức, xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng con: “ Xin rạng soi cõi lòng người u tối. Xin tẩy trừ tâm trí sạnh đam mê. Ách lỗi lầm Ngài gỡ cho thoát khỏi. Trút nhẹ vai mang gánh tội nặng nề “ ( Tt kc thứ tư tuần I ). Lạy Chúa, nhờ con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên, xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. Amen.
|
|