Chúa Nhật XI thường niên - Năm A
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN A
Suy niệm của Noel Quesson

Một giai đoạn mới của Tin Mừng Thánh Matthêu bắt đầu từ hôm nay. Sau giai đoạn đầu tiên tập trung xung quanh Bài Giảng Trên Núi, trong đó Đức Giêsu đã trình bày những nền tảng sứ điệp của Người và bắt đầu biểu lộ quyền bính độc nhất mà người có khi thực hiện một vài "dấu chỉ mầu nhiệm" đặc thù... Giờ đây là một giai đoạn mới tập trung xung quanh Bài giảng về sứ mệnh truyền giáo mà Đức Giêsu sẽ kêu gọi con người cọng tác vào sứ vụ của Người.

Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương

Đôi mắt của Đức Giêsu! Cái nhìn của Đức Giêsu! Cái nhìn tuyệt vời ấy mà một số ảnh thánh đã vẽ lại trong đôi mắt to. Có nhiều cách "nhìn". Một nhân viên vô danh của một thương xá, đã quen với cái nhìn lãnh đạm, nói với một bà khách hàng: "Bà đã nhìn tôi không như mọi người, tôi đoán rằng có "cái gì đó" trong lòng bà...".

Đức Giêsu "chạnh lòng thương". Động từ Hy Lạp “esplanchmzô" có nghĩa đen là "xao xuyến trong gan ruột" và gợi lại một từ ngữ Do Thái rất quan trọng "rahamim", thể hiện vừa "lòng mẹ" vừa "tình yêu”. Trong Tin Mừng, từ ngữ ấy dành riêng cho Thiên Chúa và Đức Giêsu (Lc 10,33; 7,13; 15,20; Mc 9,22; Tv 51,3; Gr 31,20; Is 54,7 Ds 27,16-17). Đức Giêsu để mình xúc động đến ruột gan: Tại sao? Người đã thấy cảnh tượng gì làm cho đôi mắt to của Người bao phủ bóng mờ của lòng thương cảm?

…vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.

Đôi khi lầm than vất vưởng còn được dịch là mệt mỏi, lả đi. Những con người kiệt sức, không còn có thể làm được gì! Một sự chán nản to lớn, sự chán ghét sâu xa trước cuộc đời phi lý không có ý nghĩa gì. Những đám đông không có mục tử. Những con người không có Thiên Chúa. Một nhân loại kiệt sức một cách vô ích trên những nẻo đường không dẫn đến đâu cả… như một bầy chiên đi lang thang bất định...

Phải chăng thân phận của người nghèo trên thế giới đã thay đổi nhiều từ thời Đức Giêsu? Cái nhìn hiện nay của Đức Giêsu trên nhân loại phải chăng rất khác với cái nhìn lúc đó? Còn chúng ta thì sao? Chẳng phải chúng ta được mời gọi để nhìn đến những đám đông đó sao? Những nỗi thống khổ mênh mông của hàng tỉ con người và những trẻ em thiếu ăn trên hành tinh chúng ta. Những nỗi khổ tinh thần của tất cả những người đã thất bại, đã bị bỏ rơi, không cảm thấy mình được yêu thương. Sự suy sụp của những người sống buông xuôi, sử dụng ma túy, hóa rồ dại và tự hủy hoại mình dần dần...

Lạy Chúa! Xin giúp các môn đệ của Chúa chấp nhận cái nhìn của Chúa!

Toàn thể thế giới từ nay ở dưới ánh mắt chúng ta qua màn hình của vô tuyến truyền hình. Những cuộc du hành của chúng ta trong những nước thuộc thế giới thứ ba không chỉ là du lịch. Và trong những thành phố lớn, ngay trước cửa nhà chúng ta, có một thế giới thứ tư của những con người bị đè bẹp. Chúng ta hướng về các thực tại ấy với cái nhìn nào?

Có phải chúng ta sẽ ở trong số những người… dửng dưng, chán chường, thụ động không? Và Đức Giêsu làm gì trước những cảnh tượng đó?

Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”.

Đức Giêsu không phải là một người chán chường. Người nhìn nhân loại như một cánh đồng lúa chín dập dờn dưới làn gió mùa hè. Mùa gặt kia rồi, tất cả đã sẵn sàng. Người ta vui mừng vì mùa gặt đến, nhưng thợ gặt lại ít. Đức Giêsu thừa nhận công việc của Người rất nhiều. Người muốn có những người cộng tác. Ai sẽ đứng dậy để hành động với Người?

Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.

Sự cầu nguyện là hành động truyền giáo đầu tiên. Tại sao?

Tại sao "chủ mùa gặt" tức Thiên Chúa không trực tiếp sai các thợ gặt cần thiết? Tại sao Người yêu cầu chúng ta cầu nguyện"? Người tôn trọng trách nhiệm to lớn của con người: Thiên Chúa cần đến những con người! Mầu nhiệm to lớn của việc cần thiết phải can thiệp bằng sự cầu nguyện, mở ra cho chính chúng ta công việc phải làm ở cánh đồng đó. Nếu bạn cầu nguyện thì người thợ găt đầu tiên mà Thiên Chúa có ngay trong tay Người, chính là bạn. Bạn không chỉ cầu nguyện để gởi những người khác đến công trường, mà bạn hãy đi đến đó! “Lạy Chúa, này tôi đây, tôi xin Chúa hãy sai tôi” (Is 6,8). Người ta lo lắng rất nhiều về trách nhiệm to lớn của việc Tin Mừng hóa. Trên hết, người ta quan tâm về các phương pháp. Nhưng trước khi để cách làm “thế nào" thôi miên, chẳng phải trước tiên người ta cần ý thức lại bản chất sâu xa của “sứ vụ” đó sao. Nhiệm vụ làm tông đồ của chúng ta tùy thuộc vào Đấng Tha Thể Tuyệt Đối (Đấng Khác) sai chúng ta đi…

Đó không phải công việc "của chúng ta". Chúng ta không làm việc bởi sức mình. Chúng ta ở trong cánh đồng của Thiên Chúa, trong mùa găt của Người, "Đấng muốn rằng nhân loại được cứu” (1Tm 2,4). Từ đó, có sự ưu tiên của việc cầu nguyện trên mọi phương pháp. Và phải chăng khủng hoảng của ơn gọi thực ra chỉ là một khủng hoảng của sự cầu nguyện?

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Đức Giêsu không có ý định một mình thực hiện công việc của Thiên Chúa: Người trao dự án và quyền bính của Người cho "một ít người", mười hai người mà Người chọn trong số hàng trăm môn đệ đi theo Người: Chức tư tế thừa tác bắt nguồn từ đây, trong ý muốn tổ chức Giáo Hội của Người.

Con số "mười hai" là con số tượng trưng. Nó ám chỉ mười hai bộ tộc của Israel tạo thành "dân Thiên Chúa" và bảo đảm việc phụng tự mỗi tháng, trong mười hai tháng của năm âm lịch. Vì thế con số mười hai này biểu thị toàn bộ miền "đất hứa", vì toàn bộ "thời gian".

Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê, và ông Gioan, em của ông, ông Philípphê, và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế, ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Iscarios chính là kẻ nộp Người.

Các sách Tin Mừng đưa ra cho chúng ta danh sách này bốn lần: với một vài sự khác nhau nhỏ nhưng với sự phù hợp tối đa. Matthêu đã tập họp tất cả các tên ấy “từng đôi một". Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Việc thành lập "đội quân" của Đức Giêsu rất có ý nghĩa: Người đã chọn làm những người cộng tác mật thiết cùng lúc một người ‘thu thuế’ bởi nghề nghiệp mà thỏa hiệp với quân chiếm đóng La Mã… và một người thuộc nhóm ‘quá khích’, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chống lại người La Mã. Một sự phối hợp dễ bùng nổ, Matthêu nhấn mạnh: đây không phải do sự ngẫu nhiên…

Chẳng phải là Giáo Hội chủ yếu phải "đa nguyên", để có thể đảm đương những điểm khác nhau và những xung đột của thế giới… để: giải quyết chúng trong một sự hiệp thông cao cả hơn. "Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em: "Hãy yêu kẻ thù” (Mt 5,43-48). Sau hết, chúng ta cũng đoán ra Giáo Hội phải có sự khiêm nhường nào. Trong những người có trách nhiệm, Giáo Hội lúc đó bao gồm "người' đứng đầu", Simon Phêrô, người đã chối Đức Giêsu, và "người đứng cuối", Giuđa, là người đã nộp Chúa cho các đao phủ. Quả là một đội quân đáng thương. Nó chỉ mạnh bởi sự chọn lựa mầu nhiệm mà Chúa Giêsu đã thực hiện: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu” (Ga 15,15).

Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: "Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc anh nhà Israel”.

Đức Giêsu sai họ đi! Nào anh em hãy đi! Hãy lên đường! Nhưng chúng ta nhận thấy rằng "môi trường hoạt động" rất hạn chế, trái ngược với sứ vụ bao quát cả hoàn vũ mà Người sẽ truyền lệnh sau khi Người sống lại: "Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Tại sao sứ vụ đầu tiên này ở Galilê có những sự hạn chế? Có lẽ để nói rằng Thiên Chúa trung tín với điều hứa của Người và Israel phải là người đầu tiên đón nhận Tin Mừng (đó là điều Thánh Phaolô sẽ làm). Nhưng cũng bởi vì xét về phương diện con người, người ta không thể làm tất cả mọi sự: phải bắt đầu và không được ẩn náu trong sự to lớn của nhiệm vụ để không làm gì cả!

Nào anh em hãy đi! Hãy lên đường! Anh em được sai đi. Mỗi sự quy tụ của các Kitô hữu phải hoàn thành trong sự sai đi này: Ite, missa est! Cộng đoàn Giáo Hội, dưới khía cạnh phụng vụ, là một cuộc tập hợp tạm thời phải được chuẩn bị để đi vào thế giới ngõ hầu cùng với mọi người, tín hữu hoặc không phải là tín hữu, tạo thành một "cộng đoàn nhân loại". Giáo Hội được quy tụ vì Thánh Thể có tính chất "ngôn sứ": Giáo Hội "nói lên" dự án của Thiên Chúa là "quy tụ lại trong sự hiệp nhất mọi con cái của Thiên Chúa đã bị phân tán". Giáo Hội nói lên rằng nhân loại từ nhiều phải được làm nên một, theo hình ảnh của Ba Ngôi. "Để tất cả nên một như Chúng Ta, như vậy thế gian sẽ tin" (Ga 17,21). "Sứ vụ”, "sự sai đi" là yếu tính của Giáo Hội. Nhiệm vụ đầu tiên của Giáo Hội không phải là tuyển mộ: "Anh em hãy đến gặp chúng tôi!" mà là công bố: "Nước Trời ở đây rồi”; “Thiên Chúa ở với anh em, nơi anh em đang ở". Trước tiên, phải Tin Mừng hóa, phải rao giảng Tin Mừng.

Dọc đường hãy rao giảng rằng: "Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Đây là những công thức tượng trung để diễn tả "Dự án" của Thiên Chúa. Mọi đời sống con người đã được Thiên Chúa cư ngụ và có được một ý nghĩa vượt qua chính nó: “bạn sẽ không chết”. Cưới nhau và sinh con cái chính là tin rằng sự sống vượt qua sự chết. Triều đại của Thiên Chúa "đã bắt đầu". Sự khác nhau giữa người tín hữu và kẻ vô thần, đó là người tín hữu lắng nghe ở đáy lòng, "ý nghĩa" của điều mình sống, và người ấy biết điều đó dẫn đến đâu. Người ấy "tin rằng" Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử và người ấy tham gia vào lịch sử ấy với nhiều ý thức nhất khi làm cho sự sống chiến thắng.