Chúa Nhật IV thường niên - Năm A
XÂY DỰNG HÒA BÌNH
SƯU TẦM

“Kể từ ngày 11/9/2001, ngày toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở thành phố New York, Mỹ bị bọn khủng bố tấn công khiến cho khoảng 3000 chết cho đến nay, thế giới đã không có một phút nào yên. Thật vậy, trong suốt ba năm qua, mặc cho những cố gắng của các chính phủ, nạn khủng bố vẫn không ngừng gia tăng trên một diện rộng chưa từng thấy. Đó là vụ đánh bom đảo du lịch Bali (Inđônêxia) làm 202 người chết hồi tháng 2/2002, vụ đánh bon nhà ga xe lửa ở Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 3/2004 làm 191 người chết, rồi hàng loạt vụ đánh bom chung cư ở Nga khiến 300 người thiệt mạng. Và gần đây nhất là vụ bắt cóc con tin tại một trường học ở Beslan (Nga) hồi đầu tháng 9/2004 gây ra cái chết cho 326 người, và làm bị thương 727 con tin, và vụ đánh bom toà đại sứ Úc ở Jakarta (Inđônêxia) hồi thượng tuần tháng 9/2004 vừa qua đã khiến cho 9 người chết và 170 người bị thương…”

Giữa lúc nền hòa bình thế giới đang bị đe dọa nặng nề, thì qua đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe vang vọng lời Chúa:

- Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Đúng thế, cho đến ngày hôm nay, hòa bình mãi mãi vần là một ước vọng sâu xa nhất của con người. Thế nhưng, chúng ta không thể ngồi yên để đón nhận hòa bình như đón nhận một quà tặng từ trời rơi xuống. Trái lại, chúng ta phải ra sức kiến tạo, phải tích cực góp phần xây dựng hòa bình.

Thế nhưng, việc kiến tạo và xây dựng hòa bình không phải được bắt đầu bằng những hội nghị bàn tròn hay bàn vuông, mà phải được bắt đầu ngay từ cõi lòng mỗi người. Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy trong đêm Giáng sinh, các thiên thần đã hát vang trên cánh đồng Bêlem:

- Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Giờ đây trong thinh lặng và bình tĩnh, nhìn vào tận đáy tâm hồn, chúng ta sẽ nhận ra kẻ nội thù phá hoại sự bình an của bản thân và của người khác chính là sự ghen tức.

Thực vậy, sách “Cổ học tinh hoa” đã kể lại một mẩu chuyện như sau:

Có một vị tướng, trước khi xuất quân, đã khao tất cả các binh sĩ một bữa tiệc thịnh soạn bằng thịt dê. Không hiểu vì quên lãng hay vì nghĩ rằng là chỗ thân tình, nên đã không báo cho anh đánh xe. Thế là anh đánh xe nổi giận đùng đùng, cho rằng mình đã bị đối xử tệ bạc.

Sáng hôm sau khi ra trận, anh ta đã đánh xe và chở thẳng vị tướng và giao nộp cho quân địch.

Chỉ vì một miếng thịt dê và do lòng ghen tức mà anh đánh xe đã phản bội, đã phá đổ mọi tình nghĩa mà vị tướng đã dành cho anh trong suốt bao nhiêu năm trời.

Với chúng ta cũng vậy, nhiều khi chỉ vì một miếng thịt dê, nghĩa là chỉ vì những quyền lợi nhỏ mọn, nhưng được lòng ghen tức thúc đãy và thổi phồng, chúng ta sẵn sàng coi những người thân cận ruột thịt là kẻ thù của mình. Chúng ta quên đi mọi tình nghĩa cũ để rồi tìm mọi cách triệt hạ cho bằng được những kẻ chúng ta ghen tức.

Thế nhưng, chính sự ghen tức này đã làm cho tâm hồn chúng ta trở nên bất ổn và nhiều lúc còn dày vò cắn rứt vì những lời nói chì chiết và những hành động thô bạo của chúng ta.

Và hơn thế nữa, sự ghen tức còn hủy diệt sự bình an giữa chúng ta và người khác. Bởi vì một khi đã nhìn nhau bằng cặp mắt không mấy thiện cảm, làm sao chúng ta có thể tạo được sự hài hòa và cảm thông.

Chình vì thế, để góp phần xây dựng sự bình an giữa chúng ta và những người chung quanh, thì việc đầu tiên cần phải làm ngay, đó là hãy trục xuất kẻ nội thù nguy hiểm này ra khỏi cõi lòng chúng ta, đó là sự ghen tức. Bởi vì có đánh bật tận gốc rễ sự ghen tức, thì bấy giờ chúng ta mới có thể nhìn nhau bằng cặp mắt trong sáng và từ đó mới dễ dàng đi tới chỗ hiểu biết và cảm thông với nhau hơn. Đó phải là yếu tố căn bản cho một sự bình an chân chính.