Thứ sáu tuần thánh
MẦU NHIỆM SỰ CHẾT
                       Lm Micae Võ Thành Nhân

       Trước khi chết, Chúa bị những người Do Thái bắt bớ, cáo gian, sỉ vã, chửi bới, khạt nhổ, lăng nhục, đánh đòn, đóng đinh, thách thức ( Mt 26, 14 – 27, 66 ). Mục đích mà họ làm như vậy là để cho Chúa phải bị phân tâm, oán hờn, trách móc, hối tiếc, giận dữ, quát tháo … để rồi Chúa chết không yên lòng, chết không được lành thánh.

       Chúa đón nhận tất cả những điều ấy trong tinh thần vâng phục Chúa Cha và Chúa còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm “ ( Lc 23, 34 ).

       Chúa gục đầu xuống và tắt thở. Chúa chết một cách lành thánh, không như người ta tưởng nghĩ, không như người khác mong muốn mà còn trái lại: “ Thấy sự vệc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: Người này đích thực là người công chính ! Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về “ ( Lc 23, 47 – 48 ).

       Chúa sống làm sao thì Chúa chết như vậy. Chúa sống, Chúa rao giảng sự yêu thương cho nên Chúa chết vì yêu. Chúa sống lành, Chúa chết thánh. Chúa sống thiện, Chúa chết vinh. Chúa sống khôn, Chúa chết thiêng.

       Khi còn sống và đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng trên dương thế, Chúa cho thế gian thấy sự chết như là một giấc ngủ, một giấc ngủ ngàn thu mà chính Chúa sẽ là người đánh thức dạy khi các thiên thần thổi loa thông báo: “ Con bé không chết đâu, nó ngủ đấy “ ( Mt 9, 24 ), “ Người cầm lấy tay nó và nói: Ta li tha kum, nghĩa là: Này bé, Thầy truyền cho con: Trỗi dạy đi ! Lập tức con bé chỗi dạy và đi được…. “ ( Mc 5, 42 – 43 ).

       Nhưng mà đứng trước cái chết, nhất là cái chết của người mà Chúa thương mến như trường hơp của anh Lazarô, Chúa xúc động, Chúa quặn lòng: “ Thấy cô khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Chúa thổn thức trong lòng và xao xuyến “ ( Ga 11, 33 ). Chúa cũng biết lòng các tông đồ sẽ hoang mang, chao đảo và xao động khi Chúa đi vào cuộc khổ nạn: “ Lòng các con đừng xao xuyến Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con… “ ( Ga 14, 1 – 2 ). Chính Chúa trước khi đi vào cái chết, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu, Chúa sợ hãi đến nỗi mồ hôi lẫn với máu của Chúa chảy ra, thật là cái chết quá khủng khiếp, quá tàn nhẫn, quá đớn đau, quá nhục nhã, cho nên Chúa mới: “ Lòng xao xuyến, bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi của Người như những giọt máy rơi xuống đất “ ( Lc 22, 44 ).

       Cuối cùng vì vâng lời Chúa Cha trong mọi sự: “ Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài “ ( Dt 10, 9 ), mà Chúa chấp nhận tất cả để Chúa bước vào cuộc khổ nạn, vào cái chết trong sự phó thác, trong bình anh của Chúa: “ Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm theo điều con muốn, mà làm điều Cha muốn “ ( Mc 14, 36 ).

       Như vậy, nhờ cuộc khổ nạn của Chúa mà chúng ta biết được: “ Sự chết đã tiên tan trong chiến thắng. Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ? Tử thần có độc là vì tội, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có lề luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta “ ( 1Cor 15, 54 – 57 ).

       Do đó: Cái chết là cửa ngõ để chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cữu. Cuộc sống vĩnh cửu mới là chính mà chúng ta hướng đến. Đứng trước cái chết, chúng ta không nên sợ hãi nữa và chúng ta còn tự nguyện đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa để chúng ta chết đi cho con người cũ, con người tội lỗi của chúng ta mà được sống lại với Chúa sau này.

       Hiện tại vẫn còn nhiều người sợ chết, vì bỏ lại hết tài sảng của mình cho người khác, chẳng mang gì được. Chúng ta tập từ bỏ tất cả mọi sự theo năm tháng để trở thành nhẹ nhàng, không vướng bận một điều gì khi ra trình diện Chúa.

       Lạy Chúa, chúng con hiểu được phần nào về cái chết và sự phục sinh của Chúa. Chúa chịu chết và sống lại là để đem phần lợi cho chúng con là cứu chúng con khỏi chết đời đời. Xin Chúa giúp chúng con hiểu được ý nghĩa của sự chết để lòng chúng con không còn xao xuyến, sợ hãi mà biết đón nhận trong thánh ý của Chúa. Xin cho chúng con biết chết đi cho con người cũ tội lỗi hàng ngày bằng cách đinh nó vào thập giá của Chúa. Xin cho chúng con trong khi sống ở đời này, biết chuẩn bị cho cái chết mai sau bằng cách sống yêu thương phục vụ, cho đi, không so đo tính toán hơn thiệt với anh chị em của chúng con.

        Lạy Chúa, xin lấy lòng từ bi nhìn đến gia đình nhân loại. Chính vì gia đình này mà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, không ngần ngại phó mình trong tay kẻ dữ và cam chịu khổ hình thập giá. Amen.