Thứ năm tuần thánh |
NGỠ NGÀNG VÌ VIỆC LÀM QUÁ ĐẸP CỦA CHÚA |
Lm Micae Võ Thành Nhân |
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, Giáo Hội dâng Thánh Lễ Tiệc Ly; Chúa ăn bữa tiệc sau cùng với các tông đồ trong bối cảnh mừng lễ Vượt Qua của người Do Thái để rồi Chúa chia tay với các tông đồ, và Chúa đi vào cuộc khổ nạn. Không khí bao trùm bữa tiệc là nỗi buồn của sự biệt ly. Trong bữa tiệc ly này đây, Chúa lập bí tích Thánh Thể và chức Linh mục, đồng thời tiếp liền sau đó, Chúa rửa chân cho các tông đồ. Chúng ta hãy dừng lại tất cả mọi sinh hoạt của đời thường, trút đi bao gánh nặng công việc và nỗi lắng lo cơm, áo, gạo, tiền của cuộc sống phù du; gạt bỏ qua sự hơn thua về danh, lợi, thú, chức, quyền, địa vị của đời tạm bợ này đi để lắng đọng tâm hồn con người chúng ta lại mà tận mắt chứng kiến việc Chúa hạ mình xuống rửa chân cho các tông đồ: " Chúa chỗi dậy, cởi áo, lấy dây thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Chúa liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau ". Hành động rửa chân cho các tông đồ của Chúa đã khắc ghi vào thế giới mà chúng ta đang sống đây một dấu ấn của tình yêu. Dấu ấn này đã, đang và sẽ còn mãi mãi đi vào ngõ nghách của mọi tâm hồn nhân thế. Dấu ấn này không phai mờ theo thời gian và mai một theo dòng năm tháng. Dấu ấn này còn làm ngẩn ngơ bao triều thần thánh trên trời và muôn tạo vật dưới đất . Ngẩn ngơ là tại sao với vai trò là Một Vị Thiên Chúa cao sang, toàn năng, quyền thế như vậy mà lại hạ mình xuống đến tận cùng để rửa chân cho phàm phu tục tử. Ngẩn ngơ là vì tại sao con người tội lỗi, luôn làm phiền lòng Chúa, phá hoại chương trình của Chúa nhiều quá đỗi mà Chúa lại yêu thương vô cùng như vậy. Và bây giờ sự ngẩn ngơ ấy vẫn còn tiếp diễn; tại sao Chúa yêu thương con người như thế mà con người trong thế giới chúng ta đang sống đây lại đầy dẫy những hận thù, chia rẽ, bất hòa, chiến tranh, tranh cấp. Hành động rửa chân cho các tông đồ của Chúa làm cho con người chúng ta buộc phải nghĩ suy lại để mà đi theo con đường tình yêu của Chúa. Đó là biết sống yêu thương, tha thứ, hiệp nhất, phục vụ, sớt chia buồn vui, ủi an nâng đỡ nhau để cho cuộc đời này tươi vui hơn, đáng sống hơn. Ngày trọng đại muôn đời ghi nhớ hôm nay, Chúa đã đi bước trước, Chúa dạy các tông đồ và chúng ta phải rửa chân cho nhau: " Chúa là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau ". Quả thật, đây là một bài học vô cùng quý giá, và quá ý nghĩa, quá sâu sắc, quá cảm động, quá nghẹn ngào, để rồi chúng ta chỉ còn biết rơi nước mắt và chúng ta chỉ hiểu được khi chúng ta biết nghe lời Chúa và hành động giống như Chúa mà thôi. Như vậy, để rửa chân cho anh chị em của chúng ta như Chúa dạy hôm nay, chúng ta cần phải biết chúng ta là người tội lỗi, bất toàn, bất xứng trước để rồi chúng ta bỏ đi sự kiêu căng, tự cao, tự đại, ích kỷ và hạ mình xuống, khiêm nhường, quỳ gối, cúi mình ôm đôi chân của anh chị em chúng ta và rửa chân cho anh chị em chúng ta với tinh thần yêu thương, phục vụ, giúp đỡ anh chị em của chúng ta Lạy Chúa, Chúng con làm theo Lời Chúa dạy, chúng con rửa chân cho tất cả anh chị em chúng con, không trừ một ai, nhưng xin Chúa cho chúng con được làm theo thứ tự như sau: - Trước hết chúng con rửa chân cho những người chúng con không ưa không thích để chúng con biết tha thứ cho họ. - Tiếp đến, chúng con rửa chân cho những anh chị em mà chúng con gây ra đau khổ cho họ để chúng con xin họ tha thứ. - Và tiếp đến nữa là chúng con rửa chân cho hết mọi anh chị em chúng con trong gia đình và ngoài xã hội. Khi tất cả chúng con cùng nhau thực hiện, chắc chắn thế giới này sẽ bình an, mọi người yêu thương nhau hơn. Xin Chúa phù giúp đỡ nâng chúng con. Amen Lm Micae Võ Thành Nhân
THỨ SÁU TUẦN THÁNH TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA ( Ga 18, 1 - 19, 42 ) MỘT CÁI CHẾT LÀNH THÁNH Trước khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, những người biệt phái, luật sĩ, thượng tế tìm đủ mọi cách thức, dù là cách thức vô nhân đạo, vô liêm sỉ, man rợ, bỉ ổi nhất như là rủa sả, phỉ báng, thách thức, trêu chọc Chúa để làm cho Chúa phải tức tối, phải đau đớn tột cùng trong tinh thần và thể xác, và rồi qua đó, họ mong được thấy Chúa sẽ chết trong nỗi dằn vặt, ray rứt, hối tiếc, cô đơn, tủi hổ... Giây phút hấp hối là giây phút giao tranh giữa sự sống và sự chết; cho nên rất cần một khoảng không gian thinh lặng, êm đềm để người sắp chết chuẩn bị tâm hồn ra đi trong bình an. Có chăng lúc này là những lời kinh mà chúng ta đọc để cầu nguyện cho người anh chị em thân yêu của chúng ta được ơn chết lành mà thôi. Đối với Chúa thì không có được như vậy, những người biệt phái, luật sĩ, thượng tế truy cùng, diệt tận, triệt hạ Chúa đến tận chân tường. Họ quá nhẫn tâm, quá độc ác, không còn tính người nữa. Nhưng chúng ta lại nghe những lời Chúa nói trong giây phút cuối cùng này: - Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm ( Lc 23, 34 ) - Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha ( Lc, 23, 46 ) - Chúa tắt thở gục đầu xuống, viên sĩ quan đứng đó, nhìn thấy, thốt lên: Đúng người này là Con Thiên Chúa ( Mt 27, 54 ) Qua đó chúng ta thấy chỉ nơi Chúa mới có lòng từ tâm nhân hậu như thế, cho nên Chúa mới có những lời đầy tình yêu xót thương với những người giết Chúa giờ phút này để rồi Chúa chết một cách rất lành thánh, mặc cho những lời nhạo báng, chỉ trích, chê bai, thách thức, khiêu khích, lăng mạ, khạc nhổ như là áp lực vào Chúa, khiến cho Chúa không còn tâm trí dọn linh hồn trước khi chết, nhưng mà Chúa vẫn chết trong bình an. Chúa được như vậy là vì Chúa phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha. Chúa tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng, vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Đồng thời Chúa tha thứ cho những người làm hại Chúa. Đây là một sự kết thúc quá đẹp và là mẫu gương về sự yêu thương, tha thứ cho kẻ làm hại mình. Muôn ngàn đời thế trần ngợi khen Chúa. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã chịu đau khổ, chịu gánh lấy tội lỗi và chịu chết thay cho chúng ta. Lẽ ra chúng ta sẽ bị Chúa Cha trừng phạt vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ phải chết đời đời. Nhưng Chúa đã chịu thay cho chúng ta, nhờ đó mà Chúa Cha nguôi cơn giận, tha thứ cho chúng ta và nhận chúng ta trở lại làm con của Chúa. Lạy Chúa, Chúa đến trần gian cho chúng con và vì chúng con. Cuộc đời của Chúa chẳng lúc nào được yên ổn, bằng chứng là khi chúng con phạm tội là chúng con xúc phạm đến Chúa, chúng con quấy rầy Chúa, làm cho Chúa phải bận tâm, lo lắng, đau đớn. Một ngày chúng con phạm đến Chúa không biết bao nhiêu lần, chẳng những một ngày mà suốt cuộc đời chúng con, và không những một mình chúng con phạm tội mà còn hơn cả bảy tỷ người trên thế giới này cũng phạm tội. Đàng khác, khi chúng con đến xin ơn là chúng con gõ cửa, vòi vĩnh, làm phiền Chúa nữa, Chúa vẫn dịu hiền với chúng con vì Chúa thương chúng con, và Chúa chết cho chúng con. Xin cho chúng con từ nay biết chừa tội, chuyên cần làm các việc lành để phần nào đền bù tội lỗi chúng con. Vì mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa, xin cứu chữa chúng con. Amen. Lm Micae Võ Thành Nhân
THỨ BẢY TUẦN THÁNH VỌNG PHỤC SINH Lc 24, 1 - 12 CHÚA SỐNG LẠI Ngôi mộ biểu hiện cho sự chết. Chết là ngàn thu vĩnh biệt. Chúng ta buồn khi nhìn thấy những ngôi mộ. Bởi nó chôn vùi bao ước mơ, dự tính tốt đẹp của chúng ta: “ Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mãi dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ “ ( Is 38, 12 ). Thế nhân bao đời nghĩ suy, bất lực, thẫn thờ, lạc lối. Dòng lệ chúng ta vẫn cứ chảy mãi. Thần chết vẫn cứ thống trị. Hôm nay, Chúa đã chết thật rồi. Xác Chúa đã được an táng. Tảng đá ngôi mộ lấp lại. Lòng đất mẹ ôm chặc lấy xác Chúa. Hết rồi một đời người. Cánh cửa hy vọng của các tông đồ: " Ai là người lớn nhất trong nước của Thầy ? " đã khép lại. Thời gian như ngừng trôi, không gian như chững lại, lặng thinh, êm đềm không một tiếng động, triều thần thánh và muôn vật, muôn loài đang đợi chờ: " Con người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, ngày thứ ba sẽ sống lại " ( Mt 16, 21 ). Chúa đã nói một cách chắc chắn như vậy thì loài người chúng ta chỉ có đợi chỉ có chờ mà thôi. Ôi thời gian bây giờ sao dài quá, không gian như vô tận, sâu thẳm, ngút ngàn, màu đen tang tóc bao trùm vũ trụ, bóng tối vây phủ khắp nơi, dường như là bế tắc hoàn toàn. Nhưng từ vực sâu thẳm cùng cực, não nề, chán chường, chúng ta ngước mắt nhìn lên, ô kìa hừng đông đã bắt đầu ló dạng xuất hiện rồi, ánh sáng phục sinh bừng lên, Chúa đã sống lại thật rồi. Tử thần bị đánh bại, cửa âm ty ngục thất bị phá vỡ, xích xiềng nô lệ của xác thịt, thế gian, ma quỷ bị tháo tung, gông cùm của tội lỗi bị bẻ gãy. Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của sự chết và cho chúng ta được tự do, được sống lại để hưởng vinh quang thiên quốc với Chúa. Chúng ta tin Chúa đã sống lại là vì chúng ta bám chặt vào lời Chúa và chúng ta yêu Chúa với một tình yêu thắm thiết, trọn đời gắn bó với Chúa, đi theo Chúa dù có phải đối diện với bao gian nan, thử thách, chúng ta sẽ được sống lại vinh quang với Chúa sau này: “ Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin Ta sẽ không phải chết muôn đời “ ( Ga 11, 25 – 26 ). Vì chúng ta tin vào Chúa Phục Sinh, cho nên sự chết đối với chúng ta không là dấu chấm hết mà là cách cửa mở ra để bước vào cuộc sống vĩnh cửu, và ngôi mộ, nơi an táng không là nỗi buồn, sự chua chát, thất vọng mà là chỗ chúng ta nằm chờ đợi sự phục sinh trong ngày cánh chung. Như vậy, sự chết và ngôi mộ đối với chúng ta mang tính tích cực chứ không tiêu cực, bi đát, thê lương nữa. Lạy Chúa, xin cho chúng con hàng ngày đi theo con đường thập giá của Chúa. Con đường thập giá là con đường tình yêu dẫn chúng con đến sự sống đời đời, xin cho chúng con đi trọn con đường này bằng cách bỏ ý riêng, làm theo ý Chúa, sống cho Chúa và với anh chị em của chúng con. Amen |
|