Chúa Nhật VII Phục Sinh - Chúa Thăng Thiên
SỰ KIỆN CHÚA THĂNG THIÊN
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

Bài Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên hôm nay có liên quan trực tiếp đến bài Phúc Âm Lễ Vọng Phục Sinh Chu Kỳ Năm A, bài Phúc Âm ghi lại cả lời thiên thần cũng như lời của Chúa Kitô Phục Sinh bảo các phụ nữ đến thăm mồ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Vị thiên thần ngồi trên tảng đá được chính vị này lăn ra khỏi mồ đã nói với các bà rằng: "Hãy tới mà coi nơi Người được an táng. Rồi hãy mau đi nói với các môn đệ của Người là: "Người đã sống lại từ trong cõi chết và giờ đây Người đã đi trước các vị đến Galilêa, nơi các vị sẽ được gặp Người"". Chúa Giêsu hiện ra với các bà trên đường các bà chạy về loan báo cho các môn đệ và xác nhận lời của vị thiên sứ của Người: "Đừng sợ! Hãy đi báo tin cho anh em Thày rằng họ phải đến Galilêa là nơi họ sẽ được gặp Thày". Đó là lý do mở đầu bài Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên cho Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A hôm nay, Thánh Ký Mathêu đã viết: "Mười một môn đệ đã lên đường đi Galilêa, tới núi Chúa Giêsu triệu tập các vị".

 

So sánh bài Phúc Âm Thánh Mathêu cho Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên Năm A hôm nay, với hai bài Phúc Âm Năm B theo Thánh Marcô và bài Năm C theo Thánh Luca, thì hai bài Phúc Âm sau có nói rõ việc Chúa Giêsu Thăng Thiên, còn bài Phúc Âm của Thánh Mathêu hôm nay thì không. Phúc Âm Thánh Marcô Năm B viết: "Sau khi nói với các vị xong, Chúa Giêsu được nhắc lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa" (Mk 16:19). Phúc Âm Thánh Luca Năm C cũng vậy: "Thế rồi Người dẫn họ đến gần Bêthania và giơ tay lên ban phép lành cho các vị. Khi Người đang ban phép lành cho các vị thì Người rời các vị mà lên trời" (Lk 24:50-51). Trong ba Phúc Âm Nhất Lãm cho Chu Kỳ Phụng Vụ A, B, C, chỉ có Phúc Âm Thánh Luca là nói rõ địa điểm Chúa Giêsu Thăng Thiên, đó là "gần Bêthania", tức ở xứ Giuđêa và sát với Thành Giêrusalem, một địa điểm vẫn còn di tích ở Thánh Địa cho đến ngày nay. Như thế, về khung cảnh hiện ra lần này với các môn đệ ở Galilêa được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đây, không phải là lần Chúa Giêsu hiện ra cuối cùng trước khi Người Thăng Thiên.

 

Tuy nhiên, căn cứ vào câu cuối cùng của riêng bài Phúc Âm hôm nay, cũng như chung cả Phúc Âm Thánh Mathêu, chúng ta cũng thấy được hình ảnh của một Chúa Giêsu Thăng Thiên: "Hãy biết rằng Thày hằng ở cùng các con cho đến tận thế". Qua lời hứa cuối cùng này của Chúa Kitô Phục Sinh và Thăng Thiên trong Phúc Âm Thánh Mathêu, chúng ta thấy lại được ít là hai điều Người đã mạc khải trước kia: Thứ nhất là mạc khải Giáo Hội của Người thành lập trên tảng đá Phêrô sẽ không bao giờ bị bất cứ một quyền lực nào có thể hủy diệt (x Mt 16:18); và thứ hai là mạc khải về ngày tận thế chắc chắn phải xẩy đến (x Mt 24:14). Ngoài câu cuối cùng của Chúa Giêsu đây là câu có thể cho thấy việc Người Thăng Thiên, chúng ta còn thấy một dấu hiệu khác nữa về việc Chúa Giêsu Thăng Thiên qua bài Phúc Âm Thánh Mathêu hôm nay, đó là sự liên hệ của bài Phúc Âm Thánh Mathêu này với bài Phúc Âm Thánh Marcô cũng cho Ngày Lễ Thánh Thiên hôm nay. Bởi vì, ở bài Phúc Âm Thánh Marcô, sau khi Chúa Giêsu nói đến Phép Rửa xong thì Người Thăng Thiên, và bài Phúc Âm Thánh Mathêu hôm nay cũng đề cập đến lời Chúa Giêsu nói về Phép Rửa song không nói gì đến việc Người Thăng Thiên. Bởi thế, chúng ta có thể suy ra về bài Phúc Âm Thánh Mathêu hôm nay ở đây là lời Chúa Giêsu hứa ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế có thể là lời hứa trước khi Người Thăng Thiên, (lời đáng lẽ được thuật lại ở Phúc Âm Thánh Luca), nhưng Người không Thăng Thiên ở Galilêa.

 

Về sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên, Sách Tông Vụ trong bài đọc thứ nhất hôm nay cho cả ba Chu Kỳ Phụng Vụ A, B, C, ghi nhận là: "Người vừa nói xong thì được nâng lên trước mắt các vị trong một đám mây khiến họ không thấy Người nữa". Thật ra, linh hồn của Chúa Kitô đã về cùng Cha ngay sau khi Người tắt thở trên thập gaí, và thân xác của Người cũng về cùng Cha ngay sau khi phục sinh từ trong cõi chết. (Bằng không thân xác thiêng liêng của Người ở đâu trong những lúc không hiện ra với các tông đồ?). Thế nhưng, vì sứ vụ trần gian của Người chưa hoàn tất, do đó, Người còn cần phải hiện ra với các môn đệ, với khoảng thời gian và mục đích được bài đọc một hôm nay cho biết là "trong khoảng thời gian 40 ngày mà nói với họ về triều đại của Thiên Chúa". Bởi vì, khi còn sống, Chúa Giêsu mới chỉ dùng dụ ngôn mà tiết lộ cho các môn đệ biết về Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa thôi, chẳng hạn như hình ảnh Nước Thiên Chúa được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại một loạt ở đoạn 12, từ câu 1 đến 53. Giờ đây, sau khi Người Sống Lại, hình ảnh một Vương Quốc Thiên Chúa do Người khai quốc đã trở thành hiện thực và sống động, nhưng vẫn không phải là một thứ vương quốc chính trị trần gian như các môn đệ của Người vẫn còn mơ tưởng, ngay trước khi Người Thăng Thiên, như bài đọc một hôm nay cho biết. Vương Quốc này như thế nào, những lời Chúa Kitô Phục Sinh nói với các môn đệ trong bài Phúc Âm Thánh Mathêu hôm nay đã trả lời một cách rõ ràng, một Vương Quốc Người sẽ tiếp tục tỏ hiện cho đến khi Người lại đến, chẳng những bằng tác động của Người nơi Giáo Hội, mà còn bằng quyền năng Người ở bên hữu Thiên Chúa nữa.

 

Như thế, Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên tức là Người không còn đích thân tỏ mình cho trần gian nơi nhân tính của Người để thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa nữa, mà là việc Người bắt đầu tỏ mình ra qua Giáo Hội của Người để hiện thực Vương Quốc của Thiên Chúa, một Vương Quốc mà chính Giáo Hội chẳng những là mầm mống và khởi nguyên (x Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 5), mà còn là sự hiện diện mầu nhiệm của Vương Quốc này trên trần gian nữa (cùng nguồn, đoạn 3). Vậy Biến Cố Thăng Thiên là biến cố Giáo Hội "giống như một hạt cải" (Mt 13:31) sửa soạn nẩy mầm để trở thành một cây vĩ đại nhất, vươn các chi nhánh của mình ra khắp nơi trên thế giới. Chính đám mây đã che khuất Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên trước mắt các môn đệ, cũng là đám mây "quyền năng từ trên cao" (Lk 24:49) mà các vị "sẽ mặc lấy" (Lk 24:49), như Mẹ Maria đã được "quyền năng Đấng Tối Cao bao phủ" (Lk 1:35), để như Mẹ Maria đã thụ thai và hạ sinh Lời Nhập Thể thế nào, Giáo Hội cũng có thể thụ thai và hạ sinh Chúa Kitô Sự Sống cho trần gian như vậy. Nếu đám mây này biểu hiệu cho Chúa Thánh Thần, thì quả thực lời Chúa Kitô nói không sai trong bài Phúc Âm Chúa Nhật VI Phục Sinh vừa rồi: "Một ít lâu nữa thôi thế gian sẽ không còn được thấy Thày; nhưng các con thì thấy Thày": "thế gian không còn được thấy Thày" đây biểu hiệu cho con mắt xác thịt của các môn đệ, "nhưng các con thì thấy Thày" đây là thấy Thày trong một đám mây, tức thấy Thày trong "một Đấng Cố Vấn khác là Thần Chân Lý" (Jn 14:16-17).

 

 

 

Địa Điểm Xuất Phát Truyền Giáo

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu lại hẹn gặp các môn đệ của mình ở Galilêa tại "núi Người đã triệu tập các vị", mà không phải ở một nơi nào khác, như Núi Tử Giá hay Núi Biến Hình? Về địa điểm "núi Người đã triệu tập các vị" đây, vì Phúc Âm không nói rõ, chúng ta có thể suy ra hai địa điểm: một là Núi Phúc Đức ở Galilêa (Mt 5:1) và hai là ở địa điểm Người "triệu tập" các vị trước khi sai các vị đi truyền giáo (x Mt 10:1). Về địa điểm Núi Phúc Đức, Phúc Âm Thánh Mathêu ghi lại rằng: "Khi Người trông thấy đám đông thì lên một sườn núi. Sau khi Người ngồi xuống thì các môn đệ qui tụ chung quanh Người, và Người bắt đầu giảng dạy các vị" (Mt 5:1-2). Về địa điểm "triệu tập" truyền giáo, cũng Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại rằng: "Bấy giờ Người triệu tập 12 môn đệ lại mà ban cho các vị quyền khu trừ các thần ô uế và chữa lành đủ mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền. Tên của 12 tông đồ là… Chúa Giêsu sai những người này đi truyền giáo như một Nhóm 12, sau khi đã dặn dò các vị những điều sau đây…" (Mt 10:1-2,5). Căn cứ vào nội dung của bài Phúc Âm Thánh Mathêu cho Lễ Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên hôm nay liên quan đến Lệnh Truyền Giáo của Người, chúng ta có thể suy đoán là Người đã hẹn các vị đến địa điểm Người "triệu tập" các vị trước kia, nơi Người đã sai các vị đi truyền giáo, chứ không phải ở Núi Phúc Đức là nơi các vị đến để được Người giảng huấn để có đủ Tinh Thần Phúc Âm trước khi đi Truyền Bá Phúc Âm.

 

Và sở dĩ Chúa Kitô Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ của Người ở địa điểm truyền giáo tiên khởi này là vì, Người muốn cho các vị thấy rằng, giờ đây, sau khi Người đã sống lại rồi, tức sau khi "Thày được toàn quyền trên trời dưới đất", như Người khẳng định ở ngay câu mở của bài Phúc Âm hôm nay, hay sau khi nhân tính của Người đã hiển sinh, đã mang lại "sự sống" cho tất cả mọi người trên trần gian này, thì địa điểm truyền giáo của các vị không còn chỉ giới hạn ở "thành phần chiên lạc nhà Israel" nữa (Mt 10:5), không còn bị cấm "đừng đến thăm địa hạt dân ngoại và đừng vào phố xá của người Samaritan" (Mt 10:6), mà là bao gồm "tất cả mọi dân nước" (Mt 28:19). Sau Cuộc Vượt Qua, Vương Quốc của Thiên Chúa được Người thiết lập ở Thánh Địa nói chung và tại Giêrusalem nói riêng, không phải là một thứ vương quốc như các môn đệ dù cho tới khi Thày của các vị Thăng Thiên vẫn còn mơ tưởng nữa, một mơ tưởng về chính trị bản quốc Do Thái được Sách Tông Vụ trong bài đọc hôm nay cho thấy, mà là một Vương Quốc Toàn Cầu, cần phải được bao trùm khắp thế giới, bao gồm tất cả loài người. Vương Quốc Toàn Cầu này, theo những lời dặn dò của Chúa Kitô Phục Sinh trong bài Phúc Âm hôm nay, là một Vương Quốc Ân Sủng, một Vương Quốc Sự Sống, một Vương Quốc Hiệp Thông Thần Linh: "Các con hãy đi tuyển mộ môn đồ ở tất cả mọi dân nước. Hãy rửa tội cho họ "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Hãy dạy họ thi hành hết mọi điều Thày đã truyền dạy các con".

 

Căn cứ vào thứ tự của Lệnh Truyền Phục Sinh trong Phúc Âm Mathêu đoạn 28 câu 19 này, Giáo Hội của Người vẫn trung thành thực hiện đủ ba phần hành ấy cho tới nay: Phần hành thứ nhất đó là vai trò ngôn sứ về truyền giáo: "tuyển mộ môn đồ", phần hành thứ hai là vai trò tư tế về phụng vụ: "rửa tội cho họ", và phần hành thứ ba là vai trò vương giả về cai trị: "dạy họ tuân giữ những gì Thày đã truyền dạy". Ba phần hành này được thực hiện cụ thể nhất ở tại các giáo xứ. Thứ nhất là việc "tuyển mộ môn đồ", ở tại việc tín hữu Công Giáo sống thánh chứng nhân của mình, đặc biệt qua các công việc từ thiện bác ái, làm cho người khác nhận thấy họ là môn đệ Chúa Kitô (x Jn 13:35), để họ cũng cảm thấy muốn theo làm môn đệ của Người. Thứ hai là việc "rửa tội cho họ", thành phần dự tòng học đạo trước khi trở thành tân tòng theo đạo, sau khi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, thường vào Lễ Vọng Phục Sinh hằng năm. Thứ ba là việc "dạy họ tuân giữ những gì Thày đã truyền dạy", qua những lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu, các lớp giáo lý dự bị hôn nhân, các bài giảng Phụng Vụ, nhất là các Giáo Huấn của Giám Mục Địa Phương và Hội Đồng Giám Mục Quốc Gia, các Giáo Huấn của Giáo Hội Hoàn Vũ, từ các Thánh Bộ, Giáo Hoàng và Công Đồng Chung v.v.

 

Vấn đề thực hành sống đạo:

 

Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên nhưng vẫn "hằng ở cùng các con cho đến tận thế". Kitô hữu chúng ta có thực sự cảm nghiệm được Thực Tại Hiện Diện Thần Linh hay chăng? Nếu chưa, phải chăng chúng ta vẫn còn hồ nghi hay chưa hoàn toàn tin rằng Người Đã Sống Lại. Ở chỗ, chúng ta tuy đã chấp nhận sự thật là Người đã sống lại, bằng việc lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Người, song lòng chúng ta còn xu hướng về một Nước Trời theo trần gian, như trường hợp của một số môn đệ trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Đó là lý do, trong Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô ở bài đọc thứ hai hôm nay, Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã nguyện cầu cho họ như sau: "Xin Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, Cha vinh hiển, ban cho anh em một tinh thần khôn ngoan và minh thức để anh em nhận biết Ngài một cách tường tận". Nếu chúng ta thực sự tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, nghĩa là chúng ta thực sự cảm nghiệm được trong chúng ta có một "sự sống và là một sự sống viên mãn" (Jn 10:10) của Người, chúng ta không thể nào ngồi yên không làm chứng nhân cho Người, không loan truyền Tin Mừng Cứu Độ xứng hợp với ơn gọi của mình. Đời Sống Thánh Chứng Nhân của chúng ta là dấu chứng sống động và hùng hồn nhất cho thấy Chúa Kitô Phục Sinh "hằng ở cùng các con cho đến tận thế", một Chúa Kitô Thăng Thiên, một Chúa Kitô Ngự Bên Hữu Thiên Chúa, Đấng bài đọc hai hôm nay cho biết, "Ngài đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Chúa Kitô và bởi thế đã nâng Người lên làm thủ lãnh của Giáo Hội là thân thể của Người, là tầm vóc viên mãn của Đấng làm trọn vẹn tất cả mọi sự trong vũ trụ" (như đoạn kết của bài đọc hai hôm nay).