Chúa Nhật VII Phục Sinh - Chúa Thăng Thiên
HIỆN RA TẠI GALILÊ
VÀ BAN SỨ MỆNH PHỔ QUÁT
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

GIẢI THÍCH BẢN VĂN

- 11 tông đồ: Ta biết Đức Giêsu có tất cả 12 tông đồ. Nhưng trong biến cố thụ nạn, Giuđa đã hư mất và sau đó đã tự vẫn; các tông đồ kia thì chạy trốn tán loạn. Bây giờ, trước lúc về trời, Đức Giêsu đã tập họp số còn lại được 11 người. Họ là hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là những người được Chúa tập họp lại, đúng ý nghĩa của chữ Hy Lạp Ekklêsia.

- Xứ Galilêa: Địa điểm tập họp sao không phải là Giêrusalem, nơi từ trước tới giờ vẫn được coi là trung tâm của niềm tin? mà lại là Galilêa là vùng có nhiều người lương? Hẳn là Đức Giêsu có chủ ý: Giáo Hội theo quan điểm của Matthêu phải là Giáo Hội truyền giáo, Giáo Hội của thế giới.

- Lên núi:  Matthêu không quan tâm đến vị trí địa dư chính xác cho bằng quan tâm đến ý nghĩa thần học của vị trí ấy. Vì thế đừng mất công tìm hiểu xem "núi" này là núi gì. Ngày xưa Môisen đã gặp Thiên Chúa trên núi; rồi Êlia cũng đi tìm gặp Thiên Chúa trên núi; Đức Giêsu cũng biến hình trên núi; Hiến Chương Nước Trời cũng được Đức Giêsu công bố trên núi. Các dữ kiện Thánh Kinh trên cho thấy "núi" là nơi Thiên Chúa công bố luật. Vậy cũng như ngày xưa Thiên Chúa gặp Môisen "trên núi" để ban Luật cho dân Israel, thì nay Đức Giêsu cũng hẹn gặp 11 tông đồ trên núi để ban Luật mới cho Giáo Hội, Israel mới.

- Thờ lạy:  Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng đáng thờ lạy (xem Mt 4,10 trích Đnl 6,13). Vậy khi các tông đồ thờ lạy Đức Giêsu phục sinh thì có nghĩa là các ông nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa.

- Vẫn còn nghi nan: Giáo Hội mà Đức Giêsu tập họp tuy là Giáo Hội đã tin Ngài là Thiên Chúa nên đã "thờ lạy" Ngài, nhưng đức tin vẫn còn yếu kém, vẫn là "những kẻ hèn tin" (xem 6,30; 8,26; 14,31; 16,18).

- Đức Giêsu lại gần: Nếu dịch thật đúng, phải là "Đức Giêsu đến với họ". Nếu như Matthêu cố tình dùng động từ "đến" thì ngụ ý của Matthêu là Đức Giêsu thực hiện đúng tước hiệu mà Cựu Ước vẫn gán cho Đấng Messia, "Đấng đang đến" (Celui qui vient) (xem Đaniel 7,13; Tv 118,26; Mt 21,9; 23,39). Trước tòa án xét xử Ngài, chính Đức Giêsu đã xưng mình bằng tước hiệu đó (Mt 26, 54).

- Được mọi quyền: Trong Đaniel 7,14 "Con Người" (Đấng Messia) sẽ được Thiên Chúa ban cho mọi quyền. Như vậy, ở đây Đức Giêsu tự giới thiệu mình chính là Con Người Messia.

- Vậy các con hãy đi: Đức Giêsu sai các tông đồ (Giáo Hội) đi truyền giáo. Nên chú ý rằng ở chương 10, Đức Giêsu cũng đã sai như thế, nhưng các ông chưa đi, khi đó chính Chúa Giêsu đi và các ông đi theo. Bây giờ lúc Đức Giêsu sắp về trời rồi, thì chính thức tới lúc Giáo Hội phải ra đi truyền giáo.

- Ở khắp muôn dân: Tính đại đồng của Giáo Hội. So sánh với 10,5 ("Đừng vào nhà lương dân....."), ta thấy câu nói này khó mà tưởng tượng nổi ngay buổi bình minh của Phục sinh. Sách Tông đồ Công vụ cho thấy các tông đồ đã tốn hàng chục năm trời mới mở được chân trời hướng về phía lương dân, và mãi 20 năm sau, công đồng Giêrusalem mới quyết định hướng truyền giáo ấy. Cho nên câu nói này không phải là câu nói của Đức Giêsu lúc ấy, mà đúng hơn là câu nói của Đức Giêsu sống trong Giáo Hội sau công đồng Giêrusalem (TđCv 15,5-12).

- Thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần: Giáo đoàn Matthêu đã có một nề nếp phụng vụ đàng hoàng với phép Rửa nhân danh Ba Ngôi. Lúc ban đầu người ta chỉ biết làm phép rửa nhân danh Đức Giêsu. Các thư của Phaolô cũng cho thấy những bước dò tìm chậm chạp của niềm tin vào Ba Ngôi.

- Dạy bảo người ta: Matthêu tỏ ra quan tâm đến "mục vụ trí năng": phải hiểu những gì mình tin (Mt 18,15-18), cho nên Matthêu nhấn mạnh lời Đức Giêsu dặn Giáo Hội phải "dạy bảo".

- Thầy ở với các con: Chỗ dựa và nơi an toàn duy nhất của Giáo Hội là Đức Giêsu. Ở đây Ngài tự xưng mình là Emmanuel. Lưu ý: khi hiện ra cho Giuse, Thiên sứ đã bảo tên đứa con của Maria sẽ là Emmanuel, vậy mà khi đứa trẻ ấy sinh ra thì Giuse lại đặt tên là... Giêsu! Bây giờ Đức Giêsu đã phục sinh mới thực là Emmanuel, Ngài đã sống lại rồi và sẽ mãi mãi ở với Giáo Hội "hết mọi ngày tới khi tận thế".

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Đi Galilê": Ở đây tầm quan trọng của Galilê có tính cách thần học: Đấng Phục sinh gặp lại các môn đồ mình tại địa điểm hoạt động chủ yếu của Người trên trần gian (nhất là theo Matthêu và Marcô); điều đó giả thiết có sự liên tục giữa Chúa Kitô tại thế với Chúa Kitô phục sinh, sự liên tục mà câu 20a nhấn mạnh cách minh nhiên ("dạy họ giữ những gì Thầy đã truyền cho các con"). Cuộc Phục sinh ban cho lời vị Thầy xứ Galilê một uy quyền vô song; thay vì làm các môn đồ quên lời Chúa Giêsu Nagiaret để thế bằng thứ kinh nghiệm cao hơn về một cách thức hiện diện mới, cuộc Phục sinh thúc họ tuân giữ những gì Người đã truyền cho. Nếu thánh sử đã chẳng có ý niệm về mối tương quan giữa Chúa Giêsu-giảng dạy với Chúa Kitô-phục sinh ấy, có lẽ ông đã không mất công thu thập vào tác phẩm của mình tất cả những lời Chúa Giêsu mà ông đã "giữ" lại cho giáo đoàn của ông. Tóm lại, ở đây Matthêu muốn nhấn mạnh sự đồng nhất giữa "Chúa Giêsu của lịch sử” và "Chúa Giêsu của niềm tin".

“Mọi quyền năng đã được ban cho Ta": Công thức này rõ ràng ám chỉ đến những gì nói về Con Người trong Đanien 7,14: "Vương quốc, vinh dự đã được ban cho Người, và mọi dân nước, ngôn ngữ sẽ phục vụ Người". Chúa Giêsu hoàn tất lời Người đã hứa trước Công nghị (26,64): "Từ đây các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Quyền năng". Đấng đã ban một uy quyền như thế cho Chúa Giêsu, đương nhiên phải là Chúa Cha (“đã được ban": thể thụ động chỉ hoạt động Thiên Chúa: passif divin).

“Dạy họ tuân giữ": dịch sát chữ; "dạy dỗ họ" (didaschontes). Sự nghiệp của Chúa Giêsu đã được Matthêu trình bày như một việc dạy dỗ, giảng thuyết, chữa lành bệnh tật (4,23 và 9,35). Chúa Gỉêsu đã truyền cho các môn đồ chữa lành bệnh tật trong 10, 1.8 và rao giảng trong 10,7; lệnh dạy dỗ được để dành cho đến cuối Tin Mừng, có lẽ vì Matthêu nghĩ rằng phận vụ dạy dỗ là quan trọng nhất trong Giáo Hội.

“Những gì Thầy đã truyền cho các con”: Mấy chữ này phát xuất trực tiếp từ Cựu Ước (Xh 7,2; 29,35; Đnl 1, 41; 4, 2...); chúng tương ứng với thành ngữ của Gioan: "giữ lệnh truyền của Người" (Ga 14, 15; 15, 10; 1 Ga 3, 22tt...). Trong Matthêu, từ “giảng dạy" mang một màu sắc luân lý; không phải là dạy dỗ những bí mật kỳ diệu của một thứ kiến thức bí truyền như người Essêni, cũng chẳng phải là dạy người ta lý luận đúng về sự vật và về chính mình, nhưng tiên vàn là rao giảng, loan truyền, làm cho người ta nhận biết Chúa Kitô và lời Người giải thích thánh ý Chúa Cha. Sứ mệnh Kitô hữu do đó không nhắm mục đích cho người ta "biết" (một sự hiểu biết thuần lý) một Chúa Kitô hoàn toàn thiêng liêng, nhưng là một Chúa Kitô như ta thấy trong Tin Mừng, một Chúa Kitô đang mời gọi mọi người "nghe theo" lời Người giải thích luật Thiên Chúa.

“Thầy ở với các con": Đoạn kết của Tin Mừng đối đáp lại phần mở. Nơi phần mở, Chúa Giêsu được trình bày như là Đấng có tên là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (1,23) từ lúc mới sinh. Đúng là một lối đóng khung vĩ đại, phô bày tất cả chiều kích phổ quát của con người Chúa Giêsu trên toàn lịch sử nhãn loại, đồng thời đánh dấu việc Người nhập thể vào thời gian và không gian.

KẾT LUẬN

Công cuộc vĩ đại: mang ánh sáng đến cho mọi dân nước không thể là công cuộc của con người. Tin Mừng, mỗi lần đề cập đến sự yếu tin của các sứ đồ đã cho thấy họ bất lực đến chừng nào. Nhưng trong công cuộc trên, các môn đồ không bị bỏ rơi một mình với các phương tiện yếu đuối của riêng họ. Chính Chúa đỡ nâng, cứu giúp họ: “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Cái nhìn nhắm rất xa, đến những thế kỷ tương lai của một lịch sử dài đang bắt đầu. Chân trời nằm nơi cái biên giới mà thời hiện tại sẽ được thay bằng một thời mới. Thời cánh chung trước khi tái giáng cách hữu hình 'để phán xét’, Con Người sẽ ở với môn đồ mình để nâng đỡ hoạt động của họ. Người đang hiện diện và hoạt động giữa họ cách thiêng liêng, chẳng những khi họ tụ họp quanh bàn tiệc, tưởng niệm cái chết của Người, và ăn uống thần lương, nhưng luôn mãi và khắp nơi. Cộng đoàn cứu độ mới không chỉ tuyên xưng Chúa trong khắp vũ trụ, song chính Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Ngay từ đầu bài Tin Mừng hôm nay ta nghe nói đến 11 môn đồ chứ không phải 12 như thường lệ. Như vậy ta thấy ngay trong ngày Thăng Thiên, lúc Chúa Giêsu xuất hiện nơi chóp đỉnh vinh quang của Người và lúc các môn đồ nhận lãnh ủy nhiệm trọng đại nhất, cái hạt nhân đầu tiên của Giáo Hội vẫn mang trong mình thương tích gây nên do sự bội phản của Giuđa. Sẽ luôn như thế, cho đến tận cùng thời gian. Dù thánh thiện đến đâu, Giáo Hội cũng là một dân tội lỗi, là Hôn Thê đầy tì vết mà Phu Quân chỉ sẽ làm cho hoàn toàn thanh khiết trong ngày thế mạt (Kh 19, 7-8; 21,2).

2) Chúa Giêsu muốn gặp các môn đồ mình tại Galilê để cho họ thấy: dù đã trở nên Chúa vinh quang, Người vẫn là Giêsu Nagiaret mà họ đã thân quen. Chúa Giêsu luôn như thế, chỉ tình trạng của Người thay đổi thôi. Không có hai Giêsu: Giêsu thợ mộc (Mc 6,3) và Chúa Kitô hiển vinh đã lên trời. Chỉ có một Chúa Giêsu, Giêsu Kitô, Giêsu-Kitô nhân-thần. Vận mạng chúng ta giống vận mạng của Chúa Giêsu, Đầu chúng ta. Chúng ta cũng chỉ có một cuộc sống gồm hai tình trạng: tình trạng trần thế và tình trạng vinh hiển mai sau. Cái thống nhất hai tình trạng thành một chính là tình yêu. Trên trời, chúng ta vẫn tiếp tục làm điều chúng ta đã tập lúc còn tại thế là Yêu. Và nếu ngay bây giờ, trong Galilê thường nhật của chúng ta, chúng ta đã là môn đồ của Chúa Giêsu-thợ mộc, thì sau này chúng ta mới có thể hy vọng được thống trị với Chúa Kitô vinh hiển.

3) Đấng lên trời luôn luôn là chính Đấng đến với chúng ta, gặp chúng ta trong cuộc sống Kitô hữu của mọi ngày. Sở dĩ Người đã lên trời cách hữu hình và thôi tỏ mình cho các môn đồ trong hình hài thể xác, là để từ đây luôn hiện diện từng giây phút cách vô hình với họ. Nhờ trở nên thân xác vinh hiển, Chúa Giêsu không còn bị giới hạn vào một điểm không gian và thời gian. Từ đây Người có thể gặp chúng ta, tất cả và mỗi người, bất cứ giờ nào, nơi đâu. Nhờ Phục sinh và Thăng thiên, Chúa Giêsu hiện diện như vậy với mọi người trong lịch sử nhân loại. Chúng ta chỉ cần lợi dụng sự hiện diện vô hình nhưng thực sự ấy của Chúa Giêsu để sống với Người trong mọi giây phút đời ta: Và Người vẫn đến với ta, dù ta hoài nghi, dù ta chểnh mảng phục vụ Người; dù ta tội lỗi đến đâu, Người biết ta vẫn có thiện chí trong đáy tâm hồn, vẫn ao ước phụng sự Người, vẫn muốn sám hối đổi đời. Dù ta bất tín bất trung, người vẫn mời gọi ta trở nên sứ giả Tin Mừng trong môi trường sống.

4) "Hãy thâu nạp môn đồ khắp muôn dân": Không phải chỉ có vấn đề học giáo lý như học bản cửu chương, phương pháp gia chánh hay cách sử dụng máy móc... Điều chủ yếu là đi vào trong mối tương giao thân mật và cá nhân với Chúa Kitô, là thực sự trở nên môn đồ, anh em (28, 10), bạn hữu của Người (Ga 15, 15). Và con đường tốt nhất để đi vào tình thân ái ấy với Chúa Giêsu là bắt chước Người, là trở nên như Người: hoàn toàn tận hiến cho Chúa Cha và nhân loại, là yêu mến. Chính lúc yêu mến mà ta hoàn tất điều Chúa Giêsu truyền dạy, vì tất cả giáo huấn của Người chỉ thu gọn vào điểm này: "Giới luật của Thầy là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 14).