Chúa Nhật Lễ Lá - Năm A
                 TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
VINH QUANG THẬP GIÁ
                                   Lm Micae Võ Thành Nhân

       Thánh Phaolô tông đồ nói: “ Phải, trong khi những người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồi “ ( 1Cor 1, 22 ).

       1-Thập giá là ô nhục, không thể chấp nhận ( Do Thái ).

       -Ô nhục: Dân tộc Do Thái bị mất nước vào tay ngoại bang nhiều lần. Mỗi lần mất nước như vậy, họ bị ngoại bang đô hộ bằng cách áp đặt lên họ những điều họ không muốn chút nào. Họ phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận bẽ bàng của một kiếp nô lệ. Nô lệ thì mất đi quyền tự quyết, quyền chủ quyền, bị sai khiến. Cụ thể như thập giá là một sự áp đặt khổ sai của ngoại bang lên dân tộc của họ, họ phải chấp nhận hình phạt đau đớn này nếu họ phạm tội, đó là một sự ô nhục.

       -Không thể chấp nhận: Điều gì đau khổ cho bằng người khác buộc mình  phải chấp nhận điều mà mình không muốn. Họ không thể chấp nhận sự ô nhục, không thể  chấp nhận thập giá mà chỉ chấp nhận điều gì mang lại vinh dự cho họ, như chấp nhận điềm thiêng dấu lạ. Nhiều lần người Do Thái đòi Chúa làm phép lạ: “ Khi ấy, có mấy người luật sỹ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ “ ( Mt 12, 38 ), nhưng Chúa lại nói: “ Thế hệ gian ác và ngoại tình này dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ tiên tri Giona “ ( Mt 12, 39 ).

       2-Dân ngoại cho là điên rồ ( Hy Lạp ).

       Người Hy Lạp tìm kiếm sự khéo léo trong cách đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống. Họ biết tránh đi những phiền toái làm ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống con người. Vì thế, trong dân tộc Hy Lạp có nhiều triết gia nổi tiếng và làm mẫu mực cho chúng ta như Sôcrate, Aristos, Platon….. Do vậy chẳng một ai đi tìm thập giá chua cay, bỉ ổi, điên rồ như thế, phải đi tìm sự khôn ngoan, tri thức, vinh quang mà thôi.

       Đang khi đó Chúa lại nói: “ Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập gía mình hàng ngày mà theo Ta “ ( Lc 9, 23 ).

       Người Do Thái coi thập giá là ô nhục, không thể chấp nhận, dân ngoại cho là điên rồ, còn Chúa thì nói bỏ mình, vác thập giá mọi ngày theo Chúa. Có phải Chúa cổ động sự ô nhục, điên rồ không vậy ?

       Chúa không cổ động như thế là vì nói như thánh Phaolô tông đồ:  “ Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh “ ( 1Cor 1, 27 ).

       Thập giá là những đau khổ, những bệnh hoạn tật nguyền, những trái ý cực lòng, những gian nan thử thách, những hy sinh chịu đựng, những thất bại đắng cay ê chề, những mồ hôi nước mắt, những nỗi gian truân vất vã trong cuộc sống. Thập giá là một phần của cuộc sống nhân trần. Nó là thân phận của kiếp người ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh của chúng ta. Đã là con người, không ai tránh khỏi những thập giá trong cuộc đời. Như vậy, khi Chúa nói hãy bỏ mình, nghĩa là bỏ đi sự ô nhục, điên rồi, tự ái, dùng dằn, tự kiêu mà chấp nhận vác thập gía theo Chúa mỗi ngày trong sự vui vẻ, tin yêu, phó thác, không tính toán hơn thiệt, không so đo lợi bất cập hại. Do đó, nhờ Chúa mà chúng ta thấy được ý nghĩ của thập giá; đó là Chúa chấp nhận vác thập giá, chịu đóng đinh trên thập giá ở đồi Calvê và sống lại vinh quang, chúng ta cũng phải đi qua con đường thập giá, cùng đóng đinh tính xác thịt vào thập giá ( Rm 6, 6 ), cùng chịu đau khổ với Chúa thì mới sống lại vinh quang. Qua cây thập giá, chúng ta lại thấy được cây sự sống trường sinh bất tử ( Kh 22, 2. 14. 19 ).  

       Như vậy, thập giá không dừng lại ở sự ô nhục, thất bại, khổ đau mà là sự vinh quang, tự hào. Điều này đã làm cho thánh Phaolô: “ Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, đó là một sự ô nhục đối với người Do Thái và là một điều điên rồ đối với dân ngoại “ ( 1Cor 1, 23 ).

       Chúa lại còn dùng thập giá để liên kết tất cả mọi người chúng ta lại với nhau, và nhất là hòa giải con người chúng ta với Chúa Cha: “ Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá Người đã tiêu diệt sự thù ghét “ ( Ep, 2, 16 ).

       Bởi vậy, thập giá của Chúa quá có lợi cho chúng ta. Do đó, suốt hơn hai ngàn năm qua, Giáo Hội không ngừng rao giảng về thập giá của Chúa và đã có biết bao nhiêu người chịu tử đạo, cũng như được rỗi linh hồn nhờ tin như thế. Chúng ta yêu mến thập giá của Chúa để rồi hàng ngày chúng ta dõi bước theo Chúa trên con đường thập giá. Chúng ta không những chỉ dõi bước theo mà còn cộng tác với Chúa trong việc rao giảng thập giá cho mọi người nữa: “ Phần tôi, chẳng bao giờ vẻ vang ngoại trừ thập giá Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đóng đinh thế gian cho tôi và tôi cho thế gian “ ( Gal 6, 14 ).   

       Lạy Chúa, niềm vinh dự của chúng con là thập giá Chúa Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại vì chúng con, xin cho chúng con biết yêu mến, say mê thập giá của Chúa mà chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho cuộc đời chúng con trong tinh thần vâng phục để chúng con góp phần hy sinh nhỏ bé của chúng con vào công trình cứu chuộc của Chúa mà an ủi Chúa, mà đền bù tội lỗi chúng con, và xin ơn cứu rỗi chúng con.

       Lạy Thiên Chúa tòan năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Đấng Cứu Thế mang thân phận người phàm và chịu khổ hình thập gía, để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và thông phần vinh quang phục sinh với Người. Amen.