Chúa Nhật XXXII thường niên  - Năm C
LÒNG TRUNG THÀNH CỦA THIÊN CHÚA
Chú giải mục vụ của Hugues Cousin

Cuộc tấn công tiếp theo là do một vài người thuộc nhóm Sađôc (cc. 27-33). Đó là lần duy nhất các thành viên của”đảng” nay xuất hiện trong Luca; trong sách Công vụ họ sẽ can thiệp nhiều lần; cũng như ở đây việc họ phủ nhận sự sống lại được nhấn mạnh (trên hết là Cv 23,6-9; x. 4,1); và Luca nói về họ như về một nhóm gần gũi với vị đại tư tế (Cv 5,17). Rất bảo thủ, họ hiểu sát chữ luật Môsê mà họ quý trọng ngũ thư hơn các sách ngôn sứ và các sách khác. Nghĩ rằng niềm tin vào việc kẻ chết sống lại không có nền tảng trong Luật nên họ từ chối tin –niềm tin này xuất hiện vào khoảng những năm 165 trước Công nguyên; trong bối cảnh nổi dậy của nhà Macabê, khi những người Israel trung thành với Chúa chịu chết vì đạo.

Những người thuộc phải Sađôc biết rằng Chúa Giêsu, cùng với các người Pharisêu và đại đa số quần chúng, tin vào sự sống lại. Để làm sáng tỏ tính cách vô lý của niềm tin này, một vài kẻ trong họ đặt ra một vấn nạn thuộc kinh viện nhằm chứng tỏ những sai lạc mà niềm tin này dẫn tới. Luật nối dõi tông đường –bị khủng hoảng vào thế kỷ thứ nhất- cho phép người ta cưới chị dâu khi người này bị goá và không con, để người anh quá cố có kẻ nối dòng; đứa con đầu lòng chị ta sinh ra sẽ lấy tên người anh quá cố, và sẽ được luật pháp nhìn nhận là con của người anh (x. Đnl 25,5-10). Đây là trường hợp: một người đàn bà son sẻ lần lượt trở thành vợ của bảy anh em lần lượt chế mà không có con. Rồi chị này cũng chết.”Khi chị này sống lại –theo những người Pharisêu và cả Thầy cũng tin như vậy- chị sẽ có con, nhưng bởi người nào trong họ mà chị ta sẽ mang thai?” (c. 33).

Vấn nạn ngây thờ một cách giả tạo, cho thấy hình ảnh về sự sống lại mà những người Sađôc chế giễu: một quan niệm duy vật thường được đặt việc kẻ chết sống lại trước việc Triều Đại Mêsia đến và trước cuộc phán xét cuối cùng. Khi đó sự trở về với cuộc sống trần thế sẽ cho phép những người chết trong các thế hệ trước đây tham dự vào triều đại này, và tất cả sẽ bị xét xử. Trong chiều hướng này, một số người Pharisêu khẳng định rằng nhân loại khi sống lại sẽ sinh con đẻ cái (đó là ý tưởng tiềm ẩn trong câu hỏi của các người Sađôc ở câu 33). Kinh sư Gamaliel, vào khoảng năm 90, sẽ khẳng định:”Sẽ đến thời mà người nữ sẽ sinh con mỗi ngày một lần”, khi ông nêu bằng chứng là các con gà mái đẻ trứng mỗi ngày (Talmud, Shabat 20b). Một kinh sư khác, vào khoảng năm 150, sẽ đi tới chỗ cho rằng mỗi người Israel sẽ có nhiều con bằng số những người Israel khi ra khỏi Ai Cập, nghĩa là 600.000… Tóm lại, việc sống lại được quan niệm như sự hoàn sinh của thân xác, mà thân xác này sẽ có được khả năng sinh sản cách kỳ diệu và sẽ trở lại với các sinh hoạt trần thế. Như các người Sađôc và như Chúa Giêsu cta sẽ mỉm cười loại bỏ một cách trình bày như thế. Tuy nhiên, một số Kitô hữu ít hiểu biết vẫn nghĩ tưởng như thế; nhất là giống như các ông Sađôc thuở xưa, ngày nay nhiều người vô tín ngưỡng từ chối tin vào sự sống lại, bởi vì họ nghĩ đó là niềm tin Kitô.

Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 34-38) gồm hai đợt. Phản bác lại các trình bày bình dân và theo các kinh sư, quá thô kệch, về tình trạng của các kẻ sống lại, Ngài bắt đầu giới thiệu quan niệm của riêng Ngài về sự sống lại (cc. 34-36). Theo Ngài, có một khác biệt tận căn giữa cuộc sống trần gian và cuộc sống mới mà người ta được hưởng khi sống lại. Ở đời này con người sinh ra rồi chết; tính dục bảo đảm việc duy trì nòi giống. Còn những kẻ, vào ngày phán xét, mà Chúa xét là đáng hưởng phúc đời sau, và khi họ sống lại, họ sẽ không chết nữa; như vậy sự bất tử sẽ loại bỏ sự sinh sản.

Kiểu nói”ngang hàng với các thiên thần” rất có ý nghĩa. Người ta gặp thấy kiểu nói này trong nhiều bản văn khải huyền của Do Thái để khẳng định rằng việc kẻ chết sống lại không phải là trở lại đời sống trần thế, nhưng là một sự tái tạo dựng không thể tưởng tượng được, một biến đổi tận căn của hữu thể nhân linh, khi đó sẽ có được mọi hình dáng theo ý mình, đi từ vẻ đẹp đến sự rực rỡ, từ ánh sáng đến chiếu rang vinh quang chói ngời (Baruch syriaque 51). Giáo huấn rất phong phú này về tình trạng của những kẻ sống lại kết thúc bằng khẳng định”họ là con cái Thiên Chúa, vì con cái sự sống lại”: điều này làm cho họ sinh ra trong tình trạng thiên quốc, là tình trạng của các thiên thần (x. St 6,2), và đặt họ trước nhan Thiên Chúa hằng sống. Trong quan niệm mà Chúa Giêsu trình bày ở đây –sẽ quan niệm của Phaolô ở 1Cr 15,35-44, sự sống lại đến liền theo cuộc thẩm phán, nó liên hệ tới các người công chính và là sự sống lại phúc lộc. Không hề thấy nói gì tới số phận của các kẻ”vô đạo”; tất cả xảy ra dường như là Chúa xét họ không xứng đáng để được kéo ra khỏi cái hư vô của sự chết, để được tái tạo.

Trong đợt thứ hai, Chúa Giêsu xác nhận chính sự kiện các kẻ chết sống lại (cc. 37-38), khi đặt cơ sở, như các ông Pharisêu trên một bản văn của Luật: ”Về việc kẻ chết sống lại thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy…”, dường như y hệt, trong giới kinh sư: lời hứa phải được thực hiện cho chính những kẻ đã được hứa, -điều đó đòi hỏi là họ phải sống lại. Quan hệ mà Thiên Chúa thiết lập với các thành viên của dân Ngài không thể bị gián đoạn mãi mãi. Chúa Giêsu trích dẫn Xh 3,6, trong đó Đức Chúa được gọi là”Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac và Thiên Chúa của tổ phụ Giacop” –trong một thời điểm mà Kinh Thánh chưa được chia ra thành chương (điều đó sẽ được làm vào thế kỷ XIII), câu này như thuộc về đoạn nói về Bụi gai. Công thức đó quy chiếu về một sự kiện quyết định của Giao Ước mà qua đó Thiên Chúa đã cam kết làm việc không ngừng để ban ơn cứu độ cho Israel. Ý tưởng nền tảng là ý tưởng về lòng trung thành của Thiên Chúa đối với các kẻ được Ngài tuyển chọn; và ngay cả thần chết, địch thủ của Thiên Chúa, cũng không thể làm gì được để chống lại lòng trung thành này. Như vậy niềm tin vào việc kẻ chết sống lại được khơi dậy bởi lòng trung thành của Thiên Chúa đối với Giao Ước. Câu cuối cùng”Tất cả các tổ phụ và các người công chính đều sống cho Ngài” ám chỉ về niềm tin sống động của các vị tử đạo Do Thái:”Họ xác tín rằng khi chết vì Chúa, là người ta sống cho Chúa, như Abraham, Isaac, Giacop và các tổ phụ sống” (4#? Mcb 16,25).