Chúa Nhật XXXI thường niên  - Năm C
ĐỂ TÌM VÀ CỨU NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT
Lm Giuse Đinh tất Quý

Lc 19,1-10

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chúng ta vừa được nghe lại một trong những câu chuyện đẹp nhất trong Tin Mừng của Thánh Luca.

1. Chúng con thấy mở đầu câu chuyện, hình ảnh của ông Giakêu rất xấu: Ông được mô tả như là một kẻ tội lỗi: Lý do là vì ông làm nghề thu thuế và lại là người giầu có. Nghề thu thuế xưa cũng như nay là nghề có nhiều cám dỗ về tiền bạc. Gia kêu làm nghề thu thuế mà lại còn giầu có thì người ta có đủ lý do để nghi ngờ về sự giầu có bất chính của ông.

+ Nhưng đến cuối câu chuyện, hình ảnh của ông trở nên đẹp lạ thường. Lý do là vì ông thay đổi hẳn, thay đổi hoàn toàn, một sự đổi thay tuyệt vời làm cho Chúa Giêsu cũng phải nhìn nhận: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Sự thay đổi như thế nào thì đây chúng ta hãy nghe chính Giakêu nói: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."

Đây là một quyết định đột xuất không ai trong nhà của ông lúc đó dám ngờ tới. Quyết định phân phát một phân nửa tài sản cho người nghèo. Số tài sản mà ông đã vất vả tích góp bây giờ được đem ra phân phát. Thật là một việc lạ lùng hiếm thấy nơi những người giàu có mà lại là giầu có do nghề thu thuế là một nghề bị dân chúng căm ghét.

Như vậy chúng con thấy từ một con người chỉ biết tích góp, bây giờ trở thành một con người biết phân phát, biết chia sẻ đó không phải là một thay đổi ngoạn mục sao!

Chưa hết chúng con: "nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn". Đền bù để sửa lại những lỗi lầm, những thiệt hại đã gây cho người khác. Đây là cũng phải được coi là một thay đổi hết sức lớn lao. Nhận lỗi lầm và sửa lại lỗi lầm đó không phải là một điều dễ. Phải can đảm lắm mới dám làm như vậy.

Gia kêu đã được gặp Chúa và cuộc đời của ông đã thay đổi. Đây chẳng phải là chuyện tình cờ.

2. Chúng ta tự hỏi do đâu mà Giakêu đã đổi đời như thế?

Một số nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng: Có hai yếu tố đã giúp ông Giakêu làm nên sự thay đổi đó :

            - Yếu tố thứ nhất là những cố gắng của chính ông Giakêu : Tin Mừng ghi rất rõ: Ông Giakêu “tìm cách để xem” mặt Chúa Giêsu. Ông nghĩ ra một phương thế rất hay: Ông chạy tới phía trước”, rồi “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.

Việc ông làm cha thấy y hệt như một đứa trẻ con! Người lớn, nhất nữa là một người giầu có, có địa vị như ông nếu có một chút sĩ diện thì chẳng ai mà lại làm như vậy. Vậy mà ông Giakêu đã làm như thế.

Nếu cha là Chúa Giêsu lúc đó chắc là cha sẽ buồn cười lắm. Thế nhưng đối với Chúa thì Chúa lại nghĩ khác. Chúa thấy ông có một khát vọng thật lớn. Ông đã để cho khát vọng đó điều khiển ông và Chúa đã đáp lại khát vọng của ông bằng một cử chỉ rất hào phóng: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!"

Thật là một việc bất ngờ chưa bao giờ ông dám nghĩ tới. Ông chỉ muốn được nhìn xem Chúa. Vậy mà bây giờ Chúa lại bảo ông tụt xuống mau để đưa Chúa về nhà. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thế nhưng việc đó đã xảy ra. Bất kể sự dị nghị của mọi người: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!".

Đó là yếu tố thứ nhất.

- Còn yếu tố thứ hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu.

Chúng ta đang sống trong năm thánh Lòng Chúa thương xót. Qua câu chuyện hôm nay chúng ta thấy lòng Chúa thương xót thật lạ lùng.

Chúng con hãy nghe Tin Mừng kể tiếp: Chúa Giêsu “nhìn lên” ông, Ngài gọi đích danh tên Giakêu của ông. Rồi Chúa ra lệnh “xuống mau đi”, và Chúa đưa ra đề nghị “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa làm nói như biết trước câu chuyện sẽ diễn tiến như thế nào nên Chúa nói chắc ăn như bắp “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” Chúa đã ở lại nhà của ông Giakêu và chính tự căn nhà này Chúa tự giới thiệu mình bằng một lời quả quyết rất rõ ràng: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy để cảm hóa một con người thường bao giờ Chúa cũng đi một bước trước. Hai anh em Andre và Simon đang giặt lưới thì Chúa đến và gọi. Hai ông bỏ mọi sự mà đi theo Chúa ngay. Levi người thu thuế đang làm việc tại bàn thu thuế, Chúa cũng đến và lên tiếng gọi, Lêvi đứng dây ngay lập tức và hân hoan theo Ngài.

Trong kho tàng những câu chuyện về Thiền, cha đọc được câu chuyện cảm động này. Thiền sư Sengai có mở một lớp để huấn luyện các đệ tử của mình. Có rất nhiều đệ tử đến theo học Thiền dưới sự hướng dẫn của thiền sư. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.

Một đêm kia, Sengai đi giám sát phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai liền dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết thầy Sengai đang đứng đúng ở vị trí chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhng bảo :

- Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy!

Từ đó trở đi, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.

Chúng con hãy nghe lại những lời Chúa nói với ông Gia kêu: "Này Gia kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" (Lc 19,5). Hạnh phúc quá bất ngờ: Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước. Ông chỉ muốn thấy kẻ đã chữa cho anh mù Bactimê là người thế nào, nhưng chính Đấng ấy lại chữa lành đôi mắt tâm hồn ông.

Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã được bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy được giá trị cao cả của chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa : "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8). Và Chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người : "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham" (Lc 19,9). Thật vậy, ở đâu có Chúa hiện diện là có ơn cứu độ, ở đâu có ơn cứu độ là có sự tha thứ. Ông Giakêu đã được thứ tha để được nhận lại làm con cái Ápraham, con cái của lòng tin, con cái của Thiên Chúa.

Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Giakêu không còn giầu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội. Những người được Chúa "tìm đến và cứu chữa" bao giờ cũng trỗi vượt trong nhân cách và kiên vững trong lòng tin.

Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng có được một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Gia kêu để cả thế giới này trở nên con cái Ápraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.