Chúa Nhật XXVIII thường niên  - Năm C
NIỀM TIN
SƯU TẦM

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết khi Chúa đi lên Giêrusalem, qua giữa miền Samaria và Galilê thì Chúa chữa 10 người phong cùi. Theo thánh sử Luca, Giêrusalem đối với Chúa Giêsu là đích điểm của cuộc hành trình và cũng là nơi kết thúc cuộc đời của Chúa, để từ đây ơn cứu độ lan rộng khắp nơi, cho tất cả mọi người. Quả thật, Tin Mừng thuật lại cả 10 người đều được Chúa chữa cho khỏi bệnh, nhưng oái oăm thay, trong 10 người đó chỉ có một người – mà lại là người xứ Samaria, một người ngoại bang, người ngoại đạo – quay trở lại để tạ ơn, để tôn vinh Thiên Chúa.

Đối với những người Do thái thời xưa, ai bị bệnh phong cùi thì bị coi là đồ chúc dữ, là hình phạt của Thiên Chúa. Họ bị cô lập, tách riêng ra khỏi cộng đoàn và không được phép tham dự bất kỳ một nghi lễ phụng vụ nào. Đồng thời khi nghe có ai tiến gần đến họ thì phải kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” để cho người khác biết mà tránh xa. Nhưng khi biết Đức Giêsu sắp đến gần, thì họ đón gặp Người – Không phải để kêu lên “Ô uế! Ô uế” – mà “lạy Thày Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Điều này chứng tỏ họ đã được biết, được nghe đến danh của Đức Giêsu và hy vọng một điều tốt đẹp xảy đến cho họ. Và Đức Giêsu đã đoái nghe đến lời khấn xin này, và bảo họ hãy đi trình diện tư tế, nghĩa là xác nhận đã lành bệnh. Quả thật, mệnh lệnh này là một thử thách đức tin của họ, vì chúng ta thấy trước khi đi thì họ vẫn trong tình trạng bị phong cùi. Và Tin Mừng thuật lại. Đang khi đi thì họ được khỏi, điều đó cho thấy 10 người cùng tin. Nhưng trong số 10 này chỉ có một là biết sống ơn đức tin đó: anh ta đã tiến thêm một bước trên con đường đức tin. Và nghịch lý thay, bước tiến lại là một bước quay trở lại, một bước trở về để tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn Đấng đã làm ơn cho mình.

Chúng ta thấy, điều mà người Samaria này cần phải làm khi được khỏi bệnh không phải là một cái gì khác, không phải là một nghi lễ phụng vụ nào nhưng là phải gặp lại Đức Giêsu để mà tạ ơn. Điều mà anh ta thấy là gì? Là chính Đức Giêsu đã cứu anh, anh đã tin như thế. Người Kitô hữu hôm nay cũng thế, chúng ta xin Chúa đủ điều, chúng ta tiếp nhận mọi sự tốt đẹp từ Giáo Hội, từ những người khác, nhưng mấy khi tôi biết ngồi lại để tạ ơn Chúa, để tạ ơn người khác? Hãy tự xét mình lại ta sẽ thấy được!

Trước đây, tôi có biết một chị, là người lương. Cứ mỗi tuần vào chiều thứ bảy là chị đem một bó bông huệ đến đặt dưới chân tượng Đức Mẹ. Sau khi tìm hiểu thì tôi biết được là chị có một đứa con bị bệnh đã nhiều năm, chạy chữa tốn rất nhiều tiền bạc, công sức mà không khỏi. Tình cờ khi đi ngang một nhà thờ, chị nhìn thấy nhiều người đang đứng cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Chị chẳng biết Đức Mẹ là ai, nhưng cũng đến để cầu xin cho con mình được khỏi bệnh. Và quả thật, chỉ hơn 2 tuần sau thì con chị được khỏi bệnh.

Ở đây, tôi không biết là do chạy chữa nhiều hay là ơn Chúa ban qua Đức Mẹ mà con chị đã khỏi bệnh. Nhưng điều mà tôi muốn chia sẽ là tâm tình của chị sau đó. Chị đã tin là “Bà đó” – người đã chữa lành bệnh cho con chị cách lạ lùng và chị đã không ngừng tạ ơn về điều đó.

Nhiều khi chúng ta luôn miệng nói cám ơn vì lịch sự hay do thói quen mà không cần suy nghĩ, cũng không để cho nó tạo ra một mối quan hệ hay một sự tương quan nào với ai. Vâng lời cám ơn chân thành phải làm cho chúng ta hiệp thông với một con người, nó phải là một lời bộc lộ tình yêu thương. Mỗi ngày khi tham dự thánh lễ, sau khi nghe lời Chúa chúng ta cùng thưa lên: “Tạ ơn Chúa hay ngợi khen Chúa”. Và việc tạ ơn này là gì? Nếu không phải là để cho lời Chúa thấm vào trong tôi, đi vào trong con người của tôi và là động lực để thúc đẩy tôi dấn thân, để tôi sống và làm chứng lời đó giữa cuộc đời.

Như vậy, chúng ta thấy lòng biết ơn không chỉ là đức tính nhân bản, mà còn là một nhân đức tôn giáo nữa; không chỉ là lời nói xã giao, mà còn là một sự tự nguyện dấn thân để tin theo. Đó là hình ảnh của một chị người lương nói trên và cũng là hình ảnh của một người cùi xứ Samaria trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã tạo ra được một mối tương quan mật thiết với Chúa. Nhưng trong thực tế, mấy ai đã làm được điều này?

Nhìn vào lịch sử dân Chúa, chúng ta thấy đầy dẫy những sự vô ơn: như Tin Mừng hôm nay 10 người được chữa lành nhưng chỉ có một người quay trở lại tạ ơn; 5.000 rồi 4.000 người được Chúa cho ăn no như khi hóa bánh ra nhiều nhưng trên đường vác thập giá chỉ có một người vác đỡ Chúa; cả một dân tộc mang ơn nhưng khi Chúa bị đóng đinh thì chỉ có một tên trộm tuyên xưng Chúa vô tội.

Tục ngữ ca dao Việt Nam cũng có nhiều câu để diễn tả lòng biết ơn như: “An quả nhớ kẻ trồng cây, hay uống nước nhớ nguồn”, nhưng cũng có nhiều câu để nói lên sự vô ơn của con người: “An cháo đái bát, vắt chanh bỏ vỏ hay có trăng quên đèn…” là người thì không ai cách này hay cách khác đã có lần phải chịu ơn.

Hơn nữa, là người Kitô hữu thì tôi lại càng mang ơn nhiều hơn. Cử chỉ của người cùi xứ Samaria trong Tin Mừng nhắc nhớ cho chúng ta về điều này. Anh ta sấp mình xuống dưới chân Chúa mà tạ ơn, một cữ chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi: để nói lên rằng chính con người tôi đây, tôi chẳng là gì cả, tôi đã được nhận tất cả, tôi chỉ là cát bụi. Vậy thì hôm nay tôi phải tạ ơn Chúa vì chính sự sống của tôi đây, điều mà tôi không có quyền gì để đòi hỏi nơi Chúa nhưng do tình yêu nhưng không của Ngài, như lời thánh vịnh 8 đã nói: “Phàm nhân là gì để Người nhớ đến, con người là chi để Chúa phải lưu tâm”.

Vâng tôi chẳng là gì cả, tôi chỉ là thân cát bụi hèn yếu nhưng chính Ngài đã ban Thần Khí cho tôi, đã cho tôi có sự sống, tôi không thể sống mà không biết tạ ơn! Lại nữa, tôi không chỉ tạ ơn về những điều tốt đẹp, mà còn tạ ơn về những thiếu sót, lỗi lầm, giới hạn của tôi nữa. Tại sao ư? Vì có như thế, tôi mới nhận ra được con người đích thực của mình, tôi mới có thể nhận ra được những điều tốt, điều hay nơi những người xung quanh, nơi những anh chị em của tôi. Thực ra, thì Chúa chẳng cần chúng ta ca tụng tạ ơn đâu – như lời Kinh Tiền Tụng đã ghi – vì điều đó chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đó lại là một hồng ân cao cả, nó đem lại ơn cứu độ cho chúng ta.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết không ngừng tạ ơn Chúa trong từng phút giây của cuộc đời chúng con. Lời Chúa hôm nay cho chúng con biết rằng, đối với Chúa điều làm cho chúng con có giá trị không phải là thân thế, sự nghiệp hay danh vọng, mà là chính tình yêu thương vô điều kiện của Chúa đã đổ tràn ngập xuống tâm hồn chúng con và bao phủ lấy cuộc đời của mỗi người chúng con. Chính điều này cho chúng con biết được Chúa là Thiên Chúa luôn gần gũi với con người, một Thiên Chúa luôn cúi xuống trên nỗi bất hạnh của con người.

Xin Chúa cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn bằng tất cả sự tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, chứ không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi. Để từ đó, chúng con cũng có được thái độ chia sẻ như là một trách nhiệm, đối với anh chị em chúng con, vì như thánh Giacôbê đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.