Chúa Nhật XXVI thường niên  - Năm C
GIÀU CỦA GIÀU LÒNG
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP.

          Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu đã nói với chúng ta về việc sử dụng tiền của, tuần này Ngài nhắc đến một lần nữa và khuyến cáo chúng ta rằng tiền của có thể trở thành một mối nguy, một cản trở chúng ta vào Nước Trời. Một cách cụ thể, Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn về “người phú hộ và Lazarô khó nghèo”. Người phú hộ chỉ biết cậy dựa vào tiền của, chỉ biết hưởng thụ một mình mà quên đi người nghèo khó khác nên đã bị trầm luân; còn Lazarô nghèo khó chỉ biết cậy dựa vào Chúa, sống theo thánh ý Ngài nên được lên thiên đàng.

          Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai , không phạm gì đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hỏa ngục ? Tội ông ở chỗ nào ? Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ có tội “hờ hững, dửng dưng” trước đau khổ của người khác. Ông không phạm tội một cách tích cực mà phạm tội một cách tiêu cực, đó là “tội thiếu sót” như chúng ta đọc trong kinh Cáo mình. Ông chỉ biết hưởng thụ, yến tiệc linh đình, ca hát suốt ngày đêm mà không màng gì đến người khó nghèo Lazarô nằm ngay cổng nhà ông, muốn ăn những hạt cơm rơi trên bàn ăn của ông mà cũng không được.

          Người ta thường nói :”Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” : lành dữ đều có thưởng phạt, cao bay xa chạy cũng không thể thoát được.  Cái chết  đã phân chia hai người thành hai thế giới đối nghịch : thế giới đau khổ và thế giới hạnh phúc. Người phú hộ bị phạt, Lazarô được thưởng.  Bài học Chúa dạy ta hôm nay là phải biết quản lý tài sản của Chúa “cho nên” vì chúng ta không phải là chủ mà chỉ là quản lý những gì Chúa đã thương ban. Phải có tinh thần liên đới và bác ái, phải biết chia sẻ với người đau khổ hầu kiếm được nhiều bạn hữu để “họ sẽ đón rước các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16,9).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

          +  Bài đọc Am 6,1a.4-7.

          Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế thế kỷ 8 trước công nguyên đã đào sâu hố phân cách giữa người giầu và người nghèo. Rất nhạy bén với những bất công xã hội, Amos không thể chịu  đựng những  kẻ có thế lực nhục mạ những kẻ yếu khốn khổ  bằng lối sống xa hoa của mình. Vị tiên tri không tiếc lời đả kích những kẻ giầu có  chỉ biết hưởng thụ, ăn uống, chè chén say sưa, ca hát mà không quan tâm đến người khác,”chẳng biết đau lòng trước cảnh Israel sụp đổ”. Họ sẽ bị diệt vong. Sống trên đời là phải sống liên đới với người khác trong vui buồn sướng khổ.

          +  Bài đọc 2 : 1Tm 6,11-16.

          Điều thánh Phaolô chờ đợi nơi Timôthêô là phải chiến đấu đến cùng  trong cuộc chiến đấu vì đức tin. Đó không phải là cuộc bảo vệ đức tin chống kẻ thù. Đức tin là một cuộc chiến đấu, vì nó cần được diễn tả trong suốt cuộc sống.

          Thánh Phaolô khuyến khích ông Timôthêô trung thành trong đức tin đã lãnh nhận và hãy làm chứng về đức tin ấy trước mặt mọi người. Người Kitô hữu, phương chi vị mục tử, cần ghi nhớ những lời khuyên này.

          +  Bài Tin mừng : Lc 16,19-31.

          Sự đảo ngược hoàn cảnh trong dụ ngôn ông nhà giầu ích kỷ và anh Lazarô khó nghèo – người nghèo được hưởng hạnh phúc còn người giầu bị trừng phạt – là một hình ảnh văn học thường gặp  trong các sách tiên tri và Tin mừng.

          Người phú hộ quen cậy dựa vào tiền của, không thèm để ý đến ai, khi chết thì những chỗ cậy dựa cũng tiêu tan và phải rơi vào cảnh khốn khổ ! Còn Lazarô là người nghèo khó  không có chỗ dựa ở trần gian, chỉ biết cậy dựa vào Chúa, nên khi chết được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Chúa.

          Dụ ngôn cũng nhắc nhở cho người giầu phải sớm sửa lỗi lầm, đừng cậy dựa vào của cải trần gian nhưng hãy cậy dựa vào Chúa. Hãy ăn năn hối cải, đừng để đến giờ chết mới sám hối, vì lúc đó đã quá muộn và tình thế không thể đảo ngược được.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Sự giầu có đích thực.

I. HAI THẾ GIỚI ĐỐI NGHỊCH.

          1. Dụ ngôn người phú hộ và Lazarô nghèo khó.

          Dụ ngôn người quản gia bất lương của Chúa nhật tuần trước và dụ ngôn về Lazarô và nhà phú hộ của tuần này hỗ tương nhau vì cả hai dụ ngôn  đều qui về một ý tưởng : người giầu có sẽ hư mất, sẽ trầm luân đời đời nếu không biết chia sẻ của cải với những người túng thiếu. Đức Giêsu đem đối chiếu hai nhân vật thực tương phản : một nhà phú hộ chỉ biết tin cậy vào của cải để hưởng thụ, và một người nghèo khổ chỉ biết trông cậy vào Chúa.

          Chúng ta đang đồng hành với Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài trên đường tiến về Giêrusalem – nơi Ngài sẽ tự hiến vì nhân lọai. Bằng dụ ngôn “người phú hộ và Lazarô nghèo khó”, Đức Giêsu không những muốn gửi đến cho nhóm người Pharisêu vốn ham thích tiền bạc, xem tiền của, giầu sang  như là dấu hiệu  được Giavê chúc phúc, mà còn là lời cảnh tỉnh cho hết những ai coi trọng tiền bạc hơn anh em đồng loại.

          Mở đầu dụ ngôn, chúng ta thấy hai con người với hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược xuất hiện. Một bên đại diện cho phú quí giầu sang, ngày ngày yến tiệc linh đình, còn bên kia là nghèo khổ, bệnh hoạn, dơ dáy bẩn thỉu. Một bên là thế giới của “lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình” và một bên là thế giới bệnh hoạn nghèo túng đến thảm thương, thế giới của “mụn nhọt ghẻ lở đầy mình” và là thế giới của những ước ao rất ư bình dị đáng thương “thèm được những thứ trên bàn ăn rơi xuống ăn cho no”. Cả hai thế giới ấy  đều được khép lại  với cái cửa là sự chết, nhưng cũng đồng thời mở ra một thế giới mới với hai số phận , hai cảnh đời hoàn toàn trái ngược.

          Cái chết là tận số chung của mọi người, bất phân giầu nghèo. Hậu quả của cái chết khác nhau tùy theo cách sống của mỗi người khi còn sống. Ở đây người giầu, vì đã không biết sử dụng của cải để bố thí cho người nghèo theo lời khuyên của lề luật và các tiên tri; vì thế ông bị cực hình trong hỏa ngục.

          2. Hai hạng người đối nghịch nhau.

          a) Người phú hộ. 

          Người phú hộ trong dụ ngôn này không có tên riêng chỉ biết ông ta là người giầu có. Hình ảnh người phú hộ rất quen thuộc trong xã hội Do thái bấy giờ : một xã hội có những người giầu sống tách biệt với người nghèo. Người phú hộ trong dụ ngôn thường xuyên đầy đủ của cải, nhưng không phải do những lối làm ăn bất chính, cũng như ông không tiêu xài của cải vào việc bất chính như ăn chơi, xa xỉ. Ông chỉ lo sống như những người giầu khác vào thời ông : ăn mặc sang trọng, ngày ngày yến tiệc linh đình. Ở đây cho thấy người phú hộ này không xấu về phương diện tiêu cực như làm giầu cách bất công và tiêu xài của cải cách bất chính để gây ra tội lỗi.

          Nếu người phú hộ không phạm một tội ác nào đối với Lazarô mà lại bị trầm luân thì vì lý do gì ? Nếu xét về mặt tội lỗi để buộc người phú hộ phải mất linh hồn đời đời nơi hỏa ngục, chúng ta thấy ông ta chẳng có tội nào để chuốc lấy cái án phạt lớn đến như thế. Ông không hề chiếm đoạt tài sản của bất cứ ai. Ông cũng không phải chịu trách nhiệm trên sự nghèo nàn và thống khổ của Lazarô. Còn chuyện ông dư dật và ăn xài cũng không hẳn đã thành tội, vì đó là của cải của ông. Đức Giêsu không kê khai bất cứ tội nào của ông. Ngài cũng không cho biết người nghèo Lazarô đã xin nhà phú hộ giúp đỡ, hay nhà phú hộ đã từ chối giúp đỡ Lazarô. Vậy tại sao ông phải sa hỏa ngục ? 

          Đó chính là nhà phú hộ đã làm ngơ, có thái độ dửng dưng, hững hờ đối với Lazarô đang sống trong cảnh cùng quẫn. Tội của ông chính là tội “Thiếu sót”, vì ông đã không làm gì để cải thiện đời sống của người anh em nghèo khó ở sát cạnh mình. Bác sĩ Albert Schweitzer, người đã bán hết gia tài kếch sù của ông, xây một bệnh viện và dấn thân cứu giúp những con người cùng khổ nhất Châu Phi đã đặt ra câu hỏi cho chính mình :”Làm sao chúng ta có thể sống  hạnh phúc trong khi có biết bao người đang đau khổ” ?

          Đúng vậy ! Dửng dưng hay hững hờ trước những đau khổ của người khác là một tội . Đó là điều Đức Giêsu muốn nêu bật qua hình ảnh người phú hộ trong Tin mừng hôm nay.

          b) Người nghèo khó Lazarô. 

          Lazarô là hình ảnh đối nghịch với người phú hộ, là người nghèo khó, bệnh hoạn, khốn khổ đến cùng cực, cần sự giúp đỡ nhưng không ai cho, ngay cả người phú hộ ở ngay bên cạnh.

          “Lazarus”, tên bằng tiếng La tinh của từ “Eleazar” tiếng Do thái, có nghĩa là “Thiên Chúa là sự nương tựa của tôi” hay “Thiên Chúa phù trợ”. Do đó, Lazarô, không phải chỉ là một người nghèo, nhưng là một người nghèo  hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa. Đây ắt hẳn là một lý do tại sao ông đã “được các thiên thần đem lên lòng Abraham”(Lc 16,22).  Nhờ đức tin, sự trông cậy, và lòng phó thác nơi Thiên Chúa giữa cuộc sống nghèo khổ ông được lên thiên đàng, không phải vì nghèo nàn, khốn khổ về vật chất.

          Đặt sự tương phản giữa sự nghèo khó của Lazarô và sự giầu có của nhà phú hộ để nói lên khía cạnh ích kỷ, keo kiệt của nhà phú hộ. Ở đây muốn nói : người giầu có đang có cơ hội thường xuyên để giúp người khốn khổ Lazarô, sử dụng của cải theo đúng vai trò người quản lý của Chúa. Nhưng vì người giầu có này hà tiện, keo kiệt, ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ, nên đã không biết sử dụng  của cải giúp đỡ ngưởi nghèo khổ, vì thế ông đáng tội.

          3. Vực thẳm giữa hai thế giới

          Cái chết thay vì làm cho họ xích lại gần với nhau, lại làm cho khoảng cách giữa họ trở thành vĩnh viễn. Sự thật cho thấy từ nay tình thế của họ đã hoàn toàn đảo ngược. Lazarô, kẻ ăn xin xưa kia trên trần gian, nay đã được thiên thần đem vào lòng ông Abraham, hưởng vinh phúc vô tận. Còn người phú hộ thì trái lại, trước đây hưởng sự giầu sang, chẳng đoái hoài gì đến người nghèo nằm trước cửa nhà mình, nay phải ở “dưới hỏa ngục, đang chịu cực hình”.

          Dưới âm phủ : chữ âm phủ hay hỏa ngục dịch chữ Hadis hoặc Schéol, chứ không phải dịch chữ Gehenna. Theo quan niệm một số người Do thái, Schéol là nơi người chết vào trong đó và tạm thời được xếp thành 2 loại : Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi và được ngồi dự tiệc trong lòng của tổ phụ Abraham (x. Lc 23,43). Loại hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn. Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung. Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh viễn và kẻ dữ sẽ bị phạt trong lửa hỏa ngục đời đời.

          “Trong hỏa ngục, nhà phú hộ nhìn thấy đàng xa có Abraham và Lazarô trong lòng Ngài”.

Thấy thế, nhà phú hộ năn nỉ tổ phụ Abraham sai Lazarô – ông nêu rõ tên, cái tên mà ông chẳng thèm biết tới khi còn sống ở trên đời – “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát”. 

          Muộn quá rồi ! Cuộc chơi đã mãn ! Cả Abraham lẫn Lazarô chẳng ai làm được gì cho ông nữa. Một cách vô thức, ông đã từng buớc đào sâu thêm, giữa sự giầu có ích kỷ của mình và cái khốn cùng của người nghèo trước cửa nhà một “vực thẳm” mà rốt cùng cái chết đã làm cho trở thành vĩnh viễn không thể vượt qua. Thua xa sự “khôn khéo” của người quản gia bất lương của Chúa nhật vừa qua, ông đã không biết “làm bạn” với Lazarô, để được anh “đón rước vào nơi ở vĩnh viễn”.

          Theo nhận định của H. Cousin :”Vực thẳm chia cách giữa những người  đang được hưởng hạnh phúc quanh Abraham và những kẻ đang chịu cực hình dưới hỏa ngục, thực ra chỉ là sự nối dài của vực thẳm  đã được đào sâu giữa cổng nhà nơi Lazarô đã nằm và bàn tiệc cao lương mỹ vị, mà suốt đời viên phú hộ kia đã chẳng làm gì để lấp cho đầy” (Fiches dominicales C, tr 316). 

II. MỘT VÀI SUY TƯ VỀ DỤ NGÔN TRÊN.

          1Giầu hay nghèo không phải là xấu.

          Thoạt tiên, xem ra có vẻ mâu thuẫn về quan niệm giầu nghèo trong Thánh Kinh Tân ước. Một đàng Đức Giêsu ca tụng nhân đức khó nghèo. Chúa nhấn mạnh rằng tiền bạc có thể là mối nguy hặi cho việc cứu rỗi. Đàng khác, Ngài ý thức rằng nghèo túng có thể làm giảm  nhân vị của họ. Nếu xét đến tinh thần nghèo khó trong Phúc âm thánh Matthêu thì cái mâu thuẫn không còn nữa. Vì vậy giầu hay nghèo theo tinh thần Phúc âm là tùy thuộc vào thái độ của ta đối với của cải vật chất . Do đó, người giầu có về phương diện vật chất có thể được coi là nghèo khó về phương diện tinh thần  nếu họ làm giầu cách chính đáng, không để lòng dính bén vào của cải vật chất và biết giúp đỡ người nghèo đói. Trái lại, một người nghèo túng về phương diện vật chất, có thể được coi là giầu có về phương diện thiêng liêng, nếu họ luôn mơ ước làm giầu chính đáng.

          Như vậy giầu không phải là tội. Và nghèo – nếu chỉ vì nghèo – cũng không phải là một nhân đức. Vậy giầu hay nghèo tự bản chất không phải là một điều xấu. Tuy nhiên nếu người ta coi của cải đời này là cùng đích thì người ta đi vào con đường sai lầm. Con người được tạo dựng  với những nhu cầu vật chất để sinh sống và phát triển nhân vị. Tuy nhiên người ta không được để cho của cải đời này  làm cản trở mối liên hệ với Chúa. Vậy cái thái độ ta phải có  đối với của cải vật chất là tâm tình biết ơn Chúa là Đấng ban phát mọi sự.

Theo chương trình quan phòng của Thiên Chúa thì của cải phải khơi dậy trong ta cái tâm tình biết ơn Chúa và liên kết ta lại với tha nhân trong tinh thần liên đới trách nhiệm. Của cải là để phục vụ con người, chứ không phải là con người phục vụ của cải. Vì thế, ta phải biết quản lý của cải  một cách khôn ngoan và có trách nhiệm : không phung phí cũng không ích kỷ. Mỗi người tín hữu dù giầu hay nghèo, tu hay không tu phải cố gắng sống tinh thần Phúc âm là tinh thần siêu thoát. Nếu không, người ta có thể phải làm nô lệ cho của cải (Trần bình Trọng).

          2. Giầu của có thể nghèo lòng.

          Trong dụ ngôn hôm nay, người phú hộ bị hình phạt trong hỏa ngục, chịu lửa thiêu đốt và khát cháy cổ, không phải vì phạm tội ác nào, mà chỉ vì sử dụng của cải Thiên Chúa ban để ích lợi cho một mình mình thôi. Ông ta “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, bỏ mặc người nghèo ở ngay trước cổng nhà mình “sống chết mặc bay”, phải chịu “mụn nhọt đầy mình”, “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”, “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông chủ rớt xuống mà ăn cho no” mà không hẳn được ai cho. Người phú hộ ấy – cũng như biết bao người giầu có khác – nghĩ rằng những gì mình đang có trong tay là của mình, mình muốn sử dụng hay hưởng thụ thế nào, cho ai hay không cho là tùy ý mình. Ông ta nghĩ rằng ông hoàn toàn  vô tội không làm thiệt hại gì ai. Đối với những người nghèo khổ đến với ông, ông nghĩ ông có quyền không cho, và làm như thế ông không có lỗi gì với họ cả : ông có làm gì khiến họ thiệt hại đâu.

          Chúng ta hãy nhớ lại nhiều lời cảnh báo chống lại nguy cơ của những người giầu có vật chất (Lc 12,115-21- 16,9-11). Đối với Đức Giêsu, sự giầu có bao gồm hai nguy cơ chết người :

          - Nó khép kín lòng mình với Thiên Chúa : Người ta bằng lòng với những lạc thú trần gian mà quên đi đời sống vĩnh cửu là điều chủ yếu.

          - Nó khép kín lòng mình với những người khác : Người ta không còn nhìn thấy người nghèo  nằm ngay cổng nhà mình.

Truyện : Bà già đón Chúa. 

          Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

          Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói :”Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

          Mấy phút sau lại có tiếng  gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà ta đóng sầm cửa lại.

          Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến, Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.

          Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

          Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói :”Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và 3 lần con đều đuổi Ta” (Góp nhặt).

          3. Người giầu thật và nghèo thật

          Người giầu thật là người biết cho, người nghèo thật là người chỉ biết nhận.

          Người giầu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ; người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu.

          Sự giầu có thật là giầu trong tâm hồn, sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng.

          Bởi vậy cái giầu vật chất hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn. Và đó cũng là cái nguy hiểm của vật chất :

          - Nó khiến ta quá chú ý đến  cái “” mà quên xây dựng cái “là” của mình.

          - Mà những cái “có ấy” chỉ là vật chất và ngoại tại, nên chúng dễ khiến ta lơ là với những giá trị tinh thần và cuộc sống nội tâm.

          - Quá quan tâm đến vật chất, chúng ta còn có thể bị chúng  che mờ cặp mắt không còn nhìn thấy tha nhân và Thiên Chúa (Carôlô).

Truyện : Giầu có tâm hồn. 

          Một tu sĩ đi lang thang đến một ngôi làng. Ông đang định nghỉ qua đêm dưới một gốc cây thì một dân làng chạy đến gặp ông và nói :”Xin thầy cho con viên ngọc quý”.

          Anh định nói về viên ngọc nào”?  Người tu sĩ hỏi.

          “Tối hôm qua con có một giấc mơ : nếu con đi ra bên ngoài làng lúc chạng vạng tối, con sẽ gặp được một tu sĩ và vị này sẽ cho con một viên đá quý, làm con trở nên giầu có mãi”.

          Tu sĩ lục lọi trong túi xách, tìm thấy một viên ngọc và lấy ra.”Đây có lẽ là viên ngọc mà anh nói đến” ông nói và đưa cho người dân làng. “Tôi tìm thấy nó trong rừng, cách đây mấy ngày. Anh hãy nhận lấy nó”.

          Người dân làng cầm viên ngọc và ngắm nghía với vẻ thán phục. Nó là một viên kim cương, viên lớn nhất mà anh ta chưa bao giờ thấy. Anh ta đem nó về nhà. Nhưng suốt đêm, anh ta trằn trọc trên giường, không thể ngủ được. Sáng sớm hôm sau anh ta trở lại gặp vị tu sĩ và nói :”Suốt đêm qua, con đã suy nghĩ nhiều. Thầy hãy lấy lại viên kim cương này. Thay vào đó,  hãy cho con sự giầu có nào  làm thầy cho đi viên kim cương ấy dễ dàng đến thế”. 

          Người giầu có sống bằng đời sống tinh thần bên trong, người bình thường sống bằng đời sống bên ngòai – điều mà người kém cỏi lại thấy cần và mong muốn (McCarthy).

          Theo sự suy tư của cha Flor McCarthy ta có thể nói :

Sự giầu có thật được đo không phải   bởi những thứ người ta thu tích, mà bởi những thứ người ta cho đi.

Sự giầu đáng giá nhất là giầu trong tâm hồn.

Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết,

Khi ta mở cửa lòng ra là lúc ta bắt đầu sống.

          4. Phải biết chia sẻ .

          Suy niệm qua dụ ngôn này, ta thấy Thiên Chúa không chấp nhận cho vào Nước Trời những người sống ích kỷ, không biết yêu thương, những người lãnh đạm hoặc làm ngơ trước những đau khổ của những người chung quanh chúng ta đang phải gánh chịu một cách bất công. Vì thế, một cách cụ thể, chúng ta cần biết chia sẻ, giúp đỡ họ, và phải làm một cái gì đó khi có thể. Nếu chúng ta có tình yêu đích thực, tình yêu ấy  ắt sẽ khiến chúng ta  bức xúc và không thể im lặng hay bất động trước những đau khổ người khác đang phải chịu trước mắt mình.

          Trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ lần đầu tiên, tại sân vận động Yankee, Đức Giáo hòang Gioan Phaolô II lấy lại dụ ngôn hôm nay và nói :”Người giầu này bị hình phạt vì ông không quan tâm đến người khác, vì không để ý gì đến Lazarô đang nằm trước cổng nhà ông chờ đợi từng mẩu bánh từ bàn ông ăn rơi xuống. Đức Kitô không bao giờ lên án việc có tài sản, nhưng Ngài đưa ra những lời nghiêm khắc chống lại những người sử dụng của cải vật chất cách ích kỷ, không chú ý gì tới người khác… 

          Chúng ta phải luôn luôn nhớ, dụ ngôn người giầu và người nghèo này. Câu chuyện đó phải đào tạo lương tâm chúng ta. Đức Kitô đòi buộc ta phải mở rộng lòng với anh chị em sống trong khó nghèo. Với những người giầu, những người khỏe mạnh, những người có được một bảo đảm kinh tế, Chúa đòi buộc phải rộng lòng đối với người nghèo, những người sống trong các nước chưa phát triển”. 

III. BÀI HỌC CHO NGÀY HÔM NAY. 

          1. Biết quản lý tài sản của Chúa.

          Tất cả những gì chúng ta đang có đều là của Chúa ban. Chúng ta không phải là chủ mà chúng ta chỉ là người quản lý, cho nên chúng ta phải sử dụng tài sản ấy theo ý của Chúa, không được phung phí. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những việc làm của chúng ta.

          Người ta nói :”Hữu lộc bất khả hưởng tận” :  có lộc chẳng nên hưởng hết một mình. Con người phải có tình liên đới, còn phải nghĩ tới người khác. Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hòang Lêô XIII có nói :”Chúa khoan hồng ban dư dật mọi ơn huệ hồn xác cho ai, thì kẻ ấy phải dùng để thánh hóa bản thân và cấp đủ sự cần dùng cho đời sống mình trước, rồi sau phải đóng vai quản lý Chúa quan phòng, để cứu đỡ kẻ khác. Kẻ giầu có nhiều tiền thì chớ để sự nhân từ tê cóng trong lòng họ”(đọan 9).

          2. Phần thưởng và hình phạt đời sau. 

          Cổ nhân đã nói :”Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” : Lành dữ trước sau sẽ có thưởng  phạt. Chúng ta biết Thiên Chúa lòng lành vô cùng. Chúng ta cũng thấy ở đời này có sự chênh lệch diễn ra rõ rệt : người giầu thì giầu quá, người nghèo cũng lại quá nghèo. Một điều rất khó hiểu : người tội lỗi thì cả đời may mắn, trong khi người công chính thì cả đời gặp rủi ro tai họa. Giữa lúc phân vân bối rối như vậy thì có những tia sáng lóe lên trong đầu óc, trong đó phải kể ngay đến sự việc của người phú hộ.

          Người phú hộ phải phạt không phải vì ông là người phú hộ, mà vì ông đã không phú hộ “cho nên”. Giả như ông thương người nghèo đói cho đúng mức, hay ít ra bố thí cho họ những của dư thừa theo câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương” thì đâu đến nỗi phải phạt sau khi ông chết ?  Đức Giêsu cũng không phi bác sự giầu có, mà chỉ cho đó là  cản trở khó vào Nước Trời (Mt 19,224), do đó sự giầu có vốn  nó không xấu, cũng không phải là tội, nếu người ta biết giầu có “cho nên”, mà nhà phú hộ kia đã la cái gương đáng kể về người giầu có vậy.

          Tư tưởng thưởng phạt mỗi ngày mỗi thêm sáng tỏ trong các dân tộc : dân La mã cũng như dân Hy lạp tin rằng kẻ không kính thờ thần linh, sau này sẽ bị loại ra khỏi nơi cực lạc,  trong khi các dân tộc Á đông tin rằng :”Tác thiện giáng chi bách tường. Giáng bất thiện giáng chi bách ương”. Và nếu kẻ làm lành chưa được thưởng công và kẻ tác quái chưa phải chịu phạt thì “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Phước hoàn bất báo, thời thần vị báo. Cao phi viễn tẩu dã nan tàng” : Làm lành được thưởng, làm dữ phải phạt. Nếu như chưa thưởng chưa phạt, đó là chưa đến giờ. Và khi giờ đã điểm thì dù cao bay xa chạy đến đâu đi nữa cũng không thóat nổi.

          3. Gấp rút sửa mình, đừng chần chừ.

          Trong hỏa ngục nhà phú hộ xin Abraham sai Lazarô về cảnh cáo 5 anh em còn sống, để họ khỏi rơi vào cảnh khốn cực này, để họ trở lại sống đúng ý nghĩa cuộc đời hơn. Nhưng Abraham đáp lại bằng những lý luận Maisen đủ để cảnh tỉnh họ. Luật Maisen và các tiên tri đã chẳng từng dạy về việc sử dụng tiền của vật chất sao cho đúng ư ? Các ngài đã chẳng khuyên phải bác ái đối với người nghèo, chia cơm sẻ áo với kẻ đói khát, niềm nở đối với khách lạ, đón tiếp kẻ bất hạnh sao ? Sách Đệ nhị Luật (15,7-11) truyền dạy :”Nếu giữa anh em có một người nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em : hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em”. 

          Bài học đã quá rõ. Nó được gửi đến tất cả những ai đang có nguy cơ bị tiền của làm cho điếc tai, mờ mắt. Mong sao đừng chờ cho đến khi có một biến cố nào đó lay động, buộc họ phải quyết định. Tốt hơn hãy coi Lời Chúa cảnh báo hôm nay là nghiêm trọng. Đừng chậm trễ. Chậm trễ biết đâu sẽ muộn màng.

Truyện : Đã quá muộn. 

          Đã ba đêm, người ta nghe văng vẳng tiếng nức nở và khẩn khoản của một thanh niên ở ngoài nghĩa trang từ một ngôi mộ của một người đàn ông 50  tuổi mới được chôn cất một tuần :”Cha ơi, con xin lỗi cha. Cha tha lỗi cho con đi cha. Cha có nghe không cha” ? Thì ra vì xích mích với cha anh đã bỏ nhà ra đi. Thời gian giúp anh hiểu ra  tình cha. Trở về xin lỗi thì đã trễ.

          Chúng ta có thể kết luận : Muốn đạt hạnh phúc đời đời ta phải trở nên nghèo khó, nghĩa là ta không dính bén của cải trần gian này. Ta có lắm của nhiều tiền là một việc tốt. Ta biết dùng nó để tạo cuộc sống ấm no cho bản thân, gia đình và xã hội, một điều kiện cần thiết để thực thi lòng mến Chúa yêu người. Ngoài ra, ta cũng biết chia sẻ với người anh em đang thiếu thốn như là một trách nhiệm phải làm chứ không như là một việc thi ân giáng phúc. Dĩ nhiên sự chia sẻ đó phải phát xuất từ tấm lòng của ta là giúp người anh em tiến gần Chúa hơn.