Chúa Nhật XXIX thường niên  - Năm C
LUÔN NHẬN LỜI CẦU NGUYỆN
Chú giải của Noel Quesson

Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.

Như thế, chúng ta không phải là những người đầu tiên gặp những khó khăn trong việc cầu nguyện. Chính các tông đồ cũng “nản chí”. Và Đức Giêsu bắt buộc phải nâng tinh thần họ lên.

Thật vậy thường thì chúng ta bắt đầu cầu nguyện với lòng quảng đại. Chúng ta đã quyết định dành một ít thời gian mỗi ngày cho việc cầu nguyện. Một đôi khi, chúng ta đây mua một tranh thánh để đặt ở góc nhà và nó nhắc chúng ta “phải cầu nguyện”. Và rồi trong một vài ngày hoặc một vài tuần, chúng ta dùng một đoạn Tin Mừng và chúng ta cũng đã thử. Nhưng không có gì đã xảy ra! Chúng ta chỉ đụng phải sự im lặng của Thiên Chúa. Những sự phân tâm, chia trí đã chiếm hết thời gian suy niệm của chúng ta. Thế rồi, chúng ta đã ngừng lại...

Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí! Lạy Chúa, Chúa nói với chúng con như thế. Biết được Chúa hiểu những khó khăn của chúng con, tốt cho chúng con biết bao. Có một ngàn lý do để không cầu nguyện. Mọi khung cảnh của thế kỷ XX đều nói với chúng ta về hiệu quả tức thì của năng suất. Khoa học và kỹ thuật đã làm cho chúng ta tin rằng sau cùng con người có thể làm được mọi việc, ngay lập tức. Và rồi, bị sự tiêu thụ gặm nhắm, chúng ta chạy hết tốc độ. Chúng ta không còn có thời gian để dừng lại trừ lúc bị nhồi máu cơ tim. Bạn biết đấy, giữa những thời gian, học tập, công việc, lúc thư giản, tham gia; tôi không có thời gian cầu nguyện. Buổi sáng Chúa nhật là thời gian duy nhất để tôi nghỉ ngơi. Bạn biết đấy, tôi không đi dự thánh lễ được.

“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí!”

Và rồi, cầu nguyện để làm gì? Bạn thấy rõ Thiên Chúa không nghe lời cầu nguyện của bạn. Bất công tiếp tục tồn tại trong thế giới. Thế thì tốt hơn hết là phải chiến đấu chống lại nó một cách cụ thể thay vì mất thời gian để cầu khẩn cho “Nước Cha trị đến” bởi vì xem ra Nước Cha không bao giờ đến.

Phải cầu nguyện luôn luôn và liên tục

“Phải cầu nguyện không được nản chí... vững vàng trong sự cầu nguyện... với lòng can đảm, kiên trì...

Độ là hai hình thức rất thường gặp dưới ngòi bút của thánh Phaolô, thầy của Luca (2Tx 1,11; Cl 1,3; Phl 4; Rm 1,10; 2 Tx 3,13; 2 Cr 4,1-16; Gl 6,9; Ep 3,13).

Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.' Một thời gian khá lâu, ông không chịu.

Một lần nữa, Đức Giêsu đã chọn một thí dụ hắc ám hết mức để làm cho chúng ta hiểu điều Người sắp nói. Một ông quan tòa phương Đông một mình làm nhiệm vụ trong một thành phố nhỏ, không có sự kiểm tra của cấp trên, và có thể kéo dài vụ kiện tuỳ thích. Một người chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng sợ hãi ma quỷ và khinh khi mọi người. Đối đầu với ông ta là một “bà góa”, chính là biểu tượng của những người nghèo không nơi nhờ cậy và không có tiền của, bị những người giàu có thù địch tha hồ bóc lột; “một người đàn bà” không có chỗ dựa về pháp lý, không không để bênh vực.

Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.

Đấy là trong một ít từ, vẽ ra chân dung của một người ích kỷ và vô liêm sỉ. Nếu có khi nào ông ta làm điều tốt lành, “trả lại công bằng” thì người ta chớ có ảo tưởng mà nghĩ rằng đó là hành động của lòng nhân từ. Đơn giản là một sự tình cờ may mắn đã lằm cho lời ích của người khác trùng hợp với lợi ích riêng của ông ta. Ong ta luôn luôn chỉ hành động “vì mình”. Khi làm đen tối thêm bức tranh về sự châm biếm mạnh mẽ, Đức Giêsu muốn đẩy chứng minh của Người đến cùng cực. Mọi người đều chấp nhận rằng một người độc địa như thế có thể nhận lời một bà góa mà ông ta khinh miệt; đơn giản chỉ vì để bà góa đừng “quấy rầy” ông ta nữa.

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?”

Vậy đây là một dụ ngôn dùng sự trạng phản, trong đó bài học được rút ra “trái ngược” với ví dụ được nêu ra: Một quan tòa bất chính, bất công, không có lương tâm và lòng nhân từ (1). ông ta từ chối (2) thực thi công bằng một thời gian dài. Sau cùng, bởi lòng ích kỷ phải nhường bộ một bà góa nghèo hèn (3) chẳng là gì đối với ông ta; để bà góa thôi quấy rầy ông ta nữa.

Trái lại, và với lý luận còn mạnh hơn rất nhiều, Thiên Chúa thì vô cùng (1) nhân từ, Người sẽ mau chóng “thực thi công bằng” cho những kẻ Người đã tuyển chọn (3) mà Người yêu thương vì những kẻ ấy kêu cầu Người.

Nếu một người độc ác như thế và nhẫn tâm sau cùng lại chấp nhận một lời cầu xin thì Thiên Chúa vốn nhạy cảm với những lời cầu nguyện của người nghèo sẽ còn phải làm nhiều hơn thế nữa.

Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người tuyển chọn sao?

Trong những dòng Tin Mừng này, bốn lần chúng ta nghe Đức Giêsu nói những từ đó lặp lại như một điệp khúc: Thực thi công bằng”; “Trả lại công bằng”; ông quan tòa bởi nghề nghiệp của mình phải là hiện thân của công lý. Công lý là một trong những giá trị cao nhất của nhân loại; liên quan đến những “quyền căn bản của con người”. “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người có quyền được xét xử công bình và công khai bởi một tòa án độc lập và vô tư” (Tuyên Ngôn Quốc Tế về Quyền Con Người: 10 tháng 12 năm 1948).

Đức tin Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải bảo vệ và thăng tiến công lý. Lời cầu nguyện của chúng ta chỉ trở nên chân thật nếu chúng ta đi tìm công lý. Mà nếu chúng ta “không thực thi công lý” thì Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chính Thiên Chúa, Người “sẽ thực thi công lý”.

Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.

Đúng vào lúc lên Giêrusalem, lúc mà Đức Giêsu sáng suốt ý thức rằng Người đang tiến đến một sự kết án bất công bởi các quan tòa không công bằng thì Luca đã báo tạo thuật lại các lời đó của Đức Giêsu: “Người sẽ mau chóng bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn”. Người sẽ mau chóng thực thi công lý. Khẳng định này có vẻ nghịch lý, khi chúng ta nói rằng sự bất công tiếp tục thống trị thế giới thì chẳng phải là chúng ta được mời Soi thanh luyện ý tưởng mà chúng ta tạo ra cho mình về sự chiến thắng của công lý? Chiến thắng của Thiên Chúa, quyền năng của Người phải được thực hiện theo một cách hoàn toàn khác với cách chúng ta chờ đợi. Chúng ta luôn có xu hướng thích những quan niệm của con người, những quan niệm thiển cận của chúng ta hơn là những quan niệm của Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện của chúng ta thường giống một thứ đòi nợ và chúng ta yêu cầu Thiên Chúa vâng lời chúng ta. Thiên Chúa như “máy phát quà tự động” là một thần tượng giả dối: bạn bỏ vào khe một đồng tiền, bạn kéo cái nút và cái máy đưa ra cho bạn một cái bánh sôcôla mà bạn yêu cầu!

Khi chúng ta có cảm tưởng không được nhận lời, chúng ta được mời gọi hiệp thông với Đức Giêsu. Người được nhận lời một cách khác! xin Cha cất chén này khỏi con”. Chén đau khổ không được cất đi. Nhưng, bởi cái chết, Người đi qua niềm vui mừng của sự Phục sinh.

Tuy nhiên bằng kinh nghiệm mà chúng ta biết điều này: Không phải lúc nào chúng ta cũng xin Thiên Chúa điều tốt nhất. Chúng ta không thể hiểu thấu tư tưởng của Chúa. Chúng ta sẽ ra sao nếu nhu mọi thói ngông cuồng ấu trĩ của chúng ta được nhận lời? Chúng ta giống như mọi sinh vật và cây cỏ: Cần phải có nhịp điệu của mùa màng, sự luân phiên của nắng mưa, của mùa hè và mùa đông và cả những cơn gió mạnh để lớn lên từ hạt đến hoa và đến quả. Một hạt mầm rẽ ra sao khi nó từ chối mọi thử thách trong dòng phát triển và muốn đòi có mùa gặt ngay hôm sau ngày gieo hạt?

Đức Giêsu biết rõ Chúa Cha! Người nói chúng ta phải có lòng trông cậy: “Thầy nói cùng anh em điều này, Thiên Chúa sẽ thực thi công lý cho những kẻ Người đã tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với Người”.

Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?

Thay vì có những “tín hữu” kêu cầu lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đụng phải những người “vô tín” ngày đêm đều không cầu nguyện. Một câu nói thể nghi vấn và đau đớn. Phải chăng rồi sẽ có một ngày người ta sẽ không còn hỏi liệu Thiên Chúa có nhận lời cầu nguyện hay không, bởi vì sẽ không còn có những lời cầu nguyện?

Nỗi đau của Đức Giêsu, nỗi đau của Thiên Chúa... khi đến gần cái chết sẽ xảy ra, không có được đức tin của dân Người chọn. Mầu nhiệm của tự do con người; tự do có thể từ chối tin, từ chối cầu nguyện.

Bất chợt, chúng ta khám phá rằng Đức Giêsu cảm thấy nỗi lo âu. Người lo âu thật sự trước việc sứ mạng và sứ điệp của Người bị từ khước.

Chính những người được tuyển chọn bị đe dọa bỏ đạo, bỏ đức tin. Sự tuyển chọn bởi phép rửa tội không phải là một bảo đảm. Đời sống trong một cộng đoàn Giáo Hội trong một khoảng thời giàn nào đó không chắc làm cho người ta không trở thành vô tín. Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta; còn chúng ta? Một câu hỏi nặng nề: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất?” Ngày mai, tôi sẽ còn đức tin không? và trong ngày tôi sẽ chết? ngày mà Đức Giêsu sẽ đến để gặp tôi?

Sau khi đã lặp lại rằng Thiên Chúa nhân từ và luôn luôn nhận lời cầu nguyện, Đức Giêsu cho chúng ta thấy lý do thật sự những thất vọng của chúng ta: Thiếu đức tin, cùng lời cảnh cáo nghiêm khắc đó được lặp lại hàng ngàn lần trong Tin Mừng (Lc 4,18-26; 21,23,50; 8,5-15; 9,41; 10,21-24; 11,29-32 v.v...).

Ngày nay, người ta nói về “khủng hoảng đức tin”. Đức Giêsu đã nói về nó. Cám dỗ bỏ đức tin không phải chỉ thời đại chúng ta mới có. Ngay từ hôm nay, tôi sẽ làm gì để nuôi dưỡng đức tin? Phải chăng tôi cầu nguyện.