Chúa Nhật XXIV thường niên  - Năm C
NGHỊCH LÝ CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Lm. Phêrô Lê văn Chính

 Có một nét đẹp đầy cảm động của Thiên Chúa mà con người cần học khám phá và trải nghiệm đó là lòng thương xót tha thứ. Đặc trưng của tình yêu là rất đòi hỏi, nhưng vẻ đẹp của tình yêu là lòng thương xót tha thứ. Thiên Chúa vừa rất đòi hỏi trong tình yêu, người cũng lại rất bao dung tha thứ. Khi con người tội lỗi muốn quay trở về với Thiên Chúa, người mở rộng vòng tay yêu thương bao dung chờ đón con người. Trong tương quan với Thiên Chúa, tình yêu về phía con người không hoàn toàn trơn tru bằng phẳng, vì con người yếu hèn, hay thay đổi, nên đã phản bội, bất xứng trong tình yêu. Tội là khuôn mặt của tính kiêu căng của con người với sự mẫu thuẫn trong chọn lựa làm con người thay vì chọn Thiên Chúa lại chọn lựa thụ tạo. Lịch sử của dân Israel đã cho thấy nhiều lần họ phản bội Thiên Chúa. Trong bài đọc sách Xuất hành đã cho thấy Thiên Chúa nổi giận vì Israel phản bội khi họ thờ bò vàng. Dân tộc Israel khi sống giữa các dân tộc khác trong vùng Canaan đã dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tôn giáo của các dân tộc chung quanh. Lúc bấy giờ các dân tộc chung quanh Israel thực hành hình thức tôn giáo phồn thực với những lễ hội ăn uống và giao hoan cách công khai. Hình thức lễ hội này tôn thờ tình dục vì họ cho rằng đó là một chúc lành của trời đất dành cho con người để sinh sôi nảy nở và tồn tại, đồng thời cũng là vì họ chưa có một quan niệm rõ nét về sự thánh thiện của Thiên Chúa. Israel đã thờ con bò vàng và đi theo những hình thức tôn giáo này. Thiên Chúa đã nổi giận đối với dân người và có ý định tiêu diệt dân Israel, nhưng Môisen đã đứng ra can thiệp cho dân với lời cầu nguyện tha thiết và sau cùng được Chúa nhậm lời. Điều đáng ghi nhận là lời cầu nguyện của Môisen làm Thiên Chúa nguôi giận và không còn nghiêm khắc muốn tiêu diệt Israel nữa, và Thiên Chúa lại yêu thương chăm sóc cho dân. Thánh vịnh 50 là lời cầu nguyện chân thành của người tội lỗi, cho chúng ta trải nghiệm tâm tình của người tội lỗi được tràn ngập niềm vui hạnh phúc được tha thứ và trở về với Thiên Chúa : “Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa và chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con”.

Bài Tin mừng theo thánh Luca chương 15 cho chúng ta thấy tình yêu thương tha thứ lạ lùng của Thiên Chúa. Những người biệt phái là những người rất chú tâm thực hành lề luật, nhưng lại có một quan niệm rất là khe khắt với người tội lỗi. Họ cho rằng cần phải xa tránh người tội lỗi để bảo vệ sự thánh thiện của mình, bởi vì tiếp xúc với người tội lỗi sẽ bị lây nhiễm sự ô uế của họ. Khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc gần gũi với những người thu thuế họ phê bình người. Chúa Giêsu liền kể cho họ hai dụ ngôn người chăn chiên và người đàn bà lạc mất đồng bạc. Người chăn chiên có một trăm con chiên, lạc mất một con, đã bỏ lại 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm gặp, ông vui mừng vác chiên trên vai trở về nhà và mời bạn bè chia vui với mình. Người đàn bà nghèo có 10 đồng bạc, lỡ mất một đồng, đã thắp đèn tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm gặp lại đồng bạc, bà vui mừng và mời láng giềng chia vui với mình. Đây quả thực là những tình cảm rất chân thật của con người. Đối với người chăn chiên hay đối với người đàn bà, con chiên và đồng bạc rất là thân thiết với họ và họ đã bỏ công sức để tìm kiếm lại để bảo vệ nguyên vẹn đoàn chiên cũng như đồng bạc. Đối với Thiên Chúa, con người thuộc về Thiên Chúa, thực là thân thiết và quí giá đối với Thiên Chúa là Đấng hằng sống và chân thật, luôn có những tình cảm yêu thương chân thành và trung tín ngàn trùng.

Chúa Giêsu còn mở rộng chủ đề này bằng câu chuyện dụ ngôn về người Cha có hai người con. Nói cho đúng, tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là tình phụ tử thâm sâu và không có điều gì có thể cản trở tình yêu tha thiết chờ đợi của tình phụ tử này. Người con thứ là hình ảnh của con người tội lỗi thiếu kinh nghiệm, dại dột phiêu lưu theo những đam mê cám dỗ ngọt ngào của trần thế. Anh nghĩ thế gian có nhiều tình bạn đẹp và khi dấn thân vào trần gian, anh sẽ tràn ngập hạnh phúc với biết bao nhiêu bạn bè tốt thay vì tù túng ở trong nhà cha. Nhưng sau những trải nghiệm vội vã thụ hưởng với bạn bè, anh đã lâm cảnh túng thiếu và bị bỏ rơi đến mức đi chăn heo với bao nhục nhã đói rách. Với nhiều suy nghĩ đắn đo, anh đã hồi tâm và cương quyết trở về nhà cha để xin lỗi cha già. Người con trưởng là một hình ảnh thứ hai nói lên những khía cạnh tương phản của tương quan con người với Thiên Chúa. Nếu như người con thứ là hình ảnh con người tội lỗi, ngông cuồng dại dột, thì người con trưởng lại là hình ảnh của người đạo đức mẫu mực. Anh luôn ở trong nhà cha, cần mẫn làm việc và không hề trái lệnh cha điều gì. Nhưng điều thiếu sót của anh là anh rất khác với cha. Anh không chia sẻ niềm vui của cha khi đón nhận người em thứ trở về. Anh trở nên khó chịu với cha vì lòng thương xót tha thứ của cha đối với người em phung phá trở về để rồi trở nên nóng nảy, tức giận và phê phán cha vội vàng. Cha anh phải giải thích cặn kẽ cho anh lý do cần phải vui mừng đón tiếp người em thứ trở về: “chúng ta phải ăn tiệc mừng vì em con đã chết nay đã sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Chúa Giêsu đã vận dụng nhiều dụ ngôn để giải thích cho những người biệt phái hiểu được lòng thương xót tha thứ kỳ diệu của Thiên Chúa. Tội lỗi thực là nặng nề và xấu xa, nhưng lòng thương xót tha thứ chữa lành của Thiên Chúa còn lớn hơn gấp bội. Người chăn chiên dám bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc, người đàn bà cẩn thận thắp đèn quét nhà để tìm đồng bạc mất, người cha già kiên nhẫn chờ đợi con trở về. Biết bao nhiêu hình ảnh thực là gần gủi để nói lên điều kỳ diệu của tình yêu thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Có một động lực nội tâm kỳ diệu mà chúng ta không lý giải bằng những suy nghĩ hẹp hòi được. Động lực nội tâm này là tình yêu dạt dào vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người được diễn tả quả lời giải thích ngắn gọn của Cha: “chúng ta phải ăn tiệc mừng vì em con đã chết nay đã sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Quả thực, người cha có lý để chờ đợi và hy vọng vì sau những tháng ngày nông nổi yếu đuối, người con đã trở về hạnh phúc trong nhà cha, anh trở nên cương nghị và trách nhiệm hơn, anh đã trở nên hiểu biết nhiều hơn. Anh đã tìm được sự sống. Hoá ra, người anh lớn mới là kẻ lạc loài, xa lạ với tình yêu thương xót của Cha vì anh còn để mình đóng kín trong những suy nghĩ hẹp hòi nóng nảy giận hờn,  anh chưa thực sự trải nghiệm được niềm vui của sự sống của Thiên Chúa. Nghịch lý của tình yêu là như thế, vừa rất đòi hỏi nhưng cũng rất chân thành cho dù phải trải nghiệm những sóng gió vùi dập. Thánh Phaolô là người đã cảm nghiệm thực sự điều này trong đời mình và đã chia sẻ trong bức thư gửi cho Timôthêô: “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất”. Cảm nghiệm này làm cho thánh nhân trở nên con người rất hiểu biết và trách nhiệm, chia sẻ niềm vui được tha thứ này cho mọi người để mọi người đón nhận được sự sống của Thiên Chúa nơi người con một là Đức Giêsu Kitô.