Chúa Nhật XXIII thường niên  - Năm C
TỐNG KHỨ TẤT CẢ
Suy niệm của William Barclay

Trong khi Chúa Giêsu đi hướng về thành Giêrusalem, dân chúng đi theo càng ngày càng đông và sự náo nhiệt phấn khởi càng tăng. Dân chúng tưởng rằng Ngài sắp lập một nước vinh quang đầy quyền uy, họ mong được dự phần trong vinh hiển ấy. Để đánh tan hiểu lầm, Chúa Giêsu quay lại phán bảo họ những điều kiện chính yếu để làm môn đệ Ngài. Bằng cách rất sinh động, Ngài bảo họ rằng theo Ngài không phải là để được quyền thế và vinh quang của thế gian này, nhưng phải có lòng trung thành đến độ sẵn sàng chịu khổ như sự thống khổ của kẻ bị treo trên cây thập giá. Chúng ta không nên hiểu lời Chúa Giêsu theo một nghĩa đen lạnh lùng, thiếu óc tưởng tượng. Ngôn ngữ Đông phương bao giờ cũng sinh động tới độ cao nhất của trí khôn loài người. Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta phải ghét những kẻ gần gũi và thân thiết với mình là Ngài không có ý nói theo nghĩa đen. Ngài chỉ muốn nói rằng tình không có tình yêu nào trên đời này có thể so sánh với tình yêu mà chúng ta có đối với Ngài được. Có hai chân lý nổi bật trong đoạn này:

1. Có thể là người theo Chúa Giêsu mà vẫn không phải là đầy tớ của Ngài, có thể là kẻ theo trại quân mà vẫn không phải lính của vua, có thể là kẻ bám víu vào một đại sự mà vẫn không dấn thân gì cả. Có người nói với một giáo sư về một chàng thanh niên rằng: “Anh ta nói với tôi rằng anh ta là học trò của ông”. Vị giáo sư thẳng thắn trả lời: “Anh ta có thể đã ngồi trong lớp học của tôi, nhưng không phải là một trong số học trò của tôi”. Có sự khác biệt giữa một người trong lớp và thực sự làm học trò. Thật rất đáng buồn cho Hội Thánh khi trong Hội Thánh có quá nhiều kẻ theo Chúa cách xa xa và có quá ít người thực sự là môn đệ Chúa.

Những lời Chúa phán thật đáng ngạc nhiên, đến độ nghe chói tai nữa. Thế nhưng nó chỉ có ý diễn tả một điều: tình yêu Chúa phải chiếm chỗ nhất trong trái tim ta, và ta phải gỡ bỏ tất cả những gì cản trở tình yêu ấy. Thánh Grêgoriô Cả giải thích câu “khó nghe” này, ngài viết: “Ở đời này hãy yêu tất cả, kể cả kẻ thù, nhưng ta phải ghét những ai ngăn cản ta trên bước đường dẫn tới Chúa, dầu đó là người thân. Như vậy ta phải yêu người lân cận, phải có lòng bác ái đối với tất cả, với kẻ gần và người xa, nhưng không được vì yêu họ mà ta xa tình yêu Chúa”. Dứt khoát là phải giữ bậc thang giá trị trong tình yêu: Chúa trên hết.

Thật ra những lời này cũng chỉ là lặp lại yêu sách mà Đức Giêsu đã đặt trong toàn bộ giáo huấn của Ngài (x. Lc 6,27-35). Đây quả là lời đanh thép. Dầu động từ ghét hay khinh thì cũng không diễn tả đúng được ý của Chúa, nhưng dầu sao những lời của Chúa cũng rất mạnh, và không thể giản lược vào “ít yêu hơn” như có người muốn để cho nó nhẹ đi. Lời rất khủng khiếp không phải vì nó được diễn tả trong thể phủ định, nhưng vì Đấng nói ra cũng là Đấng từng yêu tha nhân như chính mình và là người hiến mạng vì loài ngừơ. Lời Ngài chỉ phải hiểu đơn giản rằng đối với Chúa không có thái độ nửa vời. Người ta có thể diễn dịch lời Chúa bằng yêu hơn, yêu nhiều, hay đừng yêu bằng, một tình yêu vị kỷ cũng đừng yêu nửa vời: chúng ta phải yêu bằng chính tình yêu của Thiên Chúa” (Escriva). Chính Công Đồng Vaticanô II cũng dạy các tín hữu: “Phải chuyên lo làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn đẹp lòng người ta, luôn sẵn lòng bỏ mọi sự vì Chúa Kitô và chịu bách hại vì sự công chính”. (TĐ 4) và trong hiến chế Mục vụ Công Đồng dạy: “Chịu đau khổ cho chúng ta, không những Ngài nêu gương để chúng ta theo vết chân Người, nhưng Người còn mở đường mới để nếu chúng ta theo thì sự sống và cái chết sẽ được thánh hóa và có một ý nghĩa mới” (MV 22). Đường của người Kitô hữu đi là theo chân Đức Kitô, là nên giống Ngài. Không có con đường nào khác để theo Ngài ngoài con đường gúp Ngài vác thập giá. Kinh nghiệm cho hay rằng đau khổ luôn có sẵn và bất hạnh cũng kèm theo nếu thiếu một phản ứng với tinh thần đạo Kitô. Thập giá đâu phải là tấn bi kịch, thập giá là phương pháp sư phạm Chúa dùng để thánh hóa ta qua đau khổ, để liên kết ta vào Chúa Kitô và để ta được xứng đáng với vinh quang. Thế nên Đấng Đáng Kính Escriva đã reo lên: “Chúc tụng đau khổ! Đáng yêu thay đau khổ! Thánh thay đau đớn!”

2. Phải tính cái giá phải trả khi theo Chúa. Không muốn làm nản lòng những kẻ theo Ngài, nhưng Ngài bảo họ phải tính toán trước cho kỹ. Ngài minh giải điều đó bằng hai hình ảnh về người xây tháp và vị vua lâm chiến. Cái tháp mà người định xây đó có lẽ là cái tháp của vườn nho. Các vườn nho thường có những tháp để từ trên đó có thể trông coi cà vườn kẻo trộm phá mất mùa nho. Xây tháp mà bể đổ thì thật đáng xấu hổ. Hay là ông vua điên khùng nào kéo quân ra trận mà không tính toán trước, đo lường số quân của mình với lực lượng của đối phương. Chúa Giêsu có ý nói rằng chẳng thà đừng bước vào đời sống tín hữu hơn là bước vào rồi thất bại. Ngài chỉ muốn người ta trước khi bước vào cuộc sống ấy đã phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự là điều kiện đòi hỏi trong khi phục vụ.

Qua những hình ảnh minh họa này, Chúa cho chúng ta thấy nếu con người khôn ngoan cần phải tiên liệu các rủi ro đi kèm theo với bất cứ công việc nào, thì người Kitô hữu còn có lý do hơn để mà tự tình và quảng đại ôm lấy thập giá, vì nếu không thế sẽ không theo Chúa Kitô được: “Người này bắt đầu mà lại không hoàn thành nổi”. Lời phẩm bình không ai muốn nghe, mà nếu bạn muốn bạn sẽ không bao giờ là đối tượng, vì bạn có đủ mọi phương tiện để hoàn thành việc nên thánh: “ơn dư dật của Chúa và ý chí của bạn” (Escriva).

Nếu trước đó Chúa có nói tới việc ghét cha mẹ và đến hiến mạng sống, thì giờ đây cũng vẫn đòi hỏi cao độ ấy với sự từ bỏ của cải vật chất. Câu này là phải được áp dụng cho cả hai dụ ngôn nêu trên. Cũng như một vua nhất định giao chiến dầu biết tình hình ít quân là thiếu khôn ngoan, cũng thế một người đến theo Chúa mà lại không từ bỏ của cải là điên khùng. Từ bỏ của cải ở đây phải thực tiễn và cụ thể: tấm lòng phải cởi bỏ mọi trói buộc của cải trần gian mới có thể bước theo Chúa như Chúa nói sau này một người không thể vừa thờ Chúa vừa thờ tiền bạc (Lc 16,13). Không thiếu trường hợp Chúa đòi hỏi một số người sống đời nghèo khó tuyệt đối và tự nguyện; còn đối với tất cả, Chúa mong muốn một sự từ bỏ thực sự và quảng đại trong sử dụng. Nếu người Kitô hữu còn phải sẵn sàng từ bỏ đến cả mạng sống, còn nói chi đến việc từ bỏ của cải: “Nếu bạn là người của Chúa. Phải khinh chê của cải một cách cố chấp cũng như người thế gian ngoan cố trong việc tìm kiếm nó” (Escriva).

Ngoài ra vì tâm hồn muốn được đầy tràn Chúa, trước hết cần phải tống khứ ra ngoài tất cả những gì cản trở: giáo lý Con Thiên Chúa đến trần gian dạy là phải khinh chê tất cả các tạo vật, để thích ứng ta tiếp nhận Thần Thiên Chúa. Bao lâu tâm hồn ta không từ bỏ được các tạo vật, thì không thể nào đón nhận được Thần Linh Ngài và không thể biến đổi ta trong Ngài” (Gioan thánh giá, Montre du Cormel). Nhưng nếu có ai sợ hãi trước tất cả những đòi hỏi ấy thì nên nhớ rằng mình không phải chiến đấu cô đơn đâu, Đấng đã kêu gọi chúng ta vào con đường hẹp, sẽ đi cùng chúng ta trên con đường đó, và Ngài sẽ ở cùng cuối đường để đón tiếp chúng ta.