Chúa Nhật XX thường niên  - Năm C
LỬA TRÊN MẶT ĐẤT

McCarthy

Suy Niệm 1. NGÔN SỨ LÀ “NGƯỜI GÂY RỐI LOẠN”

Đức Giêsu rõ ràng là một con người tinh tuyền lành thánh, cho nên chúng ta vẫn mong rằng Người phải được mọi người yêu mến. Tuy nhiên Người đã gây “rối loạn” đến nỗi bị ghét bỏ và sau cùng bị đóng đinh. Làm thế nào mà điều ấy đã xẩy ra? Bởi vì Đức Giêsu là một ngôn sứ, một ngôn sứ tôn giáo, và một ngôn sứ luôn luôn là một Personna non grata đối với quyền lực hiện hành. Phần lớn các ngôn sứ đều bị bách hại và một số bị giết chết.

Giêrêmia là một ví dụ. Ông được kêu gọi để trở thành ngôn sứ từ khi còn nhỏ tuổi. Ông sống ơn gọi của mình một thời kỳ đầy biến động. Người ta chứng kiến sự thất bại của Israel và sự tàn phá Giêrusalem và Đền Thờ. Ông là lương tâm của đất nước ông. Ông yêu thương tha thiết dân tộc ông và không bao giờ đánh mất niềm tin và quyền năng của Thiên Chúa cứu chuộc dân Người. Tuy nhiên ông bị kết án là một kẻ làm loạn và ông sống trong sự đe doạ thường xuyên đối với mạng sống mình.

Các ngôn sứ là “những người gây rối loạn” theo nghĩa tốt nhất của từ ấy. Không có kẻ khuấy rối sự bình an nào lớn hơn người rao giảng công lý và sự thật. Hãy lấy trường hợp của Martin Luther King ở Mỹ. Ông là một con người của hoà bình. Tuy nhiên, khi đứng lên kêu gọi chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc đối với người da đen, ông đã gây ra nhiều biến động hơn bất cứ người nào khác cùng một thế hệ với ông ở Hoa Kỳ. Hãy lấy trường hợp nhà bác học Nga Andrei Sakharov, ông cũng bị chính quyền cộng sản gán cho nhãn hiệu “kẻ gây rối” khi ông kêu gọi chấm dứt sự đàn áp những người không có cùng quan điểm và sự phát triển các vũ khí hạt nhân.

Một đôi khi điều chúng ta gọi là hoà bình thực ra không phải là hoà bình. Bất cứ hoà bình nào không xây dựng trên nền tảng công lý đều là một hoà bình giả hiệu. Cố Tổng Giám Mục Helder Camara ở Braxin đã mô tả nó như thứ ánh sáng giống ánh sáng mặt trăng trên đầm lầy. Đức Giêsu đã đến để đem lại hoà bình nhưng không phải loại hoà bình ấy. Giống như hoà bình giả hiệu, cũng có sự hiệp nhất giả hiệu trong đó người ta bao che cho sự phân biệt, kỳ thị và bất công.

Khi nhà văn Nam Phi Laurens Vander Post được phóng thích từ một trại giam các tù nhân chiến tranh ở Nhật Bản, ông hầu như phẫn nộ bởi những tàn bạo của thời bình mà ông đang sống không khác gì ông đã phẫn nộ trước những tàn bạo của chiến tranh. Còn Solzhenitsyn nói rằng khi những người lính trở về đời sống dân sự, họ kinh hoàng bởi cách mà người ta đối xử nhau tàn nhẫn nhất trong con người họ khi đem lại cho họ cơ hội phục vụ một chính nghĩa cao cả hơn bất kỳ sự theo đuổi nào của lợi ích bản thân.

Những sự việc như thế được chấp nhận là bình thường thì quả là bất thường. Ví dụ như những bất công trong xã hội, khoảng cách giữa cái nghèo không được giúp đỡ và cái giàu xấc xược. Chúng ta đã quá quen với điều đó nên không còn cảm thấy phẫn nộ. Chúng ta cần có người lay động chúng ta ra khỏi giấc hôn mê và sự thờ ơ đó.

Đức Giêsu nói Người đến để đốt lửa trên mặt đất này. Đây chỉ là một hình ảnh, một ẩn dụ, nhưng là một ẩn dụ mạnh mẽ. Lửa không phải là một vật mà người ta có thể thờ ơ với nó. Nó không phải là một vật yếu đuối, nhợt nhạt, không sức sống. Lửa sưởi ấm và an ủi. Nhưng nó cũng đốt bỏ những gì vô dụng và thanh lọc những gì ô uế.

Sứ điệp của Tin Mừng là lửa, nó là men của thế gian Chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu phải là những người giữ gìn ngọn lửa ấy.