Chúa Nhật XVI thường niên  - Năm C
MỜI CHÚA VÀO NHÀ
Niềm Vui Chia Sẻ

Cách đây ít lâu, trong một bài báo, một phụ nữ đã kể lại việc trang trí nội thất của gia đình bà như sau:

Mọi công việc trang trí đều được vợ chồng tâm đầu ý hợp với nhau cho đến khi chồng bà dùng quyền độc đoán bảo người trang trí nội thất treo một bức ảnh Chúa Giêsu kích thước cỡ lớn: 40x50 vào chỗ nổi bật nhất trong nhà. Bà cố gắng thuyết phục chồng đổi ý, nhưng ông vẫn cứ khăng khăng không chịu.

Tuy nhiên, đang lúc tranh cãi với nhau, bà chợt nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: “Bất cứ ai nhìn nhận Ta trước mặt kẻ khác, thì Ta cũng sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Thế là bà chịu nghe ý kiến của chồng.

Giờ đây bà nói, bà rất vui vì đã nghe theo ý chồng, vì bà nghĩ rằng bức ảnh Chúa Giêsu đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà lẫn trên bạn bè khách khứa của bà. Chẳng hạn, ngày nọ có người khác lạ, sau khi chăm chú nhìn vào bức ảnh liền nói với bà: “Bà biết không, Chúa Giêsu trên bức ảnh kia không nhìn vào bà đâu, Ngài nhìn xuyên qua tâm hồn bà đó!. Và đêm nọ, một người bạn, sau khi ngồi ngắm bức ảnh cũng thốt lên: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy trong nhà chị rất bình an”. Tuy nhiên, bà nói thêm, ấn tượng mạnh mẽ nhất tác động trên các bạn bè khách khứa xã hội tôi là mỗi khi nhìn tấm ảnh Chúa Giêsu thì tâm hồn họ luôn được nâng lên cao”.

Cuối cùng, bà nói rằng, có thể mọi người sẽ cười và không chừng còn nhạo báng những nhận xét trên đây của bà, nhưng bà chẳng bận tâm. Bà nói: “Theo thiển ý của tôi, một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi không còn như trước nữa”.

Thưa anh chị em,

“Một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi”. Sách Sáng Thế trong Bài đọc thứ nhất hôm nay đã kể lại câu chuyện ông Abraham mời Chúa vào nhà. Abraham vồn vã, nhã nhặn ra đón khách lạ theo kiểu Đông Phương. Ông sấp mình lạy, miệng mời Chúa ghé lại. Ông đặt ghế cho Chúa ngồi nghỉ mát, lấy nước cho Chúa rửa chân, lấy bánh và thịt mời Chúa dùng. Ông đứng hầu hạ phục vụ. Abraham được Chúa hứa ngay: “Sang năm vào độ nầy, tôi sẽ ở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai”. Thế là ông được một người con nối dõi tông đường trong lúc tuổi già và son sẻ.

Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại câu chuyện hai chị em Matta và Maria tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà. Matta người chị vốn có lòng hiếu khách và muốn tỏ ra lòng mộ mến sâu xa đối với một bậc thầy, là bạn của gia đình, nên chị định trổ tài nấu dọn một bữa ăn thật ngon để chiêu đãi Chúa. Chị lăng xăng chạy lên chạy xuống, lo sao cho mọi sự chu đáo…

Trong khi đó, Maria lại nghĩ rằng không nên để Chúa ngồi đơn độc một mình. Vả lại, Chúa cũng chẳng muốn chỉ vác bụng đến ăn không, nhưng còn muốn chia sẻ cho hai chị em những lời ban sự sống. Do đó, một người thì muốn nói, một người lại thích nghe, quên hết cả mọi sự!

Thế là Matta nổi cáu, trách Chúa không để ý đến mình, để mặc mình vất vả! Nỗi ghen tức kể ra cũng chính đáng. Nhưng Chúa cũng trách nhẹ Matta sao lo lắng nhiều chuyện quá làm chi. Chuyện ăn uống đâu có quan trọng đến nỗi ấy. Chỉ có một chuyện cần thiết thôi: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Có người giải thích câu nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, cho rằng Chúa muốn nói: “Chỉ cần làm một món ăn thôi cũng đủ rồi!”. Lời giải thích ấy không phải là vô căn cứ, giải thích theo nghĩa thông thường đi nữa, thì lời trách nhẹ của Chúa Giêsu vẫn chính đáng; bởi vì trong chuyện tiếp khách, vấn đề không phải chúng ta chỉ biết cho, và người khách chỉ biết nhận, mà chính chủ nhà cũng phải biết nhận và để cho khách niềm vui được chia sẻ. Cho và nhận, đây không phải là có ý nói tới những gì là vật chất, như ăn uống, quà cáp… mà trước hết là sự hiện diện cũng như những câu chuyện trao đổi. Một người bạn thân khi đến với chúng ta, dù có được mời đến để dự tiệc, cũng không bao giờ chỉ biết vác bụng đến, nhưng còn đến trước hết với tình bạn của mình: người ấy muốn gặp chúng ta, muốn nói chuyện với chúng ta, còn chuyện ăn uống chỉ là một phương tiện, một bối cảnh được tạo ra, như người xưa thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Vậy, nếu được phép góp ý kiến cho hai chị em Matta và Maria, thì chúng ta sẽ có thể đề nghị như sau: hai chị em nên phân công nhau rõ ràng, mỗi người một việc. Nhưng làm sao luôn có người ngồi đó tiếp chuyện với Chúa, và nếu hai chị em đã biết tính Chúa thích ăn uống giản dị, thì cũng không nên trổ tài nấu bếp làm gì cho phí thời giờ, Chúa đến không chỉ để ăn uống với hai chị, mà Ngài còn muốn chia sẻ Lời Thiên Chúa cho hai chị nữa, nên cũng phải biết tỏ ra sốt sắng đón nghe Lời Chúa nói với các chị nữa.

Còn chúng ta thì sao, thưa anh chị em?

Chúng ta có thể vì quá mải mê công việc làm ăn đến nỗi quên mất lý do khiến chúng ta phải lao khổ như thế. Chúng ta có thể vì mải mê kiếm sống đến nỗi quên mất chính mục đích của cuộc sống. Chúng ta có thể lu bu đeo đuổi những cái mà đồng tiền có thể mua sắm được để rồi quên béng những gì mà đồng tiền không thể mua sắm được. Và chúng ta vô tình đã biến thành những Matta nhiệt tình thật đấy, nhưng lăng xăng lo lắng đủ chuyện, mà quên mất “một chuyện cần thiết nhất”: lắng nghe Lời Chúa, tiếp chuyện với Ngài.

Chúng ta lo xây cất cho Chúa những ngôi thánh đường đồ sộ lộng lẫy, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta âm thầm tới ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Chúa nói với chúng ta Lời Chúa, Lời làm cho chúng ta được sống. Bời vì “con người sống không chỉn hờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Chúa nữa” (Mt 4,4). Thực tế cuộc sống của chúng ta rất bận rộn. Chúng ta không có thời giờ để ngồi dưới chân Chúa. Chúng ta muốn cầu nguyện nhiều hơn, dự lễ ngày thường nhiều hơn, đọc Kinh Thánh hay sách báo đạo đức nhiều hơn. Nhưng chúng ta không có thời giờ.

Quả thật, Chúa muốn chúng ta vừa là Matta, vừa là Maria: vừa lao động vừa cầu nguyện. Chúa không nói rằng khi chúng ta làm việc như Matta, chúng ta không thể cầu nguyện như Marai, hay ngược lại. Hai việc đều liên hệ với nhau. Chúng ta phải vừa là Matta vừa là Maria. Ngày nay, một người phụ nữ danh tiếng nhất thế giới là một nữ tu bác ái, một Matta thời đại: Mẹ Têrêsa thành Calcutta Ấn Độ. Mẹ đã hiểu và đã truyền lại cho con cái thiêng liêng của Mẹ tinh thần Tin Mừng hôm nay. Cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa trước khi xuống “địa ngục Calcutta” để săn sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các “nhà hấp hối” để giúp những người sắp chết được an nghỉ trong Chúa.

Anh chị em thân mến,

Thánh lễ là lúc chúng ta trở thành những Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài. Đến với Chúa, chúng ta đừng tiếc thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước, sợ thiệt thòi, mất mát, hay đến ở ngoài sân nhà thờ không chủ tâm dự lễ, không đón nhận Lời Chúa, Mình Thánh Chúa, không mời Chúa vào nhà. Chúng ta cũng đừng đến với Chúa ngày Chúa Nhật, chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ mắc tội. Hãy đến với Chúa như một người con, một người bạn, đến để tìm Chúa, gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, chỉ vì tình yêu mến Chúa mà thôi.

Thánh lễ còn là lúc Chúa đến thăm chúng ta như đã đến với hai chị em Matta và Maria. Hãy quý trọng sự hiện diện của Ngài trong lòng chúng ta và biết tiếp chuyện với Ngài, để sự hiện diện của Chúa và Lời Chúa nuôi sống chúng ta ngày hôm nay, ngày mai và cho đến cuộc sống muôn đời.