Tông Huấn - Người Trông Nom Đấng Cứu Thế

VỪA LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH VỪA LÀ NGƯỜI CHỒNG

§ Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị

17. Xuyên suốt cuộc lữ hành đức tin vốn là cuộc đời của mình, giống như Mẹ Maria, thánh Giuse mãi luôn tin tưởng vào lời kêu gọi của Chúa cho tới cùng. Trong khi cuộc đời Mẹ Maria mang lại sự viên mãn cho lời xin vâng đầu tiên được thốt lên lúc Truyền tin, vào lúc Giuse được “truyền tin”, Ngài không nói gì; mà chỉ “làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24). Và “việc làm” đầu tiên này khai mào cho “lộ trình của Giuse”, Các sách Tin Mừng không ghi lại bất cứ lời nói nào của thánh Giuse trong suốt hành trình này. Nhưng sự im lặng của thánh Giuse tự nó có sức hùng biện đặc biệt, vì nhờ sự im lặng này chúng ta có thể hiểu được sự thật của việc sách Tin Mừng đánh giá Người là “một người công chính” (Mt 1,19).

Chúng ta cần phải hiểu sự thật này, vì sự thật này chứa đựng một trong những bằng chứng quan trọng nhất liên quan đến thân thế và ơn gọi của Người. Qua nhiều thế hệ, Giáo hội đã đọc những chứng từ này ngày càng chăm chú hơn với mức hiểu biết sâu xa hơn và tận lực rút ra “cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52) từ kho tàng chứa đựng hình ảnh quý phái của Giuse.

18. Trên tất cả, người “công chính” làng Nagiarét có các tính chất rõ nét của một người chồng. Luca nói về Mẹ Maria như là “một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse” (Lc 1,27). Thậm chí trước khi “mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở” (Ep 3,9) bắt đầu được thành toàn, các sách Tin Mừng trình bày trước mắt chúng ta hình ảnh người chồng và người vợ. Theo phong tục Do Thái, hôn nhân xảy ra theo hai giai đoạn: thứ nhất, hôn nhân hợp pháp, còn gọi là hôn nhân đích thực được cử hành, và sau đó, chỉ sau một thời gian nào đó, người chồng mới đưa vợ về nhà mình. Do đó, trước khi chung sống với Mẹ Maria, thánh Giuse đã là “chồng” của bà rồi. Tuy nhiên, Mẹ Maria vẫn duy trì ước muốn sâu xa của mình là tận hiến cho Thiên Chúa. Người ta rất có thể thắc mắc làm sao ước muốn này của Mẹ Maria lại có thể tương thích với việc “hôn nhân” được. Câu trả lời chỉ có thể đến từ các biến cố cứu độ đã xảy ra do hành động đặc biệt của chính Thiên Chúa. Ngay từ lúc Truyền tin, Mẹ Maria biết rằng Mẹ phải hoàn thành mong ước khiết tịnh để tận hiến hoàn toàn và trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa bằng cách trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Trở thành người mẹ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần là một hình thức được Mẹ chấp nhận qua việc tự hiến: một hình thức chính Thiên Chúa mong đợi nơi Trinh Nữ Maria, người đã đính hôn với Giuse. Mẹ Maria đã nói lên lời xin vâng. Sự kiện Mẹ Maria đã “đính hôn” với Giuse là một phần trong chính chương trình của Thiên Chúa. Điều này được Luca và nhất là Mátthêu nêu rõ. Những lời Thiên Chúa nói với Thánh Giuse rất có ý nghĩa: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Những lời này giải thích mầu nhiệm về người vợ của Giuse: Trong chức làm mẹ, Mẹ Maria là một trinh nữ. Nơi Mẹ, “Con của Đấng Tối Cao” mặc lấy xác phàm và trở thành “Con người”.

Khi ngỏ lời với thánh Giuse qua ngôn từ của thiên thần, Thiên Chúa nói với Người như là chồng của Trinh nữ làng Nagiarét. Điều xảy ra nơi Mẹ bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần cũng xác nhận một cách đặc biệt mối liên kết hôn nhân đã có giữa thánh Giuse và Mẹ Maria. Sứ thần của Thiên Chúa đã nói rõ ràng với thánh Giuse: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”. Kể từ đó, điều đã xảy ra trước đây, là cuộc hôn nhân giữa thánh Giuse và Mẹ Maria, quả đã xảy ra phù hợp với ý Thiên Chúa muốn và Người muốn nó phải tiếp tục tồn tại. Trong cương vị Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria phải tiếp tục sống như “một trinh nữ, người vợ của chồng mình” (x. Lc 1,27).

19. Trong những lời “truyền tin” vào ban đêm, Thánh Giuse không chỉ được nghe sự thật Thiên Chúa cho biết về ơn gọi khôn tả của vợ mình, mà còn được nghe lại một lần nữa sự thật về ơn gọi chính mình. Trong tinh thần truyền thống cao quý nhất của Dân Ưu tuyển, con người “công chính” này đã yêu thương trinh nữ làng Nagiarét và gắn bó với bà bằng tình yêu của người chồng, một lần nữa, lại được Thiên Chúa kêu gọi để yêu thương như vậy.

Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ” về nhà mình (Mt 1,24); người Con trong lòng Mẹ Maria là “bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”. Từ những kiểu nói như thế, chúng ta lại không giả thiết rằng tình yêu của thánh Giuse trong cương vị là một người nam, cũng đã tạo sinh được một người mới bởi Chúa Thánh Thần hay sao? Chúng ta không nghĩ rằng tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ xuống trái tim con người qua Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5) hun đúc tình yêu con người cho đến mức hoàn hảo hay sao? Tình yêu Thiên Chúa – theo một cách thế hoàn toàn duy nhất – cũng hun đúc tình yêu giữa chồng và vợ, khơi sâu thêm nơi tình yêu đó những gì là giá trị và tươi đẹp của con người, những gì chứng tỏ một tự hiến tuyệt đối, một giao ước liên vị, và một hiệp thông đích thực theo mẫu gương của Ba Ngôi đáng tôn kính.

“Giuse… đón vợ về nhà; nhưng ông không ăn ở với bà, cho tới khi bà sinh một con trai” (Mt 1,24-25). Những lời này nói đến một nét thân mật khác trong hôn nhân. Sự mật thiết tinh thần sâu xa phát sinh từ hợp nhất hôn nhân và sự tiếp xúc liên vị giữa nam và nữ có nguồn gốc tối hậu trong Thánh Thần, Đấng ban sự Sống (x.Ga 6,63). Khi tuân lời Thánh Thần, Thánh Giuse tìm thấy được trong Thánh Thần cội nguồn tình yêu, tình yêu vợ chồng mà Người trải nghiệm trong cương vị một người nam. Và mối tình chồng vợ này đã chứng thực là lớn lao hơn mức “người công chính” ấy có thể tưởng tượng được trong giới hạn trái tim nhân loại của Người.

20. Trong Phụng vụ, Mẹ Maria được mừng kính như là “kết hiệp với Giuse, người công chính, qua cam kết hôn nhân và tình yêu tinh tuyền”. (31) Ở đây thực sự có hai loại tình yêu, cả hai đều biểu thị mầu nhiệm Giáo hội – trinh nữ và hôn thê – tượng trưng qua hôn nhân của Mẹ Maria và Thánh Giuse. “Sự trinh khiết hoặc độc thân vì Nước Trời không những không mâu thuẫn với phẩm giá của hôn nhân mà còn giả định và xác nhận nó. Hôn nhân và đồng trinh là hai cách diễn tả và sống mầu nhiệm duy nhất Giao ước của Thiên Chúa với dân Người”. (32) Giao ước vốn là sự hiệp thông tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người.

Qua sự tự hiến hoàn toàn, Thánh Giuse biểu lộ tình yêu độ lượng Người dành cho Mẹ Thiên Chúa, và tặng cho bà “món quà tự hiến” của một người chồng. Mặc dù Giuse đã quyết định rút lui để không can dự vào kế hoạch Thiên Chúa đang diễn ra nơi Mẹ Maria, Người tuân theo mệnh lệnh rõ ràng của thiên thần và đón Mẹ Maria về nhà mình, trong khi vẫn tôn trọng việc Mẹ chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.

Đàng khác, từ cuộc hôn nhân với Mẹ Maria, thánh Giuse nhận được phẩm giá đặc thù và quyền hành của mình đối với Chúa Giêsu. “Chắc chắn phẩm giá của Mẹ Thiên Chúa cao quý đến độ không gì có thể siêu việt hơn; tuy nhiên vì Mẹ Maria hợp nhất với Giuse qua liên kết hôn nhân, nên không chút nghi ngờ là chỉ mình Giuse chứ chưa hề có ai khác tiến gần đến mức phẩm giá cao quý ấy, nhờ đó Mẹ Thiên Chúa trổi vượt trên mọi thụ tạo. Vì hôn nhân là sự kết hợp và tình bằng hữu ở mức cao nhất, tự bản chất nó liên hệ đến việc chia sẻ của cải nên Thiên Chúa, khi ban tặng thánh Giuse cho Mẹ Maria, Người không chỉ ban tặng Giuse cho Mẹ như một bạn đời, một chứng nhân cho sự trinh khiết hay là người bảo vệ thanh danh của Mẹ, mà Người cũng ban tặng thánh Giuse cho Mẹ Maria để Thánh Giuse có thể thông phần, qua khế ước hôn nhân, vào sự cao cả của riêng Mẹ nữa”. (33)

21. Mối liên hệ yêu thương là cốt lõi của đời sống Gia đình thánh, trước tiên nơi sự nghèo hèn của Bêlem, tiếp đến là nơi việc các ngài sống tha hương ở Ai Cập, và sau đó trong nhà Nagiarét. Giáo hội tôn kính Gia đình thánh một cách sâu xa, và đề nghị đó là mẫu mực cho tất cả mọi gia đình. Được trực tiếp lồng vào trong mầu nhiệm Nhập thể, Gia đình Nagiarét có mầu nhiệm đặc biệt của riêng mình. Trong mầu nhiệm này, cũng như trong mầu nhiệm Nhập thể, người ta nhận thấy có một cương vị làm cha đích thực: hình thức trần thế của gia đình Con Thiên Chúa, một gia đình phàm trần thực sự, được hình thành bởi mầu nhiệm thánh. Trong gia đình này, thánh Giuse là người cha: cương vị làm cha của Người không phát xuất từ việc sinh con; cũng chẳng phải làm cha “bề ngoài” hoặc chỉ “thay thế” mà thôi. Đúng hơn, đó là một cương vị chia sẻ đầy đủ việc làm cha trần thế và sứ mạng người cha trong gia đình. Và như thế hiệu quả của việc kết hợp giữa nhân tính và thiên tính là: nhân tính được hiệp nhất với Ngôi vị Thiên Chúa của Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô. Và cùng với nhân tính ấy, tất cả những gì thuộc về con người, đặc biệt là gia đình, như là chiều kích đầu tiên của con người nơi trần thế này, cũng được hiệp nhất trong Đức Kitô. Và cũng như vậy, đối với chức vị làm cha của Thánh Giuse trong mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô.

Trên cơ sở nguyên tắc này, những lời Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu lúc đó mới 12 tuổi trong Đền thờ thật là đầy đủ ý nghĩa: “Cha con và mẹ… đã tìm con”. Đây không phải là câu chiếu lệ: Những lời của Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu bày tỏ đầy đủ thực tại của việc Nhập thể hiện diện trong mầu nhiệm Gia đình Nagiarét. Ngay từ đầu, với sự “vâng phục đức tin”, thánh Giuse đã chấp nhận cương vị làm cha trần thế của Chúa Giêsu. Và do đó, noi theo ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng ban tặng chính mình cho loài người qua đức tin, chắc chắn thánh Giuse càng khám phá trọn vẹn hơn món quà khôn tả là cương vị làm cha trần thế của Người.

Trang Giuse | Trang nhà