Tìm Hiểu Về Thánh Giuse

THÁNH CẢ GIUSE

§ Lm. Hồng Phúc, C.Ss.R.

Ngay từ buổi sơ khai, Giáo Hội đặt trọng tâm vào việc thờ kính Chúa Giêsu, Đức Mẹ, và Các Thánh Tử Đạo.

Phải mất bốn thế kỷ, trải qua bao tranh chấp với lạc giáo, bao suy tư học hỏi nội bộ, Giáo Hội mới phát biểu bằng ngôn từ xác nghĩa về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, về Đức Mẹ là Theotokos ("Mẹ Đức Chúa Trời"). Lại cũng cần củng cố đức tin giáo hữu bằng gương tích các anh hùng tử đạo. Vì thế việc thờ kính Chúa Kitô, Đức Mẹ và Các Thánh Tử Đạo được đặc biệt chú ý. Địa vị Thánh Giuse chưa được tuyên cáo rõ rệt, tuy rằng có một một số giáo phụ như Gioan Kim Khẩu, Hiêrônimô, Augustinô đã đề cao trong bài thuyết giảng và văn phẩm của các ngài.

Vào thế kỷ XII, Thánh Bênađô là vị thánh tiến sĩ đã cổ võ việc tôn sùng Thánh Giuse. Việc sùng kính ấy thánh nhân đã có lúc lên 12 tuổi, trong một thị kiến Giáng Sinh. Ngày áp lễ tại Chatillon trong lâu đài của cha mẹ, Bênađô như cảm thấy mình đang ở Bêlem với Maria và Giuse khi Con Thiên Chúa Giáng Sinh. Một ánh sáng soi rọi trí khôn và một nguồn vui khôn tả xâm chiếm tâm hồn. Người đang ngây ngất chiêm ngắm thì tiếng chuông nhà thờ reo vang, bà mẹ dẫn con đến nhà thờ Thánh Vorles (Vita Prima, L 1, 2, 4). Bênađô lại rất thông thạo Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, mỗi lần suy tư và cầm bút, người nói: "Thánh Kinh như mở rộng và diễn tả trước tầm trí khôn" (L 3, 3-7) và không bao giờ người xử dụng ngụy thư [những sách phúc âm thời xưa không được Giáo Hội chính thức nhìn nhận] và huyền thoại. Thánh Tôma tiến sĩ (1274) và Thánh Bônaventura (1274) cũng đóng góp vào việc sùng kính qua các ấn phẩm lưu lại.

Thánh nữ Têrêxa Avila (1582), vị cải tổ Dòng Camêlô, là một tông đồ nhiệt thành của Thánh Giuse. Thánh nữ nói: "Tôi không biết làm sao có thể nghĩ đến Hoàng hậu các thiên thần [Mẹ Maria] khi còn sống bên cạnh Chúa Giêsu Hài đồng mà không cảm ơn Thánh Giuse vì đã phục vụ Hai Đấng hết mình" (Tự Thuật, chương 6). Ngài dâng kính Thánh Cả hầu hết các tu viện sáng lập và nói: "Tôi chưa bao giờ xin ơn gì với Thánh Giuse mà không được nhậm lời."

Việc sùng kính Thánh Giuse khởi đầu ở Đông phương từ thế kỷ IV, lan rộng qua Tây phương và lên đến tột đỉnh năm 1870, khi Đức Thánh Cha Piô IX, theo đề nghị của các nghị phụ Công đồng Vatican I đã long trọng tôn phong Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo Hội hoàn vũ. Đồng thời ngày 19/3 mỗi năm, lễ Thánh Cả Giuse phải được mừng kính trọng thể (Sắc lệnh Quae madmodum Dei, 8/12/1870).

Năm 1889, Đức Thánh Cha Lêô XIII lại truyền dạy lấy tháng Ba hàng năm làm tháng dâng kính Thánh Giuse. Và năm 1955, Đức Thánh Cha Piô XII thiết lập một lễ thứ 2 dâng kính Thánh Giuse thợ, được đặt vào ngày 1/5, Ngày Quốc tế Lao động.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII khai mở Công đồng Vatican II ngày 11/10/1962, đã đặt Công đồng dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse và ghi danh Thánh Cả bên cạnh Thánh Danh Đức Mẹ trong kinh nguyện Thánh Thể.

Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo Hội Việt Nam

Giáo hội Việt Nam rất tôn kính Thánh Cả Giuse. Rất nhiều người thuộc nam giới mang tên Thánh Giuse. Các nhà thờ đều lập toà kính Ngài đối ngang với toà Đức Mẹ.

Thánh Giuse được chọn làm quan thầy của Giáo hội Việt Nam dựa trên một biến cố lịch sử.

Cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes (1593-1660) trong cuốn Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài ("Histoire du Royaume de Tonquin") có ghi nguyên văn như sau: "Ngày 12/3/1627, ngày Lễ Thánh Grêgôriô Cả, chúng tôi [Cha Pierre Marquez người Bồ và Cha Đắc Lộ] khởi hành từ Macao, và căng buồm theo chiều gió đưa chúng tôi đi qua kính chào mộ xưa kia chôn cất Thánh Phanxicô Xaviê ở đảo Tam Châu, rồi từ đó vào biển Hải Nam nổi tiếng về những trận bão thường xuyên hành hạ dữ dội các tàu biển, thế nhưng đối với chúng tôi thì lặng và lànhh nhờ các thiên thần hộ mệnh xứ Đàng Ngoài che chở trong 3 ngày chúng tôi đi theo bờ biển rộng lớn. Nhưng sau 6 hay 7 ngày thuận buồm xuôi gió và khi gần tới bến thì trời nổi mây đe doạ trên đầu chúng tôi. Đêm tới, tàu chúng tôi bị một trận bão rất lớn, làm tàu lay chuyển rất hiểm nghèo và đồng thời trên không có sấm sét vạch thành những hình thù quái dị do ma quỉ gây nên làm cho thủy thủ sợ hãi. Mãi tới sáng, ngày lễ Thánh Giuse hiển vinh, trời trở nên quang đãng, hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn gọi là Cửa Thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thầy bảo trợ và làm cha nuôi giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này. Viên hoa tiêu liền xuống một chiếc xuồng để thăm dò bến, khi thấy là tốt và có thể cập bến được thì chúng tôi dễ dàng đi xuống và cảm tạ Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi may mắn tới nơi...

Trong những ngày này, chúng tôi không ra khỏi Cửa Thánh Giuse... Chúng tôi đi đàm đạo với rất nhiều người ở Xóm Thánh Giuse... Thiên Chúa đã chiếu giọi những ánh sáng đầu tiên của ơn Người để kích động các tâm hồn. Cuộc chinh phục quan trọng đầu tiên để gầy dựng đức tin đó là một thầy đồ dạy chữ Hán cho thanh thiếu niên trong xóm và dạy cả những giáo thuyết sai lầm tà giáo. Nhưng... thầy đã trở lại... chúng tôi đã rửa tội và trao cho ông những bản kinh đạo Kitô viết trên giấy để ông dạy trẻ em... vào những ngày Chúa Nhật... Chúng tôi ân cần dạy dỗ và chinh phục những thôn xã lân cận và chúng tôi đã rửa tội được 32 người là những hoa quả đầu mùa ở Đàng Ngoài..." (Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài của Cha Đắc Lộ - bản dịch của Hồng Nhuệ).

Năm 1678, Đức Thánh Cha Inôxentê XI tôn phong Thánh Giuse làm Thánh Bảo trợ nước Việt Nam và các nước lân cận. Do đó, giáo dân Việt Nam rất sùng kính Thánh Cả Giuse. Ngôi Thánh đường Sàigòn là "Nhà thờ Đức Bà" thì ngôi Thánh đường Hà Nội là "Nhà thờ lớn kính Thánh Giuse".

Thánh Giuse Đấng Bảo Trợ

Thánh Giuse là đấng bảo trợ Giáo hội quê hương Việt Nam và nhiều nơi khác. Nhiều trung tâm hành hương lớn kính Thánh Cả Giuse đánh dấu sự tôn sùng của hoàn vũ như Kalisz (Balan), Mexicô, Milan và Viterbo (Ý), Louvain và Kapellen (Bỉ), Valladolid (Tây Ban Nha), Buenos Aires (Á Căn Đình), Cotignac và Mont-Rouge (Pháp), nhất là Montréal (Canada).

Thánh Giuse tham gia vào sứ mạng trung gian của Mẹ Maria bên cạnh Chúa Giêsu. Thánh Augustinô cho rằng hai đấng đồng hoạt động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Người nói: "Chúa Thánh Linh đã hoạt động và hoạt động cho cả hai." Người đàn ông "Công chính" và Người phụ nữ "Công chính" và Chúa Thánh Linh dựa trên sự công chính của hai người đã ban cho hai Đấng một người con..." (Bài giảng 51/20).

Thánh Giuse Là Đấng Bảo Trợ Các Gia Đình.

Ngài làm chồng, làm cha, làm gia trưởng, trên vai đè nặng bao trách nhiệm nặng nề, nên ngài rất thông cảm với những người đồng cảnh ngộ. Ngài lãnh trách nhiệm làm chủ gia đình. Vì sao nhiều nơi gia đình xuống dốc, trôi dạt, đổ vỡ... Phải chăng vì người gia trưởng trốn trách nhiệm. Một tờ báo Luân Đôn đã mở một cuộc phỏng vấn độc giả đàn ông và xin họ trả lời câu hỏi: Trong gia đình bạn, ai làm chủ?

Kết quả câu trả lời như sau: 60% cho rằng vợ tôi làm chủ, 30% nghĩ là mẹ vợ tôi làm chủ, và chỉ có 10% nhận là tôi làm chủ.

Gầy dựng một gia đình hạnh phúc là cả một nghệ thuật, nên cần phải có một Bí tích để bảo đảm sự liên kết giữa hai người, hai mà phải nên một và bảo đảm ơn phù trợ bởi trời. Gia đình Nagiarét là một gia đình hạnh phúc, vì ở giữa chồng là Giuse và vợ là Maria, có Chúa Hài Nhi hiện diện. Nơi nào có Chúa hiện diện là ở đó có hạnh phúc. Hãy chạy đến cùng Thánh Giuse gia trưởng, xin Ngài bảo vệ gia đình chúng ta, bằng gương sáng và ơn phù trợ mạnh thế của Ngài.

Đấng Bảo Trợ Các Linh Mục.

Thánh Giuse ngày xưa đã làm những việc ngày nay linh mục đảm nhiệm. Thánh Giuse chăm sóc, gìn giữ Chúa Hài Nhi, linh mục coi sóc, gìn giữ Thánh Thể. Giuse nuôi dưỡng dạy dỗ Chúa Hài Đồng, linh mục dạy dỗ nuôi dưỡng đoàn chiên Chúa. Và theo gương Thánh Cả, linh mục sống thân mật với Chúa, thực hành đức tin, đức trong sạch, khiêm nhường và đức nhiệt thành lo cho các linh hồn.

Vì thế, Thánh Cả Giuse là gương mẫu, là đấng bảo trợ của hàng linh mục, những con người dấn thân cho Nước Trời.

Đức Thánh Cha Phaolô VI, ngày 19/3/1969, nói trong bài thuyết giảng về Thánh Giuse như sau:

"Thánh Giuse quả là một người khó nghèo, ngay chính, cần mẫn, có khi rụt rè, nhưng ngài có một đời sống nội tâm sâu thẳm, từ đó ngài tiếp nhận được những mệnh lệnh và những khuyến cáo đặc biệt, cũng như ngài tìm được lý do và sức mạnh cho những quyết định lớn lao, như việc phó thác cả quyền tự do, cả chức phận con người, cả hạnh phúc lứa đôi, để mặc thánh ý Chúa định đoạt. Ngài đã nhận sống cuộc đời gia đình với tất cả trách nhiệm và gánh nặng của bậc ấy, nhưng lại khước từ tình yêu phu phụ theo lối tự nhiên, để đổi lấy một tình yêu trinh khiết khôn tả. Như vậy, Ngài đã hy sinh dâng hiến cả đời sống cho những đòi hỏi siêu việt cuộc giáng trần kỳ diệu của Đấng Cứu Thế, mà Ngài được hân hạnh đặt cho tên là Giêsu (Mt 1:21). Vậy Thánh Giuse quả thật là con người ‘dấn thân’." (ĐTC Paul VI, 19/03/1969 tại Đền thờ Thánh Phêrô).

Thánh Giuse quả là gương mẫu cho những linh mục dấn thân.

Đấng Bảo Trợ Những Người Sống Đời Tận Hiến.

Tu sĩ là những người sống đời tận hiến thực thi ba lời khuyên dụ Phúc Âm (khó khăn, trong sạïch, và vâng lời) trong cuộc sống chung trong một tu hội, cố gắng đạt tới sự trọn lành. Các dòng tu thường được phân chia thành hai thành phần theo tôn chỉ và mục đích của Dòng. Có những dòng tu chiêm niệm đặt trọng tâm vào việc cầu nguyện. Có những dòng tu hướng về hoạt động tông đồ, tuy rằng sự cầu nguyện vẫn là "linh hồn của mọi hoạt động tông đồ" (Don Chautard).

Thánh Giuse là gương mẫu cho người tận hiến. Ngài là tu sĩ không tu phục, là mẫu gương cho kẻ sống chiêm niệm cũng như cho những người hoạt động tông đồ. Thánh nữ Têrêxa Avila, một nhà chiêm niệm sâu xa và một nhà năng động hiếm có, là một người rất có lòng sùng kính Thánh Cả Giuse. Lòng sùng kính ấy, cũng như trường hợp của Thánh Bênađô, Thánh nữ đã được trong một thị kiến. Ngài tự thuật: "Ngày lễ Mông Triệu, tôi được xuất thần như ra khỏi tôi... Tôi được mặc một chiếc áo thật trắng và chói sáng. Thoạt đầu tôi không biết ai đã mặc cho tôi. Nhưng rồi, tôi thấy Đức Mẹ ở bên hữu và Cha tôi, Thánh Giuse, ở bên tả đã mặc cho tôi. Và tôi được nghe: Từ đây tôi được rửa sạch mọi tội lỗi của tôi. Sau việc mặc áo tôi cảm thấy đầy sung sướng, hạnh phúc. Và tôi thấy Đức Mẹ cầm tay tôi và nói: ‘Mẹ rất vui thích khi thấy con tôn sùng Thánh Cả Giuse vinh hiển.’ Tôi có thể tin rằng ý định lập dòng của tôi sẽ thành tựu. Chúa Kitô và Hai Đấng sẽ được tôn vinh..." (Thánh Têrêxa Chiêm Niệm, Marcel Lépée-Desclée de Browner, 1951, trang 180).

Thánh nữ Tiến sĩ nhận Thánh Cả Giuse làm quan thầy dẫn đàng tu đức cho các người sống chiêm niệm và giao phó mọi tu viện cho Ngài gìn giữ...

Cuối cùng, chúng ta hãy cầu xin Thánh Cả Giuse ban cho mọi gia đình được ơn hoà thuận theo bản kinh sau đây:

Lạy Thánh Giuse, Cha đã sống đời gia đình như chúng con. Với Mẹ Maria, Cha tận tình thương yêu như đôi vợ chồng thương yêu nhau. Tình thương trao đổi hướng về Con Thiên Chúa trở nên Con của Cha. Và, như chúng con, Cha đã làm cho tình thương ấy ngày càng thăng tiến, giữa bao nỗi vui mừng và lo lắng.

Hôm nay, xin Cha phù hộ gia đình chúng con. Xin cho chúng con biết hiểu nhau, theo gương của Con Cha chỉ biết nhìn lòng người hơn là ngoài mặt. Xin đừng để tính kiêu căng hay sự ích kỷ làm thương tổn đến tình yêu của chúng con. Xin cho chúng con ngày càng trung thành với lời cam kết và theo đà thời gian, chúng con càng kết hiệp với Con Chúa là Đấng hằng sống động trong các gia đình hiệp nhất thuận hoà. Amen.

(Trích trong sách Thánh Cả Giuse)

Trang Giuse | Trang nhà


Gửi Bài - Góp Ý  - Chia Sẻ - Comments