THÁNH CẢ GIUSE

Lm.Hồng Phúc. DCCT

CHƯƠNG I: GIUSE TRONG MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC.

Đặt Tên Và Dâng Con.

Giuse và Maria đón nhận các điều kỳ diệu và suy niệm. Bốn lần, Luca ám chỉ nội tâm của ĐứcMẹ, “cẩn thận giữ mọi kỷ niệm và luôn suy ngắm” (Lc 2, 19). Hai ông bà chắc không ở lâu trong hang đá lộng gió ấy. Thị trấn Bêlem trở lại cảnh bình thường, người về khai sổ bộ đã trở về quê. Giuse và Maria chắc đã tìm được một chỗ ở. Vào thời ấy, người ta thay đổi chỗ ở là sự thường và Giuse ở đây là ở tại quê quán. Và Chúa Giêsu là “Con Đavít” thì Bêlem cũng là thị trấn của Người.

Theo tục lệ mỗi nam nhi Do thái được chính thức gia nhập vào cộng đoàn “dân Chúa” bằng nghi thức “cắt bì” và đặt tên. Với nghi thức ấy, sau này lớn lên, em mới được đi vào sân nội điện Đền thờ.

Một tuần lễ đã trôi qua. Giuse chủ lễ đặt tên cho con trẻ. Nghi thức diễn ra ở xa bà con thân thuộc, khác biệt với trường hợp của Gioan tiền hô.

Theo lề luật, khi sinh hạ một người con trai, cha mẹ phải làm hai sự việc. Nếu là con trai đầu lòng, cha mẹ phải hiến dâng con cho Thiên Chúa và dâng của lễ chuộc con lại. Riêng bà mẹ phải dâng của lễ tẩy uế của người sản phụ tại đền thờ. Nếu giàu thì tế dâng một con chiên, nếu nghèo một cặp chim gáy hay đôi bồ câu non. Tuy lề luật không bắt buộc, nhưng các bà mẹ đạo đức vẫn ẵm con đền thờ hiến dâng.

Vậy, Giuse với tính cách gia trưởng, lại ở xa, chủ sự nghi lễ “cắt bì” và đặt tên cho con. Đồng thời, Người đảm nhận bổn phận làm một người cha theo pháp luật, nhờ đó Chúa Giêsu “là con Đavít” đúng theo thiên ý của Chúa Cha.

Sau đó, Giuse và Maria đã ẵm con lên đền thờ, đến phía cửa dành cho các bà mẹ cùng cảnh ngộ, Giuse xách cặp chim gáy, Mẹ Maria ẵm Chúa Hài nhi, lần lượt chờ đến phiên mình làm nghi lễ.

Luca viết: “Khi đã hết ngày kiêng cữ theo luật Môisê dạy, hai ông bà đem con trẻ lên Giêrusalem hiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22). Luca không nói đến việc tẩy uế Mẹ mà chỉ nói việc dâng Con. Vì Mẹ hoàn toàn trong sạch và con đến không để chỉ được hiến dâng cho bằng để dâng hiến, để chiếm hữu. Từ ngày Hòm bia thánh không còn đó nữa, đền thờ như hoang lạnh. Nay lần đầu tiên đến trong nhà Cha ngài, Chúa Kitô đến để chiếm hữu. Và, vào giây phút long trọng ấy, Thánh Thần muốn loan báo Tin mừng cho cả toàn dân, cách riêng cho những người đang mong đợi Chúa Cứu Thế đến. Hai người được phúc âm đặc biệt nhắc đến là cụ già Simêon và bà cụ Anna.

Simêon là người công chính và kính sợ Chúa đang ở Giêrusalem. Thánh Thần Chúa đã cho ông biết ông sẽ được nhìn thấy Đấng Cứu Thế trước khi ông về với tổ tiên. Ông không phải là thầy cả và không ở thường xuyên trong đền thờ. Hôm nay, Giuse và Đức mẹ đi vào trong tiền đường với vẻ sợ sệt của những người bình dân khi tham dự những nghi lễ công cộng. Nhất là hai ông bà có vẻ đăm chiêu trước một bí mật họ mang theo và chỉ có họ mới được biết. Simêon cũng được Thánh Thần đưa đến, ông nhận ra Hài nhi đang nằm ấp ủ trong lòng Mẹ là Đấng Cứu Thế trong đợi.

Ông bước tới xin được ẵm bế con trẻ. Đức mẹ không ngần ngại trao Chúa Hài nhi vào đôi tay ông. Ông thổn thức nhìn ngắm và ông được soi sáng cho biết là Cứu Chúa Israel, là Đấng Cứu Chuộc muôn dân. Như tổ phụ Giacóp ngày xưa, khi được gặp lại con là Giuse, chỉ mong được nhắm mắt ra đi. Cụ già Simêon cũng nói:

“Xin Chúa cất tôi về bình an

vì mắt tôi nhìn thấy ơn Cứu độ (Lc 2,29)

ánh sáng muôn dân đã mọc lên và vinh quan cho Israel đã tỏ rạng” (32).

Rồi ông chúc lành cho Giuse và Maria đang đứng đó, vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Nhìn về phía Maria ông có một lời nhắn nhủ: “Con trẻ này là duyên cớ cho nhiều người trong dân Israel vấp phạm hay được rỗi và sẽ là dấu hiệu gây chống đối. Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm qua lòng Bà, ngõ hầu những tư tưởng kín đáo của nhiều người sẽ được lộ hiện” (Lc 2, 34-35).

Bóng chiều tử nạn đã đồ xuống trên mầu nhiệm vui tươi của mùa Giáng sinh. Giuse ngước nhìn bạn không khỏi lo âu về câu nói đầy bí mật ấy. Maria sẽ chia sẻ số phận của Con, một ngày kia Trái Tim Mẹ cũng sẽ bị đâm qua như lưỡi đòng của người lính sẽ chọc thẳng vào cạnh sườn con. Nhưng bây giờ Mẹ chưa hiểu nổi. Giuse cũng bâng khuâng. Mỗi lời tiên tri đều có phần mập mờ khó hiểu khi chưa được thực hiện.

Đồng thời có một bà cụ 84 tuổi, “bà Anna, con ông Phanuel” được ơn trên “soi sáng”, cũng đến ngợi khen Thiên Chúa, nhìn nhận con trẻ là Đấng cứu thế. Với các bà đạo đức mong đợi ơn cứu độ, bà Anna không ngớt chia sẻ với các bạn già ơn lạ mình vừa đón nhận.

Mẹ Maria, sau khi cúi đầu nói lên lời “Xin vâng” đã hiểu biết phần nào số phận của mình liên kết với số phận của Con đang ở trong lòng mẹ. Lời sấm ngôn của Isaia về “người tôi tá đau khổ” mà Mẹ đã suy niệm nhiều lần trong lòng phải chăng đã bắt đầu hé mở. Còn đối với Giuse, người mới bắt đầu khám phá ra và lời suy tư cầu nguyện của Ngừơi cũng nhuốm màu bi ai, trong khi lòng yêu thương Chúa Giêsu và Maria càng sôi động dạt dào. Từ đây, Người chỉ biết sống vì hai Đấng mà Người yêu thương hơn cả.


Last Updated:17-02-2008