Mùa Thường Niên

Năm II

Thứ Bảy Tuần  XXIV

Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và các bạn, tử đạo

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49

"Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.

Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: "Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy". Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13

Ðáp: Tôi sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).

Xướng: 1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được tôi. - Ðáp.

2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh. - Ðáp.

  

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 4-15

"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm:

Bài dụ ngôn hôm nay nói đến bốn mẫu người, bốn thái độ đối với Lời Hằng Sống. Bài Phúc Âm đã được Ðức Giêsu cắt nghĩa thật rõ ràng, mạch lạc như một tấm gương cho ta soi thấy rõ con người mình. Tôi đã có thái độ nào trước Lời Chúa? Tôi là loại người nào?

Bên cạnh đó, bài dụ ngôn còn hé mở cho ta tính chất lạc quan: Dù cho chỉ một ít hạt giống rơi vào đất tốt, nhưng cũng đã được mùa gặt dư đầy. Ðây là một bài học vừa khuyên nhủ vừa khuyến cáo. Mảnh đất có thể tốt có thể xấu, nhưng việc đón nhận Lời Chúa đòi buộc người nghe phải lắng nghe với tâm hồn lành thánh và trung thực.

 

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, ước gì cuộc đời mỗi chúng con cũng như mảnh đất tốt, để Lời Ngài gieo vào cũng được đơm bông, kết trái nơi tâm hồn chúng con. Xin đừng để những lo âu trần thế, những ăn chơi sa đọa bao phủ đời chúng con như những hạt giống rơi vào bụi gai bị chết ngạt. Nhưng xin cho chúng con biết cảm nghiệm Lời Chúa, để Lời sinh sôi trong tâm hồn chúng con. Và từ những hoa trái đó làm cho danh Thánh Chúa được lan tỏa khắp nơi. Amen.

Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang

và các bạn, tử đạo

Cầu cho chúng con, khi nàyl

Với Đức Maria, người ta không ngừng trở về với thực tế nghĩa là với hiện tại, với "khi này". Trong lịch sử, "khi này" là điểm duy nhất mà tôi cư ngụ, tôi đang ở điểm này đây. Theo định nghĩa của nó, quá khứ không còn nữa; nó chỉ có giá trị qua các hậu quả của nó trong hiện tại. Tương lai thì chưa có; nó chỉ có thực chất trong các mầm ging hiện tại sẽ phát triển trong tương lai. Và cũng trong hiện tại, chứ không ở lúc nào khác, mà tôi có thể gặp gỡ tha nhân và có th gặp gỡ Thiên Chúa. Hic et nunc: đây và khi này, theo công thức của thánh Ignatiô Loyôla. Khi Sứ Thần viếng thăm Đức Maria, khi Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét, khi Mẹ đến Cana và tất cả các cuộc viếng thăm khác, đều diễn ra trong hiện tại. Hiện tại là điều kiện cho sự hiện diện. Nơi Đức Maria, chúng ta ngưỡng mộ nét duyên của Mẹ là sự có mặt thuần túy, sự hiện diện trinh nguyên; Mẹ hiển nhiên có mặt trong Tin Mừng; Mẹ có mặt không kém trong cuộc đời chúng ta hôm nay. Chính vì vậy mà chúng ta xin Mẹ cầu cho chúng ta khi này. Chúng ta vắng mặt nhiều quá! Với uy tín nhẹ nhàng, từng giây từng phút, Mẹ dạy chúng ta sống thực sự: sống đời mình như một món quà cho chúng ta lãnh nhận, luôn mới mẻ, và như một hin vật để chúng ta lại dâng lên tiếp.

Alain Bandelier

La prière avec Marie (Salvator)

  Trang Nhà            Suy niệm hằng ngày