Mùa Thường Niên

Lễ Ðức Mẹ Mân Côi

( lễ trọng )

Bài Ðọc I: Cv 1,12-14

Trích sách Tông Đồ Công Vụ

Bấy giờ các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát.  Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

Ðó là lời Chúa. 

Ðáp Ca: Lc 1,46-47.48-49.50-51-52-53.54-55 (Đ. c. 49)

Đáp :    Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

            biết bao điều cao cả,

            danh Người thật chí thánh chí tôn !

 

Hoặc:

Đáp :    Lạy Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ thật là diễm phúc,

vì đã cưu mang Con Chúa Cha hg hữu.

 

 

46        Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

47        thần trí tôi hớn hở vui mừng

            vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.                                  Đ.

 

48        Phận nữ tỳ hèn mọn,

            Người đoái thương nhìn tới;

            từ nay, hết mọi đời

            sẽ khen tôi diễm phúc.

49        Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

            biết bao điều cao cả,

            danh Người thật chí thánh chí tôn !                             Đ.

 

50        Đời nọ tới đời kia,

            Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51        Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

            dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.                             Đ.

 

52        Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

            Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53        Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

            người giàu có, lại đuổi về tay trắng.                            Đ.

 

54        Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

55        như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

            vì Người nhớ lại lòng thương xót

            dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

            và cho con cháu đến muôn đời.                                  Đ.

 Alleluia: Tv 102, 21

Alleluia, alleluia! - Kính chào Đức Ma-ria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".

Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

 

Ðó là lời Chúa.

 

   Suy niệm:

     Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ. Hai tiếng “Xin vâng” thật đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao.

Trước hết hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Ông bà nguyên tổ đã nghe ma quỷ hơn nghe Chúa. Ông bà nguyên tổ đã làm theo ý riêng hơn làm theo ý Chúa. Trái lại Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ mà thành công.

Hai tiếng “Xin vâng” của Đức Mẹ vọng lại hai tiếng “Xin vâng” của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Vì vâng lời Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã vui lòng xuống thế làm người. Hôm nay, khi Đức Mẹ nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Giêsu cũng nói “Xin vâng” với Đức Chúa Cha. Với hai tiếng “Xin vâng”, Đức Mẹ khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau hai tiếng “Xin vâng”, Ngôi Hai xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

Hai tiếng “Xin vâng” có ảnh hưởng tới cả cuộc đời.

Hai tiếng “Xin vâng” nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, những ảnh hưởng tới cả cuộc đời Đức Giêsu và Đức Mẹ. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã từ trời xuống thế, như lời Thánh vịnh: “Máu chiên bò, Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu, Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Cha”. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vui lòng chịu chết, chết nhục nhã trên cây Thánh giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Những xin đừng làm theo ý Con, chỉ xin vâng ý Cha mà thôi”.

Cũng vậy, khi nói tiếng “Xin vâng” với Thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào chương trình của Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn chạy sang Ai cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà”. Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cùng chết với con vậy.

Như thế, để nói tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “Không” với chính mình. Để một lần nói “Xin vâng” với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ phải nhiều lần nói “Không” với chính mình. Tiếng “Vâng” lớn thành hình nhờ những tiếng “Không” nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh bé nhỏ âm thầm.

Khi tạo dựng nên ta, Chúa đã có chương trình cho mỗi người chúng ta. Đó chính là chương trình tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không cộng tác, thì chương trình ấy không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy noi gương Đức Mẹ, nói tiếng “Xin vâng” với Chúa. Hãy biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Hãy biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Hãy xin vâng khi vui. Hãy xin vâng khi buồn. Hãy xin vâng khi hạnh phúc. Hãy xin vâng khi đau khổ. Hãy noi gương Đức Mẹ, xin vâng trong ngày truyền tin vui tươi, và xin vâng cả khi đứng dưới chân thập giá đau buồn. Xin Vâng từng giây phút trong cuộc đời. Khi chương trình của Chúa được thực hiện, ta sẽ được hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh ta.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ, xin dạy con hai tiếng XIN VÂNG như Mẹ. Amen.

Chúa Nhật 27 thường niên

Đức Mẹ Mân Côi

Họ chỉ còn là một

"Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân li". Câu này chứa đựng đồng thời sự cao cả thiết yếu của hôn nhân lẫn tầm quan trọng của gia đình. Chúng ta cầu mong cho ngày nay mọi đôi lứa đều cảm nhận được sự cao cả và phẩm giá đó; chúng ta cầu mong cho mọi gia đình thấu hiểu được ý nghĩa bí tích và tầm quan trọng luân lý đó. Chúng ta cầu xin điều ấy vì sự thiện hảo của con người! Vì sự thiện hảo của mỗi một người!

Con người không có con đường nào khác để tiến tới nhân loại, nếu không phải là qua gia đình. Và gia đình cần phải được đặt vào ngay chính nền tảng của bất cứ cố gắng nào để cho nhân loại của chúng ta ngày càng trở nên nhân văn hơn.

Không ai có thể thờ ơ với điều đó: Không một xã hội nào, không một dân tộc nào, không một thể chế nào; ngay cả quốc gia, cả Hội Thánh, cả từng cá nhân cũng không. Tình yêu, mối tình nối kết người nam và người nữ, với tư cách là bạn đời hay là cha mẹ, vừa là ân huệ vừa là giới răn... Tình yêu là một ân huệ: "Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa" (1 Ga 4,7). Đồng thời tình yêu cũng là một giới răn, giới răn trọng nhất... "Ngươi phải yêu mến..." (Mt 23,37-39). Tuân giữ giới răn yêu thương có nghĩa là thực hiện tất cả những gì mà gia đình Kitô giáo đòi hỏi.

Thánh Gioan – Phao lô II

 Trang Nhà           Suy niệm hằng ngày