Hướng Lên Trời

Thánh Anphong
Người dịch Văn Hội

Hy Sinh Mạng Sống

Người bệnh thân mến, bạn sẽ chết vì căn bệnh này ư? Tôi không biết, điều tôi biết, đó là trong lúc bị bệnh, bạn phải kiên tâm đón nhận cái chết và quảng đại dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa. Chết là lúc hoàn thành vương miện của kẻ được tuyển chọn, bởi lẽ, chính lúc chết ta mới lãnh nhận được nhiều công trạng hơn cả, nếu ta chấp nhận cái chết một cách kiên tâm và với lòng yêu mến. Một thiên thần mạc khải cho Thánh Liwine biết rằng vương miện công trạng và vinh quang của thánh nữ chỉ được hoàn thành nhờ những đau khổ xảy đến với Thánh nữ vào lúc cuối đời. Bằng những việc làm đạo đức và nhất là bằng hành động kiên tâm, mà người ta đón nhận cái chết cùng với tất cả những đau đớn cực nhọc kèm theo hầu làm vui lòng Thiên Chúa, thì chắc chắn đó là hành động đáng lãnh nhận công trạng to lớn đối với bất cứ ai chết  trong tình trạng ân sủng.

Nhưng bạn sẽ nói: Thiên Chúa là Đấng công chính, nên tôi sợ. Hãy phó thác cho lòng nhân từ của Chúa. Một nữ tu dòng Cát Minh cũng đã run lên vì ý tưởng ấy. Vào lúc cuối đời, cô nhờ người đặt lên cổ mình sợi dây thừng, rồi tay cầm nến, cô gắng sức lần cuối, quỳ xuống. Người ta hỏi cô tại sao làm như vậy. Cô trả lời: “Tôi muốn tôn thờ bản án mà Thiên Chúa sẽ thực hiện trên tôi”.

Nhưng bạn sẽ thêm: làm sao ngay lúc này tôi có thể nhẫn nhục chịu chết được, tôi đã chẳng làm gì để chuẩn bị vào Nước trời? Đấng đáng kính Avila nói rằng: kẻ nào có sự chuẩn bị tầm thường thì phải ước mong được chết. Quả thực, có ai một khi đã chắc chắn là đang ở trong tình trạng ân sủng, mà lại còn có thể ước muốn được sống lâu hơn trong thung lũng đầy nước mắt này, nơi luôn có nguy hiểm là bị hư đi, và phải xa cách Thiên Chúa, sự lành tối thượng của họ?. Một linh hồn khát khao tình yêu Chúa sẽ chẳng làm gì khác ngoài việc rên rỉ kêu lên như vua thánh Đavid rằng: than ôi, cuộc lưu đày của tôi kéo dài đến thế.

Nhưng ít ra tôi cũng có thể được bảo đảm là đang ở trong tình bạn hữu với Thiên Chúa. Thực ra, ở nơi trần thế này, chẳng ai biết chắc chắn là mình sẽ xứng đáng được hưởng tình yêu của Thiên Chúa hay sẽ phải lãnh hình phạt. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho biết một linh hồn có ở trong tình trạng ân sủng hay không. Những dấu hiệu ấy là: một người tội lỗi, khi đã chê ghét tội mình đã phạm, đã nhận được ơn tha thứ. Dấu hiệu khác, đó là sự bền tâm thi hành những nhân đức trong khoảng thời gian dài sau khi phạm tội. Và đây cũng là dấu hiệu to lớn của một lương tâm ở trong tình trạng ngay lành, đó là sẵn sàng hy sinh mạng sống hơn là đánh mất tình thân hữu với Thiên Chúa, ước muốn yêu mến Chúa mạnh mẽ và mong Người được người khác yêu mến, sau nữa là cảm thấy đau khổ khi thấy Thiên Chúa bị xúc phạm.

Nhưng tại sao lại phải sợ chết như thế? Bạn không biết chấp nhận cái chết như một hình phạt do tội gây ra, trong sự hợp nhất với cái chết của Đấng Cứu Thế, chính là một việc đền tội sao?.

Bạn muốn chắc chắn không mất Thiên Chúa ư? Hãy dâng cho Người tất cả. Bao lâu người ta còn chưa hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa, thì bấy lâu người ta còn ở trong nguy hiểm là quay lưng lại với Người và đánh mất Người. Nhưng khi một linh hồn đã kiên quyết vứt bỏ mọi sự và dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, thì linh hồn ấy sẽ không mất Thiên Chúa nữa. Bởi vì lúc đó Thiên Chúa giữ gìn họ, không chó phép họ quay lưng lại với Người và đánh mất Người.

Bạn muốn biết một bí quyết tuyệt vời giúp chết thánh thiện không? Bí quyết ấy là: hãy nói chân thành những lời sau đây:

Lạy Thiên Chúa của con, con sẵn sàng dâng cho Chúa hy tế mạng sống con, để trên quê trời, con được yêu Chúa mãi mãi và bằng tất cả sức mạnh của con.

Ông Louis de Blois, một người đạo đức đảm bảo rằng nếu vào lúc lâm chung bạn làm một cử chỉ hoàn toàn hợp với ý Thiên Chúa, thì bạn sẽ được cứu không chỉ khỏi hỏa ngục nhưng còn khỏi cả luyện ngục nữa, cho dù bạn đã phạm tất cả tội lỗi trên trần gian này. Vì khi chấp nhận cái chết với sự kiên tâm hoàn hảo, bạn sẽ có được một công trạng giống như công trạng của các vị thánh tử đạo đã tự nguyện hiến dâng mạng sống vì Chúa Giêsu.

Thực vậy, thánh Tôma dạy rằng chịu chết để thể hiện một hành vi đạo đức, đó là tử đạo vậy. Dựa vào đâu để kết luận người ta đáng công trạng tử đạo? Đó là, bởi vì người ta không chỉ hy sinh mạng sống cho đức tin dưới lưỡi dao của tên đao phủ, nhưng còn khi người ta chấp nhận cái chết để tuân theo ý của Thiên Chúa và để làm vui lòng Người, đó là hành vi đạo đức to lớn nhất có thể thực hiện, bởi vì khi đó người ta đã hiến dâng hoàn toàn cho tình yêu của Thiên Chúa.

Như vậy, khi cái chết đến, bạn hãy cố gắng chấp nhận nó bằng cả tấm lòng để hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa, một khi Người đã muốn gọi bạn ra khỏi thế gian này. Mỗi lần bạn thực thi hành vi đạo đức này cùng với sự chuẩn bị thực sự trong tâm hồn, bạn sẽ có một công trạng giống như những vị tử đạo có được khi họ hiến dâng mạng sống cho Chúa Giêsu. Ai chịu chết mà hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa, thì người đó sẽ cho kẻ khác thấy một sự chắc chắn luân lý về việc họ được cứu độ.

Thánh Francois de Sales, khi nằm trên giường bệnh, đã nêu một tấm gương cam chịu hoàn hảo nhất. Một trong số người bạn tu nói với Ngài:

- Cha cảm thấy thế nào?

- Cha ơi,  tôi đang mong đợi lòng nhân từ của Thiên Chúa, thánh nhân trả lời.

- Nếu là ý muốn của Chúa, cha không muốn chết ngay vào lúc này sao? Người bạn tu tiếp lời.

-Nếu Thiên Chúa muốn, người bệnh thở nhẹ trả lời, thì tôi cũng muốn, lúc này hay lúc khác không quan trọng. Phó thác trong tay Chúa thì tốt đẹp biết bao. Chúa là Thầy, Chúa làm như Chúa muốn.

Sau đó vị Thánh tuyên xưng đức tin. Tôi muốn chết trong niềm tin của Giáo Hội Công Giáo, Tông truyền và Rôma, một tôn giáo duy nhất tốt lành. Ngài nói thêm, giá người ta cho tôi chịu bí tích Xức dầu.

- Thưa cha, người ta nói với ngài, xin cha hãy nói: ước chi chén đắng này xa khỏi tôi.

- Ô, không. Vị Thánh trả lời. Tốt hơn phải nói: Lạy Chúa, ước chi ý Chúa được thực hiện chứ không phải ý con.

- Vậy thì cha hãy dâng mình cho Chúa Ba Ngôi đi.

- Ôi, bằng cả con tim, tôi xin dâng cho Chúa tất cả những gì tôi có: xin dâng lên Chúa Cha tâm trí và hành động của tôi, xin dâng Chúa Con lý trí và lời nói của tôi. Xin dâng lên Chúa Thánh Thần ý muốn và suy nghĩ của tôi, trái tim, cơ thể, miệng lưỡi, giác quan và tất cả những đau khổ của tôi xin dâng lên cho lòng nhân từ của Chúa Giêsu.

Một người nào đó đọc cho ngài nghe đoạn thánh vịnh này: hãy đặt tin tường vào Chúa, và người sẽ dưỡng nuôi bạn, người bệnh thánh thiện nói thêm: “Lương thực của tôi là làm theo ý muốn của Cha tôi”. Thấy những người giúp việc khóc, Ngài nói với họ: “Các con đừng khóc nữa, chẳng phải ý của Chúa phải được nên trọn sao?”. Khi người ta nhắc ngài kết hợp những đau khổ của ngài với đau khổ của Đức Giêsu chịu đội mão gai, ngài trả lời: “Những đau khổ tôi phải chịu không đáng được gọi cùng một tên với những đau khổ của Đức Giêsu”. Áp thanh sắt đỏ lên đầu ngài, người ta hỏi ngài có cảm thấy nỗi đau mà họ gây cho ngài không, ngài trả lời: “Vâng, tôi cảm thấy, nhưng hãy làm cho tôi những gì các bạn muốn”. Sau khi xiết tay một trong những người có mặt tại đó, ngài nói với người ấy: “Trời đã về chiều, ngày đời của tôi đã hết”. Rồi kêu tên Chúa Giêsu xong, ngài trao phó linh hồn trong tay Thiên Chúa. Hôm đó là ngày 28 tháng 12 năm 1622. Ngài hưởng thọ 55 tuổi.

Nếu có bạn nào không bằng lòng cam chịu cái chết, thì người ấy hãy khát khao ước muốn nó đi. Ôi, nếu bạn biết được thiên đàng là gì. Một ngày kia, thánh Phaolô trong sự say mê tuyệt đỉnh, đã được chiêm ngắm Nước trời và ngài kêu lên: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người chẳng hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã chọn sẵn cho những ai yêu mến Người”.

Ở đó, chẳng có chi phiền não

Tất cả đều mừng vui

Không con đau khổ nữa

Hết bệnh tật, đói nghèo

Cũng không còn sợ hãi.

Hết ngược đãi quấy rầy

Ngự trị xuân vĩnh cửu

Bao vẻ đẹp mỹ miều

Làm đắm say đôi mắt

Bao hương thơm quyến rũ

Khiến hồn ta ngất ngây

Tâm hồn được nâng bổng

Nhờ tiếng nhạc du dương

Say đắm trong tình yêu

Trên quê trời vĩnh cửu

Mãi sống với thiên thần

Cùng với muôn thần thánh.

Với Đức Maria

Và Giêsu con của mẹ.

Trên quê trời vĩnh cửu

Thấy Chúa luôn trước mặt

Yêu Chúa mãi không thôi

Có Chúa mãi muôn đời.

Mất Nước trời làm cho kẻ tội lỗi thất vọng ngay ở tại thế này. Luther vừa thở dài vừa nói: “Nước trời xinh đẹp ơi, vậy là ta sẽ không bao giờ được thấy ngươi”. Vua Henri VIII kêu lên trước lúc chết rằng: “Trời ơi, chúng ta đã mất cả rồi”.

Trái lại, niềm hy vọng được vào Nước trời đã nâng đỡ những người tử đạo trong lúc bị hành xử dã man nhất. Ôi, bạn đang rên rỉ trên giường vì đau đớn, hãy hướng mắt về Nước trời, và tự an ủi mình bằng cách lặp đi lặp lại lời này: Thiên đàng, Thiên đàng.

Năm mươi ngày trước khi chết, con trai nhà thám hiểm nổi tiếng Christophe Colomb tên là Fernado đã gọi những người đầy tớ lại và nói với họ rằng ông chỉ còn sống trong khoảng thời gian ngắn nữa thôi. Để an ủi họ, ông kêu lên cùng tác giả Thánh vịnh: “Tôi vui mừng vì biết rằng chúng ta sắp được vào ngụ trong nhà Chúa”. Khi đó, ông cho cử hnàh lễ đính hôn giữa ông với cái chết bằng một bữa đại tiệc. Ông cho mời ba mươi ba người nghèo đến và chính tay ông phục vụ họ, xem họ như những chi thể của Đức Giêsu. Ông truyền rằng vào ngày an táng ông, người ta phải cử hành một lễ nhạc với y phục trắng để chào đón các thiên thần, để diễn tả niềm vui của ông và để cảm tạ Thiên Chúa đã sớm cho phép ông rời bỏ căn nhà ở trần gian này. Hai giờ trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông cho người mang lại bên giường một cái hũ đầy đất, rồi cầm nắm đất rải lên đầu, ông nói: “Ôi Fernado, ngươi hãy nhớ, ngươi chỉ là cát bụi, rồi ngươi sẽ trở về với bụi tro”. Sau hết, đưa tay hướng lên trời, ông kêu lên: Te Deum laudamus (chúng ta hãy ngợi khen Chúa) và hồn ông bay về với Thiên Chúa.

Điều làm nên thiên đàng chính là sự thiện tối thượng của Thiên Chúa. Thấy Chúa diện đối diện, yêu mến Chúa, có Chúa làm sở hữu đó là phần thưởng vĩ đại của những kẻ được tuyển chọn. Vậy trong nỗi đớn đau, bạn hãy nói: Thà chịu mọi đau khổ hơn là mất Thiên Chúa.

Ôi, còn dấu chỉ yêu mến Chúa nào hơn là ước muốn chịu chết để khỏi phạm tội và khỏi mất Thiên Chúa. Quả thực, tình bạn đòi hỏi người này phải nên sở hữu của người kia. Đó cũng chính là sự trao ban giữa Thiên Chúa và linh hồn ở trên trời, và Hiền Thê được hiến thánh sẽ diễn tả bằng lời này: Đấng Lang Quân hoàn toàn thuộc về tôi, và tôi hoàn toàn thuộc về Chàng. Trong Nước trời, linh hồn dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa lại trao ban tất cả cho linh hồn, tùy khả năng linh hồn có thể đón nhận theo mức độ công trạng đã làm. Sự hợp nhất này không thể thực hiện được khi còn xa cách. Hiền thê được hiến thánh, khi đã nhận ra Đức Lang Quân của Nàng đi xa, thì mòn mỏi chờ đợi và cầu xin những người bạn gái báo cho Chàng biết nỗi buồn của Nàng, cùng xin họ dẫn Chàng đến an ủi Nàng: “Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, tôi khẩn cầu các cô, nếu gặp thấy người tình yêu dấu của tôi ở đâu, xin hãy nói cho Chàng biết là tôi đang héo hon vì yêu Chàng”.

Như thế, các thánh đầy lòng yêu mến Chúa, khi còn ở trần gian, chỉ theo đuổi quê hương diễm phúc. Họ cùng nói với vua Đavid (và bạn cũng hãy nói): Ôi, Thiên Chúa của tôi, ước mong vô hạn được thấy người chỉ thôi khi vinh quang Người xuất hiện, cùng nói với thánh Phanxicô Assisi: Lạy Chúa xin giải thoát con khỏi ngục tù, cùng nói với thánh Phaolô: tôi ước ao chết và ước ao được ở với Đức Giêsu, cùng với thánh Têrêsa: Tôi chết đi được vì ước muốn được chết. Đó là những hành vi đức mến trọn hảo.

Như chúng ta đã biết, vị Thánh tiến sĩ Thiên thần dạy rằng mức độ yêu mến cao trọng nhất mà một linh hồn ngay tại thế này có thể đạt được, đó là ước muốn mạnh mẽ đi đến hiệp nhất với Thiên Chúa và vui mừng vì được thấy Người trên quê trời. Vậy thì, người bệnh mến yêu, bạn hãy vui thích mà lặp lại lời này:

Tôi ước muốn được chết và được ở với Đức Giêsu.

Một ông già thánh thiện, mắc căn bệnh nghiêm trọng, muốn nhận phép lành của thánh Francois de Sales. Vị giám mục tốt lành đến ngay theo ước nguyện của ông, Người bệnh hỏi Ngài:

- Thưa Đức cha, con sẽ phải chết vì căn bệnh này sao?

- Cha đã thấy con hồi phục từ lâu rồi, thánh Francois de Sales trả lời, con hãy đặt tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng là chủ sự sống và sự chết.

- Nhưng theo Đức cha, cuối cùng ra con sẽ chết chứ? Một bác sĩ nào đó sẽ trả lời thay con hay hơn cha. Điều mà con nên làm là đừng lo lắng gì cả, và trao phó tất cả cho sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng sẽ làm những gì tốt nhất cho con.

- Ôi, thưa Đức cha, không phải sợ chết mà con hỏi Đức cha như vậy, nhưng là con sợ không chết được. Được khỏi bệnh con sẽ khổ hơn.

- Nhưng ông đang đau khổ quá nhiều trong trạng hiện tại, cuộc sống đã không quá nặng nề đối với ông sao?

- Hoàn toàn không, thưa Đức cha, ở trần gian này con đã có được mọi thỏa mãn mà người ta ước muốn, nhưng trong các bài giảng, nhiều lần con đã nghe ca tụng một cuộc sống khác và những niềm hoan lạc trên thiên đàng, đến độ, đối với con thế giới này giống như một nhà tù.

Thế rồi, từ cõi lòng đầy tràn, người nông dân tốt lành nói về Nước trời với những điều tốt đẹp hết sức, đến độ làm Đức Cha thánh thiện phải rơi lệ vì vui mừng, thầm cảm phục trí tuệ của Thiên Chúa, Đấng đã khéo hướng dẫn một con người mà một chữ bẻ làm đôi cũng không biết. Sau đó, người bệnh đạo đức đã nhẫn nhục sống và không quan tâm gì đến cái chết, vài giờ sau khi đã chịu những bí tích sau cùng, ông qua đời trong bình an của Chúa.

Ước muốn có Thiên Chúa làm sở hữu mà không được, đó là hình phạt lớn nhất đối với những linh hồn thánh thiện trong luyện ngục. Hình phạt này đặc biệt làm đau khổ những linh hồn nào khi còn sống đã chẳng mấy khi ước muốn lên thiên đàng. Đức Hồng Y Bellarmin còn nghĩ rằng trong luyện ngục có một nơi gọi là nhà giam đáng tôn kính, nơi đó linh hồn không chịu bất cứ một hình phạt nào theo nghĩa chặt, nhưng chỉ phải chịu ở trong tình trạng không được thấy Thiên Chúa. Hình phạt này được đặt ra không phải do lỗi người ta đã phạm, nhưng là do khi còn sống người ta đã ước muốn thiên đàng quá ít. Nếu lúc này mà bạn vẫn hầu như không có ước muốn thiên đàng, thì ngay bây giờ, bạn hãy bắt đầu đi.

Nào, người bệnh thân mến, hãy xua khỏi tâm trí bạn mọi suy tưởng về thế gian, về công việc, về cha mẹ, con cái, hãy nghĩ tới sự vĩnh cửu của bạn. Có lẽ bạn không thể nghĩ rằng bạn còn quá ít thời gian nữa thôi. Hãy lợi dụng nó để đáng được hưởng nước trời, và ngay cả bạn phải tìm cách thoát khỏi những hình phạt mà có lẽ bạn sẽ phải chịu trong luyện ngục, bằng cách đón nhận cái chết và thu lượm thật nhiều ân xá. Để được điều ấy, xin bạn hãy thường xuyên đọc những lời nguyện sau: