Chương 1: TIẾNG GỌI VỀ TRỜI

Các thế hệ khác, người ta tìm về thiên đàng nhờ trật tự vũ trụ. Ngày nay nhờ những bất ổn trong linh hồn mình. Người tân thời không xem thấy Thiên Chúa trong thiên nhiên nữa. Các thời điểm khác người ta nhìn ngắm trăng sao bạt ngàn, vũ trụ mênh mông, vẻ đẹp huy hoàng của bầu trời, trật tự lạ lùng của các vì sao mà gẫm ra được quyền năng, và khôn ngoan của Thiên Chúa. Đấng tác tạo muôn loài và duy trì thế giới. Nhưng bất hạnh thay, con người tân thời đã cắt đứt với kiểu tiếp cận này, bởi vài trở ngại: Người ta không còn nhiều ấn tượng về trật tự thiên nhiên nữa mà quay về với các rối loại trong tâm hồn mình. Bom nguyên tử đã phá hủy lòng khiếp sợ thiên nhiên, và cuối cùng khoa học tự nhiên đã mang tính khách quan quá đáng đối với con người kiêu căng ngày nay. Chính cá nhân chứ không phải bản chất người, mà ngày nay khoa tâm lý thực sự quan tâm tới và làm con người bất an.

Sự thay đỗi này không có ý nghĩa các linh hồn tân thời thôi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng chỉ cho thấy rằng nhân loại đã từ chối con đường hợp lý hơn và do đó bình thường hơn, trong việc kiếm tìm Ngài. Không phải trật tự của vũ hoàn, nhưng mất trật tự trong chính con người mình. Không phải vật hữu hình của thế giới, nhưng những mặc cảm, những lo âu vô hình của chính bản thân. Đây là những khởi đầu của các người tân thời khi họ quay tìm về với tôn giáo. Trong những ngày xưa cũ, các triết gia tranh luận về những vấn đề của con người. Ngày nay họ bàn tán con người là một vấn đề. Ngày xưa người ta sống trong không gian ba chiều: Từ nơi họ ở với bạn bè thân thích họ nhìn lên trăng sao trên bầu trời và hỏa ngục dưới đất. Ngày nay vì lãng quên Thượng Đế, cái nhìn của họ bị thu hẹp vào một chiều mà thôi, đó là vào tâm hồn mình.

Linh hồn tân thời bây giờ sẽ đi về đâu? Tất cả các cột mốc chỉ đường đã bị nhổ lên lấp đầy vào các lối thoát ra ngoài? Giống như một thành phố, các tường thành bảo vệ đã bị quân địch chiếm giữ, con người phải rút lui vào bản thân mình. Giống như một dòng suối bị chận đứng, sẽ chảy ngược lại bản thân, tích lũy mọi thứ nhơ bẩn, cặn bã, rác rến, linh hồn tân thời ngày nay cũng vậy (không có những mục tiêu hay lối thoát của người tín hữu) sẽ cuộn trở lại chính mình và trong tình trạng ấy thâu gom tất cả những yếu tố hạ đẳng, bản năng súc vật, đam mê dục vọng, tối tăm, tiềm thức vô tính mà lẽ ra không đáng có nếu như người ta chăm lo cho có lối thoát bình thường. Con người tân thời cảm thấy bế tắc, khóa chặt vào nội tâm, làm tù nhân của chính bản thân. Bị nhốt tù như vậy rồi, bây giờ con người cố gắng bù đắp, cho những mất mát thế giới ba chiều của đức tin, bằng cách phân tích trí khôn mình.

Những mặc cảm, những lo âu, những sợ hãi của linh hồn tân thời không hiện hữu quá quắt trong các thế hệ trước, bởi lẽ chúng luôn được rũ bỏ, và hòa nhập vào trong cơ cấu vĩ đại của văn minh Kitô giáo. Tuy những nỗi bất hạnh trên là thành phần không thể tách rời khỏi linh hồn tân thời đến nỗi chúng ta nghĩ rằng chúng khắc ghi vào da thịt họ. Dầu sao người tân thời phải được đưa về cùng Thiên Chúa và hạnh phúc, bất chấp tình trạng linh hồn họ ra sao. Nếu như người thời nay muốn trở về với Thiên Chúa từ quỉ dữ, thì tại sao chúng ta không khởi sự từ quỷ dữ ? nghĩa là từ chỗ mà Chúa chúng ta bắt đầu với cô Maria Macđala. Chúa nói với các kẻ theo ngài rằng họ cũng có thể khởi sự công cuộc rao giảng tin mừng từ chỗ đó với ăn chay và cầu nguyện .

Thực tế không có sự khác nhau, ngoại trừ ngôn ngữ, giữa linh hồn khốn khổ trong phúc âm và những linh hồn bất ổn thời nay. Các người tân thời có ba sự vong thân làm đặc tính: Thứ nhất hắn thường xuyên bị phân liệt khỏi chính bản thân, thứ hai khỏi tha nhân và thứ ba khỏi Thiên Chúa. Đây cũng là hiện tượng của chàng thanh niên ở miền đất Giêsasênê.

Cấp bậc vong thân thứ nhất là phân liệt khỏi chính bản thân. Con người tân thời bây giờ không còn thống nhất nữa, mà là một khối phân hoá thành nhiều mảng lộn xộn và bất ổn: Những mặc cảm, kiêu căng, thác loạn thần kinh, căng thẳng tâm lý. Hắn là khách lạ của chính hắn vì tháo rời từng mảng linh hồn, tự mâu thuẫn, hay đổi thay thái độ, thiếu nhất quán. Hắn không còn nhìn mình như một đơn vị duy nhất, mà là một bãi chiến trường của các khuynh hướng đối chọi nhau, không có mục tiêu thống nhất cho cuộc sống. Chúng ta có thể so sánh linh hồn tân thời với một chuồng chứa súc vật, trong đó đủ mọi thú dữ cắn xé lẫn nhau, mạnh được, yếu thua, hoặc so sánh với một chiếc máy thâu thanh, cùng lúc tiếp nhận nhiều tần số của các đài phát khác nhau. Thay vì một tần số rõ ràng, thì là hổ đốn tiếng ồn ào nhức óc.

Nếu như người ta có chút học thức, thì tình trạng lại còn khốn đốn hơn. Trí tuệ của họ là một hỗn hợp các tin tức lộn xộn, không có một triết lý chủ đạo nào. Lúc ấy linh hồn có thể chế diễu mình "trong tôi có hai ngôi vị. Một là linh hồn tôi sống động, hai là một tiến sĩ triết học, kiến thức uyên thâm. "Những con người như thế ngày nay đầy rẫy trong xă hội. Họ phản chiếu ra bên ngoài nhiều ý kiến khó nghe. Chứng tỏ trí tuệ họ là một khối lộn xộn chưa kịp tiêu hóa. Họ kết luận với mọi người rằng: Bởi tôi không biết sự thật, cho nên chẳng ai biết. Quan điểm yếm thế của họ phát triển thành triết lý sống cho mọi người. Nhưng buồn thay, nó ném hắn vào trong tối tăm, ngu dốt, vào trong hang hôi thối của vô thức, tiềm thức. Hậu quả là họ thay đổi triết lý sống như thay áo. Ngày thứ hai, họ phác họa vài nét duy vật. Ngày thứ ba họ đọc một cuốn sách bán chạy nhất tuần, rồi vất vả bỏ chủ thuyết cũ vẽ ra chủ thuyết mới, chủ thuyết duy tâm. Ngày tứ tư, chủ thuyết quốc xã điên khùng. Ngày thứ năm, căn bản mới của bến bờ tự do. Ngày thứ sáu, thay đổi ý kiến, sau khi nghe phát thanh một chương trình tâm lý, họ quyết định chọn ông Freud làm thày dạy. Ngày thứ bảy, họ uống rượu thật nhiều để quên đi mọi hướng đi đã phác họa. Và ngày chủ nhật, họ lấy làm ngạc nhiên và suy nghĩ tại sao lại còn có những con người ngu xuẩn rủ nhau tới nhà thờ? Mỗi ngày họ có một ngẫu tượng mới. Mỗi tuần một tính khí mới. Thẩm quyền của họ là ý kiến công cộng. Ý kiến ấy đổi chiều, thì họ cũng đổi theo, không có lý tưởng cố định, không có đam mê lớn, chỉ có thờ ơ, lãnh đạm với hết mọi sự trên thế gian. Sống trong tình trạng đặt mình làm tâm điểm cách quá đáng cho nên câu truyện hàng ngày của họ toàn cái "tôi", hậu quả là nếu hàng xóm láng giềng không đề cao cái tôi của họ trong câu truyện, thì họ cảm thấy nhạt nhẽo, vô duyên.

Đặc điểm thứ hai của con người tân thời là xa lánh tha nhân. Đặc điểm này được giãi bày không những bằng hai cuộc thế chiến trong vòng hai mươi mốt năm và mối đe dọa thế chiến thứ ba, không những bằng gia tăng đấu tranh giai cấp và ích kỷ lan tràn, mỗi nước, mỗi quốc gia, mỗi xã hội, mỗi cá nhân tìm kiếm lợi ích riêng của mình. Mà còn bằng các truyền thống, các gia sản lâu đời bị bẻ gãy không nuối tiếc. Bất cứ lòng trọng kính đối với truyền thống đều được gán khẩu hiệu "phản động". Và như vậy kết quả là con người thời đại mới phát triển thành kẻ xét đoán bừa bãi. Họ lấy tiêu chuẩn hôm qua xét đoán ngày hôm nay và hôm nay đoán xét ngày mai. Chẳng có chi buồn chán hơn một con người đã từng khôn ngoan mà lại mất trí nhớ. Chẳng có chi khốc liệt hơn một nền văn minh làm mai một truyền thống. Con người tân thời không thể bằng lòng với chính mình, thì làm thế nào bằng lòng với thiên hạ? Một người không sống được với bản thân, cũng chẳng sống được với ai! Các trận thế chiến giết hại nhiều triệu mạng người, chẳng qua là sự thể hiện rộng lớn hơn trận chiến tâm lý trong từng linh hồn. Giả như không có chiến tranh trong nội tâm hàng triệu trái tim, thì đã không có đánh nhau ở diện rộng trên toàn cầu. Người ta gây chiến trong tâm hồn mình trước, rồi sẽ đánh nhau ở xã hội.

Tình trạng hỗn loạn, vô luật pháp chỉ là hậu quả của những tâm hồn tha hoá trong các xã hội. Một người đấm đá nhau trong tâm hồn, sớm muộn sẽ đấm đá với hàng xóm chung quanh mình. Khi họ thôi phục vụ tha nhân là lúc họ trở nên gánh nặng cho chính mình và là một bước để họ từ chối sống với người khác. Khi Ađam phạm tội, ông ta đổ lỗi cho Evà. Khi Cain giết Abel, Cain đặt câu hỏi "Tôi đâu phải là kẻ canh giữ em?" (St 4,9). Khi Phêrô chối Chúa, ông đi ra ngoài một mình khóc lóc cay đắng. Tội kiêu căng của những người xây tháp Babel kết thúc trong sự lộn xộn ngôn ngữ. Nó làm cho việc hòa thuận trong loài người không thể duy trì nổi.

Cuối cùng, con người tân thời xa lánh Thiên Chúa. Xa lạ với mình, với tha nhân, có nguồn gốc là xa lạ với Thiên Chúa. Một khi cái đùm bánh xe bị bể, thì các căm xe rã rời mỗi nơi một chi?c. Khi người ta lãng quên Thiên Chúa, người ta xa lạ lẫn nhau. Ngày nay Thiên Chúa xem ra chẳng còn ai màng tới. Lý do là vì người ta cư xử như thể không có Thiên Chúa hiện hữu trong đời mình. Điều tốt trở nên yếu tố trách móc đối với những ai sống độc ác và vì thế họ tàn nhẫn tức giận và bách hại những ai làm điều thiện. Hiếm mà không thấy một linh hồn chán nản, không thỏa lòng lại không ghen ghét hàng xóm láng giềng mình. Họ ước muốn mọi người phải vô tôn giáo như mình.

Cho nên tổ chức vô đạo nào trong thời đại ngày nay cũng đều là phản ánh của tình trạng tự ghét mình. Chẳng ai ghét bỏ Thiên Chúa mà không ghét bỏ mình trước đã. Bách hại tôn giáo chỉ là dấu chỉ của tình trạng ghét Thiên Chúa. Bởi lẽ người ta hy vọng nhờ bạo lực của ghen ghét mà thoát khỏi tính vô lý của linh hồn mình. Hình thức cuối cùng của lòng ghét tôn giáo là khinh dể Thiên Chúa, chống đối Ngài, và bảo lưu nếp sống ác độc của mình trước mặt quyền năng và lòng tốt của Thiên Chúa. Nổi loạn chống lại toàn bộ hiện hữu, những linh hồn như thế nghĩ rằng mình đã xóa bỏ được nó. Họ không thích ai nói về tôn giáo, kẻo nữa sự yên ổn của mình trở thành án phạt trầm luân cho chính tính kêu ngạo. Ngược lại, họ khinh thường tôn giáo. Không khi nào tạo nên được một ý nghĩa cho cuộc đời mình, các linh hồn phản loạn phổ quát hóa những bất ổn trong lương tâm và nhìn thế giới như một khối lộn xộn. Do đó họ khai triển một triết lý mới gọi là "sống hiện sinh".

Liệu chúng ta có tìm thấy một linh hồn nản chí như vậy không trong Phúc âm? Liệu khoa phân tâm học ngày nay có gặp được kiểu mẫu con người như Chúa Giêsu đã gặp trong Tin Mừng và cứu chuộc anh ta? Nếu lần giở sách Phúc âm theo Thánh Marcô, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy một thanh niên trong miền đất Giêrasênê có những đặc tính y hệt với những linh hồn mô tả ở trên. Tức anh ta ở trong tình trạng vong thân ba chiều như các người tân thời.

Anh ta xa lạ với chính mình. Khi Chúa Giêsu hỏi: "Tên ngươi là gì? " Người thanh niên thưa: Tên tôi là một đạo binh, vì chúng tôi đông lắm." (Mc 5,9). Xin để ý đến ngôi vị anh ta xưng hô nó lộn xộn giữa "tôi" và "chúng tôi đông lắm". Rõ ràng có sự vật lộn giữa ngôi vị. Anh ta chính là một vấn đề cho chính mình. Anh ta là dòng nước cuộn lại của ngàn lẻ một nỗi lo âu, vì thế anh ta gọi mình là một đạo binh. Kinh nghiệm thường thức cho hay chẳng con người phân liệt nào có hạnh phúc. Vì vậy Phúc âm mô tả người thanh niên đất Gierasênê là: Tru tréo và lấy đá đập vào mình (Mc 5,5). Con người thất vọng luôn luôn buồn rầu, chính mình lại là kẻ thù tệ hại nhất của mình, vì hắn lạm dụng thiên nhiên để hủy hoại bản thân.

Thứ hai, người thanh niên xa lạ với tha nhân: Phúc âm tả tiếp như sau: "Anh ta đêm ngày cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi… anh ta là mối đe dọa cho người khác. Người ta nhiều lần đã gông cùm, và xiềng xích anh lại, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích và đập tan gông cùm và không ai có thể kiềm chế anh được." (Mc 5,4). Cô đơn, cách ly với mọi người là tính chất đặc thù của những linh hồn xa lìa Thiên Chúa. Thói quen tự nhiên của họ là tránh xa đồng loại, sống giữa các mồ mả của miền đất tử thần. Trong tội lỗi không có chất kết dính. Bản tính của nó là phân tán, chia rẽ và gián đoạn.

Người thanh niên xa lìa Thiên Chúa, khi nhìn thấy Đức Kitô, đấng cứu chuộc mình, liền la to: "Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa tối cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi." (Mc 5,7). Có nghĩa là "giữa tôi và ông có chi chung đụng đâu? Ông có mặt là tôi bị hủy diệt". Do đó chúng ta được chứng kiến một khía cạnh tâm lý là những linh hồn thất vọng chán ghét sự thánh thiện và ước mong tách rời nó mãi mãi, tội nhân nào cũng muốn ẩn mình khỏi tôn nhan Đức Chúa Trời. Cain, kẻ giết người đầu tiên trong lịch sử đã than: "Và tôi sẽ tránh khỏi mặt Ngài, tôi sẽ đi lang thang và trở thành kẻ trốn chạy trên mặt đất" (St 4,14).

Như vậy vấn đề không phải là chúng ta sẽ ra thế nào, mà là chúng ta sẽ là chi? Bom nguyên tử, khinh khí đã làm chúng ta bớt sợ hãi về mục tiêu và sự tồn tại trên đời này. Nhưng vẫn còn đó sự quan trọng là chúng ta sẽ sống đời vĩnh cửu ra sao chứ không phải chết thế nào. Quả bom nguyên tử trong tay thánh Phanxicô khó khăn đâu có nguy hiểm bằng khẩu súng ngắn trong tay một gã ăn cướp! Điều làm cho qủa bom nguy hiểm không phải là thuốc nổ bên trong nó, nhưng là người sử dụng. Vì vậy, linh hồn tân thời phải cải tạo, chứ không phải cải tạo hoàn cảnh. Trừ phi hắn ngưng ngay sự bùng nổ trong tâm hồn mình, bằng không có thể hắn dùng bom để phá hủy cả hành tinh. Đó là điều Đức Giáo Hoàng Pio XII đã cảnh cáo nhân loại. Người tân thời tự nhốt mình trong khối óc của mình. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải phóng hắn. Tương tự như Ngài đã giải phóng Phêrô khỏi nhà tù tôn giáo thủơ xưa. Tất cả những điều con người phải làm là ước ao ra khỏi đó. Chẳng bao giờ Thiên Chúa thất bại, chỉ phiền rằng ý chí người ta yếu ớt. Và cũng không có lý do để ai phải nhát đảm. Con chiên lạc lõng bị kẹt trong bụi gai làm trái tim Chúa lưu tâm, chứ không phải cả đàn cừu bình an trong đồng cỏ. Ngài đã giơ tay cứu vớt con chiên đó! Nhưng sự phục hồi bình an qua ơn thánh bao gồm sự hiểu biết về bồn chồn lo âu, tức sự thống hối than phiền của con người tân thời mắc vòng tù tội luân lý.

Nỗi lo lắng tân thời khác với những khắc khoải của thời trước trong hai điểm. Trong các ngày xa xưa người ta âu lo về phần linh hồn mình. Ngày nay quan tâm chính yếu của con người là về phần xác. Mối nhọc lòng lớn nhất của ngày hôm nay là kinh tế, an ninh, sức khỏe, sắc đẹp, giàu có, tiếng tăm và tính dục. Đọc quảng cáo thời nay cho người ta ấn tượng là cái tai ương lớn nhất có thể ập xuống thân phận một người là bàn tay nhơ bẩn vì nhọ nồi, nước rửa chén hay ho khan ở ngực. Lo lắng quá đáng về an toàn thân xác là một chứng bệnh hoạn. Nó đã sản sinh ra một thế hệ ẻo lả õng ẹo, chú ý nhiều về chiếc phao cấp cứu trên một chuyến du lịch đại dương, hơn là chiếc phòng nhỏ mình ở và ngắm biển.

Đặc tính thứ hai của âu lo tân thời là chủ quan hơn khách quan. Không phải những tai họa thiên nhiên như đói khát, thú dữ hay sấm sét mà là những nỗi sợ hãi vô định hình mà người ta lo lắng xẩy ra cho bản thân, gia đình, bạn bè. Các nhà tâm lý học than phiền ngày nay rất khó đối phó với những người mắc bệnh thần kinh, tâm lý. Họ âu lo về những nỗi sợ hãi không tên. Nói với họ rằng bên ngoài chẳng có chi nguy hiểm là điều vô ích, họ không bao giờ tin như vậy. Bởi lẽ sự sợ hãi là ở bên trong con người họ, và vì thế nó có thật một cách dị thường đối với họ.

Để chữa trị căn bệnh này, chúng ta phải nhìn vào nguyên nhân căn bản của nó, và những nền tảng phát sinh ra bệnh, tuỳ theo điều kiện lý lịch hiện tại của con bệnh. Tâm lý trị liệu chỉ nửa vời, chưa vào được tận căn nguyên. Các biểu hiện tâm lý chỉ có tính hời hợt bên ngoài mà thôi. Triết lý thật của lo lắng tân thời nằm ở điểm con người là một hữu thể sa ngã, hư hỏng gồm có cả linh hồn lẫn thân xác, thiêng liêng và vật chất. Hắn đứng giữa súc vật và thiên thần, sống trong một thế giới hữu hạn, khao khát những điều vô hạn, di động trong thời gian, tìm kiếm vĩnh hằng. Lúc này hắn bị lôi cuốn vào vui thú nhục dục, lúc khác vào niềm vui tinh thần. Hắn liên tục ở trong tình trạng bị treo lơ lửng giữa tinh thần và vật chất. Chúng ta có thể so sánh với một chàng leo núi. Anh ta ước ao được ở trên đỉnh núi cao, nhưng khi nhìn xuống địa điểm của mình, hắn lại sợ rơi vào vực thẳm bên dưới. Trạng thái lơ lửng chưa xác định, sự căng thẳng giữa lý tưởng và thực tế, sự lôi kéo giữa khả năng hưởng thụ và sự thể hiện tầm thường của nó, ý thức khoảng cách giữa khao khát tình yêu bền vững và sự thất bại, giữa chán chường và đam mê, giữa lưỡng lự từ bỏ các giá trị thấp để đạt tới lý tưởng cao hơn, hoặc khước từ hẳn lý tưởng. Sự lôi kéo giữa dục vọng Ađam cũ và lực hấp dẫn đẹp đẽ của Ađam mới, sự lựa chọn cần thiết giữa hai con đường, một dẫn lên thiên đàng, một rơi xuống địa ngục. Tất cả những điều giằng co đó làm cho con người lo lắng về định mệnh của mình bên kia các vì sao và sợ hãi mình sẽ rơi xuống vực thẳm trầm luân.

Cho nên trong mỗi con người, có hai lực hấp dẫn, một kéo hắn xuống đất ở đó hắn phải chịu thử thách, và hai kéo hắn về cùng Thiên Chúa, ở đấy hắn được hạnh phúc thật. Cái lo âu chủ yếu, nằm dưới mọi lo âu của con người tân thời, nẩy sinh từ kiêu căng là chính mình mà không cần Thiên Chúa hoặc từ tự lực vượt qua chính mình bất cần đến Thượng đế. Thực ra, ví dụ người leo núi không chính xác về phần thiêng liêng. Anh chàng leo núi tuyệt nhiên không có ai từ trên đỉnh núi giúp đỡ, ngõ hầu anh ta có thể đạt tới đỉnh cao. Ngược lại con đường siêu nhiên luôn nhận được trợ giúp. Thiên Chúa từ trời cao, từ ngọn núi vĩnh cửu luôn giơ tay giúp đỡ. Bàn tay toàn năng của Ngài với ra nâng hắn lên thiên cung, ngay cả trước khi hắn mở miệng kêu cứu. Có một điều rõ ràng rằng, tuy chúng ta có thể thoát khỏi mọi lo âu của đời sống kinh tế, xã hội thời nay, ngay cả khi chúng ta tránh được những căng thẳng mà khoa tâm lý học gọi là ý thức hay vô thức, chúng ta vẫn phải chịu đựng một lo lắng căn bản, nẩy sinh từ tính thụ tạo của mình. Lo lắng phát xuất một cách cốt yếu từ các khát vọng không điều hòa được, từ loài thụ tạo lại ước muốn cái gì đó không cần thiết, hoặc ngược với thiên nhiên, hoặc có hại tích cực cho linh hồn mình. Các lo âu gia tăng tỷ lệ thuận và tương xứng với việc con người lìa xa Thiên Chúa. Bất cứ người nào sinh ra trên thế gian cũng có mặc cảm lo âu, bởi vì khả năng nên thánh hoặc trở thành kẻ tội lỗi.

Khi chúng ta trông thấy một con khỉ hành động ngu xuẩn, chúng ta không nói với nó "đừng làm như đứa điên khùng". Nhưng khi gặp một người ăn ở thiếu khôn ngoan, chúng ta nói: "Đừng hành xử như con khỉ". Bởi lẽ người ta có trí khôn và thân xác. Hắn có thể rớt xuống hàng thú vật (mặc dầu hình ảnh của Thiên Chúa trong linh hồn hắn không bị phá hủy hòan toàn). Đây là khả năng làm nên những bi kịch đặc thù nơi con người. Con bò không có bệnh tâm thần. Heo không trở thành điên và gà qué không khi nào chán nản (trừ khi con người tập luyện cho chúng để làm trò). Và nếu như Thiên Chúa dựng nên con người như các thú vật để hưởng thế gian này mà thôi, thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nghiệm buồn lòng thất vọng .

Nhưng bởi vì nguyên nhân căn bản của các lo âu con người phải gánh chịu, là hắn có thể trở thành thánh nhân hay tội lỗi, cho nên chỉ còn hai lựa chọn cho hắn mà thôi. Hoặc là hắn leo cao đến đỉnh trọn lành, đến cuộc sống đời đời. Hay rớt xuống vực thẳm tuyệt vọng và chán nản. Tuy nhiên cũng có người nghĩ rằng còn đường lối thứ ba đó là con đường của thờ ơ lãnh đạm. Họ chủ trương rằng những con gấu nằm ngủ suốt mùa đông, ngưng mọi sinh hoạt thân xác, thì con người cũng vậy, có thể ngủ suốt cuộc đời mà không cần lựa chọn sống cho Thiên Chúa hoặc chống lại Ngài. Nhưng khốn nạn, giấc ngủ mùa đông không giải quyết được khó khăn, mùa đông sẽ hết và người ta lại buộc phải làm quyết định. Chính việc lựa chọn thái độ thờ ơ đã là một quyết định rồi. Hàng rào màu trắng không mãi mãi giữ được màu trắng, nó sẽ trở thành đen nếu không có thợ sơn duy trì cho nó ở màu trắng. Trong con người chúng ta, có cái khuynh hướng mạnh mẽ kéo chúng ta xuống hàng súc vật, cho nên nguyên việc chúng ta không chống lại nó, là yếu tố khủng khiếp đưa ta đến hủy hoại chính mình. Xét cho đúng lý, sự sống là tổng hợp các lực lượng chống lại sự chết, cho nên ý chí con người phải là tập hợp các sức mạnh chống lại tuyệt vọng. Một người uống thuốc độc vào tâm can, có thể hoặc quên đi thuốc giải độc hoặc ném nó ra ngoài cửa sổ. Cả hai việc đều vô ích, bởi thần chết đã gần kề bên hắn, chẳng mấy phút sẽ mang hắn sang bên kia thế giới. Thánh Phao-lô đã cảnh cáo: "Chúng ta sẽ tránh thoát thế nào được, nếu chúng ta quên lãng" (Dt 2,3). Chèo thuyền ngược dòng sông, nếu không tiến tới thì đã thụt lùi. Không có những cánh đồng bằng trong đời sống thiêng liêng, toàn đồi núi, cho nên hoặc là chúng ta lên dốc, hay xuống dốc. Hơn nữa thái độ thờ ơ chỉ có trong tưởng tượng, lòng muốn bắt buộc phải lựa chọn. Và ngay cả khi linh hồn lănh đạm không khước từ vĩnh cửu một cách tích cực, thì vĩnh cửu đã từ chối nó rồi. Nén bạc phải được làm lợi, nếu không sẽ bị lấy đi và Kinh thánh đã nói với chúng ta: "Mà bởi vì người hâm hâm không nóng, không lạnh, ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng" (Kh 3,16). Thực ra, người tín hữu luôn có lợi điểm hơn người dân ngoại tân thời thờ ơ. Đơn giản là họ biết mình đang đi về đâu, trong khi người dân ngoại chẳng có ý niệm chi cả. Người không có đạo xét theo ý nghĩa thiêng liêng là người yếm thế, vì lẽ họ luôn cảm thây đời này quá ngắn để cho một người có cơ hội, ngược lại tín hữu luôn là kẻ lạc quan, bởi lẽ họ biết cuộc đời này dài đủ để cho có cơ hội lên thiên đàng. Cho nên người có đức tin chính đáng luôn được vui mừng. Ngược lại kẻ không có đức tin phải buồn rầu và thất vọng .

Những não trạng tân thời chán ghét nếp sống đơn điệu của người có đức tin dâng hiến cho một mục tiêu nhất định, một kết thúc cuối cùng. Để tránh thoát lối sống đó, người tân thời thường rũ bỏ các phiền toái của cuộc sống nhờ chính bàn tay mình. Thái độ tích cực chán đơn điệu của cuộc đời là tính chất đặc sắc của thời đại chúng ta, đến độ làø lý do duy nhất giải thích tại sao người ta tìm kiếm liên tục những cảm giác mới mẻ, những đê mê, những thích thú mới, những tâm trạng mới, những tôn giáo mới, thần tượng mới, luân lý mới, hay bất cứ thứ gì kích thích cảm giác mà năm tháng đã làm cho lạnh lẽo, linh hồn nặng trĩu vì thế giới buồn chán. Thực tế, thay vì nói rằng những ai đầy sức sống chán ghét đơn điệu, thì phải nói rằng họ hồi hộp trong đó. Để chứng minh điều này, chúng ta hãy chỉ ra những người đầy sức sống cách căn bản không ai nghi ngờ được và như thế họ hưởng sự ly kỳ của nếp sống ấy. Đó là một em bé, Thiên Chúa và Người Con duy nhất của ngài, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cho nên bắt buộc phải nhận rằng có một sự thích thú tuyệt vời khi hoạt động vì mục tiêu, vì cái đích đã xác định, trong đó người ta tìm thấy lý do chính yếu của sự liên tục nhắc lại các hành động. Thật là một cuộc hành hương lãng mạn về đích điểm. Cũng chính ở tư duy này mà người ta tìm ra ranh giới khác biệt giữa Kitô giáo và chủ nghĩa vô đạo. Thế giới Công giáo được hưởng cảm giác đê mê, hồi hộp trong các sinh hoạt lặp lại bởi vì họ có một mục tiêu cố định. Những người ngoại đạo tân thời không được hưởng nếp sống vui thích đó, ngược lại họ chỉ thấy chán chường vì họ chưa bao giờ quyết định cho mình một chủ đích để sống.

Người tín hữu có một mục đích cố định: Mỗi ngày một trở nên giống Chúa Kitô hơn. Bản chất của họ giống như khối đá hoa cương, ý chí của họ là dụng cụ đục đẽo. Họ ngắm nhìn Chúa Kitô như gương mẫu và với những điểm sắc bén của dụng cụ là ăn chay, hãm mình, thực hành khổ chế, họ phá bỏ đi những mảng đá thừa của ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo. Rồi với những gọt rũa tế nhị, đẹp đẽ hơn của sự tập tành các nhân đức, bức tượng huy hoàng của Chúa Giêsu Kitô thành hình trước mặt mọi người. Với bàn tay khéo léo của các nhân đức lớn tin cậy, mến, bức tượng được chau chuốt lần cuối và hoàn thành mỹ mãn khi linh hồn bay về thiên cung. Chẳng người tín hữu nào sống cuộc đời như vậy, lại tin rằng các động tác lặp đi lặp lại của tin, cậy, mến, hy vọng, bác ái, thanh sạch, can đảm, khôn ngoan, công bình, yêu mến lại nhuốm màu chán nản của tư duy tân thời, gọi là đơn điệu. Đối với tín hữu, mỗi lần chinh phục được bản thân là một lần hoan hỷ ngất ngây. Bởi lẽ, mỗi khi lặp lại một nhân đức người ta tiến dần đến tình yêu mà mình vẫn khát khao. Đó là kết hợp thắm thiết với Đức Kitô, là Chúa và là Đấng cứu độ linh hồn mình.

Dĩ nhiên thấy được mình tiến bộ bao nhiêu là chuyện không dễ, nhiều khi chẳng thấy nhúc nhích chút nào, gần như dậm chân tại chỗ, nhưng không vì thế mà nhát đảm, cứ nhắm đi về phía trước, mục tiêu huy hoàng vẫn rạng rỡ chào đón. Xin tưởng tượng tới người thợ dệt thảm, hàng ngày kiên nhẫn làm việc. Không phải từ phía trước, mà từ cạnh ngang tấm thảm, mắt cứ ngó nhìn mẫu mực mà làm việc. Từng sợi, từng sợi chỉ đan kết với nhau trong việc nhất điệu, nhưng đầy nét thích thú, chẳng bao giờ được xem công trình cho đến khi kết thúc tác phẩm. Lúc sợi chỉ cuối cùng được đưa vào vị trí, và tấm thảm trưng bày cho thiên hạ ngắm. Đúng là một kỳ quan của các ngón tay khéo léo. Đường nét tinh vi, hoa văn tuyệt đẹp, người thợ đã thực sự lao động. Người tín hữu cũng sống trong phong cách đó. Họ chẳng rõ đời mình ra sao, nhưng kiên nhẫn noi theo mẫu mực là Đức Kitô. Cuối cùng Chúa sẽ cho xem công trình hoàn tất.

Xin đổi sang hình ảnh khác. Đứa trẻ với một trái banh. Giả dụ người ta nói với nó đó là trái banh duy nhất nó được phép chơi trong cuộc đời mình. Phản ứng tự nhiên của nó là rất thận trọng kẻo làm bể trái banh. Nó chơi với trái banh hết sức ý tứ, không dám đập phá nhiều sợ trái banh chóng hư, hoặc bị đinh nhọn làm xì hơi, vì nó không còn trái nào khác. Nhưng giả dụ có người nói với nó rằng chút nữa, ngày mai, tuần tới, tháng tới nó sẽ có nhiều trái banh mới, tốt hơn, bền hơn với nhiều thích thú khi chơi với. Phản ứng của nó sẽ khác hẳn. Nó sẽ được tự do chơi đùa, đập phá với trái banh cũ. Nó sẽ có nhiều vui cười, khoái trá hơn. Nếu như vướng phải đinh rách nát, nó cũng không nuối tiếc quá đáng. Vì nó còn trái banh khác lâu bền cho đến muôn thuở.

Đứa trẻ với một trái banh duy nhất là con người xác thịt đời này. Họ chỉ có trái đất này mà thôi. Một thế giới, một cuộc sống, một hành tinh. Họ không thể bừa bãi, vì chỉ hưởng có một cuộc đời, một địa cầu, một nhân gian. Họ luôn sợ hãi trái đất sẽ bị lấy đi. Họ không thể chịu đựng được ai đó sẽ mang đau khổ, hư hoại đến địa cầu nhỏ bé của mình, bởi vì họ chỉ có một quả banh để chơi đùa. Thật là hạn chế, mất tự do và mất vui. Ngược với các tín hữu, có nhiều quả banh để vui chơi, nhiều cuộc đời để sống và nhân gian để làm bạn. Họ không quá nghiêm khắc với địa cầu này. Vì chút nữa, ngày mai, tháng tới, năm tới, Chúa sẽ ban cho họ quả banh khác để vui hưởng. Họ có thể khởi sự vui đùa trên địa cầu, an hưởng tính nhất điệu của nó và ngay cả bằng lòng với mưa sa, bão táp, thiên tai, dịch bệnh. Bởi lẽ, biết sẽ có ngày mai tươi sáng hơn. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ có quả banh mới, một cuộc sống khác không bao giờ cũ kỹ, hư hỏng, buồn chán, bởi lẽ nó là cuộc sống vĩnh viễn nơi Thiên Chúa, khởi nguyên và kết thúc của mọi hiện hữu.

Vì vậy, khi đã bị lý tưởng Kitô giáo nắm bắt và tràn ngập linh hồn để nên giống Chúa một ngày một hơn. Khi đã để ánh sáng Chúa soi rọi cuộc sống mình. Khi đã theo mẫu mực cuộc sống, người tín hữu bắt đầu ngày mới với kinh nguyện xin Cha trên trời ban phúc lành cho mọi nẻo đường đi về trong ngày. Khi đã dọn lòng sốt sáng rước lấy mình máu Chúa vào lòng, và quỳ thờ lạy bánh thánh, rượu thánh dâng cao trên bàn thờ. Khi đã dâng mình cùng các việc làm, các đau khổ phải chịu, các mừng vui trong ngày kết hiệp nên một với công nghiệp Chúa Kitô. Khi đã thánh hóa các nhọc nhằn, thử thách, kìm hãm dục vọng, lời châm chọc, nói xấu, thiếu bác ái vì danh đức Giêsu, Đấng đã tha thứ cho kẻ thù mình trên thập tự, khi ngày đã hết, quỳ tạ ơn và khiêm tốn xin Cha trên trời, thứ tha lỗi lầm, khi đã sống như vậy, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, trong cố gắng liên lỷ kiến tạo đời mình nên giống hình ảnh Chúa Kitô. Bạn sẽ rất đỗi ngạc nhiên về hiệu lực của cuộc đời đơn điệu. Nó đem bạn ngày một gần hơn đến mục tiêu vĩnh cửu, đến hạnh phúc và bình an tràn đầy. Bạn ngỡ ngàng tự hỏi còn phải làm chi nữa đây để thờ phượng, yêu mến Chúa? Lúc ấy bạn nhớ lại lời Chúa "Hãy làm việc này để nhớ đến Ta". Và kinh nghiệm sự ngất ngây của bài học đơn điệu!

Đường lối chúng ta sống ảnh hưởng nhiều đến việc chúng ta suy nghĩ. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta từ chối những yếu tố trí tuệ trong đức tin. Nhưng chỉ có ý nhấn mạnh một yếu tố hay bị bỏ quên. Một số người tưởng tượng rằng mình có thể mang ai đó vào đạo, vào tình yêu Thiên Chúa nguyên chỉ do trả lời thỏa mãn các câu hỏi họ đặt ra. Họ cho rằng người ta vô đạo bởi lẽ họ dốt nát không hiểu chi, rằng nếu người vô tôn giáo chỉ cần đọc vài cuốn sách tốt, lắng nghe vài cuộc tranh luận chọn lọc, về thượng giới, tức khắc họ sẽ xin trở lại đạo. Như vậy, tôn giáo xem ra chỉ là điều chi phải được thông hiểu thế thôi, chứ không phải là một ngôi vị được yêu mến, sống và chấp nhận. Nói như vậy thật quá đáng. Chúa chúng ta, là đường, là sự thật, sự sống, vậy mà đã không thuyết phục nổi các Pharisêu, thượng tế, luật sư và ký lục, cũng như một số tội nhân khác. Họ bị thượng trí của Ngài tấn công đến nỗi chỉ một lần gặp gỡ họ đã rút lui, không dám hỏi Ngài điều chi nữa. Nhưng họ vẫn không tin mà trở lại. Chúa Kitô đã nói với những ai xem thấy Lazarô sống lại rằng một số người trong họ không tin mặc dù hàng ngày người ta trỗi dậy từ cõi chết. Kiến thức của trí tuệ không phải là điều cần tuyệt đối. Cho nên không phải bất cứ ai có bằng cấp, học vị đều là thánh và những ai dốt nát đều là quỷ sứ. Thực tế có một số môn học chỉ giáo dục người ta từ ích kỷ dốt nát, thành ích kỷ tinh khôn. Trong cả hai loại, dốt nát có cơ hội được cứu rỗi nhiều hơn.

Khám phá ra sự thật không mấy khó khăn, nhưng đối mặt với sự thật rất khó và chấp nhận sự thật càng khó hơn. Cho nên giáo dục tân thời được "lái" sang cái mà người ta gọi là "mở rộng biên cương chân lý". Đôi khi lý tưởng này được ca ngợi và dùng làm lý do để người ta khỏi phải hành động trên những sự thật đã được biết. Biết khoảng cách giữa các vì sao không phát sinh một bổn phận luân lý nào. Nhưng chân lý ngàn đời về bản chất và định mệnh của con người có thể là lời khiển trách lối sống của chúng ta. Một số tâm lý học, xã hội học đi gần đến sự thật về con người nhưng họ lập tức bỏ chạy khi cánh cửa chân lý hé mở để bày tỏ loài người phải lệ thuộc vào Thiên Chúa. Chỉ những người thật sự đạt tới chân lý về Thiên Chúa là những kẻ khi cánh cửa mở thì mau mắn chấp nhận sự thật và ghé vai gánh vác trách nhiệm nảy sinh. Nó đòi hỏi nhiều can đảm hơn là trí óc học biết Thiên Chúa. Thực tế, Thiên Chúa là sự kiện rõ ràng nhất cho loài người kinh nghiệm. Nhưng chấp nhận Ngài lại là công việc khó khăn nhất. Có hai nhân tố không thuộc trí tuệ ảnh hưởng nặng nề đến đức tin: 1/ ý chí ngay lành, 2/ các thói quen của cuộc sống.

Tại sao cùng một luận chứng vững vàng về đức tin trình bày cho hai người A và B. Người A chấp nhận, người B từ chối? Đúng lý, nguyên nhân như nhau thì kết quả cũng như nhau. Nhưng không phải vậy, vậy thì nhất định phải còn một nhân tố nào khác nữa chen vào? Nó thúc đẩy một người chấp nhận và một người khước từ chân lý. Nó đụng đến trí não người ta. Ánh sáng chiếu vào bức tường hình như khác với ánh sáng chiếu vào tấm kính cửa sổ. Giống như vậy nhân tố X khiến một người vâng theo chân lý siêu nhiên người khác chạy trốn, là ý chí hay lòng muốn. Thánh Thomas diễn tả rất hay: "Những sự thật thần linh, được người ta nhận biết trong nhiều đường lối, tùy theo thái độ của họ. Những ai có lòng ngay lành sẽ chấp nhận màu nhiệm như sự thật, những ai không có lòng ngay lành sẽ nhận biết nó một cách lộn xộn làm cho họ nghi ngờ và cảm thấy mình lầm lẫn."

Một người chấp nhận sự thật tùy vào bản chất của con người ấy hoặc vào lý tưởng người ấy muốn theo đuổi. Ý chí thay vì đón nhận chân lý thuyết phục trí khôn, thì vẫn có thể chối bỏ, gạt sang một bên hay ngăn cản trí khôn đón nhận. Mục tiêu của Thiên Chúa nhắm vào trí tuệ buộc phải thất bại, trừ phi ý chí cũng theo đuổi sự thiện. Thông điệp các thiên sứ loan báo cho nhân loại trong đêm Giáng Sinh nói rằng chỉ những linh hồn ngay lành mới là bạn hữu của Thiên Chúa. Như vậy, yếu tố lòng ngay rất quan trọng để đón nhận Tin Mừng. Ngược lại, có thể nói rằng không có người vô thần xét về mặt trí tuệ, chỉ có người vô thần xét về lòng muốn. Họ cố tình chối bỏ Thiên Chúa, khước từ sự hiện diện của Ngài, mặc dầu trí khôn chấp nhận sự thật. Vì vậy Thánh vịnh không đặt tính vô thần vào trí tuệ, mà vào trái tim: "Kẻ ngu xuẩn nói trong lòng rằng, không có Thiên Chúa." Sự đòi hỏi tiên quyết về thiện tâm không những cần thiết cho những ai tìm kiếm chân lý siêu nhiên, mà còn cho những ai muốn tiến triển về đàng tinh thần. Ơn huệ của Thiên Chúa không bao giờ thiếu vắng, nếu người ta sẵn lòng cộng tác với nó. Ý chí khát khao của cải làm cho người ta nên giàu có. Lòng muốn làm môn đệ Chúa biến đổi chúng ta thành tín hữu.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đón nhận chân lý siêu nhiên là các thói quen trong nếp sống. Đây là căn do thất bại của con người hành động theo sự chỉ dẫn của lẽ phải luân lý mà chúng ta đã biết khi chân lý siêu nhiên đến với linh hồn, nó được nhận thức theo nếp sống của chúng ta, đúng như câu châm ngôn: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Một số người có vô số thành kiến, hành động vô thức, thói quen cố hữu, ước mong vô độ, sẵn sàng gây chiến với ơn thánh Chúa, xóa bỏ thúc đẩy của Chúa Thánh Linh thì làm sao gọi được là thiện tâm để chấp nhận Tin Mừng? Điều trí khôn tiếp thu là tiếp thu với một bối cảnh. Bối cảnh này lập nên cái thói quen của nếp sống và người ta khó lòng từ bỏ mẫu mực sống của mình. Bất cứ sự thay đổi nhỏ nào cũng làm người ta khó chịu. Trước những sự thật siêu nhiên toàn bộ con người hạ đẳng và các thói xấu của nó, nổi dậy phản kháng với động lực cao hơn, nảy sinh từ trí tuệ để hướng về chân lý. Và như vậy, có người nói: Tôi sợ người ta cười khi trở thành một tín hữu. Tôi sợ gia đình tôi không chấp nhận. Tôi sợ bạn bè từ bỏ và trở nên kẻ thù với tôi… rất nhiều chống chế tương tự vì thói quen cũ.

Những kẻ ước mong tôn giáo không có thánh giá, tự gọi mình là phái vô tri, ngõ hầu trốn tránh trách nhiệm luân lý phát sinh từ sự thật siêu nhiên. Chủ nghĩa yếm thế, vô tri, nghi nan trí thức, không thể đưa ra phản chứng tinh thần được. Bởi lẽ ở đâu có cái bóng thì ở đấy có ánh sáng. Aùnh sáng làm nên cái bóng. Nếu không có chi để phủ nhận, thì phủ nhận làm gì? Cho nên những thái độ trên chỉ là luận cứ luân lý suông. Trong luận cứ này người ta cố gắng bảo vệ mình khỏi chân lý siêu nhiên, làm thương tổn thói quen sống của mình, bằng cách khước từ sự hiện hữu của sự thật siêu nhiên, hay ít là quay lưng lại với nó, như quan Philatô trong vụ án Chúa Giêsu. Không phải nghi ngờ làm nên hạnh kiểm tha hóa. Ngược lại hạnh kiểm xấu gây nên nghi ngờ. Chúa Giêsu vạch rõ quan điểm này khi tuyên bố: "Quả thật ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa." (Ga3,20-23). Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, và nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh làm chứng về tôi, các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống." (Ga 5,39-40). Thánh Phaolô nhắc lại ý kiến của Chúa mình: "Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa, nhưng trong hành động họ lại chối Người. Họ là đồ ghê tởm, không vâng lời và không có khả năng làm việc gì tốt." (Tt 1,16).

Điều quan trọng không phải là chuyện người ta nói chống lại Thiên Chúa, chống lại Đấng Cứu Thế, chống lại Ngôi Hai nhập thể, chống lại Hội Thánh nhưng là tại sao người ta làm như vậy. Chữ "tại sao" chẳng qua là sự "phổ thông" hóa thói quen sống của người ta. Người tín hữu bỏ đạo, thường lý luận như sau: "Tôi không thể tin vào bí tích thống hối được nữa." Thực tế anh ta nói: "Cuộc đời tôi tội lỗi qúa. Tôi chẳng từ bỏ nếp sống nhục dục, để làm việc đền tội với Thiên Chúa." Lý trí được dùng ở đây để tạo ra nghi nan giả hiệu, để che phủ động cơ thực sự chứ không phải thực tế là như vậy. Vì thế chỉ một mình Thiên Chúa có đủ quyền năng để phán xét chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng tự bào chữa, tự biện minh cho mình, lấp liếm sự thật, không đáng tin cậy.

Có ba loại thói xấu chất chứa trong linh hồn tựa giống như bụi bậm trên tấm kính cửa sổ, ngăn cản ơn thánh Chúa đến với nhân loại. Bụi bậm thứ nhất là xác thịt hay lòng yêu thích vô độ các sung sướng giác quan. Loại thứ hai là tiền bạc gồm cả các tiện nghi, tài sản. Loại thứ ba là kiêu căng, ích kỷ, tính phù phiếm khoe khoang. Tẩy rửa cửa sổ linh hồn cho thanh sạch là điều kiện mời Chúa đến gần hơn: "Phúc cho những ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa."

Tất cả những lời khuyên nhủ, kêu gọi, luận cứ, dụ dỗ, để thăng tiến luân thường đạo lý chỉ là các yếu tố ngoại lai đối với con người ta. Giống như kiểu tư vấn tâm lý, hôn nhân, học đường thời nay. Sẽ không có hiệu qủa nếu không có hành động tự bên trong con người cần được cải tổ. Chúng là những yếu tố bên ngoài giống như việc rung chuông trước cửa. Người ta không thể bước vào trong nhà nếu không có ai đáp lời từ bên trong. Kẻ nghiện rượu có thể công nhận rằng các luận cứ tâm lý hay mô phạm đều đúng cả. Nhưng hãy còn khoảng cách to lớn giữa tri thức phải lẽ và hành động theo lẽ phải. Thực tế nhiều con nghiện biết mình sai, biết ý chí của mình nếu không được nâng đỡ quyết liệt, vẫn không thể thoát ra khỏi vòng kiểm tỏa của rượu chè. Và họ có thể nổi sùng chống lại những ai can thiệp vào nếp sống của họ, chỉ vì các lời khuyên nhủ cải thiện của những người ấy. Nhiều cuộc cải cách nhân bản, pháp luật, luân lý đã từng được coi là không liên hệ tới mình bởi những tính nết hư hỏng.

Cho nên xét về mặt khác, ơn thánh Chúa là quan trọng. Nó hoạt động từ bên trong. Nó hoàn toàn có tính cá nhân, không chia sẻ được với ai, đến nỗi đương sự tưởng rằng do mình làm ra. Tác động của Thiên Chúa trong linh hồn không giống tác động của người khuyến dụ cải đạo. Người khuyến dụ cải đạo hành động tự bên ngoài, giống như trái banh trên bàn Billiard. Trái nọ va chạm vào trái kia. Nhưng đối với Chúa Giêsu, mặc dầu hoạt động qua các tông đồ, nhưng thấm nhập vào tận tâm can trí tuệ. Gọi là hoạt động nội tại, tức hành động của các sinh vật nẩy nở và tăng trưởng. Khi ơn thánh hoạt động trong linh hồn, nó giống như một luồng sáng chiếu qua các cửa với muôn hồng nghìn tía mà trước kia các ô kính không có, lạnh ngắt và đen xì. Thật khó mà mô tả chính xác hoạt động của ơn Chúa trên các linh hồn. Bởi lẽ nó hoàn toàn tinh thần và vô hình, giống như chân lý đối với trí khôn. Chân lý hai nhân hai là bốn không chiếm một không gian nào hoặc chiều dài rộng trong trí óc chúng ta. Vậy mà nó có ở đấy, người ta hiểu được nó. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của mỗi người. Trên bình diện cao hơn, Thiên Chúa hành động trong trí tuệ chúng ta như chân lý và trong lòng muốn chúng ta như tình yêu mến. Đôi khi Ngài còn tác động mạnh mẽ vào linh hồn bằng một lực màu nhiệm khôn tả, đòi hỏi người ta phải cắt đứt hoàn toàn với ngoại vật.

Lúc Thiên Chúa chiếm đoạt, nhiều khi linh hồn không nhận ra. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa xâm nhập linh hồn giống như kẻ trộm ban đêm. Người ta có thể đón nhận Ngài và cũng có thể khước từ. Nhưng không thể ngăn cản Ngài xâm nhập, bởi lẽ chính Ngài đã dựng nên nó. Giống như mặt trời mọc, đâu có phải xin phép ban đêm. Cũng vậy đời sống thần linh thấm nhập linh hồn chúng ta không cần hỏi ý sự tối tăm của trí khôn? Thiên Chúa thiết lập đầu cầu đổ bộ vào chính lúc chúng ta bất ngờ nhất, gần như là bí mật, chẳng cần chúng ta có ý thức về sự hiện diện của Ngài. Ngài đến giống như một ý nghĩ, tự dưng nẩy sinh trong đầu óc chúng ta, giống như ước mong mãnh liệt bất thần nổi dậy trong lòng muốn. Việc Ngài đột nhập không thấy được ngay lúc đầu. Chúng ta không hay biết Ngài có mặt trong linh hồn. Cũng chẳng thể cưỡng lại được bởi lẽ chúng ta không cảm nghiệm sự can thiệp nào từ bên ngoài. Thậm chí chúng ta còn nghĩ rằng sự hứng khởi của tinh thần mình là tự phát, mà không nghi ngờ nó đến từ Thiên Chúa. Giống như chúng ta nghĩ rằng đôi mắt mình tự thân xem thấy mọi sự, mà không ý thức sự cần thiết của mặt trời soi sáng, chỉ sau này khi đã hiểu rồi, chúng ta mới ngộ ra đó là tác động của ơn thánh siêu nhiên và vĩnh cửu.

Các cơ hội Đạo Chích thiêng liêng chọn để lấy đi những bất hạnh của chúng ta rất đa dạng. Nó có thể là giây phút chúng ta đã no thỏa sung sướng xác thịt, như trường hợp của Léon Bloy hay trước cảnh tượng của người qua đời, như thánh Phanxicô, hay cô đơn trong sa mạc với các trăng sao quá gần, như Ernest Psichari, hoặc đọc một cuốn sách hay như Jacques Maritain, hay nghe chuông nhà thờ như Paul Claudel. Bất cứ hoàn cảnh ngoại lai nào cũng có thể đem chúng ta về với Thiên Chúa. Chúng không quan trọng lắm. Chúng chỉ là những tình huống mỗi cá nhân được gặp Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, có thể gặp Ngài bất cứ nơi đâu, miễn chúng ta có lòng thành gọi là thiện tâm. Mặc dầu Thiên Chúa giữ lại cho mình quyền năng hành động trong tâm hồn người ta, khuyến khích họ trên đường nhân đức, xa tránh thói hư tật xấu. Tuy nhiên Ngài để tự do lựa chọn cho nhân loại hoặc đón nhận hoặc tẩy chay Ngài. Nhưng việc đột nhập linh hồn là quyền của Ngài, Ngài khuấy động lương tâm, dằn vặt, cắn rứt nó, để nó từ bỏ tội lỗi, cải tạo nếp sống, ngõ hầu các đốm lửa ơn thánh bùng lên và đốt cháy. Người ta được tự do tranh cãi về sự thật, sự thiện, nếu như người khác viện ra. Nhưng tiếng nói bên trong mỗi người thì chẳng ai dám phủ nhận. Sự lựa chọn của chúng ta không phải nằm ở chỗ đồng ý hay không với mặc khải của Ngài trong tâm hồn, mà là chấp nhận hay từ chối lời kêu gọi của sự thật mà thôi. Sự thật mà linh hồn đã nhận biết.

Ngày nay, mọi người đều mong ước một tôn giáo, nhưng tôn giáo có ít đòi hỏi. Đó là lý do Kitô giáo đã từng phải làm dịu bớt các cam go của mình cho thích hợp với não trạng tân thời, nhưng chỉ là chủ trương của một số thần học gia mị dân. Còn giáo lý của Chúa Giêsu phải được giữ tinh tuyền qua mọi thời đại. Mục tiêu của nó là thánh hóa các linh hồn. Mọi người đều muốn sức khỏe tốt, nhưng ít người tin tưởng vào ăn kiêng hay vất bỏ những thứ có hại cho thân thể. Hút thuốc lá là xấu, nhưng người ta cứ hút, không hy sinh rứt bỏ. Giống như vậy, nhiều linh hồn có ước vọng mơ hồ nên thánh, nhưng lại không chịu đựng được hy sinh hãm mình. Năm vừa qua hàng trăm ngàn người hạ quyết tâm bỏ thuốc lá. Nhưng chỉ 24 giờ sau mọi dốc lòng của họ tan thành mây khói. Sự kiện này đủ chứng minh ý chí người ta yếu ớt biết bao. Vậy thì làm thế nào trí óc người tân thời sửa soạn cho khổ chế thân xác, hy sinh hãm mình thực sự?

Nói "không" cho bản thân thật khó, cho nên vô số các triết gia đã dựng nên những triết lý trên nền tảng "có" cho mỗi thúc đẩy, mỗi ước ao dù nhỏ bé đến mấy của thân xác, rồi gán cho nó từ ngữ thật sang trọng gọi là "khẳng định mình". Nhưng sự thật vẫn là tất cả mọi tiến bộ trong lãnh vực của cuộc sống đòi hỏi hình thức nào đó của tinh thần kìm hãm. Các bác sĩ, các doanh nhân bắt buộc phải học từ những ngày hàn vi và coi khinh những khoái lạc sớm, nếu như muốn đạt tới mơ ước thành công. Chuyên viên ngôn ngữ đông phương hay khảo cổ gia không thể cùng lúc là vô địch quần vợt. Trong mọi hướng đi của cuộc đời, nếu muốn đạt tới mục tiêu nào thì phải hy sinh nhiều sở thích khác. Trí tuệ được minh mẫn là do thân xác phải trả giá và ngược lại thân xác muốn phát triển thì trí tuệ phải hy sinh.

Vậy thì tôn giáo cũng đòi hỏi hy sinh. Nó không phải là cái nạng nhưng là thánh giá. Nó không phải là lối thóat mà là gánh nặng, không phải là cuộc chạy trốn nhưng là lời đáp trả. Người ta dựa nghỉ trên cái nạng nhưng thánh giá thì phải vác, phải mang. Kẻ hèn nhát có thể dùng nạng, nhưng vị anh hùng mang lấy thập tự. Hãy để cho kẻ tưởng nghĩ thánh giá dễ mang, nhận rằng mình sai lầm. Hoặc kẻ bẻ gẫy quan hệ tình yêu với Thiên Chúa, rồi cố gắng đền bù tội lỗi bằng ăn chay, hãm mình, phạt xác. Rồi sẽ thấy phải trả giá cho những việc can đảm ấy.

Thánh giá được đặt trên vai những thói xấu của chúng ta: kiêu căng, ghen tỵ, giận dữ, dâm ô và sức nặng của nó tẩy sạch chúng đi. Như vậy nó sẽ đem chúng ta đến nguồn vui vô tận của cuộc sống tín hữu. Giống như con chim vành khuyên. Bài hót hay nhất nó học được từ trong đêm tối, ban ngày trong lồng nó chỉ học được vài điều vặt vẵn. Trong đêm tối nó học được cả bài đến nỗi thuộc lòng và cứ nhớ như vậy cho đến chết. Các bài nó hót làm say đắm lòng người. Nước mùa xuân trong vắt cuồn cuộn chảy giữa biển mặn. Hoa đẹp nhất của dãy núi Alps nở rộ trong các khe hiểm trở và bài hát hay nhất được sáng tác vào những giây phút linh hồn hấp hối. Chẳng ai nói rằng thỏi đá vàng tựa trên chiếc nạng lửa khi được nung cháy để tôi luyện thành vàng ròng. Cũng chẳng ai bảo rằng khối đá hoa cương êm ái tựa vào chiếc đục khi nghệ nhân tác tạo pho tượng. Những rượu chè rõ ràng là cái nạng của kẻ nghiện ngập, không sống được với lương tâm mình. Tôn giáo là thập tự của những ai muốn tẩy rửa lương tâm và như vậy không cần nhờ tới thuốc an thần.

Khi bà mẹ hai con ông Giêbêđê yêu cầu Chúa Giêsu cho hai con ngồi bên tả bên hữu Ngài trong vinh quang, thực chất bà xin hai chỗ dựa. Nhưng Chúa hỏi lại họ có uống được chén cay đắng từ bỏ mình và sống anh hùng không? Tuyết trắng bản chất là lạnh lẽo, nhưng làm trái đất ấm áp và tươi trẻ. Cũng vậy các cố gắng, các khổ đau trong môi trường tái sinh luân lý làm cho linh hồn nên hoàn thiện và tốt lành. Những kẻ ươn lười thối rữa trong nhung lụa. Những người vác thập tự được ướp sống trong nước mặn. Sau mỗi cuộc cháy rừng ghê sợ người ta khám phá ra các hạt của một loại cây thông được sức nóng tách ra khỏi vỏ và nẩy mầm. Cũng vậy, vác thánh giá là điều kiện để làm cho linh hồn trước là hạnh phúc, sau nên thánh.

Những kẻ tránh né, coi tôn giáo là chỗ dựa, thì giống như người mù gọi kẻ sáng mắt là hạng người xem thấy thị kiến. Một con thuyền chắc chắn không phải là cái nạng cho người muốn qua sông. Cái bút chì cũng không phải là cái nạng cho bàn tay muốn viết chữ. Nhưng bất cứ những ai không đủ khả năng trí tuệ để viết hoặc không đủ can đảm để học viết thì đúng cái viết chì chỉ là cái nạng. Những người anh hùng, do đó, phải sẵn sàng chịu đựng những lời chế riễu của kẻ nhát đảm. Cứ xem gương của Chúa Giêsu, khi Ngài bị xô ngửa trên thập giá, các kẻ hèn hạ kêu gọi Người xuống khỏi đó. Vì họ quá hiểu cử chỉ anh hùng vì yêu mến của Ngài sẽ giết chết lòng ích kỷ của nhân loại. Từ lúc ấy nhân loại chia làm hai phe. Phe của những kẻ gọi tôn giáo là cái nạng để dựa. Bởi vì họ què cho nên nghĩ mọi người đều què cả. Phe thứ hai gọi tôn giáo là thánh giá và tin vào lời dạy của Chúa Giêsu: "Hãy vác thập tự của mình hàng ngày và theo Ta".

Theo đúng lý luận, thì mỗi sự tìm kiếm khoái lạc, căn bản là cố gắng đạt đến hạnh phúc đời đời. Các vui thỏa hấp dẫn chúng ta là vì chúng ta hy vọng, nhờ nếm trước, đạt tới hưởng thụ điều chi đó vượt xa nó về cường độ và thích thú. Nếu có thể thỏa mãn cơn khát của một người, thì một cuốn sách, một bông hoa, một con chim, một ngôi sao cũng đủ. Nhưng thực tế không phải vậy. Chẳng có chi trên đời này làm no thỏa được khát vọng của linh hồn cả. Bởi vì ước muốn của chúng là trong hết mọi sự. Nó giống như con tàu lớn làm ra để chạy biển khơi. Nếu người ta bắt nó chạy trong chỗ nước cạn, hẳn nó cảm thấy không an toàn. Đòi hỏi một người bằng lòng với những vật hữu hạn là phá hủy bản tính của họ. Thiên Chúa dựng nên họ cho những điều vô hạn. Lòng ham muốn sự thiện của chúng ta lớn hơn khả năng trái đất có thể thỏa mãn. Lòng yêu mến thơ phú chẳng qua chỉ là như tiếng kêu la, than khóc, nỉ non. Càng thanh cao, càng chân thật lại càng đau xót. Nếu như đạt được điều mình khao khát thì niềm vui cũng chỉ tràn ngập trí tuệ được một khoảnh khắc. Buổi chiều nó sẽ chảy về chốn bao la của ước mong chưa trọn.

Cho nên cơn khát vĩnh cửu của nhân loại không bao giờ lặng yên. Ngay cả những kẻ vỡ mộng vì khoái lạc quá độ, cũng luôn luôn nuôi trong trí khôn hy vọng tìm được ở đâu đó nguồn sung sướng thật hơn là những điều họ đã nếm thử. Sự kiếm tìm nguồn tình yêu vô hạn chẳng bao giờ có cùng, chẳng ai thực sự yêu mến cái chi trừ phi hắn nghĩ nó là vĩnh viễn. Không phải mọi người đều gọi tên được điều vĩnh hằng này, mặc dù họ luôn khao khát, luôn hướng tới. Nhưng người có tín ngưỡng như chúng ta gọi là Thiên Chúa.

Như vậy lòng theo đuổi khoái lạc là dấu chứng bản chất cao hơn của con người, là triệu chứng của tính cô đơn người ta phải chịu đựng trên thế gian. Bị giằng co giữa vật chất ở đời này (thường khi là lừa dối) và sự siêu việt xa xôi lôi kéo lòng trí hướng về, con người luôn ở vào vị trí nguy hiểm tự ghét mình và thất vọng cho đến khi tìm được Thiên Chúa, đấng thỏa mãn khát vọng vô biên của mình. Như triết gia Pascal viết: "Kiến thức về thân phận cùng khổ mà không nhận biết Thiên Chúa, gây nên tuyệt vọng. Kiến thức về Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy Thiên Chúa và sự khốn cùng của mình."

Vậy thì chúng ta không thể gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình được. Ngài có con đường riêng để xâm lược linh hồn mọi người. Có hai lỗ hổng trong các bức tường nơi con người, có hai vết rách nơi áo giáp, hai lối vào bí mật trong bản chất con người qua đó Thiên Chúa xâm nhập vào mỗi linh hồn. Chúng là thành phần của bản tính và chúng ta không thể thay đổi được. Khi Thiên Chúa dựng nên loài người. Ngài đã thiết lập nó nơi chúng ta, giống như hai nơi thoát hiểm cuả ngôi nhà cao tầng. Ngay cả khi trí tuệ con người ngăn cản lối vào của Thiên Chúa bằng những vật cản giả hiệu, để tin rằng các suy nghĩ xấu xa ngăn cản đã được dựng nên, thì Ngài vẫn còn khả năng xâm nhập linh hồn qua những cánh cửa bí mật chúng ta không làm thế nào gài lại được.

Cánh cửa bí mật thứ nhất là lòng yêu mến sự thiện. Khi chúng ta đuổi theo mỗi mẫu vật chất tốt lành quyến rũ mình, thì thực ra linh hồn theo đuổi toàn thể sự lành vô biên của Thiên Chúa. Mỗi sự kiếm tìm vui thú, tình yêu bạn bè, vỗ tay tán thưởng đứa bé ngoan, so sánh điều hay lẽ phải là ám chỉ chúng ta vươn tới điều thiện vượt xa những sự vật đó. Bởi lẽ không sự kiện nào hoàn toàn làm thỏa lòng mình. Mỗi sự thiện hạ cấp mà chúng ta tán dương nói lên lòng chúng ta khát khao sự thiện tuyệt đối tức Thiên Chúa. Nói rằng mình ước muốn vật tốt lành, chứ không phải điều tốt lành là Thiên Chúa, thì cũng giống như tuyên bố chúng tôi yêu mến tia nắng mặt trời chứ không phải chính mặt trời, chúng tôi yêu thích ánh trăng và chê ghét mặt trăng. Bản chất của mặt trời không vào tới phòng chúng ta cùng với tia nắng, nhưng là dự phần của nó. Giống như vậy. Không có nguyên tố nào của Thiên Chúa trong qủa táo ngon, trong người bạn tốt. Nhưng dự phần của sự thiện luôn có mặt. Chẳng ai có thể yêu mến vẻ tốt lành mà không ám chỉ yêu mến sự tốt lành. Trong ý nghĩa ấy Thiên Chúa lẩn vào linh hồn người ta ở mỗi khát khao, mỗi niềm vui sướng của nó.

Bởi vì lòng ưa chuộng của con người đối vơiù những chi là thiện hảo, là tốt lành, cho nên chẳng cuộc sống nào lại gồm toàn những hành động xấu tự bản chất. Kẻ sát nhân đánh hơi trước sự tốt lành của một bữa ăn ngon. Ông đạo chích đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ đói khát. Tay giang hồ phân phát lương thực cho dân nghèo đường phố một cách hào phóng. Cho nên ở đời việc tốt xấu lẫn lộn. Chẳng người nào muốn đời tội lỗi, phạm thượng, bách hại. Nhiều khi người chai đá cũng biết trồng hoa hồng, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ hàng xóm. Trong mỗi sinh linh đều có nhiều khả năng ăn ở tốt tự nhiên. Họ sống một cách ương ngạch trong các đam mê nổi bật của mình. Ngay cả khi những đam mê ấy hướng về đàng xấu. Nhưng trong mỗi người có yếu tố không thể lây nhiễm sự dữ, cho nên không ai hoàn toàn là hư hỏng, không thể cải tạo, là bất trị. Những ai chứng kiến những việc tốt của chúng ta, khâm phục chúng ta. Những ai chỉ nhìn thấy các việc xấu, khinh miệt chúng ta. Đó là lý do tại sao lại có nhiều ý kiến đến vậy chung quanh một người. Cho nên, ngay cả khi lòng muốn quá sa đọa, ngay cả khi tạo vật bị mê hoặc, bị thôi miên bởi một say đắm tội lỗi lớn, làm cho nó ngày đêm trốn chạy Thiên Chúa mà gắn bó với tình dục hoặc quyền bính. Ngay cả khi, trái lại có một vài thái độ tốt, đáng khen ngược với tính nết chung, thì Thiên Chúa cũng có quyền năng dùng những điểm tốt này để nâng linh hồn tới bình an, giống như người ta dùng cái quai sách của một chiếc thùng nhơ bẩn mà nhắc nó lên vậy.

Chiếc cửa bí mật thứ hai để Thiên Chúa đột nhập một linh hồn là tính chán chường khoái lạc, chán ngán cuộc đời, no thỏa khát vọng chóng qua, cô đơn hiện tại, âu sầu vô cớ và tuyệt vọng tương lai. Dầu ngụp lặn trong sung sướng xác thịt đến mấy đi nữa, người ta cũng không thể đi hết điều ác. Loài người vẫn còn tự do và lựa chọn mênh mông, không cạn kiệt được. Mỗi khoái lạc, mỗi đam mê, mỗi khao khát xác thịt xét cho cùng đều có hạn. Nhục dục dầu đòi hỏi thế nào đi nữa thì khi thỏa mãn vẫn không làm chúng ta hài lòng. Trong cuộc sống rã rời của các kẻ vui chơi thâu đêm suốt sáng vẫn còn một lựa chọn, vẫn còn một dây đàn hờ hững chưa ai gẩy tới. Đó là khoái lạc đời đời mà người ta chưa từng được hưởng. Những câu tuyên bố như: "Tôi đã từng đi qua cuộc đời, đã được xem mọi sự, được nếm mọi vui thú" không bao giờ hoàn toàn đúng. Những người nói như vậy chứng tỏ trí óc còn non dại, bởi họ chưa khám phá ra một cuộc mạo hiểm lớn lao nhất trên thế gian. Xin nhớ người giàu có trong phúc âm còn phải hỏi: "Tôi còn thiếu chi nữa để mình được hạnh phúc?" Ông ta biết và mọi người yêu thích nhục dục đều biết dù thỏa mãn đến đâu đi nữa thì vẫn còn chỗ cho các khao khát khác. Người ta luôn còn cái chi đó để ao ước, còn nhu cầu nào đó phải chăm lo. Chúng ta biết nhưng không biết hết mọi sự. Chúng ta yêu nhưng chưa yêu cùng tận. Chúng ta ăn nhưng vẫn còn đói. Chúng ta uống nhưng vẫn còn khát: "Con mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng no thỏa, tai có nghe đến mấy cũng chưa đầy" (Cv 1,8).

Chúng ta hoàn toàn thất bại trong các nỗ lực tìm kiếm thỏa lòng trong các sự vật chóng qua. Bởi vì giống như con cá cần nước, đôi mắt cần ánh sáng, chim trời cần không khí, cây cỏ cần đất cát, thì linh hồn thiêng liêng cần Đức Chúa Trời vô biên. Cho nên linh hồn sẽ cảm thấy trống rỗng, chán nản, cô quạnh với những gì mình chiếm hữu và khát khao những gì mình chưa có. Bởi lẽ Thiên Chúa đã bị gạt ra khỏi ý nghĩ con người, Thiên Chúa mà con người đã được tạo dựng nên cho Ngài. Sự buồn chán là hậu quả của việc vắng mặt Thiên Chúa trong linh hồn. Giống như bệnh hoạn là sự thiếu thốn sức khỏe nơi thể xác, đói khát là sự không có thức ăn trong dạ dày. Sự thiếu thốn trong chúng ta chỉ ra tính hiện hữu của vật nào đó có khả năng làm đầy khoảng trống. Thiên Chúa sẽ đi vào linh hồn xuyên qua cánh cửa bí mật của sự trống rỗng này. Nếu đầu tiên linh hồn không chấp nhận, Ngài sẽ tăng cường sự bất an và cô đơn cho đến khi linh hồn đón nhận Ngài như vị khách thân thiết và vĩnh viễn.