Đồng Công - 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng: Đồng Công Bé Nhỏ

 

 

Lịch sử 70 năm Ngọc Khánh của Dòng Đồng Công nhỏ bé tầm thương "như một hạt cải bé nhỏ nhất trong các hạt" (xem Mathêu 13:32), trong các dòng tu tiền bối Âu Tây ở Việt Nam, thậm chí ngày xưa còn bị khinh thường, quê mùa, chậm tiến. Thế nhưng, cho đến nay, hội dòng này, với quyền năng của Đấng Quan Phòng thần linh vô cùng khôn ngoan, đã như thể "trở thành một cây vĩ đại" (xem Mathêu 13:32), cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ: Ở Việt Nam - qua sự hiện diện và việc đắc lực truyền giáo của hội dòng ở hầu hết các cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội ở Việt Nam từ bắc vô nam, được các đấng bản quyền địa phương mời gọi phụ giúp phục vụ; ở Hoa Kỳ - qua sự hiện diện và việc đắc lực mục vụ của anh em linh mục tỉnh dòng ở rất nhiều Giáo xứ, Cộng đoàn, bao gồm cả của Mỹ, được các đấng bản quyền địa phương mòi gọi hợp tác phục vụ, nhất là qua Ngày Thánh Mẫu hằng năm ở trụ sở của tỉnh dòng Carthage Missouri.

 

Hiện tượng trở thành một cây vĩ đại như thế không thể nào xẩy ra theo tự nhiên, trái lại, theo tự nhiên, nó đã chết yểu từ lâu, nhất là khi xẩy ra những cơn sóng cả dập dồn nổi lên liên tục từ khi lập dòng cho tới khi Đấng sáng lập qua đi, nhất là đợt sóng thần 2006-2007, ngay thời gian Đấng sáng lập đang trải qua cuộc khổ nạn cả về tâm thần lẫn thể xác, cho tới tận lúc ngài qua đi. Thế mà sự hiện diện của hội dòng này vẫn tồn tại, thậm chí còn phát triển lạ lùng như thế, như chúng ta đã thấy ở phần "Đồng Công - Trổ Sinh" thứ 7 vừa rồi, không phải từ một hạt cải nhỏ bé nhất hay chăng, nghĩa là, từ tinh thần tận hiến của dòng, một tinh thần tận hiến, theo đấng sáng lập, được đồng hóa với và hiện thực nơi linh đạo thơ ấu thiêng liêng, do chính Đấng sáng lập đã là gương sống và huấn dụ cho những tâm hồn muốn theo đuổi Lý tưởng Thánh của Anh, với Anh và như Anh. Sau đây là chính những lời huấn dụ bằng văn từ của ngài, như một di sản để lại cho hội dòng được ngài sáng lập 70 năm trước.

Bức Thư Anh Cả viết năm 1965 cho các em Thỉnh Sinh Đội IX ở Đệ Tử viện để đáp lại những gì các em đã viết cho Anh,

trong đó, dù vắn gọn, nhưng đủ bao gồm cả mục đích lập dòng của anh là "làm đại thánh Việt Nam trên Nước trời", nhờ đó mới có thể "làm tông đồ trong thời kỳ cuối đời",

đồng thời Anh cũng huấn dụ về đường lối nên thánh đó là sống bé nhỏ, "theo Chúa Hài Đồng sống đời nghèo nàn, vâng lời", như Anh "là một linh mục tội lỗi nhất loài người",

và đó là lý do chính Anh Cả đã chọn khẩu hiệu cho Đội IX là "Sicut Parvuli - Như những trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3)

 

 

Trên đây là hình chụp từ tập sách được Anh tổ phụ Nguyễn Đức Kiên soạn dọn và phổ biến năm 2022, dưới đây là nguyên bản anh viết (ở trang 4-6).

Sở dĩ em phải làm cả hai kiểu vừa hình ảnh vừa nguyên bản là vì lợi ích chung, cách riêng cho những ai cần trích dẫn thì copy từ nguyên bản cho dễ.

 

 

                                                                                                              PHẦN I                                                                                                           

                                                           ĐƯỜNG THƠ ẤU PHÚC ÂM                                                            

DO ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG PHÁC HỌA

+  Bài nhất : Đôi nét chính yếu Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng :

(Đây là nguyên văn bài viết do chính Anh Cả biên ngày 8-7-1972)

A.    Nền tảng Phúc Âm:

    - 1.“Nếu các con không trở nên và ăn ở như trẻ nhỏ, thì các con không được vào Nưới Trời” (Mt 18, 3).

   -  2.“Ai hạ mình xuống như trẻ này, đó là người lớn nhất trên Nước Trời” (Mt 18, 4).

   -  3.“Lạy Cha, Con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu kín những việc này nơi các người khôn ngoan và thông thái, mà Cha lại tỏ ra cho những người trẻ thơ”(Mt 11, 25).

     Vậy nên xét xem cái gì thuộc về Bản Tính Tuổi Trẻ, cái gì là Đặc Tính của Tuổi Trẻ.

        B..Bản Tính Tuổi Trẻ :

        Bản tính của tuổi trẻ trong đàng thiêng liêng là:

1/ Hoàn toàn bất lực trong mọi lãnh vực.

2/ Hoàn toàn sống dựa vào người Mẹ, như là phần thể của người Mẹ, không lìa được sự gìn giữ dưỡng nuôi bồng bế của Mẹ.

         ** 1. Hoàn toàn bất lực: Hoàn toàn bất lực, vì theo Tín lý, Chúa dựng nên ta bởi hư vô; trước khi dựng nên ta, ta là hư vô hoàn toàn. Chúa không dùng quyền vạn năng của Người mà kéo ta ra khỏi hư vô, thì muôn đời ta còn là hư vô. Nhưng khi Chúa đã đưa ta ra khỏi hư vô mà làm cho ta nên một sự hữu, thì tự ta không thể tồn tại được, cần Chúa dùng quyền vạn năng Người mà bảo tồn ta, thì ta mới tồn tại được. Đó là điều thuộc Đức Tin, và Triết học cũng minh chứng như vậy.

     Dầu ta được Chúa dựng nên và bảo tồn, nhưng nếu Chúa không trợ lực và không đánh động ta trước, thì ta vẫn hoàn toàn bất lực, ta không thể làm được việc gì hết. Đó là cái bất lực thứ ba của các  loài thụ tạo trong lãnh vực tự nhiên thôi, chứ chưa nói đến hành động siêu nhiên. Còn trong lãnh vực siêu nhiên, ta càng bất lực như Đức Tin dạy và chính Chúa Kitô đã tuyên bố: “Không có Cha, các con không thể làm gì được” (Ga 15, 5).

     ** 2. Hoàn toàn sống dựa: Điều thứ hai cũng thuộc yếu tính đời sống thơ ấu thiêng liêng là hoàn toàn sống dựa, sống lệ thuộc vào Thiên Chúa : Dù hiện hữu. dù tồn tại, dù hành động trong hiện tại, quá khứ và tương lai, hết thảy đều tin tưởng, phú tháchoàn toàn nơi quyền vạn năng và tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, lòng trí phải thoát ly hết mọi thụ tạo, duy tình yêu Thiên Chúa lôi kéo thu hút trí lòng họ.

     Đó là hai yếu tính thuộc đời sống thơ ấu thiêng liêng theo Phuc Âm.

C.    Những đặc tính của Tuổi Trẻ :

Những đặc tính phụ thuộc của tuổi trẻ thiêng liêng:

1. Trong sạch.

2. Đơn sơ hồn nhiên.

3. Thật thà thẳng thắn.

4. Dễ dạy, dễ tin.

    Đó là bốn đặc tính (proprietates) của tuổi trẻ.

     ** Trong sạch:Trong sạch của tuổi trẻ, không những là sạch các tội trọng nhẹ, nhất là phải hiểu sạch tội tà dâm. Trẻ con thấy người nữ người nam như nhau, con mắt, lòng trí và con tim đều trong trắng vẹn sạch, không yêu nhăng nhít, chỉ yêu và dính liền với Mẹ thôi.

      ** Đơn sơ hồn nhiên : Đơn sơ là không phức tạp, không lèo lá, không chải chuốt, không rào đón, trong có thế nào, ngoài cũng vậy. Một là một, hai là hai, có là có, không là không, tốt là tốt, xấu là xấu. Chúa bảo ta phải đơn sơ như chim bồ câu, nhưng phải khôn ngoan như con rắn. Hồn nhiên là bộ điệu không gò bó, không bị cưỡng ép, không sợ sệt, vui tươi không nghĩ ngợi, vô tư không lo lắng. Đó là tâm hồn quân bình.

       ** Thật thà thẳng thắn :  Không nói dối, không làm gì dối trá, không ở cách dối trá, không nói quanh quéo, không làm quanh quéo, không ở cách quanh co, trong ngoài trung thực. Đó là người thực thà. Một người thẳng thắn là một  người trong ngôn, hành, phán đoán không thiên vị, không thiên tả, không chủ quan, không yên trí, cứ sự thật, cứ thẳng mực tầu.

       **  Dễ dạy, dễ tin : Trẻ thơ chưa có ý niệm, chưa có kiến thức gì, nếu không dễ dạy dễ tin, thì muôn đời dốt nát. Đức tính dễ dạy dễ tin trong đường thơ ấu thiêng liêng cũng vậy, nếu không dễ dạy dễ tin các điều Chúa mạc khải, Chúa phán dạy trong Kinh Thánh,Chúa Thánh Linh soi động, nếu không dễ tin các điều giáo huấn của các thánh, các bề trên, thì làm gì hiểu được chân lý siêu nhiên? Làm gì thấu hiểu được tinh thần Phúc Âm” ? Làm gì trở nên người siêu thoát? Làm gì trở nên giống Chúa Kitô, giống Mẹ và các thánh được? Nhưng trái lại đối với các nhầm lạc, các triết thuyết giả, các tư tưởng trần tục, các phán đoán nhận thức phản Phúc âm, phản chân lý Đức Tin, thì chớ dễ tin dễ dạy, kẻo ta sẽ trở thành tà thần phản Chúa.

       Lời Anh Cả ghi cuối cùng: Trên đây là vài tư tưởng về con đường thơ ấu thiêng liêng Chúa dạy trong Phúc âm, Anh chỉ tên nó cho các em biết … Cần các em suy niệm, rồi chính Chúa và Mẹ sẽ dạy vẽ rất rõ ràng trung thực cho các em, nếu các em thật khiêm nhượng.

Những gì được Anh Nguyễn Đức Kiên trích lại trong tập "Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng Đồng Công" (2022) trên đây là toàn bộ Luật Bé Nhỏ Anh Cả đã viết để đáp ứng lòng khao khát của em.

Khi em không còn tiếp tục ở trong dòng nữa từ ngày 20/8/1982, sau 18 năm 2 tháng theo đuổi ơn gọi Đồng Công, em đã lưu lại bảo vật hiếm quí riêng tư được chính ta Anh Cả viết cho em cho dòng ở văn phòng tỉnh dòng.

Do đó, Anh Kiên mới có để trích dẫn như thế, và vì thế, cho dù không còn thấy đâu bản viết tay quí báu của Anh Cả chăng nữa, thì đây cũng là chứng tích cho thấy tâm tưởng của Anh Cả về nếp sống bé nhỏ Đồng Công.

 

Em đã email xin Anh Thư ký Tỉnh dòng hiện nay là Anh linh mục Hưng Long lục soát lại trong văn khố của dòng xem có thấy hay chăng, và em đã nhận được hồi âm qua email ngày 12/1/2023 như sau:

"Còn cuốn Luật Bé Nhỏ mà Anh Cả viết tay cho Anh, rất tiếc em tìm không thấy.

Đây là cơ hội cho em có dịp xem lại các tài liệu trong văn phòng, nhưng em đã tìm đi tìm lại 2 lần rất kỹ những folders:

bút tích Anh QP, thư từ Anh QP, hồ sơ của AE Xuất, tab Anh Phương (Tĩnh), folder sổ tâm hồn của Anh, sổ khấn, và một số folders khác liên quan, nhưng không thấy đâu cả.

Em cũng tiếc và cũng buồn vì không thấy tài liệu quí giá này. Hy vọng có dịp hỏi Anh Em nào làm văn phòng ngày xưa xem có manh mối thấy hoặc cất ở đâu không?"

 

Cũng trong tập "Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng Đồng Công" (2022) trên đây, Anh Kiên cũng trích lại một bài viết dài rất tuyệt vời của Anh Cả 

từ giữa trang 8 (tiếp theo phần liên quan đến Luật Bé Nhỏ) - Bài hai: Nếp sống Thơ bé Đồng Công, cho đến hết các trang ở bên dưới tấm hình "kỷ niệm 33 năm thành lập dòng".

 

(Trước hết em xin trích lại nguyên bản Anh Kiên biên soạn, sau đó là hình chụp các trang về "Bài hai: Nếp sống thơ bé Đồng Công" ở các trang 8-18 của tập sách này)

 

 

Bài hai : Nếp sống Thơ Bé Đồng Công

   (Đây là bài Anh Cả viết dưới hình thức một bức tâm thư gửi toàn thể anh em Đồng Công để kỷ niệm 30 năm Khai mạc Năm Thơ Ấu Thiêng Liêng của Dòng, nhân dịp mừng 33 năm Thành Lập Dòng – ngày 2-2-1986)

  

 “Puer natus est nobis – Một hài nhi sinh ra cho chúng ta” (Is 9, 6)

A.    Sự Thơ Bé, Lệ Thuộc của Chúa Giêsu

       Anh em thân mến,

       Hài Nhi đây, nếu là con người thuần túy thì cũng rất đỗi vui mừng cho nhân loại vì thêm được một người cho nhân loại; con người có một linh hồn cao trọng quí đẹp hơn tất cả thế giới hữu hình này, vì linh hồn được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng giống ảnh tượng Người.  Xin mở ngoặc “Đây chúng ta nói chuyện với những người anh em của ánh sáng chân lý Đức Tin, chân lý vô ngộ, chứ không nói với thế giới vô thần duy vật, họ đã tráo lộn đồng hóa với kiêu ngạo dâm ô, với tội lỗi đam mê, họ phá thai, giết người như một xảo kế để hưởng thụ”, xin đóng ngoặc.  

       Nhưng Hài Nhi nhà tiên tri nói đây là Hài Nhi của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời là Thiên Chúa tự hữu, hằng có đời đời – Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Vì yêu thương loài người, muốn cứu rỗi, thánh hóa loài người, muốn vạch ra cho loài người con đường cứu rỗi, con đường thánh hóa tuyệt hảo để chống lại đường lối kiêu căng của bè lũ Satan hỏa ngục, chống lại con đường phá hoại bất tuân của tổ tông Adong-Evà, Ngôi Lời đã tự hủy mình, đã tự hạ mình là một bào thai, là một hài nhi trong cung lòng Đồng Trinh Vô Nhiễm Mẹ Maria, sống giữa loài người, trong đoàn lũ con cháu Adong-Evà, hoàn toàn lệ thuộc vào thời gian và không gian, hoàn toàn tùng phục lệ thuộc vào ý muốn sắp xếp, định đoạt của Cha Má đưới đất cũng như trên trời, để lấy lại cho tất cả con cháu Adong-Evà sa ngã một sức mạnh vô song, thắng vượt hỏa ngục, một sự tự do thánh thiện trở nên con cưng yêu Cha Má, đạt tới hạnh phúc trường sinh vĩnh cửu trên Nước Trời.

       Ôi! Nếp sống Bào Thai Thơ Nhi quí đẹp tuyệt vời, rực rỡ chói chang, sáng láng vô cùng, làm cho các tầng trời vui mừng khoái lạc phi thường.  Gloria in excelsis Deo đem lại cho trái đất Mùa Xuân cứu rỗi, một chòi lộc báo hiệu Nước vinh quang sắp xuất hiện, hết mọi người thành tâm thiện chí đều được an vui thỏa dạ - et in terra pax hominibus bonae voluntatis (Lc 2, 14).

        ** Tùng phục và lệ thuộc Mẹ Maria :

      Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể, đã trở nên một trẻ thơ. Nhưng về thể lý, Chúa Giêsu đâu có đứng nguyên làm trẻ thơ mãi. Người lớn lên dần, trở thành một thiếu niên, một thanh niên cho tới 30 tuổi, vẫn ở chung nhà với Cha Má, tùng phục lệ thuộc vào Cha Má như người con ngoan thảo. Thánh Kinh đã ghi rõ: “…et erat subditus illis” (Lc 2, 51).Khi gần tới tuổi 30, Con gọi Mẹ đi nói truyện: “Hỡi Mẹ - Chúa nói – đây là hữu thể con người đích thực do thể chất của Mẹ ban cho Con. Mẹ đã nuôi dưỡng Con bằng sữa của Mẹ, bằng bàn tay lao nhọc của Mẹ, vì thế Con nhìn nhận Con là Con của Mẹ một cách rất khít khao, tình thiết hơn hết mọi người con đối với mẹ mình. Này Mẹ, Con xin phép Mẹ để Con đi làm tròn ý Cha trên trời …”. Đó là ít lời Chúa nói với Mẹ để xin phép và từ giã Mẹ trước khi xuất gia đi truyền giáo công khai. Mẹ cũng theo sát Con trên đường truyền giáo, nhưng Mẹ không đi sát kề bên Con, chỉ theo Chúa xa xa vậy. Nhưng Chúa đến thành nào, Mẹ cũng vào thành đó, giảng dạy giúp đỡ cách âm thầm trong các gia đình thôi, để việc giảng dạy công khai của Chúa Giêsu không bị trở ngại, mà lại có phần kết quả mỹ mãn về phía dân chúng do sự cầu nguyện hường dẫn và khuyến khích của Mẹ. Khi gần hết thời kỳ giảng dạy, sáng ngày Thứ Năm trong tuần (quen gọi là Tuần Thánh), Chúa Giêsu lấy tình con cái tùng phục lệ thuộc quyền người mẹ, xin phép Mẹ để thi hành mệnh lệnh Cha trên trời : “Hỡi Mẹ - Chúa Giêsu nói – Con xin phép Mẹ để Con đi chịu thương khó và chịu chết cho nhân loại. Với tính cách là Mẹ thật của Con, xin Mẹ hãy chấp nhận cho Con nộp mình cho lý hình giết Con để phục mệnh Cha trên trời…”. Đến đây, ta đã thấy Chúa Giêsu đã tùng phục lệ thuộc vào Cha Má dưới đất khi bé nhỏ, lúc trưởng thành và cho đến khi chết trên thập giá. Bây giờ ta xem Chúa Giêsu đã sống thơ bé, tức là tùng phục lệ thuộc vào Chúa Cha thế nào?

          ** Tùng phục và  lệ thuộc Chúa Cha :

       “Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Ph 2, 8). Trên đây là lời thánh Phaolô nói về sự tùng phục lệ thuộc của Chúa Giêsu từ khi ngự xuống lòng Trinh Nữ làm Bào Thai cho đến chết trên thập giá, tất cả đều do ý muốn Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu cũng nói trong Phúc Âm: “Ta từ trời xuống , không phải để theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 6, 38); nơi khác : “Ta không làm gì bởi tự Ta, Ta luôn làm như ý Cha” (Ga 6, 29-30); đến nỗi trước khi chết, Người vào vườn Cây Dầu, linh hồn buồn bã quá, miệng nói ra với môn đệ: “Linh hồn Thầy buồn sầu quá đến chết được”. Người phải kêu van Cha: “Lạy Cha, nếu đẹp lòng Cha, xin Cha cất chén này cho Con, nhưng đừng theo ý Con, cứ theo ý Cha” (Mt 26, 36-39). Chúa nói đi nói lại với Cha Người ba lần như một trẻ thơ kêu van với cha vậy. Nhưng dù sao, Người cũng hoàn toàn lệ thuộc tùng phục lệnh thánh của Cha. Như vậy theo lời Chúa Giêsu nói trên, tất cả mọi hành động của Chúa Giêsu từ đầu thai cho đến chết trên thập giá – dù nhỏ, dù cả thể lớn lao, gồm tất cả biến cố trên đời sống nhân tính, thiên tính của Người – đều do Người tùng phục lệ thuộc trọn vẹn vào Thánh ý Cha trên trời. Người đã thành một nô bộc của Thánh ý tối thượng, một đời sống bé thơ trọn vẹn và cao cả.

       Anh em thân mến, xem ít hàng chữ trên đây, chúng ta chỉ thấy Chúa Giêsu hoàn toàn tùng phục lệ thuộc vào Cha Má dưới đất cũng như trên trời, còn đối với các thụ tạo cấp dưới thì sao?

       ** Tùng phục loài người :

Tinh thần thơ ấu thiêng liêng bao trùm tất cả mọi hành động, mọi ngôn từ, mọi biến cố. Đời sống trần gian của Chúa Cứu Thế đã tới chót đỉnh hoàn hảo và cao cả đối với Cha Má dưới đất cũng như trên trời. Đối với các thụ tạo cấp dưới, tinh thần và sự lệ thuộc tùng phục của Chúa Cứu Thế càng sáng tỏ minh nhiên trước mặt cả loài người, nhất là dân Do Thái như các thánh ký tường thuật. Vừa sinh ra được 8 ngày, Chúa đã phải chịu cắt  bì theo luật Mai-sen như một tội nhân, sinh được 40 ngày phải vào đền thờ xin nộp tiền lễ vật để tẩy uế cũng do phải giữ luật Maisen; bị đem trốn chạy sang Ai Cập tránh cái chết dã man do lệnh Hêrôđê như người hèn nhát; theo lệnh thiên thần phải trở về Nagiaret. Hằng năm các lễ trọng của Do Thái, Chúa đi dự lễ như người thường dân; trước ba năm truyền giáo công khai,nhập với bọn thường dân đến xin Gioan làm phép rửa cho như một tội nhân; bị tên phản loạn Satan đem lên nóc nhà thờ, đem lên đỉnh núi cao để dụ dỗ, xúi giục theo hắn. Chúa không từ chối cái hôn gian tà phản bội thày của tên Giuđa; ngoan ngoãn nộp mình cho bọn lính trói giặt cánh khỉ giong đi nộp cho hai ông Anna và Caipha. Chúa tỏ ra nhân từ và hiền lành hầu tòa trước mặt Anna, Caipha và Philatô như một tên tội ác. Chúa bị bọn lính hung tàn lột áo đánh đòn, sỉ vả, dày xéo như con sâu bọ đất. Chúa vâng  lời bọn lý hình vác cây thập giá đến Núi Sọ, chúng truyền nằm ngửa trên cây thập và đóng đinh vào đó. Chúa đã trở nên như con chiên hiền lành bị đem đi giết mà không hề mở miệng. Đang bị đóng đanh trên thập giá, gần chết, Chúa mới mở miệng: “Lạy Cha, xin Cha tha tội cho chúng, vì chúng nhầm không biết” và : “Lạy Cha, Con đã hoàn tất mọi việc Cha trao cho Con, Con xin phó dâng linh hồn Con trong tay Cha” (Lc23, 46).

   Đấy tấm gương sáng chói về sự phục tùng lệ thuộc trọn lành cao chót, tột đỉnh trong đời sống Thơ Ấu thiêng liêng, đời sống tận hiến cho Mẹ của tu sĩ Đồng Công.

 

B.    Nếp sống Thơ Bé Đồng Công

       1.Tận hiến cho Mẹ:

       Anh em thân mến,

       Tất cả đều do lòng thương yêu bao la vô biên Ba Ngôi Thiên Chúa quan phòng sắp xếp định đoạt, chứ không phải do công lao ý muốn của loài người “neque volentis neque currentis, sed miserentis est Dei – không phải kẻ muốn, không phải người chạy, nhưng do lòng xót thương Thiên Chúa”(Rm 9, 16).Huống nữa, vai trò Đồng Công của chúng ta, chính Cha Má đã quan phòng xếp đặt cho Hội Dòng hèn mọn bé nhỏ của chúng ta từ ngày thai nghén manh nha  (4-4-1941), ngày nứt mộng đâm chồi (15-8-1948), ngày thành cây kết quả (2-2-1953). Chúng ta đối với Cha Má, tất cả đều mặc cái hình thức vô tài bất lực, tất cả đều mang nếp sống của trẻ thơ, hoàn toàn lệ thuộc tùng phục, tin tưởng cậy trông phó thác, bám bíu vào Cha Má trên trời, theo gương Chúa Hài Nhi Thơ Bé, Người Anh Cả của chúng ta. Đúng thế, anh em thân mến, ánh sáng dịu dàng của Chúa Thánh Linh và Mẹ Maria vừa hé mở (4-4-1941) thì Anh đã đón nhận, suy nghĩ, cầu nguyện bàn hỏi hơn 6 tháng, và sau khi đã chắc chắn, tin tưởng vào Chúa, Mẹ, thì ngày 21-11-1941, Anh đã đọc bản kinh dâng hiến toàn thân và tất cả Hội Dòng trong tương lai cho Mẹ hết. Từ đây nếp sống tận hiến cho Mẹ và nếp sống Bào Thai Thơ Bé Đồng Công khai mào. Cũng từ đây, tất cả những ai xin gia nhập Dòng mới, đều được tận hiến cho Mẹ, sau khi đã thử thách ít ngày hoặc ít tháng;  cho đến ngày Dòng được thành Hội truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công, tất cả những ai được tuyển chọn chính thức gia nhập Hội Truyền Giáo Đ.C., thì chính ngày gia nhập được Tận hiến lại cho Mẹ; cứ tiếp tục như vậy, từ ngày 15-8-1948 cho đến ngày 2-2-1953 là ngày Dòng được thành lập chính thức theo Giáo Luật, các anh em được tuyển chọn làm tu sĩ tiên khởi đã tận hiến lại cho Mẹ. Và từ đấy (2-2-1953) cho đến bây giờ (1986) và cho đến hết đời, tất cả những ai muốn gia nhập Tập viện Dòng ĐC, hoặc cả lớp, hoặc cá nhân đều phải học hỏi về việc Tận hiến và sống Tận hiến ít là một tháng trước khi vào Tập viện. Chính ngày gia nhập Tập viện, phải đọc kinh Tận Hiến. Cũng trong thời gian Tập, phải tập sống nhờ Mẹ, với Mẹ …như Hiến Lệ đòi buộc. Thêm vào đó, hằng ngày, suốt từ khi Dòng còn là Hội Đạo Đức cho đến bây giờ, vào ban sáng trước giờ nguyện ngắm, vốn đọc kinh dâng mình và dâng tất cả anh em Dòng cho Trái Tim Mẹ; cũng hằng ngày, phần đông các Đội Khấn, hoặc cả Đội, hoặc ít là khi có 3, 4 anh em cùng Đội ở chung với nhau tại Nhà Mẹ hay tại các nhà khác, trước kinh Đức Ái, đều dâng Đội lại cho Trái Tim Mẹ. Tiếp đến hằng năm, trong 3 ngày trọng đại nhất của Dòng, gọi là ba ngày Tết của Hội Dòng: Ngày Sinh Nhật Chúa Hài Nhi, Sinh Nhật Mẹ, Tết Dân Tộc, tại Nhà Mẹ, ngày áp Tết trước nửa đêm, Anh Tổng Giám Đốc đọc kinh dâng toàn Dòng cho Trái Tim Mẹ; tại các Tu viện, Khu, Sở, anh Giám Đốc thay cho mọi anh em trong nhà tôn nhận Mẹ là Từ Mẫu, là Giám Đốc chỉ huy, điều khiển mọi công việc trong nhà, nhất là hướng dẫn trí lòng mọi anh em trong Tu viện, Khu, Sở; cũng hằng năm, ngày lễ Trái Tim Mẹ, ngày lễ Mẹ Đau Thương, tất cả mọi anh em tại Nhà Mẹ, tại các Tu Viện, Khu, Sở của Dòng đều đọc kinh Tận Hiến lại cho Mẹ. Lễ Quan Thầy của các Đội Khấn, của các Ban tại Nhà Mẹ cũng như tại các Tu Viện, Khu, Sở, các Đội, các Ban, tât cả đều đọc kinh Tận Hiến cho Mẹ.

 

2.     Đời Tận Hiến và Nếp Sống Thơ Ấu Thiêng Liêng là Một :

Anh em thân mến,

        Có lẽ anh em thắc mắc: Sao Anh toàn nói về Tận Hiến thế? Anh xin trả lời cho các em thế này:

       Trước hết, xin anh em hồi tưởng lại các điều chúng ta đã học về Tận Hiến hơn một tháng trước khi vào Tập Viện, nhất là xin các em đọc kỹ lại bức Tâm Thư Yêu Thương Má gửi cho Tập Sinh – Nô Lệ Tình Yêu – ngày 10-9-1980, chắc các anh em đã thấy ngay rằng: Nếp sống Thơ Ấu Thiêng Liêng của các tu sĩ Đ.C. và nếp sống Tận Hiến cho Trái Tim Mẹ của Đ.C. danh từ thì khác nhau, bản chất yếu tính  hoàn toàn là một, vì cái cốt yếu của đời sống Thơ Bé và đời sống Tận Hiến là hoàn toàn tùng phục, hoàn toàn lệ thuộc vào Cha Má. Thế nên đời sống Tận Hiến của ĐC bắt đầu từ đâu, thì nếp sống Thơ Bé ĐC cũng khai sinh từ đó. Nói một cách khác cho dễ hiểu hơn là sự Tận Hiến cho Mẹ là con đường đi lên của trẻ thơ, là mô phỏng con đường mà chính Chúa Giêsu Hài Nhi đã sống, đã đi qua để đến với chúng ta, thì chính Chúa cũng muốn chúng ta đi vào con đường đó là đời sống Thơ Bé để gặp Người, trở nên Người – một Giêsu Thơ Bé; nên chính Người đã ngăm đe và hứa hẹn: “Nếu các con không trở lại và sống như bé thơ thì các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ này, người đó là kẻ cả trên Nước Trời” (Mt 18, 3-4).

3.     Rất ít anh em ĐC sống Thơ Bé :

Quả thật, nếu sự Tận Hiến cho Mẹ là con đường, là nếp sống của trẻ thơ, thì ai càng sống sát khít với tinh thần Tận Hiến thì càng là trẻ thơ (Tinh thần Tận Hiến là hoàn toàn bỏ mình, hoàn toàn tùng phục, hoàn toàn lệ thuộc vào Cha Má). Trong thực tế, hết mọi thành phần của Dòng ĐC, ít là hết mọi Tập sinh, hết mọi Khấn sinh, tất cả đều đã Tận Hiến mà rất ít là Bé Thơ, rất đông là khổng lồ vĩ đại. Lý do là vì sự Tận Hiến cho Mẹ có phần hình thức: đọc kinh Tận Hiến, đọc ba Lời Khấn Dòng, giữ Hiến Lệ …thì tất cả mọi Tập sinh, Khấn sinh đều đã đọc, đã giữ bề ngoài cả thật; còn tinh thần của sự Tận Hiến là trong nội tâm, linh hồn, trí lòng luôn sát khít với tình yêu Chúa, Mẹ, với tha nhân cho thật chí thiết say mê, làm chủ điều khiển được các đam mê dục vọng, các ước muốn tự nhiên trong mọi hoạt động hằng ngày của linh hồn và thân xác, nghĩa là hoàn toàn bỏ mình, tùng phục lệ thuộc vào Cha Má trọn vẹn, đây chính là nếp sống Thơ Ấu thiêng liêng của Dòng, lại rất ít anh em ĐC đạt tới.

 

       Đây là lý do rất ít anh em ĐC thơ bé:

     a/ Có lẽ vì chưa được thâm tín sâu xa giá trị một linh hồn bé nhỏ trước mặt Cha Má, vì Đức Tin kém yếu lờ mờ, thành ra vô tri bất mộ.

     b/ Lẽ nữa là vì tính tự nhiên thích phóng khoáng, thích rộng rãi, thần tôi ưa được đề cao biệt đãi, hưởng thụ, tự kiêu, tự đại, tự ái.

     Nếu đúng như vậy thì chúng ta tự mâu thuẫn rồi, vì đi tu là vào con đường hẹp, con đường từ bỏ mình cơ mà, cứ sống mâu thuẫn thì đời nào đạt được tinh thần Thơ Bé của Chúa Kitô.

 

4.     Sống đời Bé Thơ để dáp yêu Cha Má :

     Vậy chúng ta, tất cả anh em mang danh hiệu ĐC, hãy sáng suốt nhận định, hãy can đảm anh dũng, hùng mạnh vươn lên với ánh sáng của Chân Thiện Mỹ, bằng cách dấn thân sống đích thực Tận Hiến, “Nô Lệ Tình Yêu”. Đó là con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng để đáp yêu Cha Má đã dành cho chúng ta một tình yêu cá biệt. Anh em ơi, đúng thế, Cha Má trên trời đã dành cho chúng ta một tình yêu cá biệt; cá biệt là Cha Má chỉ ban cho Hội Dòng của chúng ta thôi, như chính Mẹ đã xác nhận trong Tâm Thư gửi ngày 20-9-1980 rằng: “Con hãy nói cho anhem hiểu biết và ý thức sâu xa rằng: một Hội Dòng bé nhỏ mà đã được cả Thiên Đàng đem trọn nguồn yêu thương đến để che chở bênh vực, giúp đỡ, hướng dẫn, sửa chữa … đó là một việc vĩ đại, kỳ lạ, độc đáo, chưa từng có trong lịch sử các dòng tu trong Giáo Hội”.

5.     Con đường Đại Thánh Đồng Công:

     Con đường Tận Hiến cho Mẹ,  Lệ Tình Yêu Mẹ, đó là con đường Thơ Ấu ĐC, là nếp sống đẹp lòng Cha Má nhất, dễ dàng nhất, đó là con đường Đại Thánh Đồng Công.

     a/ Đẹp lòng Cha Má nhất:

Đẹp lòng vừa ý Cha Má nhất, vì “được kể vào số giống hệt Con Chiên Thánh, được theo Con Chiên đi khắp mọi nơi trong triều Đình Thiên Quốc”(TT Chúa 22-5-1977). “ Chỉ có những tâm hồn khiêm tốn và những tâm hồn trẻ nhỏ làm vui thỏa được Cha. Chính các chúng mới là niềm vui của các tầng trời, được Cha Cả ngự trên trời yêu thương âu yếm cách đặc biệt; các chúng khác nào bó hoa muôn sắc thơm tho trước tòa Thiên Chúa, Thiên Chúa vui hưởng sự thánh đức của chúng” (TT Chúa 22-12-1975). 

     b/ Dễ dàng nhất:

Dễ dàng nhất, vì khi ta đọc truyện các Thánh trong lịch sử Giáo Hội, ta thấy hầu hết các vị thánh đó đều đã ăn chay, kiêng thịt, đánh tội, mặc áo nhặm, thức khuya, dậy sớm, khổ chế thân xác đủ thứ, như: Thánh Simon Cột, Thánh Phaolô, Thánh Antôn tu rừng, Thánh Đaminh, Thánh Phanxicô Nghèo, Thánh Bênêđictô, Thánh Bênađô, Thánh Inhaxiô Lập Dòng tên, Thánh Gioan Vianney coi xứ Ars, Thánh Phanxicô Xaviê … và tất cả các Thánh từ thế kỷ đầu của Giáo Hội đến ngày nay đều mang một hình thức, một sắc thái hãm mình khổ chế gắt gao, tử bỏ, nhiệm nhặt, làm cho mọi người khi nghĩ đến sự làm thánh thì coi như một việc siêu quần vượt chúng, sinh nhi tri chi, chứ không phải do ý chí luyện tập được. May thay, Chúa, Mẹ nhân từ thương xót loài người, Cha Má mở tay rộng rãi ban cho nhân loại một vị thánh tân thời, vừa sức yếu đuối, vừa tầm tay của chúng ta, đó là chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Chị được phong thánh như một mẫu gương, một nếp sống thánh bình thường, giản dị, đơn sơ, ít khắt khe cầu kỳ, tức là Chị đã khai sinh con đường Thơ Bé Thiêng Liêng để làm Đại Thánh.

     Nhưng anh em thân mến, Cha Má còn yêu thương chúng ta cách rất đặc biệt, là đã ban cho chúng ta một con đường Thơ Bé cao hơn, nhẹ nhõm dễ dàng hơn, bảo đảm Đại Thánh hơn là : Con Đường Thơ Ấu làm Nô Lệ Tình yêu Mẹ.

     c/ Làm thế nào để tới Con Đường Đại Thánh Đồng Công?

     Đây là con đường Đại Thánh Đồng Công:Tin Thơ Trẻ, Cậy Trông Thơ Trẻ, Mến Yêu Thơ Trẻ.

     Thế nào là Tin Thơ Trẻ, Cậy trông Thơ Trẻ, Mến yêu Thơ Trẻ? Các em đã nghe, đã biết đủ rồi, chỉ cần các em thật muốn: là cầu nguyện thiết tha, với ơn Cha Má luôn sẵn sàng trợ giúp, dùng hết ý chí gan góc kiên trì, mạnh tay bóc lột, bóp chết Thần Tôi – là vị thần kiêu căng, ngạo nghễ, gan lì chống đối Chân Thiện Mỹ. Tình yêu Cha Má không ngừng đâu các em ạ. Chúng ta chưa vươn lên con đường Thơ Ấu ĐC chỉ tại vị thần kiêu căng ngạo nghễ gan lì trong nhà chúng ta chưa bị hạ bệ, hắn còn ẩn núp trong xó nhà, chỗ kín đáo làm ta không khám phá ra, hoặc khám phá ra rồi mà chúng ta con nể vì nương tay với hắn, chưa có gan, chưa mạnh tay tàn nhẫn hạ bệ hắn xuống. Chỉ có vậy thôi.

6.     Má khát mong mọi người ĐC nên vị Đại Thánh:

       Vậy để kết luận câu truyện về con đường Thơ Ấu ĐC, Anh nài xin tất cả anh em chúng ta hãy chiều nể nương theo: “Má khát mong cho từng người và hết mọi người ĐC… được trở nên một vị Đại Thánh”. Hãy thương cảm trái tim đau thương quặn thắt của một người nô bộc yếu hèn đêm ngày đói lả khát bỏng, đang quằn quại trong thất vọng lo âu. Chúng ta hãy cố gắng thật với bất cứ giá nào, trút bỏ dứt khoát con đường thờ tôi của tà thần. Hãy bước lên, hãy vươn lên, hãy sống thật con đường Thơ Bé Hài Nhi Giêsu trong tận thẩm Cung Lòng Đồng Trinh Vô Nhiễm Mẹ Maria, trên cánh tay êm ấm dịu hiền thần linh của Cha Đồng Trinh Ngôi Lời Nhập Thể, chắc chắn sẽ làm cho cả Thiên Đàng vui mừng đặc biệt, đem lại cho khắp trần gian một an bình hạnh phúc, vinh dự cho quê hương đất Việt chúng ta.

      Mong thay !                                 

Ký tên:Đaminh Maria Thánh Giá

*****

Thật vậy, nguyên tắc và đường lối nên thánh, linh đạo Kitô giáo không phải ở chỗ bản thân Kitô hữu lớn lên, phát triển tấm vóc thiêng liêng, cho bằng nhỏ đi...

Đúng như lời Tiền hô Gioan Tẩy giả đã chân nhận:

"Người cần phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại" (Gioan 3:30)

"lớn lên" ở đây là Chúa Kitô, chứ không phải bản thân Kitô hữu,

bởi thế Người sẽ nhỏ đi khi bản thân Kitô hữu "lớn lên", tự phụ, tự cao, tự đại, tự kiêu, tự ái v.v.

Do đó, chỉ khi nào bản thân Kitô hữu "nhỏ đi" thì Chúa Kitô mới "lớn lên" trong họ,

mới tăng trưởng nơi họ, mới có thể sống trong họ" (Galata 2:20), làm chủ họ...,

 

cho tới khi Chúa Kitô đạt tới tầm vóc thành toàn của Người nơi họ (xem Epheso 4:13),

đến độ, họ trở thành một Alter Christus về tu đức,

cho dù họ đã là một Alter Christus theo năng quyền tư tế đại diện Người khi cử hành phụng vụ chăng nữa,

một Alter Christus về tu đức sống đức ái trọn hảo của Người, với Người và như Người,

để nhờ đó, qua họ, như một bí tích sống động của Người, Người được nhân loại nhận biết và yêu mến.

 


Xin đón coi tiếp