PVLC Chúa Nhật IV Thường Niên Năm C

Bài Đọc I: Gr 1, 4-5, 17-19

"Ta sẽ đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc".

Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong thời vua Giosia, lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc.

Vậy phần ngươi, ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Đừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cậy cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi".

Đó là lời Chúa. 

Đáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15ab và 17

Đáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Đáp.

2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con thoát khỏi tay đứa ác. - Đáp.

3) Bởi Ngài là Đấng con mong đợi, thân lạy Chúa. Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Đấng bảo vệ con, con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Đáp.

4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. - Đáp. 

Bài Đọc II: 1 Cr 12, 31 - 13, 13 (bài dài)

"Đức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo cho anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khôn ngoan; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát mọi của cải tôi có để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Đó là lời Chúa. 

Hoặc đọc bài vắn này: 1 Cr 13, 4-13

"Đức tin, đức cậy, đức mến vẫn tồn tại, nhưng đức mến là trọng hơn cả".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả.

Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biết mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

Đó là lời Chúa. 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có lời ban sự sống. - Alleluia. 

Phúc Âm: Lc 4, 21-30

"Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"

Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: 'Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!' Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'". Người nói tiếp: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

Đó là lời Chúa.

 

Suy niệm 

Đức Kitô Ngôn Sứ 

Hôm nay Chúa Nhật Tuần 4 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" của chung thời điểm phụng vụ kéo dài cho tới Mùa Chay này vẫn tiếp tục phản ảnh qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, liên quan đến vai trò ngôn sứ của những vị được Thiên Chúa sai đến. 

Thật vậy, vai trò của bất cứ vị ngôn sứ nào được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến, không phải chỉ ở chỗ trung thực chuyển đạt tất cả những gì Thiên Chúa muốn loan báo hay nhắc nhở hoặc cảnh giác dân của Ngài, mà còn ở chỗ can trường làm chứng cho tính chất chân thật nơi những gì mình lãnh nhận để truyền đạt, và những gì mình truyền đạt một cách trung thực ấy, như kinh nghiệm lịch sử cứu độ của dân Do Thái cho thấy, lại trở thành nguyên nhân tác hại chính bản thân của vị ngôn sứ, gây ra bởi thành phần được vị ngôn sứ truyền đạt không tin tưởng vào bản thân sứ giả truyền đạt và không chấp nhận sứ điệp được truyền đạt.  

Đúng thế, trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, 2 vị điển hình cho các vị ngôn sứ tiêu biểu này là Tiên Tri Giêrêmia trong Bài Đọc 1 và Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm.  

Trước hết, vì là một con người được Thiên Chúa tuyển chọn làm ngôn sứ của Ngài và thay Ngài mà tiên tri Giêrêmia đã được Thiên Chúa chăm sóc hết sức đặc biệt về thiêng liêng cho ngay từ khi chàng vừa mới xuất hiện trên đời này, như chính vị tiên tri đã cảm nhận trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi". 

Sau nữa, sở dĩ con người được Thiên Chúa tuyển chọn và chăm sóc hết sức đặc biệt cho ngay từ ban đầu như vậy là để con người này có thể thực thi vai trò ngôn sứ của mình một cách chân thực và hiệu năng, đúng như những gì Ngài muốn truyền đạt qua họ, như chính Ngài đã khẳng định trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc. Vậy phần ngươi, ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi". 

Sau hết, biết được trách nhiệm nặng nề và khốn khó trở ngại trong sứ vụ làm ngôn sứ của mình và thay mình nơi một con người nào đó được mình tuyển chọn và sai đi, Thiên Chúa cũng báo trước và trấn an vị tiên tri này về một tương lai thê thảm của ngài, cũng ở trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay, như sau: "Đừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cây cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi".  

Thực tế quả là đã xẩy ra đúng như thế, nhất là đối với vị tiên tri của tất cả tiên tri là Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai Cứu Thế, Vị Ngôn Sứ tối cao của Thiên Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy rõ điều ấy, cho thấy ngay thân phận bị chống đối và thù ghét của những ai được Thiên Chúa sai đến.  

Bình thường, theo kinh nghiệm thực tế, dân chúng cũng rất mong biết Thiên Chúa muốn gì nơi họ qua các vị tiên tri được Ngài sai đến với họ. Bởi thế, ngay từ đầu, dân chúng vẫn tỏ ra rất kính trọng và cảm phục các vị ngôn sứ, như thái độ của chung dân chúng (trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước) cũng như của dân làng Nazarét tỏ ra (Phúc Âm Chúa Nhật tuần này) ở trong hội đường, trước sự hiện diện đầy thẩm quyền của Đức Giêsu: 

"Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng... Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người" (Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước); "Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra" (Phúc Âm Chúa Nhật tuần này). 

Ấy thế mà, ngay sau đó, họ đã quay ra phản chống Người, bởi vì Người đã nói động đến họ, khi họ đang tỏ ra bàng hoàng sửng sốt và lạ lùng bỡ ngỡ về Người, một con người tầm thường trước đây ở trong khu làng của họ mà họ đã từng quen biết: "Người này không phải là con ông Giuse sao?", thế mà giờ đây bỗng nhiên và bỗng chốc lại trở thành nổi tiếng quá như vậy, đến độ "ứng nghiệm" cả những gì được Tiên Tri Isaia báo trước nữa. 

Có nghĩa là, trong chính tâm trạng đầy lạ lùng cảm phục của những người trong dân làng của Người vẫn có một cái gì đó trục trặc chưa thông suốt, chưa hoàn toàn mãn nguyện, cần được chữa trị bởi một vị tâm lý gia nào đó. Chúa Giêsu đã đóng vai tâm lý gia của họ bấy giờ, khi Người áp dụng tâm lý phổ quát trong dân gian là "bụt nhà không thiêng" ở nơi họ về Người, như được Bài Phúc Âm thuật lại thế này: 

"Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: 'Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!' Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'. Người nói tiếp: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình'". 

Và sở dĩ Người trở thành dấu hiệu phản khắc và là mục tiêu cho người ta chống đối (xem Luca 2:34) như vậy là vì cái tâm lý "bụt nhà không thiêng" nơi họ đã làm thui chột mất niềm tin của họ, khiến họ không thể nhận ra thực tại thần linh, nhận ra "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) nơi nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét bề ngoài có vẻ thuần nhân tầm thường của Người trước mắt họ và theo kinh nghiệm đã từng sống với Người trước kia.  

Không có đức tin, con người không thể nào nhìn thấy thực tại thần linh, không thể cảm nghiệm được thực tại thần linh và không thể chấp nhận thực tại thần linh được tỏ ra cho họ và đang hiện diện giữa họ, như Chúa Giêsu ở trong hội đường Nazarét hôm nay. Đó là lý do Chúa Giêsu đã không thể nào không đề cập đến đức tin của một số nhân vật tiêu biểu trong Cựu Ước, để giúp họ nhận biết mình hơn, nhờ đó họ được giải thoát và siêu thoát: 

"Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria". 

Câu này chính là ngòi lửa châm vào đám dầu thắc mắc đầy thành kiến của họ, và vì thế đã không tránh được một đám cháy bừng bừng hận thù bừng lên trong dân làng Nazarét của Người. Bởi vì, họ cảm thấy bị chạm tự ái dân tộc và đạo giáo nên không thể không vô cùng uất hận khi hiểu được lời một kẻ đã từng sống trong làng của mình trước đây, mới nổi tiếng một chút ở Carphanaum đã lên mặt khinh thường dân làng của mình, cho dân làng của mình có đức tin không bằng cả dân ngoại.

Tuy nhiên, tác dụng của những lời Người nói với họ ấy như "thuốc đắng dã tật" thì lại trở thành "làm ơn mắc oán". Ở chỗ, họ càng trở thành mù quáng hơn nữa, vì họ cho rằng Người đã công khai khinh bỉ họ, chê bai chỉ trích họ là thành phần không có đức tin hay yếu kém đức tin, trong khi Người chỉ là "con ông Giuse", một bác phó mộc nghèo hèn trong làng, mà lại muốn họ đối xử với Người như một trong những vị đại tiên tri ngày xưa là Elia hay Elisa. Bởi thế, không lạ gì, từ chỗ cảm tình đến chỗ phẫn uất, họ đã đi đến chỗ hết sức cực đoan như sau: 

"Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi".  

Tâm trạng của dân làng Nazarét là như thế cũng chẳng có gì là lạ. Trong Bài Đọc 2 hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, qua Thư 1 gửi Giáo đoàn Corinto, đã chuẩn bệnh về thành phần như họ chẳng khác gì những đứa trẻ con, còn non nớt về kiến thức, chưa trưởng thành về đức tin, một đức tin cần phải trải qua một tiến trình từ non nớt đến trưởng thành: 

"Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt như qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết".  

Một khi đạt đến tầm mức trưởng thành của đức tin hay có được một đức tin chín mùi thì con người sẽ suy nghĩ, phát biểu, tác hành và phản ứng hoàn toàn khác hẳn, không còn tự nhiên nữa, không còn trẻ con nữa, mà là tràn đầy bác ái yêu thương, một thứ bác ái yêu thương là hoa trái của đức tin đồng thời cũng là tầm mức trọn hảo của đức tin, một đức bác ái được Thánh Phaolô diễn tả cũng trong Bài Đọc 1 hôm nay:  

"Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả. Bác ái không khi nào qua đi. Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biết mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi". 

Phải, để làm cho chung con người, đặc biệt là dân làng của mình, quá quen với mình, có thể tiến tới chỗ tin vào mình, Chúa Giêsu không phải chỉ đóng vai trò tiên tri rao giảng cho họ chân lý: "Ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biết mất", mà còn phải đóng vai trò vương đế giải phóng nữa, một vương đế sẽ tồn tại đến muôn đời (xem Luca 1:32-33): "Bác ái không khi nào qua đi", như tình yêu bất diệt của Người, để Người có thể tỏ ra Người thực sự là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý". 

Đó là lý do, trong khi "họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm", thì "Người rẽ qua giữa họ mà đi". Không phải vì Người sợ chết và muốn xa tránh họ, không muốn gần gũi với những kẻ mù quáng cực đoan ấy nữa, mà vì chưa đến giờ của Người - Người cần phải sống để cứu họ, để làm cho họ hoàn toàn nhận biết Người sau này, bằng chính Cuộc Vượt Qua của Người, một biến cố bất khả thiếu của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", một biến cố chứng thực Người chiến thắng tội lỗi cùng sự chết và thông ban cho nhân loại, trong đó có họ, "sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10).    

Chính khi Chúa Giêsu "lách qua giữa họ mà đi" cũng là cách Người tỏ mình ra là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người, và Đấng đã sai Người muốn Ngài chết cách nào thì Người muốn chết theo cách ấy, cách còn công khai hơn nữa, trước cả dân ngoại Roma lẫn Do Thái (bao gồm cả toàn dân và hội đồng đầu mục Do Thái), cách nhục nhã và khủng khiếp hơn nữa, như một tên đệ nhất tội nhân trên trần gian này. Tuy nhiên, sự kiện dân làng Nazarét của Người bách hại Người và muốn giết Người ngay từ khi Người mới xuất đầu lộ diện như thế cũng là dấu báo về cuộc khổ nạn và tử giá sau này của Người gây ra bởi chính dân Do Thái của Người bằng bàn tay dân ngoại.  

Sự kiện Người vừa xuất đầu lộ diện đã bị dân làng của mình bách hại và muốn sát hại còn cho thấy thân phận của Người là Vị Thiên Sai của dân Do Thái nữa. Ở chỗ, Đấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa không phải là Đấng Thiên Sai về chính trị, đầy quyền lực, không ai thắng được, không ai dám làm gì, trái lại, chiến thắng quân thù và giải phóng dân mình, Đấng vì thế được toàn dân mộ mến và biết ơn tôn sùng. Trái lại, Đấng Thiên Sai Giêsu Nazarét đây phải là Đấng bao gồm cả thân phận bị bách hại và bị sát hại nữa. Bằng không, Người không phải là hay không còn là Đấng Thiên Sai thật sự của Thiên Chúa và do Thiên Chúa sai đến nữa.  

Và đó là lý do Người đã không cho thần ô uế hay ma quỉ tuyên xưng "Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Marco 1:24-25), hay "Ngài là Con Thiên Chúa" (Marco 3:11-12) là những gì liên quan đến thần tính của Người. Bởi vì, không phải Người sợ đụng chạm đến giáo quyần Do Thái và thành phần trí thức Do Thái, cho bằng lời tuyên xưng này chỉ là lời tuyên xưng của tạo vật, như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng đã làm chứng cho Người, tuy nhiên, chứng từ của tạo vật không mạnh bằng và có giá trị bằng chính chứng do chính Thiên Chúa thực hiện, được tỏ hiện qua việc Người làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người.  

Vả lại, lời tuyên xưng của các thần ô uế tuy chính xác nhưng vẫn không trọn vẹn, bởi lời tuyên xưng của chúng chỉ cho thấy một chiều về một Đấng Thiên Sai quyền năng trên chúng, chứ không cho thấy một Đấng Thiên Sai khổ giá xót thương, và như thế sẽ làm cho dân chúng hiểu lầm, cứ thế mà tin vào một Đấng Thiên Sai hoàn toàn không phải là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) như Người là và như Người tỏ mình ra. Đối với cả thành phần bệnh nhân hay tật nhân được Người chữa lành cho cũng thế, Người vẫn cấm họ không được nói ra, như trường hợp nạn nhân phong hủi (xem Marco 1:44), hay ở trường hợp nạn nhân câm điếc (xem Marco 7:36), vì Người không phải chỉ có quyền chữa lành mà còn trở thành một nạn nhân khổ giá nữa.

Chính vì Đấng Thiên Sai của dân Do Thái phải là một Đấng Thiên Sai khổ giá nữa mà bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những tâm tình chẳng những liên quan đến trường hợp của Tiên Tri Giêrêmia mà còn đến cả trường hợp của chính Chúa Giêsu nữa, vì cả hai đều là những vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến với dân của Người, nhưng thân phận của cả hai đều thê thảm giống nhau trong khi các vị thi hành sứ vụ truyền đạt sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa, một sứ điệp bao giờ cũng phản nghịch với bản tính tự nhiên và cảm nhận trần tục của thành phần cần phải nhận biết chân lý để được cứu độ:

1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu.   

2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến lũy vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Đá Tảng, là chiến luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con thoát khỏi tay đứa ác. 

3) Bởi Ngài là Đấng con mong đợi, thân lạy Chúa. Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Đấng bảo vệ con, con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. 

4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

 

MTN.CNIV-C.mp3 

 https://youtu.be/l2GfqG3Sv5k