Chúa Nhật XV thường niên  - Năm C
AI LÀ ANH EM CỦA TÔI
Linh mục Thiên Ngọc CRM

“Phố đêm,

đèn mờ giăng giăng,

màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên.

…….

Cho tôi mười ngón thiên thần,

Để tôi dìu người tôi yêu,

Dìu người không yêu,

Và dìu người chưa yêu”.

Thưa các bạn thân mến,

Đó là bài hát Phố Đêm của nhạc sĩ Tâm Anh. Bài hát với cung giọng trữ tình, man mác, sâu lắng hẳn đã làm rung động không ít tâm hồn. Nhưng, nếu có phải bình chọn một đoạn nào hay nhất, thiển nghĩ xin là đoạn kết trên, vì nó chuyển tải một cái nhìn rất nhân ái, nói lên tâm ý của người nhạc sĩ là muốn có đôi bàn tay “mười ngón thiên thần”, dùng cuộc đời “phong sương”, “vai áo bạc phai mầu” của mình, để nâng đỡ anh chị em đồng loại, dù họ là người “tôi yêu”, hay “chưa yêu” và kể cả “không yêu”.

Nhưng một con người như thế sao hao hao giống người Samaria trong Tin Mừng Chúa Nhật 15 năm C quá (Lc 10,25-37)! Sự thể khởi đi từ việc một thầy thông luật hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Tôi phải gì để được sống đời đời?”. Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời, nhưng bằng phương pháp sư phạm, Ngài đã gợi ý ông: “Trong Lề Luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?”.  Với sự thông thạo của mình, nhà thông luật đã trả lời chính xác: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu khen ngợi và mời gọi ông hãy làm như vậy và sẽ được sống. Tuy nhiên, nhà thông luật lại thắc mắc thêm: “Nhưng ai là anh em của tôi?” hay “Anh em tôi là ai để tôi yêu thương họ?”.

Để chỉ ra ai là người anh em của ông, Chúa Giêsu đã dùng một ngụ ngôn, mà ta quen gọi là “Người Samaria nhân lành”, để gợi ý cho thầy thông luật. Chúa kể chuyện về một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị bọn cướp trấn lột và đánh cho dở sống dở chết rồi vất bên đường. Một tư tế đi ngang, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Có lẽ vị tư tế sợ chạm đến sẽ ô uế rồi mất việc phục vụ Đền thờ. Ông là người đặt lễ nghi trên tình yêu. Một thầy Lêvi hay trợ tế cũng đi ngang, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Có lẽ ông ngại phiền toái hoặc sợ trễ việc phục vụ tế tự trong Đền thờ nên đã vô tâm rời đi. Nhưng một người Samaria đi ngang trông thấy thì động lòng thương, anh xuống lừa rồi đến gần, mau mắn băng bó vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, anh lấy ra hai quan tiền trao cho ông chủ quán nhờ săn sóc, nếu còn thiếu bao nhiêu, khi trở về, anh sẽ hoàn trả. Người Samaria này quả thật tuyệt vời, vừa có tấm lòng thương xót trắc ẩn, chẳng kể nạn nhân thuộc hạng thân thiết hay thù địch với mình, vì trong trái tim anh không ai là thù địch, chỉ có người cần cứu giúp, vừa có đôi tay mười ngón thiên thần, săn sóc nạn nhân tận tình không kể chi đến công việc riêng tư. Anh còn tự nhận trách nhiệm săn sóc đến nơi đến chốn khi đưa nạn nhân về quán trọ chữa trị nghỉ dưỡng, và lo lắng cho đến cùng.

Xã hội hôm nay thật hiếm những người Samaria nhân hậu như vậy. Nhiều người khi gặp người bị nạn chẳng những tránh đi vì sợ phiền hà hay vô cảm, thậm chí có những người còn xúm vô cướp bóc hôi của nữa là khác! Nhưng khi nhìn lại chính mình, ta cũng nhận ra mình có khi như vậy. Hình ảnh của thầy tư tế và thầy Lêvi nhiều khi cũng hiện lộ trong chúng ta dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, tính kiêu căng làm ta một mặt không quy về cho Chúa những cái tốt cúa mình, mặt khác luôn đưa mình lên, coi thường người khác và hạ giá họ. Tính ghen tị làm ta không muốn ai hơn mình, nên hễ thấy ai có gì tốt đẹp thì buồn rầu, tức tối, dèm pha. Tính nóng giận làm ta nổi xung khi bị người khác xâm phạm quyền lợi, xúc phạm hoặc làm trái ý ta, rồi dễ buông lời mất kiềm chế mà hại đến quyền lợi, danh dự người khác. Tính mê ăn uống khiến ta không còn thích hãm mình hy sinh, chỉ biết thỏa mãn cái bụng, mà không nghĩ đến còn biết bao người đói khát cần giúp đỡ. Tính mê dâm dục làm ta ham thích vui sướng xác thịt bất chính, lý trí trở nên tối tăm, ý chí trở nên yếu ớt, đâu còn thích làm việc ích lợi cho người khác, đời sống bị cuốn vào vũng lầy, hại sức khỏe mình và người khác. Tính lười biếng làm ta ơ hờ trễ nãi, ngại làm việc tay chân bổn phận hoặc việc đạo đức, việc lành, lấy đâu mau mắn giúp đỡ tha nhân. Tính hà tiện làm ta yêu tiền của quá sức đến nỗi nhẫn tâm không biết giúp đỡ người nghèo. Nói đến đây, nạn nhân bị cướp bóc lột đánh cho nhừ tử rồi vất bên đường, có thể cũng là người bị thương tổn vì bao tính hư nết xấu, vì bị quỷ dữ khống chế thao túng,…

Người Samaria nhân hậu ấy lại chính là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế! Thầy Chí Thánh tự nguyện làm anh em của mọi người, làm người thân của mọi người, nhất là những người đau yếu tội lỗi, vì Ngài cần cho họ như thầy thuốc cần cho bệnh nhân. Nạn nhân bị thương tích bên đường ấy chính là hình ảnh nhân loại chúng ta. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế để cứu vớt và phục hồi, mà nếu không có Ngài thì sự dữ thể lý hay tinh thần vốn đã làm và sẽ còn làm cho chúng ta khốn cùng và vô phúc. Lời Thánh Vịnh Đáp Ca ngày lễ là một khích lệ lớn lao cho chúng ta: “Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh. Vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù” (Tv 68,33-34). Vâng, Chúa Giêsu Kitô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật. Vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành. Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể Hội Thánh, là khởi nguyên và là trưởng tử  giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ muôn loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hòa vạn vật nhờ Người và vì Người, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hòa bình trên trời dưới đất (Bđ 2 Cl 1,15-20).

Thế giới hôm nay có biết bao người là nạn nhân đang ở trong tình trạng bi đát đau thương vì Satan, vì sự dữ và những dã tâm ác độc của con người. Ai là anh chị em của họ, là người biết xót thương cứu giúp họ. Thiên Chúa cần chúng ta hãy là những người Samaria tốt lành nhân hậu, và làm anh chị em của họ. Trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng bên cạnh những trẻ nhỏ, Chúa Giêsu đặt những anh chị em thấp hèn nhất, đó là những kẻ khốn cùng, những người nghèo, những kẻ đói khát, những người ngoại kiều, những kẻ không áo mặc, những bệnh nhân, những anh chị em bị giam cầm..v.v... Khi tiếp đón, yêu thương và phục vụ họ, hoặc ngược lại khi đối xử cách lãnh đạm và từ chối họ, chúng ta nói lên thái độ của mình đối với Chúa, bởi vì Chúa hiện diện đặc biệt nơi những anh chị em đó (x.Mt 25,35-37).

Đức Maria được tôn vinh qua Kinh Lạy Nữ Vương là Mẹ của lòng thương xót Mater Misericordiae. Nơi Tiệc cưới Cana, Mẹ quan tâm đến gia chủ và thực khách bằng cách trình bày tình cảnh hết rượu cho Chúa Giêsu, và dạy bảo gia nhân hãy vâng lời Ngài (x.Ga 2,1-12). Mẹ Maria nghèo khó, không tiền không bạc, có lúc không cửa không nhà, nhưng Mẹ có một món quà quý nhất để cho các mục tử ở Bêlem, cho ba vị đạo sĩ phương Đông, cho Simeon và Anna ở Đền Thánh, và cho nhân loại ở Gôlgôtha. Mẹ đã thinh lặng cho họ Chúa Giêsu, món quà mà chỉ Mẹ có, món quà ấy giảng thay cho Mẹ, vì đó là Ngôi Lời (Đường Hy Vọng số 932). Tình yêu hoàn hảo cao quý đó là trao ban Chúa Giêsu anh chị em mình. Xin Mẹ giúp chúng ta trở nên hình ảnh của Chúa Giêsu cho tha nhân, nghĩa là trở nên người anh chị em của mọi người.

Ôi lạy Chúa, mở cho con đôi mắt,

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.

Con mù loà, bên vệ đường hành khất,

Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.

Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,

Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà,

Họ khổ đau, họ kêu gào than thở,

Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ.

Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,

Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả,

Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,

Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng.

Cúi lạy Ngài, cho chân con vững chãi,

Để tiến lên dẫu đường sá hiểm nguy.

Nguyện theo Ngài, thập giá đâu quản ngại,

Chúa cầm tay mà dẫn bước con đi.

(Thánh Thi Kinh Sách Thứ Năm Tuần II)