Chúa Nhật XIV thường niên  - Năm C
HÃY XIN CHỦ MÙA GẶT
Linh Mục Thiên Ngọc CRM

“Các con hãy xin Chủ ruộng sai nhiều thợ đi gặt lúa của Người” (Lc 10,2)

Trong cuộc đời dong duổi khắp Palestine để loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu và đoàn môn đệ có lần chậm bước dừng chân trước đồng lúa chín vàng óng ánh dưới ánh mặt trời. Chiêm ngắm vẻ đẹp của ruộng đồng đang vào mùa thu hoạch, Thầy Chí Thánh liên tưởng đến thế giới các linh hồn đang khát khao được Tin Mừng sự sống chiếu dọi. Và Người đã thốt lên: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít ! Vậy các con hãy xin Chủ ruộng sai nhiều thợ đi gặt lúa của Người !” (Lc 10,2).

“Hãy xin”, đó chính là hãy cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng.

Thật thế, việc truyền giáo đặt nền tảng trên lời cầu nguyện và thái độ dấn thân lên đường theo Đức Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều trái tim quảng đại biết cảm thương nhân loại đang đau khổ vì bóng tối sự dữ, có nhiều tâm hồn thiện chí hăng hái dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng. Như vậy, chúng ta hãy cầu xin cho có nhiều tâm hồn quảng đại dâng mình cho Chúa trong ơn gọi làm linh mục, tu sĩ. Lời cầu nguyện đó cần được thốt lên thường xuyên hơn trong những giờ kinh nguyện cộng đoàn hay gia đình, trong những thánh lễ. Cần cầu nguyện tha thiết hơn cho có nhiều ơn gọi tu trì, bởi lẽ trong thời đại hiện nay, chủ nghĩa hưởng thụ và vô luân đang đe dọa đời sống thánh hiến, làm suy giảm ý muốn bước theo Đức Kitô.

Tuy nhiên, truyền giáo không chỉ là việc dành riêng cho bậc tu trì, mà còn là việc chung của mọi thành phần dân Chúa. Vì vậy, chúng ta cầu xin Chúa cho chính mình trở nên những tông đồ nhiệt thành mở Nước Chúa Trời. Muốn được thế, chúng ta cần lưu ý điều cốt lõi này: một tâm hồn say mê cầu nguyện là một tâm hồn tông đồ đắc lực. Gương của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một điển hình, vì tuy tu Dòng Kín nhưng đời cầu nguyện và mến yêu của Thánh Nữ đưa đưa Chị Thánh trở thành Bổn Mạng các xứ truyền giáo. Chúa Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến, là nguồn mạch nguyên ủy của mọi việc tông đồ trong Giáo Hội, nên hiển nhiên là kết quả phong phú của việc tông đồ tùy thuộc ở sự kết hợp sống động của người tông đồ với Chúa Kitô, Đấng phán rằng: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, như vậy mới sinh nhiều hoa trái, vì ngoài Thầy ra chúng con chẳng làm được gì!” (Ga 15,5). Chỉ nơi Chúa Kitô, người tông đồ mới có được sinh lực, “sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, được nâng niu trên đầu gối” như người ta tìm đến Giêrusalem để hưởng trọn niềm an ủi và phú túc vinh quang (Is 66,11-12).

Song song với việc cầu nguyện, cần có sự hy sinh hãm mình. Về khía cạnh này, Thánh Phaolô nói: “Phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu” (Gal 6,14-17). Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận lưu ý ta rằng: “Tinh thần cầu nguyện giống như một lò lửa nung đốt tâm hồn tông đồ của con. Muốn nuôi ngọn lửa ấy, con hãy nhen vào đó những thanh gỗ lớn của hy sinh và những cuộc tĩnh tâm, và cả những que củi nhỏ của lời nguyện tắt và hy sinh thầm kín” (Đường Hy Vọng). Vì thế, “Việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo phải được tiếp tục trong gia đình và với bản thân mỗi người, không chỉ bằng lời kinh mà còn bằng những hy sinh hãm mình hằng ngày” (Thư Mục Vụ HĐGMVN 2003).

Đức Maria được Giáo Hội xưng tụng là Trinh Nữ  Cầu Nguyện. Qua cầu nguyện, Mẹ Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19). Khi cầu nguyện, Mẹ chiêm ngắm hình ảnh và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, đó là hình ảnh và giáo huấn của Đấng được Thánh Thần xức dầu và sai đi loan báo Tin Mừng. Mẹ suy niệm các mầu nhiệm của thánh ý Chúa trong thinh lặng của lòng Mẹ, và Mẹ đã để lòng mình rung hòa một nhịp với ý Chúa. Đó là điều mà chúng ta gặp thấy trong Kinh Thánh mỗi khi đề cập đến Mẹ. Trong đoạn cuối viết về Mẹ nơi Tông Đồ Công Vụ, sự hiện diện và chuyên cần cầu nguyện của Mẹ giữa lòng Giáo Hội sơ khai trở nên một sự thuyết phục Thiên Chúa hùng hồn: Chúa Thánh Thần là Đấng đã bao phủ Mẹ trong ngày Truyền Tin, cũng lại vui mừng đến tràn đổ ân sủng và sức mạnh, biến đổi đoàn môn đệ nhát đảm trở nên những vị thừa sai loan báo Tin Mừng Chúa Kitô! Có thể Đức Maria không rảo bước khắp nơi để loan báo Tin Mừng về Người Con chí ái, nhưng lời cầu nguyện và thái độ dấn thân theo Chúa Kitô dưới tác động của Chúa Thánh Linh, đã biến Mẹ trở nên Nữ Vương Các Tông Đồ và làm mô phạm cho những ai được mời gọi cộng tác vào sứ vụ truyền giáo mà Giáo Hội nhận lãnh từ Đấng Cứu Thế.

Đức Maria là Ngai Tòa ân sủng và là Từ Mẫu tình yêu, chúng ta tin tưởng chạy đến cùng Mẹ. Xin Mẹ hãy đốt lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu Chúa đang bừng cháy trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Xin hãy làm cho trái tim chúng ta trở nên đền thánh của Mẹ, mà qua đó, cùng với sự hiển trị của Mẹ, làm cho Trái Tim Chúa Giêsu được hiển thắng nơi mọi trái tim và mọi gia đình (Trích ý Kinh Tận Hiến cho Mẹ, Đức Piô XII).

Các bạn quý mến,

Càng đâm rễ sâu trong cầu nguyện với một tình yêu nồng nàn và đức tin sống động, thì càng có khả năng rao giảng Chúa Giêsu cho người khác. Do đó, nếu không có kinh nghiệm sâu sắc về Chúa qua kinh nguyện và chiêm ngưỡng, thì chẳng những không thể, mà trái lại, còn làm hại cho công cuộc giới thiệu Chúa nữa. Xin Đức Maria giúp trái tim chúng ta hướng về việc chiêm ngưỡng Người, là Thiên Chúa Nhập Thể, và ra sức liên lỉ kết hợp mật thiết hơn với Đấng mà chúng ta tiếp tục sứ vụ (x. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, 23).