Chúa Nhật VII thường niên - Năm C |
LÀM CHO NGƯỜI KHÁC |
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC |
Kính thưa quí…, Một người hỏi Đức Khổng Tử: Muốn có lòng nhân trong đạo thì phải làm sao? Đức Khổng Tử trả lời: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". Có nghĩa là điều gì không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác. Những người theo đạo Nho giáo họ coi lời đó như luật vàng, như một nguyên tắc để sống, nhưng Đức Khổng Tử là bậc thầy của nho giáo chỉ trình bày có tính cách tiêu cực thôi. Còn Đức Kitô, Thầy của đạo chúng ta, thì dạy tích cực hơn khi nói về lòng nhân đó là: "Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho mình, thì các con hãy làm cho người khác như vậy". Để thực thi những điều mình muốn làm cho người khác, con xin được tạm đưa ra 5 bước như sau: 1. Nhận biết sự hiện diện của người khác Chúng ta nên suy xét: mình muốn cho người khác nhận biết mình hiện diện thì cũng nên để ý nhận biết sự hiện diện của người khác. Chúng ta phải đấm ngực ăn năn, vì nhiều khi chúng ta chưa nhận biết và trân trọng sự hiện diện của anh chị em, chưa nhận biết sự hiện diện với tất cả nhu cầu của chị em. Đôi khi chưa nhìn thấy tất cả những công lao anh em đóng góp cho cộng đoàn đang hiện diện nơi này nơi khác. Có thể nói mặc trái của tình yêu là sự dững dưng ơ hờ, không quan tâm đến người khác, trường hợp này nằm trong dụ ngôn nhà phú hộ và Lazarô nghèo. Cám ơn Chúa vì Ngài đã chọn và gởi chị em đến cho chúng ta, bất cứ họ là người như thế nào. Chúa gửi người đó đến cho chúng ta không phải là vô tình, không phải là vô nghĩa, nhưng có một ý nghĩa đặc biệt, mà theo Thánh Bộ dòng tu nói: mỗi phần tử là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta nên biết điều này để trân trọng sự hiện diện của chị em. 2. Yêu mến những con người ta nhận biết Ngay từ trang đầu, sách GLGHCG dạy: mục đích con người sống ở đời này là để nhận biết kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, và thương yêu mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hưởng hạnh phúc Nước trời. Theo khuynh hướng tự nhiên, không ai ước ao cho người khác ghét mình. Yêu và được yêu là nhu cầu thiết yếu của con người. Cho nên, theo nhu cầu đó thì chúng ta được mời gọi đến đây là để sống yêu thương nhau. Khi muốn người khác yêu thương mình thì mình cũng phải yêu thương người khác. Có qua có lại mới toại lòng nhau. 3. Tha thứ cho nhau Nhu cầu được tha thứ là nhu cầu của mọi người, nên chúng ta cũng cần phải sẵn sàng có một trái tim mở rộng để tha thứ cho nhau. Việc này là một bổn phận bắt buộc chứ không là một việc tùy ý chọn lựa. Không phải là muốn tha hay không tha cũng được. Nếu chúng ta muốn được người khác tha, muốn được Thiên Chúa tha, thì chính chúng ta cũng phải có một quyết tâm là sẵn sàng tha thứ. Tha thứ hết cho mọi người, tha hết những xúc phạm, tha hết tất cả để rồi nối lại mối tình thân mật giữa ta với anh chị em. 4. Phục vụ tha nhân "Ơn riêng Chúa ban là để phục vụ". Chúng ta không phải là "Đấng toàn năng", làm được hết mọi sự. Do đó chúng ta cần sự giúp đỡ của người khác. Không ai dám vỗ ngực là mình không cần ai. Vì thế nhu cầu cần được người khác giúp đỡ đó là nhu cầu của mọi người. Và vì cần người khác giúp đỡ, nên đối lại, chúng ta cũng phải giúp đỡ người khác, đó là lẽ đương nhiên. Thành tâm vì yêu mến mà phục vụ người khác đó phải là cao điểm. Chúng ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, đến đây để hiến thân chứ không phải tiến thân, mà nếu có tiến thân là để xây dựng cộng đoàn chứ không phải cho mình. 5. Cầu nguyện cho nhau Mọi người đều có nhu cầu cần người khác cầu nguyện cho mình. Chúng ta xin người khác cầu nguyện cho mình, nhưng cũng nên ý thức rằng mình cũng có bổn phận phải cầu nguyện cho người khác nữa. Ta nên quan tâm đến người khác để cầu nguyện cho họ, để ý đến nhu cầu của chị em cùng chung sống, họ có những trăn trở, chiến đấu, khổ tâm. |