Chúa Nhật VI thường niên - Năm C
LỜI CHÚC PHÚC VÀ CHÚC DỮ
Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

1. Ở đây Chúa Giêsu khích lệ và an ủi các người nghèo khó. Trong suốt lịch sử của mình, Israel đã từng kinh nghiệm rằng Thiên Chúa luôn quan tâm đến kẻ nghèo hèn, người bị áp bức nếu họ trông cậy nơi Ngài. Trong thời nô lệ (ở Ai cập và lưu đày ở Babilone, Israel đã gặp nghèo đói và bị kềm kẹp, Thiên Chúa đã lưu tâm đến dân Ngài: “Chúa an ủi dân Ngài và xót thương những người cùng khốn” (Is 49,13). Thiên Chúa hướng lòng về những người nghèo đói, khổ sở lầm than “Lạy Chúa, xin hãy nghiêng tai về bên con, xin nhậm lời con; vì con nghèo nàn khổ sở” (Tv 86,1). Thiên Chúa cũng hành động tương tự như thế trong thời gian cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo. Tin mừng được rao giảng cho người nghèo (4,8). Do đó, người nghèo thật hạnh phúc vì họ là những người đầu tiên được Chúa Cha quan phòng săn sóc và được phúc âm Chúa Kitô hướng dẫn dưỡng nuôi.

2. Tình trạng sung sướng hạnh phúc Chúa Giêsu công bố không phải là khổ sở, thiếu ăn, đói khát, dốt nát, chậm tiến, ăn mày. Trái lại, Chúa Giêsu xem các cảnh huống đó như là những cảnh huống làm con người thoái hoá, do đó phải sớm gạt bỏ: đến ngày phán xét chung thẩm, chúng ta sẽ bị phán xét theo cách thế chúng ta đã làm hầu xoa dịu các nỗi thống khổ của nhân loại (x.Mt 25), phù hợp với các giáo huấn và gương sáng của giáo hội qua mọi thời đại. Được xem là hạnh phúc, tình trạng của người dù nghèo nhưng luôn tín thác vào bàn tay quan phòng của Chúa Cha (dĩ nhiên là họ hết sức cố gắng làm việc), tình trạng của người luôn ý thức mình là con Thiên Chúa. Tóm lại, điều làm người ta dễ dàng đón nhận Nước trời, chính là sự tự do của người nghèo khó: chịu đựng các cảnh thăng trầm, bấp bênh đầy va chạm của cuộc sống mai ngày mới có thể thoả mãn mọi thiếu thốn và khát vọng hạnh phúc của họ.

3. Những người bị bắt bớ vì đạo (theo dõi, giam tù, chèn ép, thiếu thốn mọi sự) và những người nhờ quan phòng tìm được tự do thường làm chứng rằng trong đời sống họ không có lúc nào cảm thấy được an ủi, bình thản và vui sướng cho bằng những lúc họ bị khốn khổ cùng cực. Có biết bao vị tử đạo đã vui hát khi bị giết. Hạnh phúc của người bị bách hại không phải là một hạnh phúc “bánh vẽ”. Ngay từ đời này, Thiên Chúa đã ban hạnh phúc cho những ai sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ vì Ngài.

4. Không nên phàn nàn những người có tiếng tốt là thanh liêm ngay thật, thích vụ tha nhân. Nhưng những kẻ mà Chúa Giêsu chúc dữ đó là những kẻ giàu sang được người ta nịnh bợ, tâng bốc chỉ vì họ giàu sang, quyền thế, nhiều áp lực... Họ giống các tiên tri giả, chỉ biết nói lời đường mật, nịnh hót, trấn an dân Do thái, trong lúc đang theo đuổi các ngẫu thần (x. Is 30,9tt; Giêr 23,17tt)

5. Ngay cả môn đệ, tín hữu, những người sống trong giáo hội cũng phải nghe lời chúc phúc và chúc dữ đó như thể được áp dụng cho chính mình. Phải tự vấn xem mình có sợ vì bị chúc dữ hay không. Phải luôn luôn lượng giá đúng các lời tuyên bố ngắn ngủi của Chúa Giêsu. Những lời tuyên bố đảo ngược mọi giá trị, đánh đổ mọi pháo đài con người xây lên cho mình, đó là hoàng hôn, là lời cáo chung của mọi thần tượng ta tin hằng tin tưởng. Các lời chúc phúc và chúc dữ mở cửa nước Thiên Chúa, một nước trong đó ta sẽ được mọi thứ mà của cải đời này không thể cung cấp nhưng chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng khi Ngài bắt đầu thống trị.