“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng
Cha” (Lc 3,22)
Các bạn thân mến,
Mỗi lần nói đến dân Do Thái thời xưa, ta không khỏi
nhắc
đến một lãnh tụ vĩ đại, đó là Môisen. Ông có sứ mạng thật lớn lao: dẫn đưa
dân Do Thái thoát khỏi kiếp nô lệ Ai Cập trở về đất Canaan, miền đất Thiên
Chúa hứa ban cho tổ phụ Abraham. Số là sau khi hội ngộ với anh em mình
sau rất nhiều năm xa cách,
Giuse tể tướng Ai Cập đã mời cha già Giacop và toàn gia tộc rời Canaan sang
sống với mình. Sau khoảng 400 năm, gia tộc Giacop trở thành một dân đông đúc
lớn mạnh. Điều này khiến vua Pharaon Ai Cập lo sợ. Nhà vua đã tiến hành đàn
áp bằng nhiều hình thức, trong đó có lệnh cho các bà hộ sinh phải giết các
bé trai sơ sinh Do Thái. Trong bối cảnh ấy, Môisen được sinh ra. Nhưng rồi
người mẹ cũng không thể dấu mãi, đành phải bỏ con vào thúng rồi thả trong
đám lau sậy ven bờ sông Nil. Công chúa con vua Pharaon xuống tắm nhìn thấy
và vớt lên, nhận làm con nuôi và đặt tên là Môisen, nghĩa là
“vớt
dưới nước lên”.
Sau này khi đã trở thành một thanh niên cường tráng, biết rõ nguồn cội Do
Thái của mình, ông đã bênh vực một người Do Thái, rồi giết kẻ đàn áp anh em
mình. Cơ sự ấy khiến ông phải chạy trốn lệnh truy nã của Pharaon. Rồi khi
chăn chiên trong hoang địa núi
Horeb, nhận được
lệnh truyền
của Thiên Chúa, ông đã dấn thân dẫn đưa dân mình ra khỏi Ai Cập, trong một
cuộc hành trình 40 năm tiến về Đất Hứa.
Là một người vĩ đại vì cứu vớt dân mình khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, nhưng
ông cũng từng
được cứu vớt!
Hóa ra
người cứu vớt cũng là người được cứu vớt! Giuse tổ phụ trước
khi cứu vớt nhà cha mình và các dân nước trong thời kỳ đói kém cũng đã từng
được kéo lên khỏi miệng giếng, trong âm mưu hãm hại của các anh, cũng như
từng được cứu vớt qua những hiểm nguy trong kiếp nô lệ. Các tông đồ như
Phêrô, Phaolô, Matthêô,... và nhiều vị thánh xưa nay như Augustinô,
Phanxicô, Inhaxiô,… cũng là những người được cứu vớt. Đoàn lũ dân chúng Do
Thái gồm mọi thành phần kéo đến với thánh Gioan Tẩy Giả tại bờ sông Giođan
và được dìm xuống rồi kéo lên trong phép rửa thống hối, là hình ảnh
báo trước được cứu vớt.
Và cả
chúng ta nữa, vì mang thân phận yếu đuối lỗi lầm, “ngày mới sinh con đã mắc
tội rồi, trong lòng mẹ con đã là bất chính” (Tv 50,5), nên
rất
cần được cứu vớt.
Đó là điều nhiệm mầu đã xảy ra trong phép
Thánh Tẩy. Nhân lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chúng ta cần lưu ý rằng phép
rửa của Gioan Tẩy Giả không phải là phép Rửa Tội mà Chúa Giêsu thiết lập.
Phép rửa của Gioan mời gọi dân Do Thái ăn năn sửa đổi dọn đường cho Đấng Cứu
Thế đến cứu độ, chứ không tha tội tổ tông và tội riêng như phép Rửa Tội.
Trong
phép
Rửa Tội, chúng ta được dìm trong dòng nước thanh tẩy và được kéo lên, đó là
được tắm mình trong cái chết của Đức Kitô,
được phục hồi và
nâng lên trong đời sống mới với con người mới theo hình ảnh của Đức Kitô.
Hằng ngày, chúng ta đều còn
được Chúa “vớt lên” nhờ
bí tích Hòa Giải, nhờ lòng
khiêm nhường thống hối, qua kinh Ăn Năn Tội, kinh Cáo Mình
hay nghi thức thống hối
trong những giờ cầu nguyện, thánh lễ. Chẳng phải việc sấp mình ăn năn tội
cách trọn không là hành vi thường xuyên của chúng ta sao, nhất là trước khi
đi ngủ? Cùng với những lao nhọc, đau khổ hay việc lành được dâng lên Chúa
cuối ngày sống, ta cũng dâng những yếu hèn tội lỗi mắc phải trong ngày, như
một đứa bé
khoe với cha mẹ đôi điều cố gắng
cùng
lỗi lầm
làm buồn lòng cha mẹ.
Chúa Giêsu Kitô chính là Môisen mới đang
dẫn đưa nhân loại từ đất lên trời, từ đời trần gian chóng qua tiến vào đời
sống vĩnh cửu, từ vực thẳm tội lỗi lên địa vị huy hoàng của con Thiên Chúa:
“Thiên Chúa đã dùng quyền năng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người.
Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì
Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Chúa Cha đã nói về Người qua miệng tiên
tri Isaia: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là Người ta chọn, Ta hài lòng về
Người. Ta ban thần trí Ta trên Người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ
không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng Người ở công trường.
Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không giập tắt tim đèn còn khói. Người
trung thành đem lại lẽ công bình. Người không buồn phiền, không nao núng,
chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật Người. Ta là
Chúa, Ta đã gọi Con trong công lý, đã cầm lấy tay Con, đã gìn giữ Con, đã
đặt Con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để Con mở mắt
cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục
những người ngồi trong tối tăm” (Is 42,1-4.6-7).
Công chúa Pharaon vớt
trẻ Môisen
dưới nước lên cũng
chính là hình ảnh Đức Maria cứu vớt
nhân loại khốn cùng. Đức Maria có địa vị vô tiền khoáng hậu, vì theo Công
đồng Vaticano II, Mẹ là ái nữ của Chúa Cha, là mẹ của Chúa Con và là cung
điện của Chúa Thánh Thần (Lumen Gentium 53). Với địa vị được sủng ái vô song
đó, Đức Maria đã động lòng thương đến nhân loại khốn cùng và giơ tay cứu
vớt. Tầm ảnh hưởng của Mẹ góp phần
cứu rỗi nhân loại với Con,
vì Ngài là “Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa và đã cộng tác một cách mật thiết
vào các mầu nhiệm của Đức Kitô” (LG 66). “Nếu Chúa Giêsu là Đấng cầu bầu cho
chúng ta trên Trời vì Người là Đấng cứu chuộc chúng ta dưới thế, thì Đức
Maria ở dưới thế này là Đấng Đồng Công bên Đấng Cứu Chuộc cũng sẽ là Đấng
cầu bầu cho chúng ta bên Đức Kitô Đấng Bầu Chữa trên Trời” (Đức Maria Trong
Tín Lý, Neubert). Bởi thế mà từ xưa đến nay, các cuộc hiện ra của Mẹ ở Lộ
Đức, Fatima, Guadalupe, La Vang,…đều là sự cứu giúp nhân loại khốn cùng.
“Đức Maria từ đầu đã hiến thân không chút đắn đo cho thân thế và sự nghiệp
của Con mình, thì không thể không dành cho Hội Thánh ngay từ đầu trọn cả con
người của Mẹ" (Redemptoris Mater 40). “Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc những
người em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao hiểm nguy
thử thách, cho tới khi họ đạt đến hạnh phúc Quê Trời” (LG 62).
Lạy Chúa Kitô, Chúa đã dùng phép Rửa mà
thánh hóa nhân loại và mở cửa cho những người thống hối trở về, xin cho
chúng con biết phụng thờ Thiên Chúa, phục vụ Hội Thánh với tinh thần con
thảo và thành những người rao giảng Tin Mừng cho khắp thế giới, nhờ tình
Hiền Mẫu Maria. |