Thứ bảy tuần thánh - Năm C
MẸ ĐAU THƯƠNG

Linh mục Thiên Ngọc CRM

“Đứng bên thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người” (Ga 19,25)

Thưa các bạn thân mến,

Hội Thánh tiếp tục dành ngày Thứ Bảy Tuần Thánh để tưởng niệm cuộc Thương Khó Chúa Kitô và lúc Ngài an nghỉ trong mồ. Trong ngày thứ ba của Tam Nhật Thánh này, theo lòng đạo đức xưa nay của ngày thứ bảy, Hội Thánh vẫn dành tôn kính Đức Maria là Mẹ của mình. Nhưng hôm nay có một sự tôn kính đặc biệt, vì có một hình ảnh gây ấn tượng sâu xa, đó là hình ảnh Đức Mẹ đứng kề Thánh Giá. Vậy Mẹ Maria đứng bên Thánh Giá có ý nghĩa gì, hay Mẹ có sứ mạng gì trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô?

Đúng là Tin Mừng theo Thánh Gioan thuật lại rằng đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu có Đức Maria, Mẹ Người (Ga 19,25-27). Trong khi các môn đệ của Đức Kitô trốn chạy hết trong hồi thương khó của Người khởi từ đêm bị nộp trong vườn Cây Dầu, không dám đi theo Người khi Người vác thập giá lên đồi Canvê, nếu có thì cũng theo xa xa, ngoại trừ Gioan tông đồ, thì Đức Maria lại theo sát Con mình trên đường thánh giá và còn đứng bên suốt nhiều giờ khi Chúa chịu đóng đinh, chịu chết, mãi cho đến chiều đợi tháo xác Chúa xuống khỏi cây thánh giá rồi ôm Ngài vào lòng. Trước đây 33 năm, Đức Mẹ đã bồng bế Hài Nhi Giêsu hiến dâng lên Thiên Chúa Cha trong đền thờ Giêrusalem - được gọi là lễ dâng ban sáng đầu tiên thời cứu độ -, thì giờ đây trên đồi Canvê, Đức Mẹ lại hiến dâng Người Con ấy cho Cha trên trời - được gọi là lễ dâng ban chiều hoàn tất nhiệm cục cứu độ. Trong hai lần hiến tế này, Chúa Giêsu chính là Của Lễ được Mẹ dâng lên cho Cha trên trời vì phần rỗi của nhân loại. Lần đầu, Mẹ được tiên tri Simêon báo trước rằng, vì Người Con ấy, một lưỡi gươm sẽ xuyên thâu tâm hồn Mẹ (x.Lc 2,33-35), thì lần thứ hai này, quả thực mũi gươm thiêng ấy đã xé toạc Trái Tim Mẹ, khi Người Con Yêu đã chịu thương khó, chịu tử hình và bị ngọn giáo đâm thâu Thánh Tâm.

Hình ảnh lễ hiến tế ban sáng và ban chiều của nhiệm cục cứu độ ấy làm ta liên tưởng đến một hình bóng xa xưa khi tổ phụ Abrraham hiến dâng người con độc nhất Isaac cho Thiên Chúa trên núi Môria (x.St 22,1-18). Vị tổ phụ chẳng ngần ngại lừng khừng bối rối trước thánh ý Thiên Chúa, nhất tâm vâng phục dẫn con lên núi để sát tế cũng như sát tế lòng mình. Thiên Chúa đã chuẩn nhận tâm tình ấy và đã thay đổi lễ vật. Vì hành vi đức tin đầy suy phục thẳm sâu và phó thác quảng đại ấy mà Abrraham đã được Thiên Chúa chúc phúc để trở nên người cha của một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển. Từ phúc lành đó, mọi dân tộc trên mặt đất cũng sẽ được chúc phúc nơi Abrraham. Abraham vinh phúc được kể là tổ phụ của những người tin vào Thiên Chúa. Nhưng nếu như Abrraham là mô phạm của những người tin, thì Đức Maria lại là hiện thân tuyệt hảo của niềm tin ấy. “Đức Trinh Nữ diễm phúc đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, và Mẹ đã trung thành gìn giữ sự hợp nhất với Con cho đến tận thập giá, Mẹ đứng đó không ngoài kế hoạch của Thiên Chúa, Mẹ đã cùng chịu đau khổ cách khủng khiếp với Người Con Một của mình và liên kết mình với hy lễ của Người bằng tình mẫu tử, đồng thuận cách yêu thương với lễ phẩm bị sát tế do lòng Mẹ sinh ra; và cuối cùng, Mẹ được chính Đức Kitô Giêsu đang hấp hối trên thập giá ban làm Mẹ người môn đệ, bằng những lời này: “Thưa Bà, đây là con Bà” và dạy người môn đệ: “Này là Mẹ con” (LG 58, GLHTCG số 964).

Như vậy, Đức Mẹ cộng tác một cách mật thiết vào công trình tình yêu cứu rỗi toàn thể nhân loại. Mẹ cộng tác, khởi từ tiếng xin vâng ngày Truyền Tin, khi cưu mang, sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục, đồng hành, trong tư cách là Người Mẹ dự phần vào các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, một cách không thể tách rời, bởi “ai có thể tách chúng tôi ra khỏi lòng mến của Đức Kitô?” (Rm 8,35). Đức Maria hợp nhất trọn vẹn với Con mình trong công cuộc cứu độ, được biểu lộ từ lúc Mẹ thụ thai Đức Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa chịu chết. Vì thế, Mẹ được Công Đồng Vaticanô II dành cho những lời tôn vinh vô song tuyệt mỹ này: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria được tôn vinh sau Chúa Con, nhưng vượt trên mọi thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã đã tham dự một cách mật thiết vào các mầu nhiệm của Đức Kitô” (LG 66).

Vì Mẹ hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu Kitô trong tất cả các mầu nhiệm cuộc đời của Con mình, nên Giáo Hội đã tôn vinh Mẹ cùng với việc suy tôn Người Con. Điều ấy được thể hiện qua các ngày lễ song song hoặc lồng vào nhau trong Năm Phụng Vụ: Tiếng Xin Vâng của Chúa Con / tiếng Xin Vâng của Đức Maria; Đấng Emmanuel / Thánh Mẫu Thiên Chúa; Sinh Nhật Chúa / Sinh Nhật Mẹ; Chúa Dâng Mình Trong Đền Thánh / Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ; Thánh Tâm Chúa / Khiết Tâm Mẹ; Chúa Tử Nạn / Mẹ Đau Thương; Chúa Lên Trời / Mẹ Mông Triệu; Chúa Kitô Vua Vũ Trụ / Đức Maria Nữ Vương, v.v…. Như vậy, ta cũng có thể dễ hiểu rằng nếu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc thì Đức Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Chữ “đồng công” đây không nên hiểu theo nghĩa vật chất có thể cân, đong, đo, đếm để nói Chúa Giêsu góp 50 Mẹ góp 50, như người ta góp phần trong công ty xí nghiệp. Nhưng, nếu muốn biết rõ hơn Đức Maria góp gì trong công cuộc cứu chuộc nhân loại, ta sẽ nhận ra phần Đức Mẹ góp chính là Của Lễ do lòng mình sinh ra cùng với nỗi đau thương khủng khiếp xé nát tâm hồn khi hợp một với Đấng Tử Nạn: “Đức Maria đã cùng chịu đau khổ cách khủng khiếp với Người Con Một của mình và liên kết mình với hy lễ của Người bằng tình mẫu tử, đồng thuận cách yêu thương với lễ phẩm bị sát tế do lòng Mẹ sinh ra” (LG 58). Của Lễ dâng ban sáng của Mẹ trong Đền thờ là chính Con Trẻ Giêsu thì Của Lễ dâng ban chiều trong Giờ Cứu Độ vẫn chính là Chúa Giêsu với tấm thân tan nát nhục hình. Hành vi dâng hiến cùng Con của Mẹ là chính ý muốn của Thiên Chúa, và được dâng hiến vì vâng phục và vì tình yêu.

“Thưa Bà, đây là con Bà…Này là Mẹ con”. Đức Maria đã đón nhận nhân loại làm con theo ý muốn của Đấng Cứu Chuộc, nên Mẹ càng hết lòng cộng tác với Chúa Cứu Thế để cứu vớt đoàn con mới của mình. Cho đến hôm nay, Mẹ vẫn tiếp tục sứ mệnh ấy: “Trong nhiệm cục ân sủng, Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ (….) Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc những nguời em của Con Mẹ đang lữ hành trên đường dương thế và đang gặp bao nguy hiểm thử thách, cho đến khi họ đạt đến hạnh phúc Quê Trời” (LG 62).

STABAT MATER (MẸ ĐỨNG)

1. Mẹ xưa đứng bên Thánh Giá thảm thương, thấy Con đớn đau Mẹ nát gan vàng, đôi giòng nước mắt tuôn ròng ròng.

2. Lòng Thân Mẫu như gươm sắt thâu qua, biết bao đắng cay cùng Chúa chan hoà. Ôi Mẹ, đau khổ suy nào cùng!

3. Mẹ thương Con Một Thiên Chúa chí nhân, đã cưu mang xưa vinh phúc vô ngần, nay Người đau khổ hơn mọi người.

4. Nào ai chẳng cùng than khóc thảm thương, với Maria, Mẹ Chúa thiên đường, trong giờ Con Chúa mang cực hình.

5. Người ơi, hãy trông Mẹ Chúa Giêsu, dưới cây khổ đau tâm trí thảm sầu. Sao lòng chai đá không buồn rầu?

6. Giờ đây ngắm suy Con Chúa chí nhân, hiến thân hy sinh chuộc lỗi nhân trần, cam chịu bao đớn đau nhục hình.

7. Mẹ Maria là suối yêu thương, hãy xin cho con đau đớn cùng Người, gây nhiều công phúc trên đường đời.

8. Nguyện xin lửa yêu nung đốt tâm con, biết yêu mến Chúa trọn cả tâm hồn, cho dù sao cũng không sờn lòng.

9. Mẹ Maria xin hãy giúp con, khắc sâu vết thương của Chúa nhân lành, trong lòng con chẳng khi nào sờn.

10. Nguyện xin khóc than với Đức Nữ Trinh, đớn đau thảm thương chung với Chúa mình, bao ngày con sống trên phàm trần.

11. Mẹ Maria trinh khiết vô song, hãy xin cho con chung nỗi u buồn, không hề than trách, không ngại ngùng.

12. Lòng con nhớ luôn ơn Chúa cứu con, hiến dâng lên Chúa toàn thể xác hồn, cho dù đau đớn không hề rời.

13. Lòng con ước được thương tích Chúa ban, biết thiết tha mến yêu Chúa muôn loài, vui lòng khi chết đi vì Người.

14. Nguyện xin Giêsu thương đến chúng con, khấng ban Mẫu Thân thương giúp linh hồn, công toàn danh thắng khi lìa trần.

15. Kìa khi chúng con sau phút lâm chung, cúi xin Chúa thương ban phước linh hồn, thiên đàng vinh phúc muôn ngàn trùng.