Thứ sáu tuần thánh - Năm C |
CUNG THƯƠNG ĐỜI CHÚA |
Linh mục Thiên Ngọc CRM |
“Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9) Thưa các bạn thân mến, Ngày thứ hai trong Tam Nhật Vượt Qua, Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và sẽ tiếp tục tưởng niệm sự chết của Ngài trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh. Tuy không có thánh lễ, nhưng nghi thức tưởng nhớ cũng thật là long trọng nhằm suy tôn Người đã dùng cái chết vì yêu và để cứu độ nhân loại. Lời cầu nguyện đầu tiên trong nghi thức tưởng niệm này là: “Lạy Chúa, từ lòng mẹ, chúng con đã phải mang án chết do tội Adam truyền lại. Nhưng nhờ Con Chúa chịu tử hình, Chúa đã tiêu diệt sự chết. Vậy giờ đây, xin Chúa ban ơn thánh hóa biến đổi chúng con nên giống hình ảnh Adam mới là Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời”. Lời tổng nguyện đưa ta đến chỗ nhận thức tại sao Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, phải chịu chết. Ngài không còn cách nào khác để cứu chuộc nhân thế hay sao? Đó là do tội lỗi của nhân loại. Khi tình yêu Thiên Chúa bị chối từ, khi bao nhiêu lời nói, bao nhiêu việc lành của Ngài làm cho loài người bị gạt bỏ, thì Ngài chỉ còn dùng đến cái chết để diễn tả tình yêu: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết mình sắp đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Cha, Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài còn đang ở thế gian, thì Ngài đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), và mức tận cùng của tình yêu đó là: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13). Hãy nói về tội lỗi của phận người.“Ngày mới sinh con đã mắc tội rồi, trong lòng mẹ con đã là bất chính” (Tv 50,7). Ngay khi còn là bào thai, hết mọi người đã phải mang án tử do tội tổ Adam truyền lại, chỉ trừ một mình Đức Maria được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội vì được tiền định làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Ông bà nguyên tổ Adam và Eva tuy được tạo dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,26), được những đặc ân lớn lao: ơn công chính ban đầu, ơn thông minh sáng sáng, ơn làm chủ vạn vật, ơn cai trị dục tình, ơn không phải đau khổ và ơn trường sinh bất tử. Điều phải lẽ là hai Ông Bà phải trải qua thử thách như vàng được tôi luyện trong lửa, để xứng đáng với những hồng ân ấy. Tiếc là hai Tổ Tông đã thất bại, sa ngã trong tội bất tuân lệnh Chúa, khi nghe lời xúi xiểm thâm độc của Satan, mà ăn trái cây Chúa cấm trong vườn địa đàng. Thế là như một vườn hoa rực rỡ muôn màu muôn sắc phút chốc bị cơn mưa đá phá hủy tan tành, Ông Bà đã mất sạch những đặc ân đó, mất phúc thiên đàng bên Thiên Chúa, và phải đau khổ, phải chết. Thân phận của hai Ông Bà đã lùi về zêrô (0) và còn vượt qua mốc zêrô lùi về sau mãi, mà theo ngôn ngữ toán học, từ vị trí dương vô cực lùi về âm vô cực. Cái thân phận hư vô, bất lực, nghèo hèn và tội lỗi ấy nơi hai Ông Bà đã trở nên “gien” di truyền cho con cháu. Đó là tội của tổ tông, gây hậu quả đến con cái loài người là giống nòi của hai Ông Bà. Bởi sự bất tuân của một người là Adam mà tội lỗi đã nhập vào thế gian khiến nhân loại phải hư vong, thì nhờ sự vâng phục của một người là Đức Giêsu Kitô mà thế nhân được cứu. Đức Giêsu đã gánh lấy cả nhân loại khốn cùng như thế để cứu chuộc và phục hồi: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người” (Dt 5,9). Nhưng những đau khổ mà Chúa Giêsu đã trải qua trong cung thương đời Ngài thì như thế nào? Nếu được xem qua những thước phim trong Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu, hẳn chúng ta sẽ được phần nào mục kích nhãn tiền. Khi được mạc khải, tiên tri Isaia đã thuật lại: “Nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy Người mất hết vẻ người, dung nhan Người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt Người, vì họ sẽ thấy những sự chưa ai kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe (…). Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để ta chiêm ngưỡng, không còn vẻ bên ngoài để chúng ta yêu thích, bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và khinh dể, (…) : Người đã mang lấy sự hèn yếu của chúng ta, Người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta” (Is 52,14-53,4). Tưởng nghĩ đến biến cố thương đau tột cùng này của Chúa Giêsu nhất là cái chết của Ngài, Peter Seewald, một nhà báo vô thần trở lại với niềm tin Công Giáo, vì muốn củng cố niềm tin của mình, đã đặt câu hỏi cho Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, khi ngài còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin: “Tại sao Con Thiên Chúa phải đau đớn và chịu chết, mới cứu được tạo vật của Ngài?”. Đức Hồng Y đã khiêm tốn trả lời: “Đó là bí ẩn của Thiên Chúa: Ngài không đi vào trần thế để cải tạo công bằng xã hội bằng quyền lực. Ngài đã vì ta hạ mình và để cùng đau khổ với ta. Ta sẽ không bao giờ hiểu hết được bí ẩn đó. Và dù vậy, cái tích cực nhất mà ta biết được về Chúa, là Ngài không đơn giản cai trị bằng quyền lực. Thiên Chúa có lối sử dụng quyền lực riêng, không như lối của con người. Quyền lực của Ngài là sức mạnh cùng yêu và cùng khổ, và khuôn mặt thật của Ngài tỏ lộ ra chính trong đau khổ. Thiên Chúa mang nỗi bất công của thế giới trong đau khổ, nhờ đó, chính trong những giờ phút đen tối ta có thể chạy đến cùng Ngài là người gần với ta nhất. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ, để ta có thể nắm bắt được Ngài. Để cho con người học được nguyên tắc sống chống lại thói kiêu căng và muốn làm trời của họ. Ngài đến như một người sờ chạm đến trái tim của ta” (ĐGH Bêndictô 16, Thiên Chúa Và Trần Thế). Thư gửi tín hữu Do Thái cung cấp cho ta lý lẽ đó: “Chúng ta có một vị thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Bởi thế, chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,14-16). Chắc rằng chúng ta không tôn sùng đau khổ và sự chết, chúng ta chỉ tôn vinh Đấng đã vì yêu đến cùng mà mang lấy đau khổ cùng sự chết. “Nhờ Người, chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ để được tự do, khỏi bóng tối mà vào ánh sáng, khỏi chết mà được sống, khỏi ách bạo chúa mà vào vương quốc vĩnh cửu, và cho chúng ta thành hàng tư tế mới, thành dân được tuyển chọn, tồn tại đến muôn đời. Chính Người là Chiên Vượt Qua đem lại cho chúng ta ơn cứu độ” (Đức Cha Meliton, Giám Mục Sacde, Giờ Kinh Sách Thứ Năm TT). Thưa các bạn quý mến, Hãy cậy nhờ Đức Maria giúp chúng ta tham dự cuộc tưởng niệm Thương Khó Chúa Giêsu Kitô, và thưa lên với Người: “Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại. Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan diệu hiền và xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa” (Tv 30,15-17). |