Thứ năm tuần thánh - Năm C |
BUỔI CHIỀU TIỆC LY |
Lm Thiên Ngọc CRM |
“Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sính lễ và con sẽ kêu cầu danh Chúa” (Tv 115,17) Câu chuyện: Có một người đàn ông nọ rất yêu mến vợ con và gia đình mình. Anh thường phải đi công tác xa nhà có khi cả tuần, cả tháng. Một lần nọ, anh đi công tác nước ngoài. Trước khi trở về, anh đã chọn mua nhiều quà cho gia đình, và muốn tìm một món quà đặc biệt dành riêng cho vợ yêu của mình. Anh khá bối rối và tốn nhiều suy nghĩ về món quà đó, nhưng vẫn thấy món này món nọ không diễn tả hết tình cảm của anh dành cho nàng. Tối hôm trước ngày về, trí anh chợt lóe lên một tia sáng giải quyết vấn đề, nó vừa đầy ý nghĩa, vừa độc lạ và cũng vừa khôi hài dí dỏm. Anh vội ngồi dậy, lấy kéo cắt một miếng vải dài và hí hoáy viết lên một dòng chữ. Khi máy bay vừa hạ cánh, anh đã bung miếng vải ra và khoát vào vai, giống như kiểu các hoa hậu, rồi bước ra gặp người vợ đang đón chờ mình. Chuyện gì xảy ra sau đó? Người vợ khi gặp mặt chồng thì trố mắt kinh ngạc, vừa cảm động, vừa hạnh phúc, và không bỏ lỡ dịp may hiếm có để biểu lộ lòng thương nhớ, chạy tới ôm chồng mình. Dòng chữ trên băng rôn vải ghi rằng: “Đây là quà tặng dành cho em”. Món quà anh đang tặng vợ đó, tặng suốt đời, là chính con người anh. Thưa các bạn thân mến, Vào buổi chiều Thứ Năm Tuần Thánh, khắp nơi trên toàn thế giới, Hội Thánh Công Giáo long trọng cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly, khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua. Trong Thánh Lễ này, Phụng Vụ Lời Chúa nhắc đến việc Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể với nhiều tâm ý. Trong bữa ăn tối sau cùng với các tông đồ trước khi chịu nộp vào tay những người muốn hại mình, Ngài cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25). Đó là công thức truyền phép trong thánh lễ, là những câu được đọc nhiều nhất trên thế giới suốt hơn hai ngàn năm qua, mà theo Đức Cố Giáo Hoàng Biển Đức 16, là những câu “vượt hẳn ngoài mọi sự thường tình, mọi chờ đợi, mọi suy tính, chứa đựng kho tàng vô giá và ý nghĩa thâm sâu. Muốn biết Đức Kitô, tốt nhất nên suy niệm những câu đó và cùng cử hành bí tích Thánh Thể. Phép Thánh Thể là một tổng hợp về Đức Kitô” (Thiên Chúa và Trần Thế). Về điều này, nhìn từ lăng kính loại suy, Thánh giám mục tiến sĩ Augustino đã viết: “Mặc dầu toàn năng, nhưng Thiên Chúa không thể ban hơn được nữa; mặc dầu khôn ngoan thượng trí, nhưng Thiên Chúa không biết làm cách nào để ban thêm được nữa; mặc dầu giàu có vô cùng, nhưng Thiên Chúa chẳng còn gì để ban hơn được nữa!”. Thiên Chúa Cha đã thực sự ban cho chúng ta kho tàng lớn nhất của Ngài, kho tàng quý giá nhất của Ngài, kho tàng vô cùng yêu quý của Ngài, đó là chính Con Một của Ngài. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, Đấng chịu tử nạn và phục sinh, là quà tặng lớn lao vô cùng, quý giá vô cùng, được ban cho nhân loại trong bữa Tiệc Ly năm xưa, và được ban tặng mãi trong dòng lịch sử. Chúa Giêsu đã ban tặng chính Thịt Máu Mình cho nhân loại, được tỏ bày trong hiến lễ Thập giá trên đồi Canvê, như chiên vượt qua năm xưa dân Do Thái ăn vào đêm trước khi xuất ra khỏi Ai Cập để tiến về Đất Hứa (x.Xh 12,1-14). Như vậy còn gì hơn nữa, vì chúng ta chính là những người được Thiên Chúa yêu thương, với một tình yêu “đến cùng”, khi Ngài ban chính Con của Ngài. Trước bí tích Thánh Thể, tâm tình các thánh vang lên, như lời Thánh Gioan Phaolô II khi ban hành Thông điệp về Thánh Thể (EE), đã nhắc lại với một niềm vui nội tâm dạt dào: “Kính chào Thân Mình đích thực, sinh bởi lòng dạ Đức Trinh Nữ, đã thực sự chịu đau khổ, bị sát tế và treo trên thập giá vì loài người! Đây là kho báu của Hội Thánh, là con tim của thế giới, là bảo chứng của sự thành toàn mà mọi người nam nữ khát khao, dù không ý thức” (EE 59). Nhưng Chúa Giêsu trao ban chính Mình cho chúng ta trong giây phút ấy với chủ ý gì? Thưa, là để mãi mãi ở cùng, để luôn luôn trao ban, để khát khao kết hiệp, nhằm thần hóa mỗi người chúng ta. “Tự bản chất, hy tế Tạ Ơn hướng đến sự kết hiệp nội tâm của người tín hữu với Chúa Kitô qua việc rước lễ: chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã tự hiến vì chúng ta, chúng ta lãnh nhận Mình Người bị trao nộp vì chúng ta và Máu Người đổ ra cho muôn người được tha tội” (EE 16). Đó là sự kết hợp của cành nho với thân nho mà hiệu quả là cái gì có ở trong thân thì cũng sẽ có ở cành. Nhờ đó, cành sẽ sinh nhiều hoa trái: trong chúng ta sẽ tiếp diễn sự nhiệt thành của Chúa Kitô, sự khiêm nhu của Chúa, sự hiền hậu của Chúa, tình hiếu thảo của Chúa, lòng thương xót của Chúa, sự trong sạch của Chúa, năng lực của Chúa,..vv... Nhờ kết hiệp với Thánh Thể, chúng ta sẽ được thần hóa, dần dần phản chiếu khuôn mặt của Đức Kitô, trở nên sự hiện diện khiêm hạ của Người giữa anh chị em và giữa môi trường sống hôm nay. Thưa các bạn quý mến, Xin dùng những lời sau đâu của Thánh Gioan Chrysotom để thay lời kết: “Các bạn có ghen tị không với người phụ nữ được chạm đến gấu áo Chúa Giêsu, với người đàn bà tội lỗi đã dùng nước mắt mà rửa chân Chúa, với những người phụ nữ đã đồng hành bên Chúa trong các chuyến đi, với các tông đồ và các môn đệ đã được thực sự thân mật với Chúa, với những người đồng thời đã được lắng nghe những lời ân sủng và cứu độ phát xuất từ môi miệng Chúa? Các bạn gọi những người được nhìn thấy Chúa Giêsu là những người được phúc. Các bạn hãy đến Bàn thờ và các bạn sẽ được nhìn thấy Chúa, các bạn sẽ được chạm đến Chúa, các bạn sẽ dâng cho Chúa những nụ hôn thánh thiện, các bạn sẽ dùng nước mắt mà rửa chân Chúa, các bạn sẽ có Chúa trong tâm hồn, giống như Mẹ Maria Rất Thánh”. “Lạy Chúa, con biết lấy gì dâng lại cho Chúa để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ và con sẽ kêu cầu danh Chúa” (Tv 115,12-13) |
|