Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C |
CHÚA NHẬT LỄ LÁ |
Linh mục Thiên Ngọc CRM |
“Ôi Thiên Chúa, ôi Thiên Chúa, sao Chúa bỏ con” (Tv 21,2a) Thưa các bạn thân mến, Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta được nghe một bài Tin Mừng dài nhất trong Năm Phụng Vụ, được gọi là “Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, lần lượt của Thánh Matthêô - Marcô - Luca theo chu kỳ phụng vụ năm A,B,C, và sẽ được nghe lại bài Thương Khó này, nhưng của Thánh Gioan, vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Nghe bài Thương Khó xong, cuộc đời Chúa Giêsu và sự nghiệp của Ngài xem ra như thất bại hoàn toàn, bằng chứng là cái chết ô nhục trên thập giá. Trước đó vài ngày, Ngài đã long trọng tiến vào Thành Thánh Giêrusalem, cỡi lừa con như lệ thường của bậc quân vương, trên con đường được lót bằng những tấm áo đủ màu sắc của bao kẻ sùng mộ, giữa muôn tiếng reo hò tung hô vạn tuế của đoàn người mọi giới với cành lá phất phới như cờ chiến thắng khải hoàn, chưa kể ba năm rao giảng Tin Mừng tràn đầy thành công vinh quang, danh thơm tiếng tốt, người người mến mộ. Nhưng giờ đây, Ngài lại kết thúc cách ô nhục trên thập giá, chịu đóng đinh như một đại tử tội giữa hai tên trộm cướp, bị các môn đệ thân tín phản bội trốn lánh, người người ruồng bỏ, giới lãnh đạo Do Thái khinh chê nhạo cười… Trong giờ kết đó, có một lời đáp ca được vang lên, trích từ Thánh Vịnh 21: “Ôi Thiên Chúa, ôi Thiên Chúa, sao Chúa đã bỏ con?” (c 2a) thật là ê chề não nùng! Một bài thánh ca được cảm tác từ đó: “Ôi lạy Chúa, sao Chúa im lặng, sao Chúa hững hờ, để con chết trong khung trời bơ vơ ?”. Những lời ấy được thốt lên từ môi miệng khô cháy nứt nẻ đầy thương tích của Chúa Giêsu trên cây khổ hình thập giá: “Eloi, Eloi, lema sabachtani!”, nghĩa là: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, tại sao Chúa bỏ con?”(Mt 27,46). Dường như Chúa Giêsu thấy mọi sự sụp đổ thảm hại trong hồi thương đau nhất của Ngài. Chúng ta thường nghĩ như vậy về Chúa Giêsu, vì theo tâm lý tự nhiên, con người Giêsu run giùng trước tột cùng đau khổ và cái chết của mình. Chẳng phải trước đó trong vườn Dầu, Ngài đã cảm thấy sức nặng kinh khủng của chén đắng này hay sao: “Lạy Cha, nếu được, xin cất chén đắng này khỏi con!” (Mc 14,36)? Dầu vậy, Chúa Giêsu đã cương quyết trong việc biến ý mình thành ý Chúa Cha. Suốt từ đêm Tiệc Ly, đến vườn Dầu cho đến trên thập giá, Ngài kiên cường trong việc tiếp tục chịu đau khổ cho đến cùng. Đặc biệt là Ngài nhất mực không kết án những kẻ kết án mình, mà ngược lại còn tha thứ và đoán ý lành cho họ khi dâng lên Chúa Cha lời cầu xin: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). “Lạy Cha, nếu được, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng đừng theo ý con, một xin theo ý Cha”, đó là lời cầu nguyện tuyệt vời mà Đức Cố Giáo Hoàng Biển Đức 16 suy tư trong cuốn sách Thiên Chúa Và Trần Thế: “Ở đây, tôi thấy như có một cuộc vật lộn giữa tâm hồn con người và tâm hồn Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Ngài thấy toàn bộ vực thẳm xấu xa và kinh hãi của kiếp người mà Ngài phải mang trên mình và phải trải qua. Ngài thấy nỗi kinh hoàng của gánh nặng đang đến với Ngài. Không chỉ cái sợ của giờ phút hành hình mà thôi, mà đó là cuộc đối diện với toàn bộ kinh hoàng và vực thẳm của vận mạng con người mà Ngài gánh trên vai. Cảm nhận đó của Ngài vượt xa những gì mà chúng ta có thể cảm nhận. Cả ta nữa, cũng có thể khiếp hãi, lúc đứng trước nỗi kinh hoàng của lịch sử con người, lúc nhìn vào vực thẳm hủy diệt con người khi họ chối từ Thiên Chúa. Nhưng lúc đó, đã có một “phản ứng hóa học” hiện hữu, theo cách nói của thần học gia Hy lạp Maximus Confessor. Nghĩa là, lúc đó ý muốn của Đức Giêsu nơi bản tính con người đã trở thành một với ý muốn của Chúa Con, và như vậy làm một với ý muốn của Chúa Cha. Toàn bộ sự đối kháng của bản tính con người chống lại sự chết và những gì khiếp hãi, đã toát lên trong lời cầu nguyện này. Đức Giêsu phải thắng vượt bản tính đối kháng của con người chống lại Thiên Chúa. Ngài phải vượt qua cơn cám dỗ làm trái ý Thiên Chúa. Ở đây, cơn cám dỗ đã đạt tới cao điểm, và rồi nó sẽ bị bẻ gãy để đưa tới tiếng xin vâng. Cuối cùng, ý Chúa và ý Người hòa tan vào nhau làm bật lên lời: “Nhưng đừng theo ý Con, mà theo ý Cha””. Xin một lời mời gọi mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi, khi gặp nghịch cảnh, chúng ta nên học theo cách ứng xử đó của Chúa Giêsu. Chẳng phải nhiều khi chúng ta cũng cảm thấy gánh nặng trong việc lắng nghe ông bà cha mẹ thầy cô hay bề trên, trong việc học hành, trong làm việc, trong đau đớn, bệnh tật, tai ương, thất bại, đói nghèo, thất nghiệp… Hãy thưa với Chúa Cha một lời giống như Đức Giêsu khi đối diện với nghịch cảnh: “Lạy Cha, những gì con đang trải qua thật nặng nề. Con muốn thoát khỏi thật mau. Nhưng con luôn xin vâng theo thánh ý Cha, vì điều đó là sự chọn lựa tốt nhất mà Cha dành cho con. Xin cho thánh ý Cha được thể hiện nơi con”. Và khi đó, ơn thánh Chúa sẽ tràn đổ, khiến chúng ta mạnh sức và vượt qua thử thách cách bình an, cả đến cái chết, theo tâm tình mà Thầy Giêsu đã nêu cao. Mặc khác, thử nghĩ xem lý do gì khiến chúng ta thua cuộc, sa ngã, thất bại khi đối phó với những thử thách khó khăn cám dỗ? Tông đồ trưởng Phêrô trong cuộc Thương Khó Chúa là một điển hình. Có thể nói vị tông đồ này được Thầy Giêsu tín nhiệm đặc biệt, thế mà lại sa ngã phản bội thảm thương. Thầy Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã nhắc trước: “Trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Thầy ba lần”. “Con ư, không, không đời nào!”, Simon Phêrô đã từng quả quyết như vậy với niềm tự mãn cao ngất không hề nhỏ. Thế nhưng, ông đã rơi vào thảm kịch chối Thầy liền sau đó, không chỉ một lần mà tới ba lần, không phải bởi kẻ có chức có quyền cưỡng ép mà là do những cô nữ tì hay đầy tớ vô danh trong sân vị thượng tế. Nên nhớ, Phêrô đã theo Thầy Giêsu trong những giờ phút này cách xa xa chứ không theo sát: “Phêrô theo Người xa xa cho tới dinh vị thượng tế” (Mt 26,58)! Ông không dám bước lại gần Thầy vừa bị bắt, đang bị hỏi cung trong dinh thượng tế Caipha, đang bị đánh đòn, đang chịu xỉ nhục đủ kiểu theo lòng thâm hiểm ác độc của con người, mà giữ khoảng cách an toàn xa xa. Vì theo Chúa xa xa, nên ông đã sa ngã nhiều lần và thậm tệ. Khi chối Chúa lần đầu thì Phêrô đã lui ra xa hơn, và vì xa Thầy dần dần nên đã chối Thầy liên tiếp. Chi tiết theo Chúa “xa xa” vẫn diễn ra hằng ngày nơi chúng ta hôm nay: Ai ở xa Chúa thì không thể đứng vững, họ sẽ rơi vào dịp tội và dần dần sa ngã thảm thương! Theo Chúa “xa xa” không chỉ hiểu về không gian, nhưng còn được hiểu về tấm lòng về khối óc. “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng chúng xa Ta” vẫn là câu chất vấn lương tâm các tín hữu Kitô . Vậy chúng ta hãy tiến sát lại gần Ngài. Khi đến sát bên Chúa Giêsu, lòng gần lòng, thì tinh thần của Ngài sẽ tỏa ra và thấu nhập vào trong ta. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tất cả những gì tốt lành thánh thiện trong tư tưởng, trong ý chí, trong trái tim, trong lời nói, trong hành vi cử chỉ của Ngài sẽ được thông truyền cho ta. Kể cả con đường thập giá Ngài đi chúng ta sẽ dự phần, chúng ta sẽ vác lấy, nhưng với lòng khiêm tốn và biết ơn, tin tưởng và phó thác, mạnh mẽ và kiên trì, để cuối cùng được thông phần vào vinh quang phục sinh của Đức Kitô. Thưa các bạn quý mến, Hãy cùng nhau theo Chúa Kitô bước vào thành Giêrusalem của mỗi người, cùng chết đi cho con người cũ, theo tinh thần của Đức Kitô, và mặc lấy sự sống mới của Ngài. Xin Đức Maria cầm tay dẫn dắt chúng ta bước vào mầu nhiệm Vượt Qua và cùng vượt qua với Thầy Chí Thánh. |