Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C
BÌNH AN CỦA CHÚA
       Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

 Thưa anh chị em,

Sống ở đời, ai trong chúng ta cũng cầu mong cho gia đình, cho đất nước và cá nhân luôn được bình an. Vì mong có sự bình an, nên ngày đầu năm mới chẳng những chúng ta cầu xin mà còn chúc cho nhau bình an, an khang, thịnh vượng. Vì mong có sự bình an, cho nên nơi các bến xe khách người ta để hàng chữ "Kính chúc quý khách thượng lộ bình an". Nếu là xe của người Công giáo thì có để ảnh tượng Đức Mẹ trên chỗ Cabin và kèm theo hàng chữ "Nữ Vương ban sự bình an". Là có ý xin Đức Mẹ phù hộ cho đi đến nơi về đến chốn được bình an.

Vì mong có sự bình an, cho nên trên những công trình xây dựng, người ta căng băng rôn có hàng chữ: “An toàn là trên hết”; “an toàn là bạn – tai nạn là thù”.

Chúng ta đang sống giữa một thế giới đầy văn minh khoa học hiện đại. Có thể nói là thành công trong nhiều lãnh vực, thế nhưng mà con người sẽ phải đối diện với những bất an bất ổn, và có những người cảm thấy lo sợ.

Chúng ta lo sợ về đồ ăn thức uống không được an toàn thực phẩm; lo lắng về bệnh tật tiền mất tật mang; lo sợ công ăn việc làm bấp bênh; lo sợ giá cả thị trường không ổn định; lo sợ tình nghĩa vợ chồng không chung thủy, lo lắng con cái hư hỏng. Chính vì thế ai cũng ước mong có một cuộc sống bình an.

Người ta thường quan niệm bình an là một trạng thái hồn an xác mạnh, đời sống an khang thịnh vượng. Bình an còn có nghĩa là được đầy đủ như ý muốn, không gặp điều gì rắc rối, buồn phiền. Thế nhưng, tất cả những trạng thái bình an trên đây chỉ là bình an tự nhiên bề ngoài theo quan niệm trần gian.

Còn bình an mà Đức Giêsu ban tặng cho các môn đệ trong đêm tiệc ly được ghi lại trong Tin mừng Chúa nhật hôm nay đó là Ngài không nói: “Các con ở lại bình an”, mà nói: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Ngay cả sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra, cử chỉ đầu tiên là Chúa chúc bình an cho các môn đệ.

Niềm bình an mà Đức Giêsu ban tặng là sự bình an chiến thắng tử thần. Ngài không còn chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Ngài nữa. Đây còn là niềm bình an của Đấng đã yêu thương nhân loại đến cùng, nên hy sinh mạng sống để đem lại nguồn bình an đích thực cho nhân loại.

Thánh Phaolô gọi đây là sự "Bình an của thập giá". "Nhờ giá máu Đức Giêsu đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Clx 1,20). Như vậy, niềm bình an của Đức Giêsu là sự bình an của lòng thương xót, bao dung, tha thứ, xóa bỏ mọi hận thù chia rẽ do con người gây ra.

Thế thì, làm sao để có được sự bình an của Chúa? Muốn có được sự bình an của Chúa, chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Chúa là Cha phép tắc và lòng lành vô cùng. Ngài làm được mọi sự và luôn làm điều tốt cho con cái mình. Vì thế, đừng quá lo lắng về của ăn áo mặt đồ dùng. Như Lời Chúa đã dạy: "Các con đừng quá lo lắng cho mạng sống mình lấy gì mà ăn, hay lo cho thân xác mình lấy gì mà mặc. Hãy xem chim trời chúng không gieo không vãi, không thu tích vào kho lẫm, thế mà Cha Ta trên trời vẫn nuôi chúng…(Mt 6,25-26). Vậy hãy luôn tín thác vào Chúa và bằng lòng với những gì mà Chúa đã an bài gửi đến.

Muốn có được bình an của Chúa, chúng ta cố gắng sống hiền lành và khiêm nhường, sống chan hòa tình thương với những người chung quanh. Nhịn nhục và tha thứ, đừng làm phiền lòng nhau, nhưng hãy nhường phần hơn, nhịn nết xấu, đoán ý lành cho nhau.

Muốn có được bình an của Chúa, chúng ta cố gắng sống với lương tâm ngay thẳng. Đừng vì một chút lợi lộc trần thế chóng qua này mà hơn thua nhau, làm cho lương tâm bất an bất ổn.

Anh chị em thân mến,

Mỗi khi cử hành Thánh lễ, rất nhiều lần chúng ta tha thiết xin Chúa ban ơn bình an và chúc bình an cho nhau. Đây không phải là một nghi thức phụng vụ, nhưng là hành vi biểu lộ sự tha thứ cho nhau. Chính khi chúng ta thật lòng tha thứ cho nhau qua nghĩa cử trao ban bình an, thì tâm hồn chúng ta mới có bình an trong Chúa, để rồi chúng ta mới có khả năng chia sẻ bình an cho người khác.  Chính vì thế, khi kết thúc thánh lễ, vị chủ tế chúc anh chị em đi về bình an. Có nghĩa anh chị em đã đón nhận chính Chúa Kitô là nguồn bình an trong Thánh lễ, thì hãy mang sự bình an đó về chia sẻ lại với gia đình và cho những người chúng ta gặp gỡ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an của Chúa. Xin Đức Mẹ là Nữ Vương ban sự bình an, ban niềm bình an của Chúa Kitô cho chúng con. Amen.