Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C |
ĐỂ THUỘC VỀ HỘI THÁNH |
Linh mục Thiên Ngọc CRM |
“Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22) Thưa các bạn thân mến, Cứ mỗi lần chúng ta tụ họp quanh vị chủ chăn thì Hội Thánh lại hiện diện. Hội Thánh tại giáo xứ, Hội Thánh tại giáo phận, Hội Thánh tại nơi này nơi khác, Hội Thánh hoàn vũ, là một cộng đoàn quy tụ những người cùng chịu một phép Rửa, cùng tuyên xưng một niềm tin, cùng thể hiện một đức ái và một niềm hy vọng. Điều này làm ta nhớ lại các Hội Thánh từ thời các tông đồ mà bài đọc một sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại (Cv 14,20-26). Các tông đồ đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, thiết lập Hội Thánh, và hôm nay, các ngài quay trở lại để củng cố đức tin, nâng đỡ, khích lệ và cắt đặt các vị kỳ mục lãnh đạo cộng đoàn để Hội Thánh được duy trì và phát triển. Như một khúc dạo đầu của một bản nhạc, Hội Thánh, mà chúng ta đang là chi thể, thật ra đang khai mào cho Trời Mới Đất Mới sẽ đến. Bài đọc hai trích sách Khải Huyền (Kh 21,1-5) muốn nói đến Hội Thánh tương lai đó. Theo Thánh Gioan tông đồ, Hội Thánh sau này tựa như Thành Thánh Giêrusalem từ trời ngự xuống, như Tân Nương xinh đẹp trong dung nhan và lộng lẫy trong trang phục để xứng đáng đón Tân Lang là Đức Kitô quang lâm. Nơi Hội Thánh này, không còn đau khổ, không còn tang tóc, không còn chết chóc, vì tất cả những gì cũ kỹ đã qua đi. Có cách nào, có bí quyết nào giúp chúng ta xây dựng và dự phần vào Hội Thánh viên mãn trong tương lai ấy? Bài Tin Mừng cho chúng ta câu trả lời. Chính Đức Giêsu Kitô, Đấng Sáng Lập Hội Thánh công bố bí quyết này. Đó là hãy thực thi tình yêu thương nhau: “Thầy truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Chúa Giêsu đã ban giới răn này trong một khung cảnh trang nghiêm đầy ấn tượng bằng những lời trịnh trọng: “Thầy truyền cho các con điều răn mới là hãy thương yêu nhau”. Chúa đã chọn buổi chiều sau cùng của đời Ngài, giây phút não nùng cảm động nhất để trăng trối ý muốn Ngài, là chúng ta phải thương yêu nhau. Trước đó Ngài đã quì xuống rửa chân cho từng môn đệ, hôn chân họ, như người nô lệ làm cho chủ. Ngài làm việc hèn hạ ấy để hầu hạ môn đệ, cốt ý để ai nấy nhớ mãi vẻ trịnh trọng của giờ phút lập giới răn yêu thương. Như thế chứng tỏ Ngài ôm ấp trong tim giới răn cao cả này và chờ đến lúc sắp lìa thế, Ngài mới long trọng công bố. Tất cả như muốn nói giới răn yêu thương là lựa chọn tối hảo, là giá trị nhất mà Ngài truyền lại cho đoàn môn đệ. Tìm hiểu thêm một chút rằng Chúa Giêsu mặc cho tình yêu thương những giá trị nào? Theo Cha Gioan Maria Đoàn Phú Xuân, nguyên Tổng Phục Vụ Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, trong Men Trong Bột, có viết: - Giá trị thứ nhất là giá trị thần bí. Chúa phán: “Đâu có hai ba người nhân danh Thầy mà hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20). Theo lời Chúa dạy, nơi nào có sự hiệp nhất yêu thương, nơi đó có Chúa, gia đình ấy trở nên nhà của Chúa và người ở đó được hưởng sự hiện diện đặc biệt của Ngài.Và hẳn là, ngược lại, nơi không có sự hiệp nhất, sẽ là nơi ma quỉ ngự trị và không có Thầy Giêsu ngự giữa. - Giá trị thứ hai là giá trị truyền giáo, hay là giá trị chứng tá. Chúa phán: “Nếu các con yêu thương nhau, thiên hạ sẽ cứ dấu ấy mà biết các con là môn đệ Thầy” (Ga 13,35). Sự anh em yêu thương nhau là dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô, và là động lực thúc đẩy người ta tin theo Phúc Âm. Đó là việc truyền giáo tốt nhất, vì nó làm chứng rằng Đạo ta là Đạo tốt lành. Thánh Polycapo, khi còn là ngoại đạo, ông đã đi lính. Một hôm quân đội của ông tới một miền quê, thiếu lương thực, được dân chúng vui vẻ cung cấp, ông hỏi thăm mới biết là những người dân tốt lành ấy là người giáo hữu của Đức Kitô. Sau này khi giải ngũ, ông đã tìm hiểu đạo Công giáo và đã trở lại, đi tu rừng và đã làm thánh. Nhờ gương bác ái của người Kitô hữu mà Giáo Hội lan rộng khắp dân nước. - Gíá trị tu đức là giá trị thứ ba, nghĩa là nó làm nên hồn sống của mọi nhân đức, mọi nhân đức phải qui về đức ái. Thí dụ: Giữ đức trinh khiết là để yêu mến cả gia đình nhân loại thay vì yêu thương một cá nhân. Giữ đức khó nghèo là để cảm thông và chia sẻ với cấp nghèo khổ cùng cực, giữ đức tuân phục là để bớt gánh nặng cho bề trên và mọi người hợp nhất nên một. Giữ đức công bằng là vì tôn trọng và yêu mến tha nhân. Nhân đức gì mà thiếu đức ái cũng méo mó, khô cằn, không đáng công bao nhiêu. Thiếu tình yêu: giữ đức trinh khiết là một sự ích kỷ, giữ đức hiền lành là sự nhu nhược, giữ đức khó nghèo là một nỗi cùng quẫn, chịu sự bách hại là hèn nhát, … - Nhân đức yêu thương còn có giá trị phục sinh như lời Thánh Kinh: “Vì ta thương yêu anh em, ta biết rằng mình đã biến từ cõi chết sang cõi sống” (Ga 3,14) và “Ai không yêu thương, sẽ phải chết” (1 Ga 3,13). - Sau cùng là giá trị thanh tẩy. Nhờ có đức ái ta được Chúa thứ tha tội lỗi: “Bác ái che lấp được tội lỗi” (1 Pr 4,8). Đến ngày phán xét, Chúa sẽ xử đoán ta theo đức bác ái, và tha thứ cho ta tùy ta tha thứ cho anh em: “Nếu các ngươi tha tội cho người ta, Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha tội cho các ngươi” (Mt 6,14). Và vì thế, ai làm việc bác ái nhiều sẽ không bị phán xét nặng nề. Có một người nọ cảm thấy bị xúc phạm quá nặng bởi người chị em của mình. Chị mất ngủ mấy đêm liền và mỗi khi nhớ lại lời nói cử chỉ của người ấy, lòng chị sôi trào sự tức giận, buồn tủi, bất an,…, hơn nữa chị kia kém tuổi chị,… Một cha nọ thấy tình trạng tội nghiệp ấy, nên đã nói với chị rằng mỗi khi chị nghĩ đến điều xúc phạm ấy, chị hãy thương xót mà cầu nguyện cho chị ấy, vì chị ấy đáng thương lắm, và cũng hãy cầu nguyện cho mình nữa. Chị đã vâng lời dùng toa thuốc đó, cứ mỗi lần nghĩ đến mà tức tối, chị đã cầm tràng hạt Mân Côi như cha ấy dạy và cầu nguyện như ý đó. Tuần sau thấy khá hơn chị đã hỏi cha còn toa thuốc nào nữa không, cha ấy nói toa ấy hay lắm chị cứ tiếp tục dùng. Chính Đức Maria giúp cho chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận tha nhân. Mỗi lần thực thi tình mến, là mỗi lần chúng ta phải chết đi con người tự nhiên để mặc lấy con người mới, con người coi đức yêu thương quan trọng bậc nhất trên mọi tư lợi, ích kỷ nhỏ nhen. Các bạn quý mến, Chúa Nhật 5 Phục Sinh trong Tháng Hoa kính Mẹ Maria này cũng là ngày Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV chính thức khai mạc sứ vụ kế vị Thánh Phêrô. Chúng ta cầu nguyện cho ngài được đầy tràn tình yêu, ơn khôn ngoan và sức mạnh Thánh Thần, để hướng dẫn Hội Thánh nên dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới, và giúp các dân nước sống trong hòa bình nhờ đón nhận tôn trọng nhau trong tình bác ái yêu thương. “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải thương yêu nhau. Chúa đã nhận giới răn yêu thương làm giới răn Chúa, Chúa lại mặc cho nó những giá trị vô song. Xin cho con hiểu biết giá trị cao quí của đức ái, để con say mê thực hành, hầu con được nên giống Chúa vì mỗi lần con làm gì cho người anh em, Chúa sẽ kể như con làm cho chính Chúa vậy. Xin Chúa làm cho con trở nên người anh hùng của đức bác ái, người tông đồ của đức bác ái đi tung vãi yêu thương khắp nơi, để mọi người sống yêu thương thuận hòa, khiến mọi hiềm khích phải tan biến và Chúa hiện diện khắp mọi nơi, muôn người đồng tâm nhất trí ca tụng Chúa. Amen” (Men Trong Bột). |
|