Chúa Nhật V Mùa Chay  - Năm C
SỰ IM LẶNG CỦA THIÊN CHÚA

Linh mục Thiên Ngọc, CRM

“Ta cũng thế, Ta không kết án chị. Chị cứ đi về, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11)

Thưa các bạn thân mến,

Với Chúa Nhật thứ năm này, Mùa Chay đã đến gần cuối đường. Việc sám hối canh tân, vì thế, lại càng vang vọng hơn bao giờ hết cũng chính là lời mời gọi da diết. Điều ấy được khắc sâu hơn nữa với Chúa Nhật 5 C Mùa Chay này. Vì hôm nay, Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu khoan dung tha thứ cho chúng ta, qua hành xử của Thầy Giêsu với những người Biệt phái đang gài bẫy Ngài, và với chị phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang mà họ đã dẫn đến trước mặt Ngài (x.Ga 8,1-11).

Quả vậy, Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên” (Tv 144,8-9.14). Đối diện với lời chất vấn của người Biệt phái rằng phải xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình này như thế nào, thì Chúa Giêsu đã chọn cách ngồi xuống đất, im lặng và dùng ngón tay viết trên đất. Một hình ảnh thật là lạ lùng! Ngài không trả lời ngay cho họ, mặc dù Ngài có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã giữ im lặng, một khoảng lặng thật là kỳ lạ, nhưng lại nói nhiều.

ý kiến cho rằng có lẽ Chúa Giêsu đang tìm cách kéo giãn thời gian để tìm câu trả lời. Nhưng e rằng không phải chỉ như thế. Thường người ta nói im lặng đồng ý, nhưng trong trường hợp này, im lặng của Chúa Giêsu thì ngược lại. Đó là cách nói lên Ngài không đồng tình với cách suy nghĩ của người Biệt phái: Họ vừa không thương xót, chỉ muốn kết án tử cho người thiếu phụ ngoại tình, họ vừa dùng chị như một công cụ để gài bẫy bắt bẻ Chúa Giêsu, bất chấp nỗi đau đớn và xấu hổ đang giày vò tâm hồn chị. Ngài đau khổ bởi sự dữ nơi con người. Và khi đau khổ lên đến cực điểm, sự im lặng là giải pháp cuối cùng.

Chúa Giêsu đau khổ trước sự tố cáo vô tâm và tàn độc của những người Biệt phái. Họ cho mình là người công chính và luôn kết án những người sai lỗi. Họ đã bắt quả tang người phụ nữ này phạm tội ngoại tình. Và họ dùng tội lỗi cùng sự đau khổ của người thiếu phụ ấy để gài bẫy Chúa Giêsu. Ngài buồn về thái độ bất bao dung và vô tâm tàn nhẫn ấy. Đâu phải họ không có tội? Nhiều lần Chúa Giêsu khuyến cáo họ. Họ giả hình giống như mồ mả tô vôi, đẹp đẽ bên ngoài mà bên trong đẩy xương thối rữa, hôi hám. Họ kiêu hãnh đặt mình lên trên người khác khi tìm chỗ nhất trong yến tiệc, ưa thích được chào hỏi nơi đường phố. Họ luôn tỏ mình là người công chính thánh thiện khi so sánh mình với những người thu thuế và kẻ tội lỗi. Họ cố đọc kinh cho dài để thu nhiều lợi... Điều đó làm cho Thiên Chúa ghê tởm, vì họ đã tôn mình lên mà cướp mất vinh quang của Thiên Chúa, giành quyền xét xử kẻ khác trong khi Thiên Chúa xét xử là Đấng nhân hậu từ bi và nhẫn nại, tôn thờ Thiên Chúa bằng môi miệng còn lòng dạ thì xa Chúa.

Chúa Giêsu im lặng là để mời gọi những người Biệt phái nhìn lại mình. Và, thật đáng mừng, vì họ đã nhận ra lời chất vấn của Chúa Giêsu, khi Ngài trả lời: Ai trong các ông là người sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi. Lúc ấy, họ bừng tỉnh vì thấy mình cũng đầy tội lỗi, cũng xấu xa, cũng đê hèn. Và họ hiểu được rằng không thể kết án người khác bởi vì mình cũng là người đáng bị kết án. Chúa dạy đừng kết án để khỏi bị kết án, chỉ có thông cảm bao dung thôi. Hành vi “rút lui từng người một, bắt đầu từ những người nhiều tuổi nhất” sau đó của họ nói lên sự xấu hổ và thức tỉnh lương tâm.

Chúa Giêsu im lặng, cũng là để cho người thiếu phụ ngoại tình cảm nghiệm sâu hơn tội lỗi của mình cùng những đau khổ phải chịu do tội ấy gây ra. Sự im lặng của chị hòa một với sự im lặng của Chúa. Ra vậy, cần phải có những khoảng lặng trong cuộc đời đối diện với Chúa, con người mới nhận ra những yếu đuối lỗi lầm, những bất trung thất tín, những phóng túng theo dục vọng, buông xuôi theo đam mê xác thịt,…. Phải có những giây phút thinh lặng gần bên lòng Chúa, chúng ta mới nhận ra vẻ đẹp của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng giàu nhân ái khoan dung mà chính mình lại là người môn đệ của Ngài. Cần phải có những giây phút thinh lặng hồi tâm thánh thiêng mới đưa tội lỗi ra ánh sáng, gọi hối hận ăn năn về và mở lòng đón lấy lời mời gọi bước vào con đường mới là bước theo Chúa Kitô, một đời sống đích thực của người Kitô hữu: Đây Ta s làm những cái mới, và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết. Ta sẽ mở đường trong hoang địa, khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta; vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống. Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta” (Bài đọc 1, Is 43,19-21).

Và viết trên đất, thử hỏi Chúa Giêsu viết gì vậy? Chúa viết về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, rằng Ngài là tình yêu, và Ngài muốn viết trong trái tim ta. Chúa viết những tội lỗi của con người, viết về những sự dữ trong mỗi người chúng ta, và Ngài viết chúng trên mặt đất cát. Viết trong tâm hồn để khắc sâu, nhưng viết trên đất sẽ nói lên rằng tội lỗi của chúng ta dễ dàng được tẩy xóa, như sóng trùng dương tình yêu xô bờ cát xóa đi mọi dấu vết trên đó. Chẳng phải là Chúa xem nhẹ tội lỗi, bởi chính Ngài đã gánh lấy mọi tội lỗi của nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế và hủy diệt nó bằng sự chết của Ngài.

Ngài còn viết trên đất rằng điều cần thiết giờ đây là phải xa tránh tội lỗi. Cho nên, lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với người phụ nữ khi Ngài thương xót bao che cho chị,: Ta không kết án chị, hãy đi về và từ nay đừng phạm tội nữa. Đừng phạm tội nữa: Chúa tha thứ nhưng không dung túng, không xem nhẹ, trái lại Ngài mời gọi phải có một thái độ dứt khoát với tội lỗi.

Thường thì tội lỗi xuất phát từ việc con người si mê những sự giả trá ở đời này. Say mê danh vọng sẽ dẫn đến tội kiêu căng, tự mãn, tự phụ hoặc thất vọng, tự ti. Si mê xác thịt sẽ dẫn đến dâm loàn làm ô uế bản thân và người khác, hoặc biếng lười việc lành, hoặc mê say ăn uống. Si mê tiền của sẽ làm cho lệch hướng sự tôn thờ: người ta sẽ tôn thờ nó như chúa tể, không còn thờ phượng Thiên Chúa và giữ nghĩa cùng Ngài, cũng như khép kín tâm hồn trước tiếng gọi chia sẻ cho những ai túng nghèo. Vì vậy, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Thưa anh em, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và tôi coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Đức Kitô và được ở trong Người. Được như vậy, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin, để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết sống lại” (Bài đọc 2, Pl 3,8-10).

Các bạn quý mến,

Quyết tâm xa tránh tội lỗi, quyết tâm không phạm tội nữa, quyết tâm sống cuộc đời công chính, vẫn là một điều không dễ vì ý chí chúng ta đã ra yếu nhược do tội nguyên tổ và tội riêng mình. Để củng cố sức mạnh ý chí, chúng ta cần luôn nghĩ về tình yêu nhẫn nại khoan dung của Chúa. Nhìn đến lòng thương xót của Thiên Chúa, để có lòng tri ân sâu xa như tâm tình của người phụ nữ ngoại tình được tha, và nhìn đến bản thân mình như những người Biệt phái được ơn Chúa soi sáng hoán cải, để khiêm nhường hối hận và quyết tâm sửa chữa, đó là những điều được chỉ bảo cho chúng ta trong thời gian còn lại Mùa Chay thánh hồng phúc này.

Nhờ Đức Maria và Thánh Giuse, chúng ta thưa lên Chúa tận đáy lòng:

“Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ. Bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai ra đi trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa” (Đáp Ca, Tv 125,1-6).