Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C |
NGUỒN SỐNG PHỤC SINH |
Linh mục Thiên Ngọc, CRM |
“Đây là ngày Chúa đã lập ra, nào chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó” (Tv 117,24) Thưa các bạn thân mến, Hội Thánh đã dành năm mươi ngày từ Chúa Nhật Phục Sinh đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, để mừng đặc biệt mầu nhiệm Chúa Phục Sinh với một niềm hân hoan phấn khởi dạt dào khôn tả, xem như thời gian này là một lễ duy nhất, một Đại Chúa Nhật mừng Chúa Phục Sinh. Trong đại lễ Chúa Phục Sinh hôm nay, chúng ta cùng nhập đoàn với các phụ nữ năm xưa, là những người đầu tiên đã đến viếng mồ Chúa, và hòa mình vào những tâm tình cảm xúc của các thánh nữ ấy dành cho Ngài trong thời khắc đặc biệt này. Tin Mừng nêu rõ tên các chị đó là Maria Madalêna, Maria, mẹ của Giacôbbê và bà Salômê (x.Mt 28,1; Mc 16,1; Lc 24,1/lễ vọng; Ga 20,1/lễ ngày). Các chị ấy sáng lên thật đẹp. Nên nhớ họ đã vội vã đến mồ từ sớm, lúc trời còn mờ mịt mù sương, ngay sau ngày Sabbat kết thúc,.... Tự nhiên chúng ta không khỏi thắc mắc điều gì đã thôi thúc họ? Tại sao họ lại nôn nao đến thế? Làm sao họ, vốn thân phận chân yếu tay mềm, có thể làm được gì trước tảng đá to lấp kín cửa mồ, để vào ngôi mộ? Họ đến mồ từ sớm để làm gì và được gì, dù biết rằng trong ngôi mộ là một con người đã chết !?! Chúng ta có thể nhìn vào bản thân để tìm câu giải đáp. Khi yêu, chúng ta dễ thường bất chấp mọi sự, đến nỗi “con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết” (Pascal). Càng yêu thì càng khao khát được gặp gỡ, được ngồi bên, được làm mọi việc cho người mình yêu. Yêu là hướng đến người yêu chứ không hướng vào mình. Trong tình yêu, sự ích kỷ hay vị kỷ không có chỗ đứng, chỉ có sự xả kỷ quên mình lên ngôi. Tự thâm sâu, sở dĩ ta yêu ai là vì người ấy làm thỏa mãn những khát vọng của con tim mình. Và như thế, khi đang yêu, thì lẽ sống, niềm vui và hạnh phúc của ta chính là người yêu ấy. Các phụ nữ ấy đã yêu mến Chúa Giêsu như thế khi Ngài còn sống, và dù Ngài đã chết, các bà các chị vẫn luôn yêu Ngài, và càng yêu Ngài hơn bao giờ hết. Chúa Giêsu là con người như thế nào mà khiến các bà các chị và nhiều người mến yêu đến thế? Cha Leopold Beaudenon nói về con người Giêsu trong cuốn sách Luyện Đức Khiêm Nhu (dịch giả Lm Gioan M. Đoàn Phú Xuân, nguyên Tổng Vụ Dòng Đồng Công): Chúa Giêsu là người đẹp nhất trong các con cái loài người: huyết nhục rất trinh trong và thánh thiện, tâm trí không hề mắc ảo tưởng, tấm lòng làm chủ mọi hành vi, cái nhìn gây phấn khởi, lời nói gây thuyết phục, lòng tốt lôi cuốn, không một nết hư khuyết điểm làm Ngài lây nhiễm, các nhân đức và các đặc ân chói sáng nơi Ngài với tất cả ánh sáng chói chang của nó, tri thức Ngài bao trùm mọi thụ tạo, phẩm cách Ngài tuyệt đối vô cùng, linh hồn và thân xác Ngài hiện hữu trong ngôi vị Ngôi Hai Thiên Chúa, trên trời các thiên thần phủ phục, dưới đất mọi thụ tạo vâng phục, trong tương lai mọi thời đại hôn kính vết chân Ngài, và mọi công cuộc tận tụy nhất vươn lên theo gương Ngài… Khi nhìn ngắm Chúa Giêsu và rồi nhìn lại thân phận con người, chúng ta có thể nghiệm ra bản thân mình thật tồi tàn, sánh như một mảnh đất khô cằn đang khao khát giọt nước, như một hoang mạc nóng cháy đang kêu gọi cơn mưa. Chúng ta đang cần một nguồn sức sống, một sức sống lâu bền vĩnh viễn, thay cho những cũ kỹ nghèo nàn. Vẫn phải tự hỏi mình tôi múc nguồn sự sống ấy từ đâu, để bổ dưỡng cho thân xác và mảnh hồn bất toàn khiếm khuyết của mình đang khắc khoải trông mong? Chỉ duy nhất có Chúa Giêsu Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Nhớ lại lời Thầy Giêsu, Đấng là sự sống và là lẽ cậy trông của nhân loại mọi thời: “Ta đã đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Vậy Ngài đã làm gì để thỏa khát vọng thâm sâu của kiếp người chúng ta? Thưa, là chính trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, mà Ngài hiến trao sự sống cho muôn người trong thế giới này, từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Hãy nhận ra sự sống thần linh ấy được hiến trao mỗi ngày qua cái chết của Đức Kitô như hạt lúa mì gieo vào lòng đất chết đi, và qua sự sống lại của Ngài như hạt lúa mì sau đó trổ sinh nhiều bông hạt. Như vậy, sự sống, niềm vui và hạnh phúc của mỗi người phát sinh từ sự hiến mình trong cuộc Thương Khó và sự khải hoàn vinh hiển của Đấng Phục Sinh. Thế nhưng, đâu phải mọi người đều có thể lãnh nhận được Nguồn Sống ấy. Nếu những cánh cửa cứ đóng kín hoài thì ánh sáng bình minh rạng ngời và không khí trong lành ban mai sao có thể ùa vào? Đức Giêsu Phục Sinh chỉ thông ban chính mình cho ai khiêm nhu, say mến, khát khao Ngài. Chính Ngài khao khát các tâm hồn khi ngày ngày kéo dài sự hiện diện âm thầm trong Cung Thánh nơi nơi. Chẳng phải đó là dữ kiện tâm hồn bừng lên như ánh bình minh nơi các chị phụ nữ đã đến viếng mồ Chúa Tử Nạn buổi sáng hôm ấy? Họ khiêm nhu, họ yêu mến, họ chỉ muốn ngắm nhìn, khát khao gắn bó, say sưa yêu thương, dầu cho Đức Kitô có chết cách sỉ nhục vô lường và chỉ còn là thân xác bất động nát tan vì thương tích trong một nấm mồ đóng kín... Và phải chăng việc chạy đến mồ Chúa từ sáng sớm của các chị bất chấp mọi lý lẽ, là hình ảnh của lòng tin yêu Thánh Thể, say yêu Thịt Máu Đấng đã hiến mình trên thập giá và trao ban cho nhân loại? Một lần nữa, chúng ta lại nhìn mình và tự hỏi: Trong cuộc sống xô bồ nhiễu nhương hôm nay, đâu là kho tàng mà lòng bạn và tôi đắm say, trong đó ánh sáng, sức mạnh, niềm vui, mê say, hạnh phúc, tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời? Đối với chúng ta hôm nay, đó phải là Chúa Kitô Phục Sinh, mà Thánh Thể Ngài vốn là sự hiện diện thần linh ban ơn cứu độ, là của ăn đàng, là lương thực cao sang, là kho tàng vô giá không chi sánh bằng, mà bạn và tôi được ban tặng cách nhưng không, trong cuộc hành trình mình theo dòng lịch sử. Thưa các bạn quý mến, Cũng như bạn, mỗi khi đón nhận một món quà, tôi và bạn cũng đều dạt dào vui sướng hạnh phúc vì thấy mình được quan tâm, được yêu mến. Xin cho lòng mình luôn khắc khoải khát mong để được tràn đầy khi đón nhận Thịt Máu Chúa vào lòng, cũng là đón nhận chính Đấng Phục Sinh, nguồn sống muôn đời bất tận. Và trong niềm tri ân sâu sắc miên man, xin cho chúng ta được biết sống dồi dào trong cuộc đời nhân chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Xin cho cuộc Vượt Qua của Người biến đổi cuộc sống của chúng ta, cho xứng với Ân Ban Giêsu vô cùng cao quý ấy. Cuối cùng, xin cho tinh thần của Đức Maria ở trong chúng ta để phụng sự Chúa Kitô, và xin cho tâm hồn của Mẹ ở trong chúng ta để luôn yêu mến Ngài. “Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi Người còn muôn thuở” (Tv 117,1) |
|