Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C |
GIẤC MƠ HOANG |
Linh mục Thiên Ngọc CRM |
“Hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 33,9) “Tôi Có Một Giấc Mơ” là bài diễn văn nổi tiếng nhất của mục sư Martin Luther King, về những ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ông đã đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng Niệm Lincoln trong cuộc tuần hành đến Washington ngày 28.8.1963, vì việc làm và vì tự do mà phong trào Dân Quyền Mỹ khởi xướng. Đỉnh điểm của bài diễn văn này là khi ông bày tỏ ước mơ về quyền tự do và bình đẳng: "Tôi có một giấc mơ, là một ngày nào đó đất nước sẽ chỗi dậy và sống đúng với lời hứa của mình: Chúng ta luôn giữ vững những sự thật này như chân lý hiển nhiên: mọi người sinh ra đều bình đẳng. - Tôi có một giấc mơ, là một ngày nào đó trên những ngọn đồi đất đỏ ở Georgia, con của những nô lệ cũ và những người chủ cũ sẽ có thể ngồi lại với nhau, coi nhau anh chị em. - Tôi có một giấc mơ, là một ngày nào đó, ngay cả tiểu bang Mississippi, nơi vốn đang ngột ngạt vì bị áp bức và bất công, sẽ biến đổi thành một ốc đảo của tự do và công bằng. - Tôi có giấc mơ, là một ngày nào đó bốn đứa con nhỏ của tôi sẽ được sống trong một đất nước mà chúng sẽ được đáng giá qua chính con người của chúng chứ không phải là màu da. - Tôi có một giấc mơ, là một ngày nào đó ở Alabama, nơi có những thành phần phân biệt chủng tộc, nơi vị thống đốc nắm quyền luôn miệng xen vào cuộc sống của người khác và nói về quyền vô hiệu hóa, mọi đứa trẻ da màu và da trắng sẽ có thể cùng nắm tay như anh chị em". Những phát biểu lay động lòng người đó đã góp phần dẫn đến Đạo luật Dân Quyền năm 1964 dưới thời tổng thống Lyndon Johnson, quy định cấm phân biệt đối xử vì chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính trên khắp nước Mỹ. Đó quả là những ước mơ hướng đến những điều tốt đẹp cho người khác, còn Tin Mừng Chúa Nhật 4 C Mùa Chay Lc 15,1-3.11-32 lại cho ta thấy có những ước mơ khác của một chàng trai, đó là những ước mơ để thỏa mãn những dục vọng của bản thân mình. Những điều ấy được diễn tả trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về một gia đình giàu có với người cha và hai đứa con. Dụ ngôn này được gọi là dụ ngôn “người cha nhân hậu” khi nhắm đến lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa, nhưng cũng gọi là dụ ngôn “người con hoang đàng” khi nhắm đến sự khốn cùng của con người. Lòng thương xót của Chúa trải dài từ đời nọ sang đời kia (Lc 1,50), là vì Ngài hằng thương cảnh thường tình yếu đuối lầm than cùng khốn tội lụy của con người. Nhưng mấu chốt vẫn là phải nhìn thấy mình tồi tệ khốn nạn như thế nào qua hình ảnh người con thứ mà Chúa Giêsu đã phác họa bằng vài đường nét, tuy chấm phá nhưng lột tả sâu sắc thân phận con người. Hãy nghĩ đến người con thứ với những giấc mơ bất chính của chàng. Khi còn ở nhà cha, hẳn anh đã có ước muốn sở hữu gia tài từ lâu, và đến lúc không kiềm nén được, anh đã xin cha chia gia tài cho mình. Theo luật Do Thái, người cha có thể phân chia gia tài khi ông muốn nghỉ ngơi hoặc là khi mình chết. Nhưng dường như có một sự vô tâm trơ tráo nơi anh ta khi đề xuất việc phân chia gia tài. Vô tâm vì “mọi sự của cha là của con” kia mà, trơ tráo vì yêu thích của cải đến mức chỉ nghĩ đến công lao cỏn con nếu có của mình mà quên rằng do cha tất cả. Nhưng sau khi sở hữu của cải giàu sang phú quý và phung phí trong tiệc tùng ăn chơi hưởng thụ, anh lại trở nên một con người nghèo khổ nhất xã hội, đến mức phải làm người chăn thuê, và phẩm giá anh xuống tới tận cùng bằng số khi muốn ăn cám heo cho đỡ đói mà cũng không được! Khi còn ở nhà cha, hẳn anh tưởng nghĩ rằng đây là cuộc sống thiếu tự do, cuộc sống tù túng, trong khi mình cần phải thể hiện bản thân, phải thoát ra khỏi sự lệ thuộc nhười cha, khỏi xiềng xích của lễ nghĩa gia phong đạo giáo. Anh nghĩ mình là một con chim cao quý bay xa mà lại bị nhốt trong lồng. Anh không thích vâng lời chút nào! Thế nhưng sau khi ra khỏi nhà cha, không lâu anh đã trở nên một người nô lệ: nô lệ cho đam mê dục vọng thấp hèn, nô lệ cho tội lỗi, nô lệ cho ma quỷ. Anh không còn làm chủ được mình nữa! Ông chủ của anh bấy giờ là cái bụng qua tiệc tùng liên miên. Ông chủ của anh là những cơn say lúy túy. Bà chủ của anh là những vòng tay trói buộc của tình nhân! Anh không còn làm chủ được nữa, chỉ còn làm đứa đầy tớ chăn heo, nô lệ cho chủ nhân thuê mướn mình! Khi còn ở với cha, hẳn lòng anh lúc nào cũng nghĩ đến thỏa mãn đam mê xác thịt. Khi ra khỏi vòng tay yêu thương của cha già, anh đã đi tìm hoan lạc nơi những bóng dáng yêu kiều tha thướt, tiêu tiền của không ít để mua vui thâu đêm. Và những nàng tiên ấy đã hứa chung thủy với anh mãi mãi… Nhưng có lẽ một sự thực vẫn thường diễn ra nơi tâm hồn anh là những cảm giác trống rỗng và tội lỗi sau đêm dài trụy lạc. Nhất là khi sạch tiền rỗng túi thì thế thái nhân tình xoay chiều 180 độ, đã như không cánh mà bay khuất xa… “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn sẽ không hổ ngươi bẽ mặt” (Tv 33,6). Sau tất cả những cùng khốn ấy, anh con thứ đã có một giấc mơ khiêm tốn hơn, là quay trở về xin lỗi cha và xin được làm người đầy tớ: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng làm con cha nữa, xin cha coi con như một người làm công cho cha vậy” (c 18-19). Đây là một ước mơ đẹp, vì không những anh nhìn nhận tội lỗi tày trời của mình, mà còn được tha thứ khi đứng lên trở về với cha, còn được phục hồi nguyên vẹn địa vị và phẩm giá làm con của mình. Chàng ta chưa kịp nói hết ý thì người cha đã vội vàng lên tiếng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c 22-24). Ngẫm nghĩ lại, chàng con thứ đó là hình ảnh của nhân loại chúng ta, đầy những khuynh hướng của bản tính tự nhiên là tham sân si hoành hành lôi cuốn, như có lời thánh Gioan Tông đồ xác quyết: “Mọi sự ở thế gian là ham muốn của con mắt, đam mê xác thịt và kiêu hãnh về đời sống. Tất cả những điều đó không phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng từ thế gian. Mà thế gian qua đi cùng với các dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1Ga 2,16-17). Có tội lỗi nào mà không được tha khi con người thật lòng thống hối vì xúc phạm đến Chúa và tha nhân hay làm hoen ố phẩm giá là con Thiên Chúa: “Hôm nay, Ta sẽ cất sự dơ nhớp của Ai Cập ra khỏi các ngươi” (Bđ 2, Gs 5,9). Có vẻ đẹp và hạnh phúc nào lại không được ban tặng một khi con người quay gót trở về tình Cha: “Nếu ai ở trong Đức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới” (Bđ 2, 2Cr 5,17). Thưa các bạn quý mến, Mùa Chay là mùa trở về để tái sinh, để phục hồi. Xin Đức Maria và Thánh Giuse giúp chúng ta cùng thực hiện một giấc mơ này: Mơ trở về với Chúa Muôn héo úa tan mau Là thoát kiếp ve sầu Tươi đẹp màu ân phúc ! Cho con một giấc mơ say Mơ về bên Chúa và say tình Ngài... |
|