Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C |
HÃY CHÁY BÙNG LÊN |
Linh mục Thiên Ngọc CRM |
“Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15) Các bạn thân mến, Có một lời của Thầy Giêsu vẫn gây ấn tượng trong tâm hồn người nghe, đó là “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy bùng lên” (Lc 12,49). Ngọn lửa ấy là gì mà Đức Giêsu Kitô đã đem vào thế giới chúng ta và Ngài khát mong nó cháy bùng lên? Đến trang cuối cuộc đời mình, trước khi từ biệt các môn đệ để về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã cho ta câu trả lời khi hỏi tông đồ Phêrô: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15). Thưa, đó là ngọn lửa tình yêu: yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Giêsu hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn và yêu thương người khác như yêu chính mình (x.Mt 22,37.39). Yêu Chúa và yêu người, đó là câu tóm tắt tất cả mọi lời mà Thiên Chúa phán dạy để chúng ta đạt tới sự viên mãn của kiếp người. 1. Hãy nghĩ đến lệnh truyền yêu người. Nhìn và ở thế giới hôm nay, chiến tranh, khủng bố, bạo lực, đói nghèo… đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, làm chúng ta tự hỏi: có phải sự dữ đã lên ngôi thay thế cho sự lành, cái ác đã đè bẹp sự thiện? Cũng có lúc các dân tộc hòa thuận với nhau, nhưng dường như điều ấy mong manh dễ vỡ! Cũng có lúc con người nói cho nhau những lời tử tế yêu thương, nhưng dường như những lời xúc phạm manh động vẫn dễ dàng lẻn vào thay thế! Trong đời sống xã hội hay gia đình, tình yêu, lòng trung tín và lòng chung thủy vốn là dây ràng buộc, nhưng có lúc dây nhợ rã tung, không thể nối kết gắn hàn! Tình yêu nhân loại sao mà khó bền vững đến thế! Phải chăng cái tình nhân loại ấy không có nền tảng? Một ngôi nhà xây trên nền đất nền cát sẽ sụp đổ tan tành khi mưa to, gió lớn, nước lũ quét càn. Một ngôi nhà xây trên nền móng vững chắc, xây trên nền đá sẽ vững vàng dù mưa sa, nước cuốn, bão táp ập vào (x.Mt 7,24-27). Nếu nền yếu móng mềm, thì thật khó cho sự bền vững của ngôi nhà, dù chưa cần đến bão táp, lũ cuốn, mưa sa. 2. Hãy nghĩ đến lệnh truyền yêu mến Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa, vì thế, phải chăng là móng nền vững chắc mà chúng ta nên có và phải có, có đến mức cao độ, để ngôi nhà bình an mà con người, gia đình, cộng đoàn và các dân tộc hôm nay khát mong được hiện diện và mãi mãi trường tồn? Thầy Giêsu đã nói đến giới răn quan trọng chính yếu đó, cũng như chỉ ra mấu chốt cho vấn đề, chính là từ “hết”. Thật vậy, trong giới răn trọng đại mến Chúa yêu người mà Thầy Giêsu đã trả lời cho các tiến sĩ luật Do Thái, từ “hết”, được lập đi lập lại ba, bốn lần: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12,30 ; Lc 10,27). Theo nghĩa, “hết” là đến mức cao nhất, không thể hơn được nữa, trọn vẹn, tất cả, đỉnh điểm cuối cùng. Như thế, yêu Chúa hết lòng hết sức hết trí khôn hết linh hồn, có nghĩa là yêu đến mức cao nhất, yêu trọn vẹn, yêu tận cùng, yêu trong mọi tư tưởng, yêu trong mọi lời nói, trong mọi hành vi, trong mọi nơi, trong mọi giây phút, trong mọi cảnh trạng thể xác tâm hồn, yêu đời này, yêu đời sau,… Á thánh Anrê Phú Yên, Đấng anh hùng tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Việt Nam, đã diễn tả vừa cao siêu vừa mộc mạc chữ “hết” đó cho những tín hữu theo ngài ra pháp trường vào ngày 16.7.1644 : “Hãy đem tình yêu đáp trả tình yêu, hiến dâng mạng sống đáp đền mạng sống. Anh chị em ơi, hãy yêu mến Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”. Có lẽ ít nhiều chúng ta chưa để ý đến từ “hết” trong lệnh truyền của Chúa Giêsu, một lệnh truyền của Thiên Chúa từ ngàn xưa đã được Môisen nói với dân Do Thái trong giai đoạn 40 năm xuất hành khỏi Ai Cập, và được Chúa Giêsu nhắc lại cách long trọng. Có thể vì yêu Chúa đến mức “hết” như thế thật là khó, bởi lẽ chúng ta thường yêu thích những gì thuộc trần thế hơn. Cũng có thể vì tinh thần thế gian đã gieo một ảnh hưởng không nhỏ trong suy nghĩ và cách hành xử của con người. Người ta dễ dàng xem nhẹ tội vì cho rằng chỉ là để đáp ứng bản năng tự nhiên của con người. Người ta dễ muốn thay đổi truyền thống của Hội Thánh được lưu truyền hơn hai ngàn năm vì cho rằng đã không còn hợp thời nữa, kể cả thay đổi giáo huấn của Thiên Chúa nơi Kinh Thánh. Người ta cho rằng yêu Chúa tương đối thôi, vì sức người làm sao yêu tuyệt đối được, mà quên rằng Chúa đã yêu thương chúng ta “đến mức tận cùng” (Ga 13,1). Con người có giới hạn, nhưng nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể yêu Ngài đến cùng với tất cả hữu thể của mình. Thế gian cho rằng làm sao có thể yêu kẻ dữ người xấu bọn địch, yêu như vậy là chuốc họa vào thân, là dại; chỉ nên yêu người tử tế, dễ thương, đối xử tốt với mình, làm ơn cho mình,… Như thế là đã quên đi hình ảnh, lời dạy và gương yêu thương của Đức Giêsu đối với người khốn khổ, tội lỗi, nhất là với những kẻ vu khống, kết án, sỉ nhục, đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Ngẫm nghĩ lại, tình yêu mới là điều kiện cần và đủ để chúng ta và toàn thế giới sống hạnh phúc bình an. Vì vậy, hãy “dùng mọi cố gắng để yêu mến Chúa và Đức Mẹ trong mọi việc làm hằng ngày, nghĩa là làm việc gì cũng là vì lòng yêu mến, và gia tăng tình yêu ấy bằng cách làm mọi việc, từng việc cho thật tử tế vì yêu Chúa mến Mẹ” (Luật Toàn Thiêu Dòng ĐC). Hẳn là bạn cũng biết rằng Chúa chẳng quan tâm nhiều đến số lượng, vẻ lớn lao, sự khó nhọc của các việc chúng ta làm hay chịu đựng, Ngài quan tâm đến tình yêu được ướp đượm khi làm, khi chịu đựng đó. Ngài phán xét dựa trên tiêu chuẩn tình yêu (x.Mt 25,31-46). Chị Thánh Nhỏ Têrêsa nói: “Không có tình yêu, các hành vi, dù sáng chói nhất, cũng không đáng kể gì!”. Thưa các bạn quý mến, “Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15). Xin cho câu hỏi thật nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của Chúa Giêsu, hỏi tới ba lần, đến tông đồ trưởng Phêrô trước khi rời xa các ông lên Trời, vẫn vang vọng trong tâm hồn và thúc bách chúng ta đáp trả, đáp trả tới mức trọn vẹn, tận cùng và cao đẹp nhất. Tháng Hoa đã về, chúng ta xin Mẹ Maria giúp chúng ta luôn tăng bội tình yêu Chúa Kitô, luôn hợp nhất với Chúa Kitô bằng một tấm lòng chân thành và quảng đại, chẳng quản ngại một hy sinh nào, kết hợp với Chúa Kitô như tri kỷ, như thầy dạy và bạn đường tuyệt hảo duy nhất trong đời sống và sứ vụ tông đồ, đó phải là sự quan tâm duy nhất, lòng ước nguyện và khát vọng độc nhất của chúng ta. Khi đó, tình yêu người lớn lên song song cùng với tình yêu Chúa Kitô. |
|