Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C |
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA |
Linh mục Thiên Ngọc, CRM |
“Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng nghi ngờ nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27) Thưa các bạn quý mến, Trong ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, chúng ta hợp mừng một đại lễ: đại lễ suy tôn Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vào năm 1931, Chúa Giêsu đã hiện ra với một chị nữ tu người Ba Lan tên là Faustina. Trong một thị kiến, chị đã nhìn thấy Chúa Giêsu trong trang phục trắng, tay phải giơ lên ban phép lành, tay trái chạm vào trái tim và nơi đó phát xuất ra hai luồng ánh sáng xanh và đỏ: luồng xanh nhạt tượng trưng Nước thanh tẩy, luồng đỏ tượng trưng Máu ban sự sống. Chúa Giêsu chọn Chị làm tông đồ và thư ký của Lòng Thương Xót, dạy Chị nhờ người vẽ lại hình ảnh đó với dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” và phổ biến lòng thương xót Chúa, để nhân loại tín thác vào lòng thương xót Chúa. Giáo Hội rất thận trọng với mạc khải tư. Nhưng dường như để đóng ấn cho sứ điệp tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa được mạc khải cho chị Fautina là chân xác và khẩn thiết, qua một thời gian ngắn điều tra theo luật của toà án phong thánh, ngày 30.4.2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chị lên bậc hiển thánh và thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa. Nhưng tại sao Thánh Giáo Hoàng lại chọn Chúa Nhật II Phục Sinh làm lễ suy tôn Lòng Thương Xót Chúa? Chúng ta biết Lời Chúa hôm nay nói đến biên cố Chúa Giêsu hiện ra lần hai với các tông đồ và tỏ cho Tôma thấy vết thương trên bàn tay và cạnh sườn Người trong cuộc tử nạn. Các vết thương ấy vẫn còn hiện hữu dù Người đã sống lại từ cõi chết. Thánh Gioan Phaolô II giải thích: Đức Kitô đã sống lại. Tuy nhiên, ngay cả trong vinh quang của Con Thiên Chúa Phục Sinh, thập giá vẫn không thôi hiện diện qua các dấu đinh trên tay và cạnh sườn, thập giá này hay các dấu đinh nơi bàn tay và cạnh sườn, vẫn nói và không bao giờ thôi nói về Thiên Chúa Cha là Đấng luôn luôn trung thành với tình thương đời đời của Ngài đối với con người, vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tin vào Chúa Con đã bị đóng đinh vào Thập giá có nghĩa là “xem thấy Cha”, có nghĩa là tin rằng tình thương có mặt trong thế gian và tình thương này mạnh hơn những sự dữ đủ mọi hình thức mà con người, loài người và thế gian đã chìm vào. Tin vào một tình thương như thế có nghĩa là tin vào lòng thương xót (Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, Dives in misericordia, số 7). Lòng Thương Xót của Chúa là gì? Khi học hỏi về Thiên Chúa, các nhà thần học đã trình bày Thiên Chúa có nhiều ưu phẩm (thuộc tính): Ngài là Đấng đơn giản - đơn nhất - chân thật - tốt lành; vô cùng - vô biên - bất tận - hằng hữu; toàn năng, thượng trí - quan phòng; tình yêu - thương xót - công bằng,… Trong đó, ưu phẩm nào là nhất? Chắc chắn phải là ưu phẩm tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu: Deus est caritas” (1Ga 4,16). Thế nhưng chiều kích thiết yếu của tình yêu lại chính là lòng thương xót. Cũng như tên gọi thứ hai của tình yêu là lòng thương xót. Nhiều nhà thần học quả quyết rằng lòng thương xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa, sự hoàn hảo cao cả nhất của Ngài. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích: “Lòng thương xót là chiều kích thiết yếu của tình yêu, vì lòng thương xót giống như tên gọi thứ hai của tình yêu và đồng thời là cách thức đặc biệt nhờ đó tình yêu được biểu lộ và thể hiện để chống lại sự dữ đang cám dỗ và vây hãm con người trong thế giới, đang len lỏi tận tâm hồn con người và làm cho con người phải bị trầm luân đời đời dưới hoả ngục” (số 7). Như vậy lòng thương xót Chúa là lòng Ngài nhân từ hảo tâm, muốn tránh cho thụ tạo khỏi chịu sự dữ, nhất là sự dữ do tội lỗi. Thiên Chúa là Tình Yêu, nên Ngài không thể mạc khải Mình là gì khác hơn là Lòng Thương Xót. Dù biết trước con người sa đoạ, nhưng lòng thương xót Ngài đã không chịu thua, Ngài vẫn dựng nên ta cho ta hiện hữu trên trần gian này và trao cho ta một ơn gọi sứ mạng. Lòng thương xót Chúa đã hạ thấp tới những tội nhân hèn thấp nhất. Lòng thương xót Ngài có dư đủ bao la để ôm ấp tất cả số lượng tội lỗi khổng lồ của nhân loại và xóa đi bằng Máu châu báu của Con Một Ngài. Về phương diện thể xác, lòng thương xót Chúa đã khiến kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng Tin Mừng. Về phương diện tinh thần, Ngài còn làm những sự lạ lùng hơn nữa: cho tội nhân nên thánh thiện, kẻ trắc nết nên trong sạch, kẻ dốt nên khôn, người yếu đuối nên nghị lực ..., sự hư vô nên con Thiên Chúa. “Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi Người còn muôn thuở” (Tv 117,1). Để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời mình và ca ngợi tình thương xót của Chúa, chúng ta hãy xin Đức Maria giúp chúng ta mặc lấy tâm tình của Mẹ, vì Mẹ là người đã khám phá, đã cảm nghiệm lòng thương xót Chúa một cách sâu xa: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Mẹ cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa qua mỗi biến cố: - Ngày sinh nhật, Mẹ ca tụng lòng thương xót Chúa đã đưa Mẹ từ hư vô ra hiện hữu, chỉ có tình yêu mới thúc bách Ngài dựng nên Mẹ để yêu thương Mẹ. - Năm lên ba, Mẹ đã dâng mình vào Đền Thờ để hiến thân phụng sự Thiên Chúa,vì Mẹ hiểu tình yêu chỉ được đáp trả bằng tình yêu. - Ngày được truyền tin, Mẹ cảm thấy Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ và yêu thương loài người quá mức vì đã ban con Một yêu dấu cho Mẹ và cho nhân loại, nên thưa lời xin vâng. - Khi cưu mang và sinh hạ Chúa, Mẹ cảm nhận lòng thương xót Chúa khiến Chúa trở nên Đấng Emmanuel: Thiên Chúa đến và ở giữa nhân loại, mặc lấy bản tính nhân loại, hầu nâng con nguời làm con Thiên Chúa. - Khi giới thiệu với mục đồng, Mẹ xác tín Chúa đến để xoá mọi bất công, chỉ đường ngay nẻo chính, đem lại bình an đích thực cho nhân loại, vì Ngài là Hoàng Tử Hoà Bình cho những tấm lòng thiện tâm. - Khi dự tiệc cưới Cana, Mẹ thấy nhu cầu khốn khổ của con người nên vững tin vào lòng thương xót Chúa mà trình bày lên Chúa Giêsu và dạy các gia nhân làm theo lời Chúa dạy. - Khi Chúa Giêsu bị từ chối tẩy chay nơi quê hương, Mẹ cảm thông dằn vặt cùng với lòng thương xót Chúa, vì lòng Chúa mong muốn thi ân giáng phúc mà cõi lòng con người vẫn hững hờ khép kín. - Khi Chúa làm các phép lạ, Mẹ cảm nghiệm lòng thương xót Chúa là nguồn an ủi, là niềm cậy trông của những con người khốn cùng. - Khi Chúa lập bí tích Thánh Thể, Mẹ đã hân hoan và tôn thờ lòng thương xót Chúa, vì Thánh Thể Chúa đã trở nên lương thực, ánh sáng, sức mạnh và hạnh phúc cho loài người khốn cùng. - Trên đồi Golgotha, Mẹ nhìn thấy lưỡi đòng mở rộng Trái Tim Chúa tuôn ra nhưng giọt nước và máu cuối cùng. Mẹ hiểu Thiên Chúa đã yêu thương đến cùng, nên Mẹ “đã cùng chịu đau khổ cách khủng khiếp với Con và liên kết với Hy Lễ bằng tình mẫu tử, yêu thương đồng thuận với lễ phẩm bị sát tế do lòng Mẹ sinh ra” (LG 58). - Trong nhà Tiệc Ly, Mẹ đã ý thức Chúa sắp đổ lòng thương xót trên các tông đồ nên Mẹ nên đã chuẩn bị cho các tông đồ để đón nhận lòng thương xót dưới hình lưỡi lửa.,… Nếu chúng ta chỉ chú ý đến lòng thương Chúa qua mọi biến cố như Mẹ, chắc chắn chúng ta sẽ sung sướng cảm nghiệm mình tràn ngập trong đại dương bao la của lòng thương xót Chúa, hệt như con cá bơi lội trong đại dương xanh trong, như cánh chim bay trên bầu trời lộng. Điều này sẽ tạo nên một sức hoán cải liên lỉ và thúc đẩy chúng ta để cho tình yêu Chúa lòng nhân từ Ngài hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống. “Để một ngày nào đó ta được trở nên hình ảnh tình yêu lòng thương xót Chúa thì ta phải đưa tình yêu vào hết mọi việc ta làm. Phải làm tất cả vì yêu mến, những việc khiêm nhường, hãm mình, bác ái huynh đệ, kinh nguyện, công việc trong ngày... Tóm lại, hết mọi tiểu tiết đời ta phải là cách biểu lộ tình yêu. Tất cả phải lấy sinh khí từ sự say mê cao độ nhất, say mê Thiên Chúa, Đấng yêu mến của lòng ta. Tình yêu phải là chủ âm bản nhạc đời ta” (Paul Jacgher SJ, Đức ái). |
|