Chúa Nhật - LỄ CHÚA BA NGÔI
CHÚA BA NGÔI
      

“Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19)

Thưa các bạn quý mến,

Giả như có người hỏi chúng ta rằng suốt cuộc đời của bạn, bạn gắn bó với ai nhiều nhất? Có thể có nhiều đối tượng thân thương yêu kính được chọn để trả lời. Sẽ là người cha, người mẹ, người chồng, người vợ, người thầy, người bạn, người yêu, đồng nghiệp,...

Nhưng đặc biệt người đó là ai, nếu chúng ta là Kitô hữu?

Mỗi sáng khi thức giấc sau một đêm dài, một thói quen đạo đức không thể thiếu được khi còn trên giường, đó là đưa tay làm dấu Thánh Giá trên mình: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen” rồi thầm thì tạ ơn và cầu nguyện.

Mỗi khi bắt đầu Thánh Lễ, khởi sự giờ kinh, dấn thân vào một công việc, đi đường,... dấu Thánh Giá nhân danh Ba Ngôi vẫn là một cử chỉ của niềm tin yêu và hy vọng.

Trong việc lần chuỗi Mân Côi, sau mỗi một chục kinh Kính Mừng khi suy niệm một mầu nhiệm nào đó trong cuộc đời của Chúa Kitô hay của Đức Maria, người tín hữu vẫn đọc: “Sáng danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”. Điều đó ngụ ý nói lên mọi việc đều phải quy về Thiên Chúa Ba Ngôi, để phụng sự tôn vinh Chúa Ba Ngôi muôn đời.

Trong Phụng Vụ, mỗi khi kết thúc các lời cầu nguyện, Hội Thánh vẫn luôn dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi lời khẩn nguyện rất trang trọng: “Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen”.

Có khi trong lời cầu nguyện riêng, người tín hữu vẫn thầm thì: “Lạy Cha, nhân danh Con yêu quý của Cha là Đức Giêsu Kitô, là Chúa, là Thầy, là Bạn Đường, là Tri Âm và Người Yêu của con, trong sự tác thánh của Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá mọi sự, thánh hóa mọi loài và đang thánh hoá con, con xin hợp với Đức Maria Thánh Giuse cùng các thiên thần các thánh, con xin chúc tụng tôn vinh và yêu mến Cha,....con xin Cha....”. Điều đó như muốn nói lên chúng ta đang ngụp lặn trong cung lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính nhờ Chúa Ba Ngôi mà chúng ta sống, chúng ta hoạt động và chúng ta hiện hữu. Các nhà thần học vẫn nói đời sống của Ba Ngôi là một hiệp thông tình yêu tuyệt vời, tình yêu hướng nội nơi Ba Ngôi yêu nhau và tình yêu hướng ngoại qua công cuộc sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá.  Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta hãy theo gương đó, để nên một ngọn nến sáng soi đường và tỏa hơi ấm cho thế gian lạnh lẽo băng giá thiếu vắng tình yêu này.

Cuối cùng, mỗi thánh lễ trọng hay Chúa Nhật, mọi người đều tuyên xưng đức tin qua Kinh Tin Kính. Và điều tuyên xưng đầu tiên chính là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, .... Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa,....Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa...”. Trong kinh này, Chúa Cha là Đấng sáng tạo muôn loài muôn vật, Chúa Con xuống thế nhập thể làm người cứu chuộc nhân loại, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá con người cho thành người môn đệ Chúa Kitô. Như vậy cuộc đời của chúng ta gắn bó mật thiết với Chúa Ba Ngôi, cả cuộc đời lữ hành này và trọn cuộc đời mai sau, cho tới khi được hưởng kiến Tôn Nhan Thiên Chúa bất tận.

Như thế, mỗi lần làm dấu Thánh Giá,  đọc kinh Sáng Danh hay cầu nguyện, chúng ta được dẫn vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và sống mầu nhiệm lớn lao nhất và cao cả nhất trong Đạo. Chúng ta chẳng khác nào con cá nhỏ được sinh ra trong đại dương, lớn lên, vùng vẫy bơi lội trong đại dương, và khi về già rồi chết đi được đại dương giang rộng đôi tay ôm trọn vào lòng. Cho nên, Đấng mà chúng ta gắn bó suốt cuộc đời phải là Chúa Ba Ngôi toàn thương cực thánh thôi, thưa các bạn. Và chính Chúa Ba Ngôi đã muốn gắn kết với chúng ta, vì Chúa biết chỉ nhờ sự gắn bó này, chúng ta mới có thể thực thi thánh ý Ngài, đạt tới viên mãn Chúa định và chiếm trọn gia nghiệp vĩnh cửu Ngài ban tặng.

Để sống với Chúa Ba Ngôi cách tốt hơn, chúng ta nên nhờ Đức Maria. Đức Maria đã được Thiên Chúa Cha tuyển chọn để làm mẹ của Con Một Chúa nhập thể làm người, Chúa Con đã ưng thuận xuống thai trong cung lòng đồng trinh vô nhiễm Mẹ, nhờ quyền phép của Chúa Thánh Thần. Công đồng Vaticano II vì thế đã cao rao trong chương 8 Hiến chế Giáo Hội: “Đức Maria đã lãnh nhận sứ mạng và vinh dự cao cả là đượcm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó m ái nữ của Chúa Cha và là cung thánh của Chúa Thánh Thần” (số 53). Với vị thế vô tiền khoáng hậu đó, Mẹ Maria ra như chạm tới biên cương thần tính khi gia nhập vào Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Maria vẫn là con người, nhưng Mẹ đã sống với Chúa Ba Ngôi trong một tương quan đặc biệt, Mẹ đã sống với Chúa Cha trong tư cách là ái nữ, sống với Chúa Giêsu trong tư cách là mẹ, và sống với Chúa Thánh Thần như một hiền thê mầu nhiệm sinh ra Chúa Giêsu và đoàn em đông đúc là các tín hữu. Ắt hẳn, Mẹ là mẫu gương cao đẹp nhất dạy chúng ta sống với Thiên Chúa trong tư cách là con hiếu thảo với Cha, là môn đệ là em nghĩa thiết của Thầy Giêsu, ngoan ngùy dưới sự tác thánh của Chúa Thánh Thần, để nên nhân chứng của Chúa Kitô trong mọi nơi mọi lúc. Chỉ cần các tín hữu biết hiếu thảo, tôn kính, mến yêu, cậy nhờ và phó thác nơi Mẹ, thì mọi sự trên đều khả thể.

Chúng ta cùng cầu nguyện:

“Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hoá muôn loài xuống trần gian mặc khải cho biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa là Thiên Chúa và và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Tổng nguyện nhập lễ Chúa Ba Ngôi).