Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B
NHƯ CÀNH LIỀN CÂY
 

“Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai ở trong Thầy, kẻ ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4.5b)

Thưa các bạn thân mến,

Nếu là người ở thôn quê, có lẽ một hình ảnh thân quen chúng ta sẽ thường thấy đó là nơi vườn hoa, giàn mướp bầu bí hoa vàng, có những cánh bướm, con ong đang mải miết bay vờn tìm hoa hút mật. Hình ảnh ấy thật ý nghĩa cho đời sống. Cũng như con ong chẳng thèm đậu lại những nơi dơ bẩn nhưng đậu đài hoa, hồn chúng ta cũng chỉ dừng lại an cư hút mật thần linh nơi Đức Kitô, và gây trong lòng mình một thứ mật thần linh là sự sống viên mãn của Ngài.

Đó là ý tưởng của Lời Chúa trong Chúa Nhật V mừng Chúa Phục Sinh. Đức Giêsu Kitô mời gọi chúng ta hãy nên như những cành nho gắn liền với thân nho là Ngài, đến mức không thể phân ly tách rời mới được (x.Ga 15,1-8). Điều đó sẽ tạo nên một hiệu quả lớn lao khôn lường: những gì vốn có trong thân cây thần linh Giêsu cũng sẽ chảy tràn vào chúng ta là những cành cây thông hiệp. Còn như cành không liền cây, thì ôi thôi, lửa đỏ đốt cháy là số phận, là kỷ phần.

Nếu cành nho gắn liền với thân nho thì cái gì có ở thân cũng sẽ có ở nó. Cành sẽ sinh nhiều hoa trái và sẽ trở nên mạnh mẽ, như giọt nước hòa nhập vào đại dương. Trong ta sẽ tiếp diễn sự yên lặng và khiêm tốn của Chúa, sự trong sạch và bác ái của Chúa, sự hiền hậu và nhịn nhục của Ngài, sự thánh thiện của Chúa Kitô thành sự thánh thiện của ta, sự trong sạch của Ngài thành sự trong sạch của ta, sự khiêm tốn của Chúa thành sự khiêm tốn của ta,..v.v... (phỏng trích Đường Nhỏ Mến Yêu, Consolata Betrone).

Như vậy, cũng có nghĩa là Chúa Kitô thông truyền sự sống thần linh của Ngài cho ta, để ta tiếp diễn cuộc sống của Chúa trên trần gian, chính xác là để ta được Chúa sống trong mình: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20). Sự kết hợp sâu xa mật thiết ấy bắt nguồn từ tình yêu, là bản chất của tình yêu, và là hệ quả tất nhiên của tình yêu. Cốt yếu vẫn là phải đáp trả tối đa lời của Đức Kitô: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,15.17), phải không, thưa các bạn?

Nhưng cũng có thể nói rằng để sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, ta cần nhờ sự phù trợ đặc biệt của Đức Maria và noi gương bắt chước Người. “Với tư cách là Mẹ và Trinh Nữ, Đức Maria đã kết hợp đặc biệt với Chúa khi Người đến lần thứ nhất, và nhờ sự cộng tác liên tục với Chúa, Mẹ còn kết hợp với Người trong khi chờ đợi Người đến lần thứ hai” (Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater số 41).

Vậy Đức Maria kết hợp với Chúa Kitô về thể lý và về tinh thần như thế nào?

Về phương diện thể lý, có sự gắn kết nào chặt chẽ hơn sự gắn kết giữa người mẹ và người con mà bà cưu mang, sinh thành và dưỡng dục? Quả thế, chính Đức Maria đã cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và giáo dục Chúa Giêsu theo khía cạnh nhân loại, đến nỗi Mẹ đích thực là Người Mẹ cao trọng của Đấng Cứu Chuộc thần linh (x. LG 61). Nhờ sự kết hợp thể lý này mà “Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại nơi Mẹ, để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ vào các mầu nhiệm của thân xác Chúa” (Hiến chế Lumen Gentium 55). Cho nên, bởi sự thụ thai đồng trinh của Mẹ mà các thánh đã không ngần ngại quả quyết rằng huyết nhục của Chúa Giêsu là bởi huyết nhục của Đức Maria: “Caro Christi Caro Mariae”. Vậy hãy năng kết hợp với Thánh Thể Chúa Kitô.

Nếu sự kết hợp về mặt thể lý của Mẹ và Chúa Giêsu thật đáng chúc tụng ngợi khen - như lời một người phụ nữ khi tiếp xúc với Chúa Giêsu đã thốt lên: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” (Lc 11,27) - thì Mẹ càng đáng được tôn vinh chúc tụng hơn biết bao, vì đã kết hợp với Chúa Giêsu trên phương diện tinh thần. Thật vậy, khi Sứ Thần truyền tin, Đức Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn cũng như trong thân xác, với trọn vẹn ý chí, tự do và hiểu biết của mình: “Này tôi là nữ tỳ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền” (Lc 1,38). Từ đó, “điệp khúc xin vâng như gắn liền với cuộc sống của Mẹ, và vì đó Mẹ càng kết hợp sâu xa với Ngôi Lời” (Điệp Khúc Xin Vâng, Elis Francis).

Không chỉ chấp nhận lời Thiên Chúa để trở nên Mẹ thật của Đấng Cứu Thế, Mẹ còn chuyên chăm đón nhận lời của Chúa Giêsu khi lưu giữ các điều ấy và suy niệm trong lòng, vì đó là “những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, mà hễ ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì được tuyên dương chúc phúc như chính Mẹ hằng thực hành trung tín (LG 58). “Ai giữ các giới răn Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà người đã ban cho chúng ta” (1Ga 2,24). Vậy, hãy luôn gắn nghe và thực hành Lời hằng sống.

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta hãy ngước mắt chiêm ngưỡng và noi theo mẫu gương sáng ngời về sự kết hợp với Chúa Giêsu của Mẹ Maria. Nếu chúng ta thành tâm tận hiến đời mình cho Mẹ - theo Thánh Louis Montfort -, nghĩa là yêu mến Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, đặt hết tín nhiệm và hy vọng vào Mẹ, phó thác toàn thân cho Mẹ, thì chúng ta đang đi trên con đường ngắn hơn, bảo đảm hơn, dễ dàng hơn và tuyệt hảo để đạt tới hiệp nhất với Chúa Kitô, vì “những ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Nữ Trinh trên nhân loại không ngăn trở gì, trái lại, còn giúp đỡ các tín hữu kết hợp trực tiếp với Chúa Kitô” (LG 60).

Thưa các bạn quý mến,

 “Sống mà không có một người bạn để thổ lộ tâm tình, để chia vui sẻ sầu, đó là sống khổ. Nhưng ngoài Chúa Giêsu, ai sẽ là người bạn tâm phúc đó? Trong các bạn hữu, Chúa là Người Bạn trung tín nhất, thân mật nhất và đáng tín nhiệm nhất.

Lạy Chúa Cứu Chuộc con, xin hãy là đối tượng tuyệt đối của lòng con. Xin làm cho con sống bằng tinh thần Chúa, theo gương Chúa, trung thành với ơn Chúa và tùng phục lệnh Chúa. Con quyết sống cho Chúa, vì Chúa và trong Chúa, để bắt đầu ở đời này công việc con mong làm trên Trời là được Chúa và yêu Chúa đời đời” (Gương Chúa Giêsu).