Chúa Nhật XXVII - Thường Niên - Năm B
BỀN VỮNG
SƯU TẦM

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tuyên bố cho những người Pharisêu cũng như cho mọi người biết chủ trương của Ngài về hôn nhân và cũng là lề luật của Thiên Chúa, là vợ chồng phải nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly, tức là chỉ được một vợ một chồng và phải sống chung thủy với nhau suốt đời. Nói khác đi, Chúa Giêsu không chấp nhận đa phu đa thê và ly dị. Tại sao Chúa Giêsu lại chủ trương như vậy và đòi hỏi mọi người phải sống như vậy?

Trong báo Tuổi Trẻ Cười số 3 phát hành vào đầu tháng ba năm 1984, có một bài đầu đề là “Hôn nhân kiểu Mỹ” kể rằng: chuyện thay vợ đổi chồng như thay áo của người Mỹ cũng đáp ứng nhu cầu tiện dụng, bởi vì mọi thứ trong cuộc sống của họ đều phải tiện dụng, đều mang dấu vết những sản phẩm chế tạo hàng loạt. Khi nói như vậy tác giả bài báo này có dụng ý nói rằng: chuyện bỏ nhau, chuyện thay vợ đổi chồng ở Mỹ rất nhiều và rất dễ dàng. Mọi người dân Mỹ đều thuộc làu bộ luật ly dị, vì nó giản tiện hơn những bộ luật khác.

Đó là chuyện của xứ người, còn ở xứ ta thì sao? Báo chí cho biết: tại thành phố Hồ Chí Minh, qua thụ lý sơ thẩm của các tòa án quận huyện, được tòa án thành phố tổng hợp, thì hiện tượng ly hôn đã gia tăng đáng kể, đến mức báo động trong những năm gần đây. Báo chí còn cho biết thêm: phần đông đơn xin ly hôn là của những đôi vợ chồng ở lứa tuổi 30 tới 40 và có rất nhiều đôi vợ chồng mới lấy nhau từ một đến năm năm. Có bài báo, sau khi đã kể ra một số lý do dẫn đến ly hôn, đã kết luận: có những trường hợp có lý do chính đáng, nhưng cũng có những trường hợp lý do đưa ra xin ly hôn thật lẩm cẩm. Một số dẫn chứng trên cho thấy tình trạng hôn nhân ngày nay và củng cố cho điều Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay.

Bước vào hôn nhân, tất cả mọi người, ai cũng muốn được hạnh phúc, trọn đời yêu thương, và cuộc tình không phải chỉ là chuyện tháng ngày, vui thì ở, chán thì chia tay, nhưng trái lại, luôn bền vững, tươi đẹp. Chính Chúa Giêsu cũng mong muốn như thế, nên Ngài đã nâng sự kết hợp vợ chồng lên hàng bí tích, nghĩa là một sự kết hợp thánh thiện, bền chặt, biểu tượng của sự kết hợp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Sự kết hợp này keo sơn và bền chặt, ngoài sự chết, không sức mạnh nào, không uy quyền nào có thể chia lìa. Vì thế, khi những người Pharisêu đến chất vấn Chúa: có được phép ly dị để lấy người khác không? Hẳn là họ muốn hỏi: có được thay vợ đổi chồng, đa phu đa thê không? Họ còn nại đến thế giá của ông Môsê để hỏi thử Chúa. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đã điềm đạm nhắc lại cho họ biết luật nguyên thủy của Thiên Chúa là một vợ một chồng, còn việc ông Môsê cho phép bỏ nhau để lấy người khác là vì lòng dạ dân chúng thời đó cố chấp, nên ông Môsê phải nhường bộ, chứ thuở ban đầu đâu có thế. Như vậy, Chúa Giêsu đã chính thức rút lại luật Môsê và thay thế những gì là hủ tục trong Cựu ước bằng luật Tân ước, nghĩa là Chúa chính thức xác nhận luật nhất phu nhất phụ và bất khả phân ly của hôn nhân, đồng thời Chúa đòi hỏi mọi người phải sống theo luật lệ này. Vì thế từ xưa cho đến nay, Giáo hội vẫn luôn trung thành tuân giữ.

Hôn nhân là vấn đề tình yêu, một tình yêu chân chính không chấp nhận chia sẻ, phân tán. Khi yêu người ta muốn chiếm trọn, muốn được chung tình, chứ không ai muốn chung chạ hay nửa đường đứt gánh. Vì thế, bất cứ khi nào tình yêu bị sứt mẻ, bị chia sẻ, bị phản bội, người ta sẽ không quản gian nguy, không ngại tai tiếng, không ngại hy sinh, để quyết bảo vệ cho kỳ được tình yêu đó, như đánh ghen, đập phá, chém giết, thuê người hành hung, tạt át xít tình địch… Tất cả những hành động đó không ngoài mục đích đòi quyền yêu và được yêu một cách tuyệt đối trong hôn nhân, không ngoài mục đích bảo vệ đạo chung thủy của vợ chồng.

Không thể có hạnh phúc trong những gia đình chồng đèo bồng vợ lang chạ, trái lại, khi “sợi giây” tơ hồng bị xé lẻ thì biết bao cảnh hỗn loạn tang thương xảy đến cho gia đình, vợ chồng sẽ không còn lòng quảng đại để tha thứ và để cảm thông nhau như trước nữa, bầu khí gia đình ngột ngạt, nghi kỵ, hằn học, ăn miếng trả miếng sẽ bùng nổ từ đây, và không sớm thì muộn sẽ đi đến chỗ đưa nhau ra tòa đòi ly dị. Tình trạng bi đát này sẽ gây nên nhiều đau khổ cho hai người.

Nhưng hậu quả tai hại nhất của gia đình ly dị là số phận con cái. Thật bất hạnh cho chúng, sinh lầm trong những gia đình bất hòa ấy: tâm tư tình cảm chúng bị đầu độc, chia sẻ, tình huynh đệ bị sứt mẻ héo tàn, tuổi trẻ mơ mộng bị hoen ố, lòng chúng hoang mang, mặc cảm, chán chường. Tội ác phát sinh ra tội ác, từ một gia đình thiếu tình yêu, chúng càng khao khát tình yêu khi nhìn đến anh em của những gia đình khác, chúng muốn tình thương mà lại thiếu tình thương, chúng muốn thoát ly gia đình để đòi hỏi một sự bù đắp nào đó, đòi hỏi không được thì càng gào thét, đập phá, quấy rối… và trở thành những trẻ em hư hỏng.

Trong phạm vi tự nhiên mà đã nguy hại như thế huống chi là phạm vi siêu nhiên. Gia đình là nền tảng của Giáo hội, là tế bào sống của Giáo hội. Nếu tế bào đó không sống, bị hư hỏng thì nhiệm thể đâu còn có lành mạnh được. Chúa nói: “Gia đình nào chia rẽ là tự hủy”. Trường hợp đau thương đó nếu còn được người cha hay người mẹ biết chịu đựïng, nhẫn nại, hướng dẫn các con thì còn hy vọng cứu vãn được con cái, nhưng nếu “ông ăn chả bà ăn nem” thì sẽ không còn mảnh đức tin nào nữa. Chúa Kitô đã xác định rõ ràng: “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly”, phân ly là mất mát, là chết chóc.

Nếu thực tại hôn nhân ngày nay đã lệch chính đạo và xa rời ý muốn của Thiên Chúa, thì nhiệm vụ đưa hôn nhân trở về nguồn là một vinh dự và cũng là một trọng trách của đôi bạn đã kết ước, của các bậc cha mẹ, của các gia đình, và của hết mọi người có nhiệm vụ rao truyền lời Chúa cho muôn dân.