Chúa Nhật XXVII - Thường Niên - Năm B |
HỌ CHỈ LÀ MỘT XƯƠNG MỘT THỊT |
Chú giải của Fiches Dominicales |
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI 1) Từ cuộc tranh luận "khi đi đường” Đã hai lần (và sẽ còn một lần thứ ba nữa) Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người. Trên đường lên Giêrusalem, nơi Người sẽ chịu khổ nạn và chịu chết, Người tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. "B.Standaert nhận xét như sau: "Việc Maccô ghép giáo huấn luân lý của ông vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô thật đáng suy nghĩ: Thay vì lên lớp dạy luân lý, hoặc trích luật này luật nọ trong Kinh Thánh, ông- nhìn nhận chỉ có một nền tảng duy nhất cho đời sống luân lý Kitô giáo là việc noi gương Đức Kitô. Những trình thuật quan trọng loan báo số phận của Con người thật ra không gì là khích lệ, nhưng chính từ đinh mệnh Đức Kitô, ta sẽ hiểu được những đòi hỏi thực tế của Kitô giáo. Do đó, ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống đó có những đòi hỏi quyết liệt, không khoan nhượng”. Ông nhận xét tiếp: "Theo Maccô trình bày, noi gương Đức Kitô là chìa khoá của tất cả đời sống luân lý. Sự tương cận giữa đời sống Đức Giêsu và đời sống người Kitô hữu mà Maccô đề ra vẫn là gương mẫu cho nỗ lực tìm hiểu đời sống Kitô giáo. Maccô mời gọi ta suy nghĩ lại cả những thực hành, hoạt động, bi kịch và ước vọng của ta dưới ánh sáng duy nhất của tấn thảm kịch mà Đức Giêsu đã trải qua: "bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại" (9. 31) ("L'evangile selon Marc", Cerf, trang 78-79 và 81). - Có lẽ ở Giuđê, nơi dân cư là người Do thái sống chung quanh thủ đô Giêrusalem, Đức Giêsu chạm trán với nhóm Pharisêu. Nhóm này muốn thử thách Người nên đặt vấn nạn về vấn đề ly hôn: "Chồng có được phép rẫy vợ không? " Vào thời đó, việc chồng rẫy vợ trên nguyên tắc được mọi người chấp thuận. Sách Đệ Nhị luật 24,1 có viết: "Nếu một người đàn ông đă lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà”? Người ta chỉ bất đồng ý kiến về lý do mà người đàn ông viện ra để rẫy bỏ vợ mình. + Phái bảo thủ, muốn bênh vực quyền lợi cho người đàn bà trong xã hội do đàn ông thống trị, (môn phái Shammai) chỉ nhận duy nhất một lý do là hợp pháp: đó là thói lăng loàn bất trị của người vợ, hoặc một hành động khiến có thể nghi ngờ lòng chung thuỷ của nàng. + Phái tự do (môn phái Hillel) cho phép rẫy bỏ vợ bất cứ vì lý do nào, thí dụ như vô sinh, hiếm muộn, gặp được người đàn bà khác mình thích hơn, hoặc chỉ vì nấu ăn dở. Nhóm Pharisêu tự hỏi xem Đức Giêsu sẽ gia nhập phái nào? Nhưng họ cũng biết quá rõ, cho dầu chọn môn phái nào, Người cũng bị sập bẫy. Vì người ta sẽ chụp mũ Người là “cứng cỏi” hoặc là "buông thả" đối với Lề Luật thánh, và như vậy, không ai còn tin giáo huấn của Người. - Nhưng Đức Giêsu không rơi vào cạm bẫy của họ. Người trả lời bằng một câu hỏi: "Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? Khi dùng từ truyền dạy, Người buộc những người chất vấn phải nhìn nhận công khai, đó không phải "một lệnh truyền" của Môsê, mà chỉ là một nhân nhượng vì lý do nhân đạo. Họ thú nhận: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”. Bấy giờ, Đức Giêsu nại đến một quyền lực cao trọng hơn quyền lực của Môsê trong việc cắt nghĩa Lề luật. Như những lần tranh luận về ngày Sabát, ở đây, Đức Giêsu cũng nại đến ý Thiên Chúa từ thuở ban đầu: "Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, vì thế người đàn ông sẽ "lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Việc rẫy vợ, dù rằng có trao tờ ly hôn chỉ là một nhân nhượng, nó không huỷ bỏ ý muốn ban đầu của Thiên Chúa, và tính cách vĩnh viễn của hôn ước. "Vì thế họ sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". J. Hervieux giải thích: "Ra đời trước sách Đệ nhị luật rất lâu, sách Sáng Thế mà Chúa trích dẫn, đã trình bày sự phối hợp người nam người nữ như nền tảng vững chắc, trên đó nhân loại được xây dựng chớ không bị hủy diệt. Con người được tạo dựng có nam có nữ nên cả hai phái tính đàn ông và phụ nữ đều là "hình ảnh của Thiên Chúa". Sự cao quí của việc kết hợp nam nữ là ở đó. Đức Giêsu rút ra kết luận mà Đấng Tạo Dựng mong muốn: "Vì lý do cả hai thành một xương một thịt". Lời lẽ thật hết sức rõ rệt. Đàn ông và phụ nữ ơn gọi làm nên một tế bào gia đình tự lập. Đôi uyên ương họ tạo lập trở nên một đơn vị nền tảng, phát xuất do mối tương quan tình yêu và giới tính. Cái đơn vị hàng đầu này, được tạo lập do ý định của Thiên Chúa, là một thực thể cần được bảo vệ bằng mọi giá. Đức Giêsu cương quyết nhắc nhủ điều đó "Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly" ("L'evangile de Marc", Centurion, trang 141-142). 2) Đến cuộc chuyện vãn thân mật "ở nhà". Thay vì bị mắc vào âm mưu của các luật sĩ, Đức Giêsu cương quyết tái xác định ý nghĩa sự phối hợp hôn nhân do Thiên Chúa sắp đặt tự nguyên thuỷ; Người không làm luật, Người chỉ đề nghị một thái độ đạo đức cơ bản: đó là đặt mình vào kế hoạch của Đấng tạo thành. Người mở ra con đường khắt khe hơn quan điểm thường tình của người phàm. Cũng thế, vừa khi trở về nhà, (nơi biểu trưng cho những giáo huấn mà Đức Giêsu dạy dỗ riêng các môn đệ) các môn đệ thay thế cho nhóm Pharisêu đặt câu hỏi: Và Đức Giêsu trả lời họ: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác, là phạm tội ngoại tình, đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác cũng phạm tội ngoại tình”. Ta thấy, khi chuyển lời Chúa đến địa chỉ mới là những Kitô hữu gốc ngoại giáo, thuộc thế giới Hy-lạp, nơi mà luật pháp cho phép phụ nữ cũng như đàn ông được quyền tự ý ly dị, Maccô cũng để ý đến hoàn cảnh đặc biệt này. Ông lần lượt nêu ra trường hợp người chồng, rồi người vợ, lìa bỏ người bạn đời của mình; dù cho phía nào gây ra cuộc phân ly cũng sẽ có "ngoại tình" nếu đi lấy người khác, nghĩa là nếu kéo theo cuộc phối hợp khác. J.Hervieux nhận xét: "ý kiến cứng rắn của Đức Giêsu về vấn đề ly dị được áp dụng cho Giáo Hội sơ khai trong bồi cảnh mới mẻ. Đem áp dụng cho Giáo Hội hôm nay cũng không là điều đáng ngạc nhiên. Giáo Hội luôn phải đối mặt với những trường kết hợp vợ chồng bị đổ vỡ rồi tái tạo. Dù sao đi nữa, ta phải luôn nhớ rằng ý kiến của Đức Giêsu không dựa trên quan điểm “ duy luật” và Người luôn dang rộng tay đón tiếp những người bị khai trừ và những kẻ tôi lỗi” (Sđd, trang 142). Tiếp ngay sau giáo huấn này, là việc một số cha mẹ dẫn con họ đến với Đức Giêsu để “Người đặt tay trên chúng” và họ chạm phải phản ứng thô bạo của các môn đệ: các ông thẳng tay đuổi chúng. Ta dễ hiểu phản ứng của các môn đệ, nếu ta nhớ rằng vào Đức Giêsu. Trẻ nhỏ thường bị người lớn khinh thường. Tất cả những chú nhóc chen chúc nhau trong cộng đồng Do thái đều mù tịt về luật Môsê, chúng bị liệt vào hạng “bị khai trừ”, như bệnh nhân, phụ nữ và nô lệ. Bực tức trước thái độ như thế, Đức Giêsu lợi dụng cơ hội này để dạy về thái độ tinh thần mà người môn đệ của Nước Trời phải có: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. "Nếu Vị Tôn Sư nêu trẻ nhỏ ra làm gương mẫu cho người lớn bắt chước, chính là theo quan niệm của thời đó, vì chúng nhỏ bé, nghèo khó, bị khai trừ. Như đã nói, vào thời Đức Giêsu, trẻ nhỏ là "người nghèo": chỉ là một sinh vật hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Nhưng trẻ nhỏ cũng là dấu chỉ sống động cho khả năng biết lắng nghe và tin tưởng. Chính khả năng dễ hoà nhập của trẻ nhỏ là một tấm gương cho các tín hữu. Đức Giêsu long trọng quả quyết điều đó(câu 15). Bởi vậy, ta nhận ra rằng Đức Giêsu luôn lo lắng để uốn nắn cái nhìn của các môn-đệ, mà Người đang đào tạo để trở thành những người lãnh trách nhiệm trong Hội Thánh. Họ cần phải bỏ tính tự cao tự đại (9,33-34), phải trở nên nhỏ bé để đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn khiêm nhượng và rộng mở " (Sđd trang 142). BÀI ĐỌC THÊM. 1) Do bản tính yếu đuối của con người. (H.Vuillez, trong "Dieu si proche. Année B", DDB, trang 158-159). "Do bản tính yếu đuối của con người" đó là câu nói cửa miệng để biện minh cho luật lệ và quy chế. Không có nó, con người sẽ đi về đâu? Có lẽ xã hội sẽ do những người mạnh nhất, hoặc những kẻ xấu nhất thống trị. Luật lệ là điều cần thiết dù ở thời đại nào, hay trong nền văn minh nào cũng vậy. Đó là lời thú nhận về những giới hạn của thân phận con người. Trả lời cho nhóm Pharisêu có ý gây hấn và đầy ác tâm, Đức Giêsu vạch một luống cày để gieo hạt giống cho sự sống vĩnh cửu. "Chính vì lòng chai dạ đá của các ông mà Môsê đã ban hành luật như thế, kể cả luật hôn nhân, để các ông khỏi chìm xuống sâu hơn, đúng hơn để các ông giữ được độ cao và biết đâu, các ông có thể sẽ muốn vươn lên cao hơn”. Một cái nhìn đầy tin tưởng đối với nhân loại! Người không lợi dụng điểm yếu của họ. Người khơi dậy điều tốt nhất nơi họ, điều làm cho một tạo vật nên giống hình ảnh của Đấng Sáng Tạo, tức lương tri và trí tuệ mở rộng vô biên đến tận cõi trời vĩnh phúc. Như vậy, Đức Giêsu dẫn đối thủ của Ngài về với ý định đầu tiên mà cũng là cuối cùng của Thiên Chúa, đó là con người sống hoà hợp với nhau và với vũ trụ. Thiên đường tại thế và Nước Trời. Giữa hai thế giới ấy, những yếu đuối của con người đọc coi là "sự cứng cỏi của con tim”, là trái tim từ chối đập theo nhịp của Thiên Chúa. Là từ chối hoạt động cho sự hòa hợp trong vũ trụ theo ý muốn của Đấng Sáng Tạo". 2) Những đòi hỏi của Tin Mừng về hôn nhân: đường lối khả thi để xây dựng cuộc sống gia đình. (Lettre des Evêques aux Catholiques de France", Cerf, trang 93). Để xem xét mục vụ về bí tích Hôn nhân, chúng ta phơi thực quan tâm đến những điều kiện thực tế hiện nay của đời sống lứa đôi: cuộc sống tạm bợ, bấp bênh về tương lai, bất ổn về đời sống lứa đôi không ngừng gia tăng, đổi thay của thân phận phụ nữ, những vấn đề do việc điều hoà sinh sản đặt ra. Khi để ý đến những điều kiện này, ta có thể trình bày những đòi hỏi của Tin Mừng về hôn nhân như một đường lối khả thi để xây dựng đời sống lứa đôi và gia đình. Một đường lối khả thi, nghĩa là đi theo nó, đôi vợ chồng không bị bỏ rơi nhưng, nhờ sự nâng đỡ của một nhóm hay một cộng đoàn Kitô hữu, chính họ được mời gọi để hiểu rằng Lời Đức Kitô dạy về tình yêu nhân loại đáp ứng được điều sâu thẳm nhất mà cũng mỏng giòn nhất nơi con người". |